Bảo Yên truyền thống hào hùng và khát vọng vươn tới tương lai
Lượt xem: 1214

Hành trình lên Tây bắc, ngược dòng sông Chảy theo Quốc lộ 70, qua đất Yên Bái là huyện Bảo Yên, cửa ngõ phía Nam của tỉnh Lào Cai, quê hương trận Phố Ràng, trận Nghĩa Đô lịch sử - một vùng đất oai hùng giàu truyền thống đấu tranh cách mạng và thấm đượm bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng cao, một vùng đất đang trỗi dậy những tiềm năng.

Địa dư huyện Bảo Yên rộng dài sông núi: núi có các dãy Mã Yên Sơn, Con Voi và Tây Côn Lĩnh, sông có sông Hồng và sông Chảy chảy qua. Huyện có diện tích 82.791 ha với tổng dân số trên 76.000 người và 13 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn 18 xã, thị trấn. Mỗi dân tộc ở Bảo Yên có một đặc trưng văn hoá riêng, nhưng qua nhiều thế hệ cư trú và sinh sống đan xen, văn hóa các dân tộc đã có sự giao lưu, hòa trộn, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng về văn hoá trong cộng đồng các dân tộc Bảo Yên. Tiêu biểu cho văn hoá của đồng bào là những phong tục tập quán, những lễ hội cổ truyền độc đáo cầu mong trời yên, đất lành, mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt,… một số lễ hội còn được duy trì đến ngày nay như: hội Xuống đồng của người Tày; hội Ăn cơm mới, lễ Cấp sắc, Lập tịch của người Dao; hội Sải Sán, Gàu Tào của người Mông,...

Người dân Bảo Yên không chỉ cần cù, chăm chỉ trong làm ăn, thuần hậu trong đời sống tinh thần mà còn là là những chiến binh dũng cảm mỗi khi đất nước có giặc ngoại xâm. Thời kỳ phong kiến, trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông (thế kỷ XIII), quân Minh (thế kỷ XV), quân Thanh (thế kỷ XVIII) nhân dân vùng đất Bảo Yên đã có nhiều đóng góp quan trọng, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tải lương, đắp đồn ải chặn giặc,… Trong gần nửa thế kỷ dưới ách đô hộ của chế độ thực dân phong kiến, nhân dân trong vùng đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh phản kháng, mặc dù chỉ là những cuộc đấu tranh nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa được tổ chức chặt chẽ nhưng đã thể hiện tinh thần yêu nước, không chịu khuất phục của nhân dân các dân tộc vùng đất Bảo Yên.

Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc châu Lục Yên nói chung, vùng thượng châu (Bảo Yên ngày nay) nói riêng có sự phát triển mạnh mẽ. Do ảnh hưởng của phong trào cách mạng khắp nơi dội về và trước khí thế cách mạng của quần chúng ở địa phương lên cao, nắm bắt được thời cơ, tình thế cách mạng đã đến, ngày 08-7-1945 lực lượng du kích địa phương đã phối hợp với đơn vị bộ đội giải phóng châu Lục Yên, ủy ban kháng chiến lâm thời từ huyện đến các xã được thành lập. Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 22-4-1947, Tỉnh ủy Yên Bái ra Quyết định thành lập “Ban Huyện ủy” Lục Yên, đánh dấu bước trưởng thành, phát triển của tổ chức Đảng ở huyện Lục Yên nói chung, vùng thượng huyện (Bảo Yên ngày nay) nói riêng. Chỉ một năm sau ngày thành lập, đến cuối năm 1948 toàn huyện Lục Yên đã có 18 chi bộ với 250 đảng viên. Riêng vùng thượng huyện Lục Yên có 3 chi bộ: Chi bộ Điện Long (xã Việt Tiến ngày nay), thành lập tháng 5/1948; Chi bộ Lương Sơn và Chi bộ ghép Xuân Kỳ - Vị Thượng, thành lập tháng 8/1948, đây chính là những nhân tố quan trọng dẫn dắt nhân dân các dân tộc Bảo Yên tiến hành đấu tranh chống biệt kích - gián điệp và âm mưu gây phỉ của thực dân Pháp.

Đầu năm 1949 Bộ Tổng tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Sông Thao nhằm phá vỡ phòng tuyến của địch từ Nghĩa Lộ qua Phố Ràng đến Yên Bình Xã, mở rộng căn cứ địa Tây bắc. Ngày 26-6-1949, quân du kích địa phương đã phối hợp với tiểu đoàn Phủ Thông đánh tan quân địch ở đồn Phố Ràng, góp phần quan trọng đưa chiến dịch Sông Thao đến toàn thắng. Trên đà thắng lợi, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Tây Bắc mang tên Lê Hồng Phong (màn I). Từ ngày 10-2-1950, quân ta bắt đầu tấn công địch ở Nghĩa Đô, đến đêm ngày 10-3-1950, trước sức tấn công mạnh mẽ của ta, địch buộc phải rút quân khỏi Nghĩa Đô về Bắc Hà, chiến dịch Lê Hồng Phong (Màn I) kết thúc thắng lợi. Được tin này Bác Hồ đã gửi thư khen, trong thư Bác viết: “Tôi được báo cáo rằng trong trận Phố Lu và Nghĩa Đô toàn thể chiến sỹ ta tỏ ra rất anh dũng”. Những lời thư đầy ân tình của Bác là nguồn cổ vũ, động viên hết sức lớn lao đối với cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch Lê Hồng Phong nói riêng, nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên nói chung tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, đóng góp sức người, sức của chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ đến ngày toàn thắng. Ghi nhận những thành tích đó, năm 2004 Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Pháp cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân huyện Bảo Yên.

Từ năm 1954 đến 1965, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Lục Yên, nhân dân các dân tộc vùng thượng huyện (Bảo Yên ngày nay) đã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, trọng tâm là sản suất lương thực, thực phẩm nhằm ổn định đời sống nhân dân, đồng thời tiếp tục cuộc cải cách dân chủ kết hợp với xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Ngày 16-12-1964, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 177-CP thành lập huyện Bảo Yên gồm 17 xã, trong đó có 14 xã vùng thượng huyện Lục Yên và 3 xã của huyện Văn Bàn tách ra. Tháng 01-1965, Tỉnh uỷ Yên Bái chỉ định Ban Cán sự Đảng của huyện Bảo Yên gồm 5 đồng chí. Đồng chí Hà Văn Hách được chỉ định làm Trưởng Ban. Ngày 03-3-1965, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể huyện chính thức đi vào hoạt động. Khi mới được tách ra, Đảng bộ huyện Bảo Yên có 17 chi bộ với 305 đảng viên, trong đó có 13 chi bộ và 192 đảng viên trước đây thuộc Đảng bộ huyện Lục Yên. Huyện Bảo Yên được thành lập, Ban cán sự Đảng ra đời là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng địa phương.

            Tiếp nối những truyền thống mà Đảng bộ huyện Lục Yên đã dày công tạo dựng từ năm 1947, trong 10 năm đầu thành lập (1965 - 1975), Đảng bộ huyện Bảo Yên đã tập trung lãnh đạo ổn định bộ máy tổ chức cơ quan Đảng, chính quyền và các đoàn thể quần chúng, đồng thời lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ I của đế quốc Mỹ. Trong những năm 1968-1975, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bảo Yên đã thực hiện thắng lợi nhiều cuộc vận động lớn như: Cuộc vận động khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh; cuộc vận động xây dựng và củng cố hợp tác xã kết hợp hoàn thành cải cách dân chủ,... Đồng thời lãnh đạo nhân dân sơ tán, bảo vệ tài sản, tổ chức chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần II của đế quốc Mỹ, thực hiện chủ trương vừa sản xuất, vừa chiến đấu, chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hoàn thành công cuộc thống nhất nước nhà. Với tinh thần “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước”, trong 10 năm (1965 - 1975) đã có hơn 4.000 người con Bảo Yên lên đường nhập ngũ chiến đấu trên khắp các chiến trường, trong đó có hàng trăm người đã hi sinh anh dũng, hàng ngàn người để lại một phần máu thịt nơi chiến trường, 6 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng, hơn 2.000 tập thể, cá nhân được Đảng và Nhà nước ta và nước bạn Lào tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Mỹ các loại. Những phần thưởng cao quý đó mãi mãi là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Bảo Yên, là động lực thúc đẩy địa phương phát huy trong mọi thời kỳ cách mạng.

            Thời kỳ trực thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn (1976 - 1991), đặc biệt trong 5 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự điều hành của các cấp chính quyền cùng sự nỗ lực cố gắng của các tầng lớp nhân dân, Bảo Yên đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cơ sở vững chắc cho bước phát triển của huyện trong thời kỳ mới. Từ khi tách tỉnh (10/1991), Bảo Yên trở thành một huyện của tỉnh Lào Cai đến nay, Đảng bộ đã tiếp tục lãnh đạo nhân dân năng động, sáng tạo trong việc cụ thể hoá đường lối đổi mới của Đảng vào điều kiện thực tiễn địa phương; phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững trật tự an toàn xã hội, tạo ra thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên vững bước trong thế kỷ XXI.

            65 năm đã trôi qua kể từ ngày thành lập Đảng bộ huyện (22/4/1947), trong mọi điều kiện hoàn cảnh, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên vẫn luôn phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng quê hương Bảo Yên ngày càng ấm no, hạnh phúc. Từ chỗ là một huyện miền núi khó khăn nhiều mặt, đời sống nhân dân nghèo nàn, lạc hậu, đến nay huyện Bảo Yên đã có bước phát triển mới về mọi mặt. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, so với năm 2000 tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 65,9% xuống còn 49%, công nghiệp - xây dựng cơ bản tăng từ 15,3% lên 21,5%, dịch vụ - thương mại tăng từ 18,84% lên 29,5 %. Tốc độ tăng trưởng GDP liên tục tăng cao, bình quân 10 năm (2001 - 2010) đạt trên 13%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 10,58 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2005. Đến hết năm 2011, mặc dù mới qua 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhưng nhiều chỉ tiêu quan trọng đã đạt và xấp xỉ đạt mục tiêu Đại hội đến năm 2015. Tổng sản lượng lương thực năm 2011 đạt 39.441 tấn (bằng 96,2% kế hoạch Đại hội). Chăn nuôi đại gia súc được chú trọng phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, sản phẩm chăn nuôi đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ, những năm qua đã có sản phẩm bán ra ngoài địa bàn. Sản xuất lâm nghiệp được chú trọng đúng mức, trong đó tập trung phát triển mạnh rừng sản xuất. Giá trị gia tăng của ngành lâm nghiệp giai đoạn 2005 - 2010 đạt 19,2 %. Đến nay toàn huyện trồng rừng mới được gần 10.000 ha, đưa tỷ lệ độ che phủ rừng tăng từ 44,3% lên 51,74%. Công tác quản lý, bảo vệ rừng có nhiều tiến bộ, tình trạng phá rừng làm nương rẫy được hạn chế.

Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản có sự chuyển biến cả về lượng và chất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được tăng cường đầu tư xây dựng, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới bộ mặt đô thị và nông thôn. Đến năm 2011 có 18/18 xã, thị trấn và 85% thôn, bản, tổ dân phố có điện, 87% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 92%; tổng số phòng học, phòng ở giáo viên và học sinh bán trú được xây dựng kiên cố và bán kiên cố đạt trên 62%; 100% cơ sở y tế, điểm Bưu điện văn hoá được xây cấp 4. Chương trình giao thông nông thôn được đẩy mạnh đầu tư và đạt kết quả tốt, 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 72,2% là đường rải nhựa. Hoạt động thương mại - dịch vụ cũng phát triển phong phú, đa dạng, các chợ nông thôn được mở rộng đến tận các xã vùng sâu, vùng xa đảm bảo cung ứng các loại hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Hoạt động tín dụng ngày càng được mở rộng đáp ứng nhu cầu vốn của nhân dân.

Công tác giáo dục - đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất trường học được quan tâm đầu tư. Toàn huyện hiện có 84 trường (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở), 3 trường Trung học phổ thông, 01 Trung tâm dạy nghề, 01 trung tâm giáo dục thường xuyên, 18/18 xã, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2005, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở năm 2007. Chất lượng giáo dục được nâng lên, 100% học sinh hoàn thành chương trình Tiểu học; 99,6% học sinh Trung học cơ sở được công nhận tốt nghiệp, tỷ lệ đỗ tôt nghiệp Trung học phổ thông đạt 92%. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp bình quân hàng năm đạt 45%. Đến năm 2011 toàn huyện có 15 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Công tác xã hội hoá giáo dục được quan tâm, hoạt động của hội khuyến học đã tác động tích cực, khơi dậy được tinh thần học tập của các em học sinh. Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa được quan tâm phát triển hơn. Chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, con em đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện.

Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được mở rộng về quy mô, chất lượng được tăng cường, mạng lưới y tế phát triển đều khắp. Toàn huyện có 1 bệnh viện đa khoa và 4 phòng khám đa khoa khu vực, 18/18 xã có trạm y tế được xây dựng khang trang kiên cố; 288/307 thôn bản có cán bộ y tế, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Đến năm 2011 Bảo Yên có 12/18 xã, thị trấn đạt Chuẩn Quốc gia về Y tế. Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được đông đảo nhân dân hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân. Bình quân hàng năm có 65 % thôn, bản, tổ dân phố, 95 % cơ quan, trường học, 75 % hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Công tác phát thanh truyền hình được đầu tư phát triển, 80% khu vực dân cư được phủ sóng truyền hình, 90% khu vực dân cư được phủ sóng đài tiếng nói Việt Nam, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí và mức hưởng thụ văn hoá tinh thần của nhân dân.

Phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội được các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể thường xuyên quan tâm, đảm bảo cho các đối tượng chính sách có cuộc sống vật chất, tinh thần vui vẻ, đến nay toàn huyện đã có 15/18 xã được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công nhận xoá xong nhà tạm. Công tác xoá đói giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo được giảm dần theo từng năm, năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 40,23%, đến năm 2010 giảm xuống còn 13,38% (theo tiêu chí cũ). Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2011 là 32,05%, giảm 10,95% so với năm 2010.

Trải qua 65 năm, cùng với việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, Đảng bộ đã luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị theo hướng “gần dân, sát cở”. Điều đó được thể hiện qua 20 kỳ đại hội của Đảng bộ huyện, mỗi kỳ đại hội đánh dấu một bước trưởng thành và bước đi vững chắc của Đảng bộ cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Qua việc quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng Đảng trong các thời kỳ lịch sử: Cuộc vận động chỉnh huấn mùa xuân; xây dựng chi bộ “4 tốt”; thực hiện có kết quả Chỉ thị 92; cuộc vận động củng cố, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt từ năm 2007 thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhiều tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến đã được tôn vinh và nhân rộng, thực sự là những tấm gương sáng để mọi người noi theo,… Công tác phê bình và tự phê bình trong Đảng bộ ngày càng được tăng cường nên chất lượng của tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được nâng lên rõ rệt. Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh ngày một tăng lên, không còn tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Từ 17 chi bộ với 305 đảng viên năm 1965, đến nay Đảng bộ huyện Bảo Yên đã có 3.358 đảng viên, sinh hoạt tại 54 chi, đảng bộ trực thuộc và 304 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Đảng bộ huyện nhiều năm liên tục đạt trong sạch vững mạnh, năm 2011 toàn huyện có 41/54 chi, đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh, không có chi, đảng bộ yếu kém và cơ bản khắc phục xong các thôn bản, trường, trạm không có đảng viên. Số đảng viên là nữ, đảng viên người dân tộc thiểu số và đảng viên nông thôn chiếm tỷ lệ ngày một cao trong Đảng bộ. Mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân được tăng cường, niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng được củng cố và ngày càng phát triển. Hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quân chúng có nhiều chuyển biến tích cực, qua phân xếp loại hàng năm tỷ lệ chính quyền và các đoàn thể vững mạnh luôn đạt từ 85% trở lên. Với những thành tích xuất sắc đạt được trong công cuộc đổi mới, năm 2011 Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì.

            Truyền thống nối tiếp những truyền thống, hành trang  dày dặn tạo dựng trong 65 năm qua chính là cơ sở quan trọng, là động lực mạnh mẽ để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong thời kỳ mới. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã xác định: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trong đó nông nghiệp, nông thôn giữ vai trò quan trọng; tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, gắn với xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm cho nông dân. Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vững chắc, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, giải quyết tốt an sinh xã hội. Lấy văn hoá làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội,... Coi trọng phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, sinh thái, tạo sự phát triển bền vững. Phấn đấu đến năm 2015 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 13% trở lên; tỷ trọng Nông - lâm - ngư nghiệp chiếm 37 %, Thương mại - dịch vụ chiếm 35 %, Công nghiệp - xây dựng chiếm 28%;  Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 41.000 tấn; Giá trị sản xuất/ha canh tác/năm đạt trên 40 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng; Tỷ lệ che phủ rừng đạt từ 57% trở lên; Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở được duy trì và  nâng cao; 12/18 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 và 30 trường đạt chuẩn quốc gia,...

Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XX với thế và lực mới, Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng 7 chương trình, 26 đề án trọng tâm, đó là chiếc “chìa khóa vàng” để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bảo Yên mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng. Cùng với việc tiếp tục triển khai việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về  Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã thổi một luống sinh khí mới trong việc nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý phát huy hơn nữa tinh thần năng động, sáng tạo, đẩy mạnh quá trình đổi mới tác phong, lề lối làm việc, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chương trình, đề án mà Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra. Bảo Yên của ngày mai sẽ khoác trên mình một diện mạo mới với nhịp cầu cứng nối đôi bờ sông Chảy, tấp nập người xe khi chợ và bến xe huyện hoàn thành,... đổi thay trên từng bản làng khi chương trình xây dựng Nông thôn mới được thực hiện.

Hành trình đến với tương lai dẫu còn nhiều khó khăn thử thách với bộn bề công việc đã, đang và sẽ triển khai, song với hành trang là cơ sở kinh tế - xã hội hiện có, những kinh nghiệm quý báu tích lũy được qua 65 năm lãnh đạo của Đảng bộ cùng với truyền thống đoàn kết, truyền thống cách mạng và khát vọng cháy bỏng xây dựng quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bảo Yên quyết tâm nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra, quyết tâm xây dựng thành công Nông thôn mới để xây dựng quê hương Bảo Yên giàu về kinh tế, ổn định về chính trị, vững mạnh về quốc phòng an ninh, trở thành một điểm sáng trên bản đồ kinh tế - xã hội tỉnh Lào Cai nói riêng, vùng Tây bắc nói chung./.

 

Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang