Công tác vận động quần chúng – nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng bộ
Lượt xem: 7385

Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, công tác dân vận có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhân tố hàng đầu đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đề quốc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào quần chúng được phát động hết sức mạnh mẽ, đã động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tạo thành sức mạnh tổng hợp, hoàn thành sự nghiệp cách mạng, cả nước thống nhất tiến lên chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Ở thời kỳ nào công tác vận động và tổ chức quần chúng làm cách mạng cũng có ý nghĩa chiến lược”. Trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, công tác vận động quần chúng càng cần được tăng cường, củng cố, góp phần xứng đáng vào thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược - xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua 65 năm xây dựng và phát triển, trên cơ sở quán triệt những chủ trương, quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận. Đảng bộ huyện Bảo Yên luôn coi công tác dân vận là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, tập trung chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó, đã góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân vững mạnh, mỗi thắng lợi dành được qua các thời kỳ đều gắn liền với thành quả to lớn của công tác dân vận.

            Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Lục Yên, chính quyền các xã vùng thượng huyện Lục Yên (Bảo Yên ngày nay) đã vận động nhân dân đóng góp sức người và sức của phục vụ chiến đấu, hàng nghìn dân công với hàng chục nghìn ngày công, hàng trăm tấn gạo, thịt cùng với các phương tiện vận tải, ngựa thồ, thuyền mảng được huy động để tiếp tế cho bộ đội, chăm sóc thương binh, động viên chiến sĩ,... Những đóng góp của đồng bào các dân tộc vùng đất Bảo Yên đã góp phần làm nên chiến thắng của bộ đội ta. Đến những năm tháng gian khổ và ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm lược, phát huy truyền thống cách mạng kiên cường của quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã đoàn kết một lòng, không quản gian khổ hy sinh trong lúc vừa phải khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất, củng cố xây dựng bộ máy của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, đoàn thể của một huyện mới được thành lập vừa phải đẩy mạnh phát triển sản xuất, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương, cùng với đó là việc sẵn sàng chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mĩ xâm lược” lớp lớp các thế hệ thanh niên các dân tộc trong huyện đã lên đường tòng quân giết giặc, nhiều người con ưu tú của quê hương Bảo Yên đã anh dũng hy sinh cả cuộc đời thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên phát huy tinh thần tự lực tự cường, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng quê hương ngày càng ấm no hạnh phúc. Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tái lập, huyện Bảo Yên trở thành huyện cửa ngõ của tỉnh Lào Cai. Xác định rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giữ vững an ninh - chính trị, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nếu những năm 2000 sản lượng lương thực có hạt chỉ đạt  23.581 tấn thì đến năm 2010 đã đạt 35.440 tấn, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,7 triệu đồng/người năm 2000 lên 10,58 triệu đồng/người năm 2010; giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác năm 2010 đạt trên 32 triệu đồng/ha (tăng gấp 2 lần năm 2005). Bảo Yên hiện đang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá (bình quân đạt 13,84%/năm, giai đoạn 2006 - 2010). Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư, đã và đang phát huy hiệu quả làm cho bộ mặt nông thôn có sự thay đổi rõ rệt; các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp phát triển đa dạng, đời sống của nhân dân các dân tộc ngày càng được cải thiện, nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh qua các năm. Hiện nay, 100% số xã đã có điện lưới Quốc gia với trên 87% số hộ dân được sử dụng, 100% xã có đường giao thông đến trung tâm, có trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; phổ cập giáo dục duy trì bền vững, tất cả các xã xoá xong nhà tạm, nhà dột nát.

Các chính sách an sinh xã hội được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng quan tâm. Công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người có công, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, đặc biệt là chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, con em đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được quan tâm thực hiện tốt. Công tác bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc được chú trọng, một số di sản văn hoá trên địa bàn huyện đã được đầu tư sưu tầm, phục dựng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, được phát triển sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực, đến nay đã xây dựng được 191 nhà văn hoá cộng đồng chiếm 62,2% số thôn bản, tổ dân phố; có 65 % thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá; 95 % cơ quan, trường học, 75 % hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá.

Cùng với việc tập trung phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng luôn được chú trọng, hiện nay đảng bộ đã có 54 chi, đảng bộ trực thuộc với trên 3.300 đảng viên, đảng bộ không còn đầu mối chưa có đảng viên. Các cuộc vận động “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng”; đặc biệt là Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai nghiêm túc, cổ vũ cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực hưởng ứng, thông qua đó để rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhân dân để củng cố, xây dựng lập trường tư tưởng vững vàng, đồng thời gắn với các phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực, góp phần khích lệ sự phấn khởi, tin tưởng và đồng thuận trong toàn xã hội, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức của cán bộ, đảng viên.

Nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn quần chúng thể tích cực được đổi mới theo hướng lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, đối tượng vận động là đoàn viên hội viên và các tầng lớp nhân dân, nhằm đáp ứng nguyện vọng của quần chúng về xoá đói giảm nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phong trào “xoá nhà tạm”, phong trào “thanh niên tình nguyện”,... tiếp tục được duy trì và mở rộng; đội ngũ người uy tín, đoàn viên, hội viên nòng cốt của phong trào quần chúng tiếp tục được bổ sung. Tỷ lệ tập hợp quần chúng trong các tổ chức mặt trận, đoàn thể tiếp tục được tăng lên, riêng Hội cựu chiến binh đạt tỷ lệ tập hợp trên 90%. Chất lượng hoạt động của mặt trận, đoàn thể hàng năm vững mạnh, suất xắc trên 80%, không còn cơ sở yếu kém.

Các chính sách về dân tộc, tôn giáo được chú trọng thực hiện hợp với ý Đảng, lòng dân. Tình hình tín ngưỡng - tôn giáo cơ bản ổn định, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy; các khiếu nại, tố cáo của nhân dân được giải quyết kịp thời, góp phần động viên quần chúng nhân dân tập trung thực hiện các mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, giữ gìn trật tự trị an, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật.

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, sau hơn 10 năm triển khai gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã tạo nên sức mạnh và sự thống nhất cao trong Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện. Các nội dung công khai để nhân dân biết; nội dung nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp; nội dung nhân dân bàn, biểu quyết; nội dung nhân dân được tham gia ý kiến; nội dung nhân dân giám sát đều được thông báo công khai qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc họp của xã, thôn bản, tiếp xúc cử tri, niêm yết công khai tại công sở và nơi công cộng. Các cơ quan hành chính, sự nghiệp đều xây dựng nội quy, quy chế hoạt động, xây dựng tác phong, nếp sống văn hoá công sở, sự phối hợp giữa lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Các doanh nghiệp luôn thực hiện tốt các nội dung công khai để người lao động biết và thực hiện theo đúng quy định của bộ Luật lao động. Qua đó, đã và đang phát huy tính hiệu quả, làm chuyển biến về nhận thức và tư tưởng trong hệ thống chính trị, tạo nên sức mạnh nội lực của cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, người lao động. Không khí dân chủ được phát huy, dân trí được từng bước nâng cao, tăng cường khối đại đoàn kết, thống nhất giữa Đảng với nhân dân, góp phần ngăn ngừa và hạn chế những vi phạm liên quan đến tổ chức và cán bộ, đảng viên, ngăn chặn và đẩy lùi tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí.

Triển khai Kế hoạch số 48-KH/TU của Tỉnh ủy Lào Cai về tăng cường công tác dân vận và xây dựng mô hình “Dân vận khéo”, Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo các cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng chung tay vào cuộc, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở đã làm tốt công tác dân vận của Đảng, tập trung xây dựng mô hình “Dân vận khéo”,... Nhiều mô hình đã và đang có hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống, giúp nhau xóa đói giảm nghèo.

            Từ những kết quả thực tiễn trong lãnh đạo, thực hiện công tác dân vận của Đảng bộ huyện, Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên khoá XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015 xác định: Công tác vận động quần chúng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn đảng bộ, là một trong những nhân tố thúc đẩy sự phát triển kinh tế - chính trị - xã hội của địa phương. Đặc biệt, trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ lâu dài, gian khó, đòi hỏi đến sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân đóng vai trò làm chủ, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên quyết tâm thực hiện tốt công tác vận động quần chúng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã đề ra, như lời Bác Hồ kính yêu đã dạy “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”./.

         

 

Uỷ viên BTV, Trưởng Ban Dân vận Huyện uỷ

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang