Hiệu quả sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Bảo Yên
Lượt xem: 236
Trong những năm qua, dưới sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân và sự giúp đỡ của các Sở, ngành của tỉnh, Ngân hàng CSXH Việt Nam; việc triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, các đề án, chương trình công tác trọng tâm hướng về cơ sở, nhất là từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã làm cho diện mạo nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi rõ rệt.
             Do làm tốt công tác định hướng, chỉ đạo nên hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã thu hút được cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực, quan tâm. Chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội được cấp ủy, chính quyền huyện đặc biệt quan tâm và thể hiện bằng nhiều giải pháp tích cực. Do đó mặc dù còn khó khăn về thu ngân sách nhưng từ năm 2016 đến nay huyện cũng đã cấp ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác 2.150 triệu đồng.

           Công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn luôn đảm bảo rà soát kịp thời, bình xét cho vay công khai dân chủ tại thôn, bản, tổ tiết kiệm và vay vốn; có sự giám sát của Trưởng các thôn, bản để đảm bảo cho vay đúng đối tượng thụ hưởng của từng chương trình tín dụng chính sách xã hội. Các hoạt động tập huấn kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ với hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ đã giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả: Từ năm 2014 đến năm 2019 có 15.684 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng CSXH; 4.913 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 4.733 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học tại các trường Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và học nghề; 482 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 6.020 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (theo quy mô hộ gia đình) đã được xây dựng và cải tạo đạt chuẩn; 1.443 căn nhà cho hộ nghèo và đối tượng chính sách được xây dựng, trong đó: 1.061 căn nhà được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg; 382 căn nhà được hỗ trợ vay vốn theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg.

           Đặc biệt những năm gần đây, huyện tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án dành riêng cho phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực (cây quế, cây chè, cây dâu tằm, cây hồng không hạt, cây sả, cây chanh leo, trâu, vịt bầu, gà đồi) và thử nghiệm trồng một số loại cây trồng mới (cây mắc ca, cây sachi). Xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến tơ tằm trên địa bàn huyện và nghiên cứu các cơ chế thành lập hợp tác xã chế biến quế để nâng cao giá trị quế Bảo Yên. Xây dựng Nghị quyết về cơ chế đặc thù khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Yên và Nghị quyết về xây dựng và phát triển du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô. Vì vậy, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện sôi nổi hơn.

          Việc hướng dẫn, giúp đỡ người vay sử dụng vốn vay hiệu quả và lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội như: Đề án Phụ nữ khởi nghiệp, đề án Thanh niên khởi nghiệp, khởi sự và các đề án, dự án chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của huyện trong những năm qua để xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

         Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội từng bước được nâng lên. Đã chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân. Các tổ chức Hội trên địa bàn chủ động, tích cực phối hợp với Ngân hàng CSXH triển khai tổ chức tốt phương thức cho vay ủy thác. Luôn bám sát thực hiện hiệu quả các nội dung, công việc được Ngân hàng CSXH ủy thác; duy trì đầy đủ 100% (76 đầu mối) của 04 tổ chức Hội làm ủy thác với Ngân hàng CSXH (cấp huyện 04 đầu mối, cấp xã 72 đầu mối) theo qui định hiện hành. Đến 30/6/2019 tổng dư nợ cho vay ủy thác qua 04 tổ chức Hội đạt 419 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ cho vay của Ngân hàng CSXH; tăng 161 tỷ đồng (tăng 163%) so năm 2014.

       Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể xã, thị trấn đã phối hợp với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương trong việc làm tốt công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách: 100% xã đã đảm bảo có nơi làm việc cho Ngân hàng CSXH mở điểm giao dịch lưu động tại UBND cấp xã 01 buổi/ tháng, bảo đảm hiệu quả và an toàn tuyệt đối; thực hiện công khai các chính sách tín dụng tại UBND xã đầy đủ. Đến 30/6/2019 chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện được tăng cao, theo các tiêu chí đánh giá của Trung ương: Toàn huyện đạt loại tốt; có 17/18 xã đạt loại tốt (chiếm 94,44%), 01/18 xã đạt loại khá (chiếm 5,56%), không có xã yếu kém. Mạng lưới hoạt động ở cơ sở: Đến 30/6/2019 toàn huyện có 315 tổ tiết kiệm và vay vốn ở 246 thôn, bản, tổ dân phố (100% số thôn, bản, tổ dân phố có tổ tiết kiệm và vay vốn, không có thôn, bản trắng). Chất lượng hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực, với 305 tổ loại tốt (chiếm 96,83%), 09 tổ loại khá (chiếm 2,86%) và 01 tổ loại TB (chiếm 0,31%), không có tổ yếu kém.


Kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại xã Long Khánh

        Tuy nhiên, sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 trên địa bàn huyện Bảo Yên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Nguồn lực của huyện còn khó khăn, cơ sở vật chất, nhất là đối với các xã, thị trấn còn thiếu thốn, chưa được đầu tư đồng bộ. Do vậy việc hỗ trợ cho Ngân hàng CSXH cũng còn hạn chế. Số vốn từ Ngân sách địa phương của huyện bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn thấp. Chưa thực hiện huy động được sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số về tín dụng chính sách xã hội còn có những hạn chế nhất định. Việc thực hiện các nội dung được Ngân hàng CSXH ủy thác của các tổ chức Hội nhất là công tác kiểm tra, giám sát của Hội cấp xã có lúc, có nơi còn chưa tốt.

            Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả hoạt động chính sách tín dụng trên địa bàn huyện nói chung và Chỉ thị 40 nói riêng, thời gian tới cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp: (1) Tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội về tín dụng chính sách xã hội. (2) Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội rà soát điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 kịp thời phù hợp với thực tế của địa phương và định hướng phát triển Ngân hàng CSXH. (3) Đẩy mạnh thực hiện chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội. Chỉ đạo UBND huyện hằng năm dành một phần kinh phí từ Ngân sách huyện cấp ủy thác qua Ngân hàng CSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tinh thần Chỉ thị, tối thiểu 1 tỷ đồng/năm theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai; đồng thời phối hợp với Mặt trận Tổ quốc có các giải pháp để huy động nguồn lực từ các Doanh nghiệp, các cá nhân để bổ sung cho nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. (4) Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện. Chỉ đạo Ngân hàng CSXH huyện tăng cường làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cả về chuyên môn và trình độ lý luận chính trị. (5) Tăng cường chỉ đạo Ngân hàng CSXH huyện tiếp tục vận hành hiệu quả mô hình quản lý đặc thù của ngành; phối hợp hiệu quả với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục làm tốt công tác điều tra, xác định đối tượng vay vốn, bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng chính sách; tổ chức thực hiện hiệu quả phương thức cho vay ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội theo qui định. Nâng cao chất lượng công tác tập huấn nghiệp vụ Ngân hàng lồng ghép với hướng dẫn kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho cán bộ cơ sở và nhân dân, giúp người vay sử dụng vốn có hiệu quả cao nhất. (6) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị; kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách về tín dụng chính sách xã của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành; trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội về tín dụng chính sách xã hội.

            Với những thời cơ và thách thức về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo đòi hỏi chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động tín dụng tại cơ sở ngày càng phải nâng cao để đáp ứng nhu cầu và nguyên vọng ngày càng cao của Nhân dân huyện Bảo Yên./.

 Tác giả: Nguyễn Vân Hạnh
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang