Bảo Yên miền đất du lịch tâm linh nổi tiếng thêm một điểm đến Đền Long Khánh
Lượt xem: 1621
Bảo Yên miền đất có hai dòng Sông, nổi tiếng về du lịch tâm linh của cả nước. Bảo Yên hôm nay đã có 7 Di tích lịch sử, trong đó 3 Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, đó là: Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh, Đồn Phố Ràng “Trận Phố Ràng”, đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. 4 Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đó là: Khu căn cứ Cách mạng Việt Tiến, Đồn Nghĩa Đô, Đền Nghĩa Đô và Đền Long Khánh.

Đến với Bảo Yên, du khách di chuyển thuận lợi với đủ các tuyến giao thông: Đường Cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đưa du khách đến với du lịch về cội nguồn của 3 tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai dọc theo Sông Hồng du khách mọi miền đất nước đều biết đến Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Bảo Hà, thờ Quan Hoàng Bảy ( Niên hiệu Cảnh Hưng 1740 -1786), Lễ hội Đền Bảo Hà di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia; hàng năm có hàng vạn du khách tới Đền Bảo Hà chiêm bái, nhất là vào tháng Giêng đầu Xuân và tháng Bảy âm lịch ngày 17/7 ngày chính hội giỗ ông Hoàng Bảy; Chính quyền và nhân dân các dân tộc Bảo Yên lại nô nức tổ chức lễ hội truyền thống Đền Bảo Hà, thu hút hàng vạn du khách đến dâng hương, lễ vật, tỏ lòng thành kính, tâm linh “ uống nước, nhớ nguồn”, linh thiêng Đền ông Hoàng Bảy Bảo Hà. 

Theo Quốc lộ 279, hoặc du khách đi theo tuyến Quốc lộ 70 đến với trung tâm huyện lỵ Bảo Yên, nơi đây có Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia Đền Phúc Khánh, hay còn gọi là “ Thành cổ Nghị Lang”, hiện hữu uy nghiêm trên đỉnh đồi Tấp, soi bóng xuống mặt nước trong xanh Hồ Phố Ràng, bên hàng cây hoa ban trắng, ngát hương. Theo tuyến Quốc lộ 279 đi sang tỉnh Hà Giang, du khách dừng chân đến với bản làng dân tộc Tày, yên bình bên những ngôi nhà sàn truyền thống, thưởng thức hương vị ẩm thực của đồng bào Tày, nghe làn điệu hát then đàn tính du dương, say đắm lòng người… Du khách đến với Nghĩa Đô miền quê nông thôn mới đang phát triển, giàu bản sắc văn hóa dân tộc Tày, nơi đây có Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Đồn Nghĩa Đô “ Chiến thắng Nghĩa Đô” thời kỳ chống Pháp; Đền Nghĩa Đô linh thiêng đang được cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi đây trùng tu, tôn tạo và xây dựng, xứng tầm đón du khách đến chiêm bái.

Xuôi về phía nam theo Quốc lộ 70, Du khách ghé thăm Việt Tiến xã nông thôn mới, miền đất giàu truyền thống Cách mạng, khu Căn cứ Cách mạng Việt Tiến đang phát triển thành khu kinh tế nông nghiệp trồng dâu, nuôi tằm triển vọng của Bảo Yên. 
Nằm ngay cửa ngõ phía nam của tỉnh Lào Cai, xã Long Khánh cách trung tâm huyện lỵ Bảo Yên 20 km, nơi đây có 5 dân tộc anh em: Tày, Nùng, Dao, Kinh, Thái cùng chung sống đoàn kết. Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân xã Long Khánh đang nỗ lực quyết tâm xây dựng Long Khánh trở thành điểm đến Du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng sinh thái hài lòng của du khách. 


Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên Hoàng Quang Đạt tặng hoa chúc mừng xã Long Khánh

Phế tích Đền Long Khánh tọa lạc trên một quả đồi, người dân địa phương thường gọi là Đồi Đền hay Đồi Đình tại Bản 6, xã Long Khánh ngày nay. Đồi Đền có thế hình bát úp, mui rùa, một bên giáp với đường liên thôn, một bên giáp với ruộng nương của Nhân dân. Trên đồi có nhiều cây cổ thụ tạo ra bóng mát quanh năm cho cả khu đồi. Đền Long Khánh còn có tên gọi khác là Đền Tăng Hán Bảo, là nhân vật được thờ tự chính trong ngôi Đền, vì vậy người dân địa phương trong vùng lấy tên nhân vật đặt tên cho Đền. Đền Long Khánh được lập nên trước tiên là thờ thần Thành Hoàng bản thổ. Sau khi cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc (1851-1864) ở Trung Quốc thất bại, năm 1865 Lưu Vĩnh Phúc cùng 200 thủ hạ từ Quảng Đông vượt qua biên giới tiến vào nước ta để lánh nạn, năm 1867 Lưu Vĩnh Phúc kéo quân về Lục Yên thành lập quân Cờ Đen. Lúc này Quan châu Lục Yên là Tăng Hán Bảo, người dân tộc Nùng không chịu khuất phục trước quân của Lưu Vĩnh Phúc, sau nhiều lần đánh nhau ông đã bị chúng bắt đem về quê ông là làng Mùng Hạ (Bản 6 xã Long Khánh, huyện Bảo Yên ngày nay) để xử chém cùng với một số họ hàng thân thích của ông mà chúng bắt được. Trước sự tàn bạo của quân giặc Cờ Đen, một số họ hàng của ông Tăng Hán Bảo sau khi chạy thoát đã đổi sang họ Phùng, họ Lương và hòa nhập sinh sống với Nhân dân trong vùng để tránh sự truy sát của giặc Cờ Đen. Sau khi tàn sát dòng họ Tăng, quân Cờ Đen lập bản doanh tại Mùng Hạ (từ cửa Ngòi Trĩ, xã Long Khánh cho đến Khe Điếu, xã An Lạc huyện Lục Yên ngày nay). Đến giai đoạn giặc Cờ Đen xâm chiếm, cướp bóc dân làng, chém giết người dân vô tội, Quan tri châu Lục Yên lúc bấy giờ là ông Tăng Hán Bảo, người đã có công lao cùng với Nhân dân địa phương đánh đuổi quân giặc Cờ Đen bảo vệ quê hương cứu nước, cứu giúp dân lành khu vực Bảo Yên xưa. Sau khi Ông và quân lính tử trận, người dân lập Đền thờ, thờ tự vị tướng lĩnh có công lao với Nhân dân và đất nước. Người dân thường gọi là Đền thờ Quan Tăng Hán Bảo, ngày nay gọi là Đền Long Khánh, vừa được UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 2018. Để tỏ lòng thành kính, Chính quyền và nhân dân địa phương đang lập miếu thờ Quan Tăng Hán Bảo, trên một quả đồi rộng gần 1ha. Từ đây Cấp ủy, Chính quyền và nhân dân địa phương, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp ủng hộ, công đức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện; xã Long Khánh sẽ xây dựng ngôi Đền Long Khánh tại Bản 6 uy nghiêm, vốn linh thiêng, để đón du khách đến dâng hương, chiêm bái. Bảo Yên sẽ là điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng của vùng Tây Bắc./.     
                                                  
                                                              Hồng Nhung 
                                                         Đài TT-TH Bảo Yên


Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang