Một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng ở Đảng bộ huyện Bảo Yên trong giai đoạn hiện nay
Lượt xem: 1223
Trong giai đoạn bùng nổ thông tin hiện nay việc thực hiện các biện pháp tuyên truyền phù hợp sẽ mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó có hình thức đơn giản nhưng lại rất hiệu quả, trực tiếp truyền bá sâu rộng các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước vào cuộc sống, đó là tuyên truyền miệng.
       Chúng ta đều biết, công tác tuyên truyền miệng là một trong những hoạt động quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trước các vấn đề thời sự quan trọng trong nước và quốc tế; góp phần tạo sự thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin, cổ vũ phong trào cách mạng. Đồng thời, đây là một trong những vũ khí sắc bén, kịp thời đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, phê phán các quan điểm sai trái, lệch lạc, phản động. Tuyên truyền miệng và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một mắt khâu quan trọng, trực tiếp nối liền Đảng, Nhà nước với nhân dân, Trung ương với địa phương và cơ sở để vừa đưa chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước đến với nhân dân, vừa nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước; gắn truyền đạt với đối thoại, trao đổi, truyền tải trực tiếp những thông tin nội bộ cần thiết phục vụ công tác tư tưởng đối với tất cả các đối tượng ở mọi hoàn cảnh, điều kiện.

          Thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa X) “Về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, những năm qua Đảng bộ huyện Bảo Yên đã luôn chú trọng, tập trung thực hiện tốt các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị địa phương như: Phục vụ tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới; triển khai học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp; các chương trình, đề án của tỉnh, huyện; ngăn chặn tình trạng phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương; di dịch cư tự do…

           Đặc biệt, từ năm 2012, sau khi có Đề án của Tỉnh ủy về thực hiện thí điểm Mô hình Ban Tuyên vận xã, tổ tuyên vận trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Huyện ủy Bảo Yên xác định đây là một bộ phận quan trọng, có khả năng đáp ứng yêu cầu về công tác tuyên truyền miệng tại cơ sở (các xã, thị trấn) nên ngay từ khi triển khai mô hình, cấp ủy huyện đã chỉ đạo rà soát nhân sự phải chú trọng đến nhân sự Phó Ban tuyên vận chuyên trách (lựa chọn từ 2 đến 3 nhân sự Phó ban tuyên vận chuyên trách để chọn lấy 1 thông qua phỏng vấn trực tiếp), nhân sự cho chức danh này có đủ ít nhất 02 yếu tố (nói tốt, viết tốt); đối với đội ngũ cán bộ tuyên vận tại các thôn, bản, tổ dân phố phải đáp ứng được ít nhất 02 yêu cầu: một là phải được nhân dân thôn, bản tín nhiệm, hai là phải có khả năng diễn thuyết (nói được trước quần chúng nhân dân). Sau 6 năm thực hiện mô hình tuyên vận, đã có 12 cán bộ là Phó ban tuyên vận chuyên trách trưởng thành về mọi mặt từ các chức danh công chức văn phòng, tư pháp, bí thư đoàn xã, văn hóa xã hội sau thời gian làm Phó ban tuyên vận đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã: Chủ tịch Hội đồng, Phó bí thư Thường trực, Phó Chủ tịch UBND cấp xã.

        Đánh giá kết quả công tác tuyên truyền miệng đã được thể hiện rõ nét trong hoạt động công tác tuyên vận tại cơ sở. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, các kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị đều được đội ngũ tuyên truyền viên, tuyên vận viên cơ sở tuyên truyền, phổ biến trực tiếp đến người dân. Qua đó, kịp thời giải đáp những thắc mắc của người dân về những chủ trương, chính sách, đồng thời tiếp thu những kiến nghị, góp ý của nhân dân để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở có những điều chỉnh, giải pháp thích hợp để thực hiện. Nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc tại cơ sở như tình hình di cư tự do, phụ nữ bỏ đi khỏi địa phương, tuyên truyền đạo trái pháp luật, tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường,… đã được tuyên truyền, giải quyết linh hoạt, phù hợp với thực tiễn cơ sở. Thông qua hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền tại cơ sở, nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ nét; khi mới phát động, nhân dân còn nhiền ý kiến cho rằng đó là việc làm không cần thiết, vượt quá sức, ngại khó, ngại khổ… bới trước đây đã quen với sự hỗ trợ của Nhà nước. Công tác tuyên truyền miệng đã làm thay đổi nhận thức của người dân về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân đã ý thức được rằng xây dựng nông thôn mới là việc của mình, phục vụ cho chính mình và từ đó đã có những hành động thiết thực để xây dựng nông thôn mới (hiến đất làm đường, xây dựng trường học, tham gia lao động, tự chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh môi trường…). Hiện toàn huyện đã có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2018 xã Tân Dương phấn đấu về đích nông thôn mới.

 
Hội nghị Báo cáo viên trực tuyến tại Đảng bộ huyện Bảo Yên
         
         Để tiếp tục phát huy vai trò, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong thời gian tới, đồng thời nâng cao chất lượng tuyên truyền miệng cho đội ngũ cán bộ tuyên vận cơ sở, cần thực hiện một số giải pháp sau:

       Thứ nhất: Sắp xếp lại tổ chức bộ máy và thường xuyên kiện toàn đội ngũ làm công tác tuyên truyền miệng. Lựa chọn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp kỹ càng theo tiêu chuẩn (có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh; nắm vững những kiến thức cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có trình độ hiểu biết chung về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học; biết vận dụng tâm lý học, phương pháp sư phạm và nghiệp vụ tuyên truyền, nhất là nghiệp vụ tuyên truyền miệng; có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin; có phương pháp phân tích, lập luận, cách trình bày bài nói; có phương pháp vận động, thuyết phục quần chúng, năng lực tự chủ và khả năng đối thoại với người nghe; có ý thức tổ chức kỷ luật cao, đặc biệt là kỷ luật phát ngôn; có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết với công việc được giao; khiêm tốn học hỏi, gương mẫu về đạo đức, lối sống, có mối quan hệ gần gũi với nhân dân).

       Thứ hai: Thường xuyên quan tâm đào tạo bồi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, huyện công tác tại địa phương được tham gia các hoạt động tuyên truyền. Thay thế, bổ sung kịp thời sau đại hội đảng các cấp hoặc khi có sự thay đổi vị trí công tác của cán bộ. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện uỷ phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, trong đó có nội dung về kỹ năng, nghiệp vụ công tác tuyên truyền miệng.

        Thứ ba: Nội dung tuyên truyền từng bước được đổi mới theo hướng bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở, cung cấp thông tin kịp thời, đảm bảo tính định hướng và tính thời sự, giải đáp đúng những vấn đề nổi cộm đang được dư luận quan tâm, tăng cường tính đối thoại để khắc phục tình trạng một chiều, thụ động. Ngoài thông tin thời sự trong nước, quốc tế, Ban Tuyên giáo thường xuyên phối hợp mời lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành của huyện đến cung cấp thông tin tại hội nghị báo cáo viên về những lĩnh vực, vấn đề của huyện, ngành, địa phương cho đội ngũ báo cáo viên các cấp trong huyện nắm bắt và tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

        Thứ tư: Duy trì thường xuyên Hội nghị Báo cáo viên cấp huyện. Chỉ đạo ban tuyên vận các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc chế độ hội nghị tuyên vận hằng tháng.

        Thứ năm: Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, tuyên vận viên: Chế độ của đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh, huyện được thực hiện đúng theo quy định và hướng dẫn của Trung ương.

        Công tác tuyên truyền miệng và hoạt động báo cáo viên của các cấp ủy trong thời gian qua trên địa bàn huyện Bảo Yên đã bám sát cơ sở, khẳng định được lợi thế riêng, thực sự trở thành một trong những kênh thông tin chính thống quan trọng, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kịp thời định hướng tư tưởng và dư luận xã hội trước những vấn đề nổi lên đáng quan tâm, tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của Nhà nước tạo ra những kết quả góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn huyện./.

                                                                             Trần Văn Huynh - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bảo Yên
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang