Người Mông Bảo Yên gìn giữ sắc màu thổ cẩm cổ truyền
Lượt xem: 1574

Không đơn thuần là chuyện mặc, chuyện trang điểm hay làm đẹp mà còn là lời ăn nét nghĩ, là phong tục, tập quán trong bản sắc văn hóa cổ truyền của đồng bào. Đó là sắc màu thổ cẩm của đồng bào Mông Bảo Yên được đồng bào gìn giữ và phát huy cho đến ngày nay. Có được bản sắc ấy là do sắc màu thổ cẩm có không gian riêng mang tính đặc trưng của người Mông trong vốn sống và địa bàn sống của dân tộc mình. 

Sinh thành từ trong lòng bản Mông…
Người Mông định cư từ lâu đời trên địa bàn các xã Vĩnh Yên, Tân Tiến, Xuân Thượng, Điện Quan, Xuân Hòa…của huyện Bảo Yên. Từ trên những đỉnh núi mờ sương, những ngôi nhà cheo leo, chênh vênh là nơi tổ ấm của những con người suốt đời bám núi, bám mây để mưu sinh. Cũng trong không gian ấy, cây lúa, cây ngô, cây sắn cho bát cơm ăn thì tấm vải cho cái mặc và từ đó, những vốn văn hóa của đồng bào Mông Bảo Yên được hình thành từ trong chính cuộc sống của họ. 
Những người phụ nữ Mông ở Bảo Yên tự tay mình thêu những chiếc váy thổ cẩm


Ông Sùng Seo Chu- Trưởng bản Mông Lùng Ác xã Vĩnh Yên cho biết: Người Mông ở Lùng Ác luôn tự tay mình thêu dệt những tấm thổ cẩm để may váy áo. Người phụ nữ Mông ở đây rất khéo léo và kiên trì để trang điểm cho mình. Thế mới biết, dù sống trên núi cao, đường đi lại khó khăn, điều kiện còn thiếu thốn nhưng người Mông Bảo Yên luôn tự hào vì họ luôn tự tay mình làm thành bản sắc của dân tộc mình. Điều đó làm cho vốn văn hóa Mông nơi đây không lẫn với bất kỳ dân tộc nào trên cùng địa bàn và ở những vùng đất khác.
Người Mông Bảo Yên rất khéo léo và chăm chỉ. Nhất là những người phụ nữ. Vì sinh ra và lớn lên trong lòng bản Mông, những người phụ nữ nơi đây luôn tự tay mình khâu, thêu thùa cho mình những bộ váy thổ cẩm như ý và rực rỡ sắc màu. Người con gái Mông Bảo Yên khi đến tuổi trưởng thành là phải biết nấu cơm, biết lên nương trồng ngô trồng lúa, biết hát điệu dân ca quê mình và một việc quan trọng là phải biết dệt những tấm thổ cẩm mang màu sắc Mông để may váy áo. 

Để may được bộ váy áo Mông, người Mông Bảo Yên phải vừa khéo léo, vừa cầu kỳ và phải kiên trì. Từ khau xe sợi, chọn chỉ màu đến khâu dệt, trang điểm hoa văn. Mọi khâu đều hết sức tỉ mỉ và nghệ thuật. Vì vậy, người phụ nữ Mông ở Bảo Yên rất chăm chỉ. Lên nương rẫy, chăn ngựa, xuống chợ hay đi đường và cả những lúc ngồi bên bếp lửa, bàn tay của người phụ nữ Mông Bảo Yên luôn xe sợi để làm nguyên liệu dệt thành thổ cẩm. Sự kiên trì của họ không phải kéo dài một hai ngày mà có khi đến tận hằng năm trời mới đủ để làm thành một tấm thổ cẩm như ý. Trang phục thổ cẩm của phụ nữ Mông gồm áo xẻ ngực, váy, thắt lưng và xà cạp. Dù là bộ phận nào đi nữa thì đều rất hài hòa trong hoa văn họa tiết, rất rực rỡ sắc màu. Vì vậy, khâu xe lanh dệt vải là khá tốn thời gian. 

Trên chiếc váy áo thổ cẩm của người phụ nữ Mông ở Bảo Yên, mỗi hoa văn, họa tiết được trang trí cầu kỳ không phải do ngẫu hứng mà đều xuất phát từ một quan niệm về triết lý nhân sinh trong cuộc sống của đồng bào. Trên các bản Mông ở Bảo Yên, những lúc nhộn nhịp nhất, rực rỡ sắc màu thổ cẩm nhất là dịp tết đến xuân về hoặc vào dịp gia đình nào có con gái sắp gả chồng. Cô gái Mông về nhà chồng phải tự tay mình thêu, may bộ váy áo đẹp nhất, rực rỡ nhất, tấm chăn thổ cẩm rộng và đẹp, gối thổ cẩm, túi thổ cẩm. Như thế nhà chồng mới ưng ý. 

Còn dịp tết đến xuân về, khi cây mận đầu núi bung nở hoa trắng thì những người phụ nữ Mông ngồi đầu nhà, bên ven suối hay bên những mỏm đá sườn núi dưới cái nắng ấm áp thêu những đường họa tiết trên bộ váy áo. Khi xong, họ mang đi giặt và phơi tất cả trên các tảng đá lớn bên sườn núi. Đó là một bức tranh đậm sắc màu văn hóa bản địa được đồng bào Mông Bảo Yên “thêu dệt” từ bao đời nay.
Rực rỡ chợ phiên
Không gian thổ cẩm ở chợ phiên Bảo Yên. 


 Đã thành truyền thống, chợ phiên xã Vĩnh Yên (Bảo Yên- Lào Cai) họp tuần một lần vào sáng thứ bảy. Đồng bào Mông, Tày trên núi cao đi chợ như đi hội vậy. Cả tuần náo nức chuẩn bị mọi thứ để xuống chợ. Phiên nào cũng vậy, đồng bào Mông mang theo sắc màu thổ cẩm làm rực rỡ chợ phiên…

Chợ nằm ở trung tâm xã Vĩnh Yên, được xây dựng khang trang ngay ven đường. Chợ có đủ thứ nào là thịt lợn, gà, vịt, các loại bánh, rau củ…nhưng không bao giờ thiếu thổ cẩm. Người Mông ở đây vẫn bảo: Đó là “đặc sản” của bản mình. Để có được những gian hàng rực rỡ những váy, áo, vải thổ cẩm, những ngày trên núi cao, những sơn nữ Mông ở các bản Lùng Ác, Tổng Kim, Nặm Xoong luôn tay thêu thùa và may vá những tấm thổ cẩm đầy hoa văn họa tiết để mang xuống chợ bán. 

  Những ngày nắng đẹp, họ mang những chiếc váy hoa, những tấm thổ cẩm phơi ra những mỏm đá triền núi trông thật đẹp. Thổ cẩm xúng xính theo người Mông xuống chợ. Dọc con đường từ bản xuống núi, những phụ nữ Mông từng tốp một mặc váy áo thổ cẩm sặc sỡ sắc màu. Từ chiếc khăn vấn trên đầu, khăn quàng cổ, áo váy, sà cạp bó chân, tất cả đều rất đẹp và đậm màu thổ cẩm. Bước đi của những sơn nữ thật nhanh cho kịp xuống núi, tiếng vòng cổ, khuyên tai hòa vào bước chân người, chân ngựa cùng tiếng hát véo von của những sơn nữ đã làm nên một bức tranh xứ núi thật sinh động.

 Chợ phiên sinh động với nhiều sắc màu nhưng nổi bật là không gian thổ cẩm của đồng bào Mông mang đến từ trên những đỉnh núi mờ sương. Cứ mỗi tốp sơn nữ Mông bước vào cổng chợ lại làm cho không gian chợ phiên thêm ấm áp, sáng đẹp đến lạ thường bởi mỗi chiếc váy Mông mà họ mặc trên mình lại có một sắc màu riêng. Có màu đỏ tươi xen những đường chỉ vàng óng. Có màu xanh sẫm xen những sọc chỉ màu vàng…Tất cả hòa vào nhau làm thành sắc màu thổ cẩm. Vui nhất là nhìn cảnh những phụ nữ Mông đi chọn thổ cẩm. Họ đi các hàng bán váy, vải thổ cẩm với con mắt trầm trồ, với những lời khen ngợi không ngớt. Bàn tay họ nâng những tấm thổ cẩm lên xoa xoa, rồi ướm thử xem có hợp với mình không để chọn mua. Còn người bán hàng thì đon đả và luôn nở nụ cười hào phóng mến khách. Những em bé Mông ríu rít chạy theo mẹ đi xem thổ cẩm…

Nổi bật giữa chợ phiên là những thiếu nữ Mông đang tuổi xuân thì, má lúm đồng tiền, môi hồng chúm chím, mặc trên mình những bộ váy nhiều màu. Chiếc mũ tròn tua dua trên đầu càng làm tôn thêm vẻ đẹp đậm chất núi. Họ xen lẫn đám đông đi xem thổ cẩm. Có khi xem mà không mua hay đi xem thổ cẩm như đi hội ! Sắc màu thổ cẩm nơi chợ phiên Vĩnh Yên từ bao đời nay vẫn như một dòng suối mát tuôn dài làm nên dòng chảy văn hóa đậm bản sắc. 
  Không gian sinh sống từ bao đời, không gian chợ phiên và không khí lễ hội mùa xuân là nơi sinh ra, gìn giữ và thăng hoa vẻ đẹp rực rỡ của sắc màu thổ cẩm, sắc màu văn hóa cổ truyền từ bao đời nay.

                                                               Nguyễn Thế Lượng  


Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang