Khai thác tiềm năng, thế mạnh, kết hợp mọi nguồn lực quyết tâm xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 550

Sau 25 năm đổi mới của đất nước, bộ mặt nông thôn huyện Bảo Yên đã và đang thay đổi nhanh chóng về mọi mặt. Tiềm năng của địa phương đang được đánh thức; cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch nhanh theo hướng tích cực. Nông nghiệp phát triển toàn diện cả trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ phát triển mạnh; xoá đói, giảm nghèo, văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ nét. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu trong sản xuất, sinh hoạt của đồng bào nông thôn vùng cao đã được cải tạo theo hướng tiến bộ, văn minh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị được củng cố; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được khơi dậy và phát huy.

            Với tổng diện tích đất tự nhiên 82.791 ha, nằm tiếp giáp với tỉnh Yên Bái, có Quốc lộ 70, Quốc lộ 279 và đường sắt Hà Nội – Lào Cai chạy qua; có sông Hồng và sông Chảy chảy qua địa phận của huyện. Điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, nguồn lực lao động dồi dào chính là những yếu tố thuận lợi để Bảo Yên phát triển  kinh tế nông - lâm nghiệp. Nhờ kết hợp linh hoạt giữa tiềm năng thế mạnh với việc vận dụng các bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến đã tạo đà chuyển biến mạnh trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và đạt được kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Bảo Yên đã chỉ đạo việc đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào sản xuất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Các loại giống lúa có phẩm cấp và chất lượng tốt được gieo cấy đại trà trên 95% diện tích như: Nhị ưu 838, Bio 04, Syn 6, LC 270, LC 25,... Cùng với lúa, cây ngô cũng đang được đưa các giống mới như: Bioseet, B06, NK 4300, NK 99,... vào gieo trồng. Diện tích trồng cây lương thực năm 2010 là 10.816 ha, gấp 1,13 lần so với năm 2005, tăng bình quân 4,2%/năm. Sản lượng lương thực có hạt tăng nhanh từ 23.581 tấn năm 2000 lên 35.440 tấn năm 2010 (tăng bình quân 9%/năm); giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác năm 2010 đạt trên 32 triệu đồng/ha (tăng gấp 2 lần năm 2005). Các loại cây khác như lạc, đỗ tương, khoai lang,... vẫn được duy trì sản xuất, tăng thêm nguồn thu nhập cho nhân dân.

Trong chăn nuôi, Bảo Yên luôn duy trì và phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình quy mô vừa và nhỏ. Cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc thì chăn nuôi lợn, gia cầm cũng đang được rất chú trọng theo hướng sản xuất hàng hoá, sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ. Năm 2010, tổng đàn trâu, bò và lợn tăng gấp 1,1 lần so năm 2005, tăng bình quân 5,5%/năm cả giai đoạn; đàn gia cầm tăng bình quân 3,4%/năm. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản cũng đang được chú trọng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện hiện có 469,22 ha (tăng 294 ha so với 2005) và đang được tiếp tục mở rộng. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản hàng năm tăng khá cao. Năm 2010, sản lượng thuỷ sản đạt 265 tấn (gấp 1,8 lần so với năm 2005) chủ yếu là cá. Hiện nay, một số xã có điều kiện về nguồn nước đang đưa vào nuôi trồng thử nghiệm giống cá tầm nước lạnh, bước đầu cho kết quả khả quan.

Bảo Yên có tài nguyên rừng khá phong phú. Giai đoạn 2005 - 2010 giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp đạt 9,2%/năm. Kinh tế lâm nghiệp phát triển theo các chương trình, dự án dưới hình thức nhà nước và nhân dân cùng tham gia, chủ yếu là trồng rừng tập trung, khoanh nuôi, bảo vệ rừng theo các chương trình, dự án được thực hiện bởi các tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế; trồng rừng, nhận  khoán bảo vệ rừng do các hộ gia đình nông dân thực hiện; trồng cây lâm nghiệp xã hội, trồng rừng theo các phong trào vận động của các tổ chức, chính trị, xã hội,...

            Sản xuất CN - TTCN những năm qua đã có bước phát triển rõ nét, tốc độ tăng trưởng bình quân khá. Cơ cấu nội ngành công nghiệp đang chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến từ 14,7% năm 2005 lên 19,6% năm 2010. Phát triển công nghiệp chế biến là hướng phát triển mang lại sự tăng trưởng bền vững. Đầu tư cho sản xuất CN-TTCN tăng, số lượng và chất lượng các cơ sở sản xuất được mở rộng. Các cơ sở chế biến lâm sản (nhà máy sản xuất giấy đế, đũa gỗ, ván MDF,…) đang tiếp tục hình thành và phát triển, tạo thêm việc làm cho người lao động địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp - nông thôn, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Thương mại, dịch vụ có tốc độ tăng trưởng khá; cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động dịch vụ thương mại, du lịch tiếp tục được củng cố và phát triển. Mạng lưới chợ, cửa hàng từng bước được đầu tư, nâng cấp và khai thác có hiệu quả, bước đầu đã phục vụ tốt cho hoạt động thương mại. Trên địa bàn huyện hiện có 6 chợ hoạt động ổn định, có vị trí thuận lợi phục vụ cung cấp hàng hóa tiêu dùng, nông sản.

Về cơ sở hạ tầng, trong những năm qua Bảo Yên luôn chú trọng đầu tư mạnh nên diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới. Đến nay 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới nước cho 70% diện tích ruộng; 100% số xã có trường lớp học kiên cố tại trung tâm và có trạm y tế xã; 100% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã với trên 87% hộ được dùng điện lưới quốc gia.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông nghiệp của Bảo Yên còn manh mún, phân tán, làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa trong khi cuộc sống của nhân dân còn nhiều khó khăn; tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp; hạ tầng nông thôn còn nhiều yếu kém; nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu; công tác vệ sinh làng, bản, vệ sinh môi trường còn nhiều hạn chế; nhiều phong tục, tập quán còn lạc hậu, chậm được cải tạo; tình hình an ninh trật tự xã hội ở nông thôn còn diễn biến phức tạp.

Với quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới, Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; thành lập Ban chỉ đạo từ cấp huyện đến cấp xã; thành lập Ban quản lý xây dựng nông thôn mới ở 17/17 xã, mỗi xã đều thành lập ban phát triển ở từng thôn, bản. Chỉ đạo tất cả các xã hoàn thành xây dựng quy hoạch tổng thể trong năm 2011, đồng thời phát động phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới”, tiến hành đồng loạt thực hiện xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn huyện, phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% số xã hoàn thành (trong đó có 3 xã: Nghĩa Đô, Yên Sơn, Việt Tiến được tỉnh chọn thực hiện thí điểm hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2015). Trên cơ sở lựa chọn các tiêu chí có tính động lực phát triển và có sức lan toả lớn, các tiêu chí sắp hoàn thành để tập trung thực hiện.

 

   Đức Thịnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy (áo xanh), đồng chí Nguyễn Thị Thu - Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện kiểm tra tình hình sâu bệnh hại trên cây lúa

 

Để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh thực hiện thành công chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện luôn chú trọng tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm: Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, làm cho cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, đặc biệt là người dân nhận thức đúng về mục đích, yêu cầu, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư trong xây dựng nông thôn mới để tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện nhất là trong việc huy động nguồn lực từ cộng đồng. Hai là, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực quản lý điều hành của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới. Mở rộng các hình thức đào tạo nguồn lao động nông nghiệp có chất lượng như: tham quan, tập huấn, đào tạo nghề. Ba là, tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực vào những xã có phong trào mạnh, có khả năng sớm đạt các tiêu chí nông thôn mới; đồng thời đảm bảo tiến độ thực hiện xoá đói giảm nghèo đối với các xã đặc biệt khó khăn. Huy động tối đa mọi nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án, nguồn lực của các địa phương và trong nhân dân. Xây dựng cơ chế để khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hợp tác với nông dân đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Bốn là, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng tới phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá để tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Chủ động phân cấp cho cấp xã làm chủ đầu tư các dự án công trình cơ sở hạ tầng (tuỳ theo qui mô của công trình), nhân dân địa phương được hưởng lợi từ dự án đóng góp ngày công lao động trên cơ sở các chính sách hiện hành. Năm là, phát động sâu rộng các phong trào thi đua; khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, các nhân và các hộ gia đình có thành tích xuất sắc tạo động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Trong những năm qua Bảo Yên đã vượt mọi khó khăn để làm thay đổi diện mạo của quê hương, những thành quả của ngày hôm nay là cả một quá trình phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện. Quyết tâm thực hiện mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, Bảo Yên sẽ tập trung nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, phát triển mạnh tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, hoàn thiện cơ bản các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương Bảo Yên ngày càng giàu đẹp./.

 

 

HUV, Trưởng phòng NN&PTNT huyện

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang