Phát triển Lâm nghiệp - thế mạnh của huyện Bảo Yên
Lượt xem: 758

Là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai, với tổng diện tích đất qui hoạch lâm nghiệp là 64.124 ha (chiếm trên 77% tổng diện tích đất tự nhiên). Nằm trong tiểu vùng khí hậu nhiệt đới, gió mùa và diện tích đất có khả năng phát triển rừng còn lớn chính là tiềm năng, thế mạnh để Bảo Yên phát triển kinh tế lâm nghiệp nhằm góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xoá đói giảm nghèo.

Những năm gần đây, trên cơ sở nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, Đảng bộ huyện Bảo Yên luôn chú trọng tăng cường công tác chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất lâm nghiệp. Điểm nổi bật trong phát triển kinh tế lâm nghiệp được cụ thể hoá trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện khoá XIX, nhiệm kỳ 2005 - 2010 với nội dung: Lấy lâm nghiệp làm khâu đột phá. Trong quá trình thực hiện, kinh tế lâm nghiệp đã có những bước phát triển tích cực; giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác được nâng cao; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống nhân dân. Việc phát triển rừng kinh tế gắn trách nhiệm với quyền lợi của người lao động đã tạo động lực mới cho phong trào phát triển lâm nghiệp tại các địa phương. Công tác xã hội hóa lâm nghiệp có chuyển biến tích cực, người lao động làm lâm nghiệp từng bước gắn bó với rừng, làm giàu từ rừng, nhiều hộ đã chuyển canh tác nương rẫy chuyển sang trồng rừng sản xuất. Trong giai đoạn 2005 - 2010, sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã được đầu tư mạnh trong công tác trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ, trồng mới rừng phòng hộ, trong đó trồng rừng sản xuất đặc biệt được chú trọng. Giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp giai đoạn 2005 - 2010 đạt 19,2%, giá trị sản xuất năm 2010 đạt 142,7 tỷ đồng, tăng 83,29% so với năm 2005, chiếm 35,3 % trong nội bộ nghành nông nghiệp. Đến năm 2010, đất có rừng đạt đã 44.296,79 ha (rừng trồng 16.674,87 ha); tỷ lệ tán che phủ rừng tăng từ 44,3 % năm 2005 lên 51,7 % năm 2010. Phát triển kinh tế lâm nghiệp đã thực sự trở thành thế mạnh, được nhân dân tích cực hưởng ứng. Sản xuất lâm nghiệp phát triển đã phát huy tác dụng phòng hộ của rừng, hạn chế xói mòn, thiên tai, góp phần điều hòa, bảo vệ nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái.

 

Đồng chí Hoàng Ngọc Chuyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy trong tết trồng cây Xuân Kỷ Sửu - 2009

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn khá nhiều tồn tại hạn chế cần khắc phục như: phát triển rừng còn chưa gắn được với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, chưa có cơ sở chế biến có công nghệ tiên tiến, công suất lớn để tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp; diện tích rừng tăng nhưng chất lượng chưa cao; thu nhập của người làm nghề rừng chưa ổn định; việc huy động các nguồn lực để phát lâm nghiệp còn hạn chế; công tác quản lý, bảo vệ rừng còn yếu kém, tình trạng khai thác vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn xảy ra; công tác giao đất giao rừng còn có mặt bất cập, việc cắm mốc qui hoạch 3 loại rừng mới chỉ thực hiện xong việc phân giới giữa rừng phòng hộ và rừng sản xuất, chưa thực hiện cắm mốc rừng sản xuất của các tổ chức với nhân dân nên vẫn xẩy ra việc cấp đất chồng chéo. Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phát triển rừng còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò trong bảo vệ, phát triển rừng.

Để khai thác tiềm năng, phát huy thế mạnh của huyện trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XX tiếp tục khẳng định phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế rừng, có kế hoạch khai thác hợp lý, gắn việc phát triển vùng nguyên liệu với việc đầu tư các nhà máy chế biến trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 50.000 ha diện tích đất lâm nghiệp có rừng, nâng tỷ lệ tán che phủ rừng đạt 60% trở lên. Để thực hiện mục tiêu đã đề ra, Đảng bộ đã chỉ đạo các ngành và địa phương tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các thành phần kinh tế đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế lâm nghiệp đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nghiêm Luật bảo vệ và phát triển rừng cùng hệ thống chế tài để ngăn chặn kịp thời các hành vi phá rừng, khai thác trái phép và vi phạm về quản lý đất đai tài nguyên rừng. Tăng cường công tác quản lý các cơ sở chế biến gỗ và kinh doanh chế biến lâm sản.

Bài toán phát triển kinh tế lâm nghiệp tại Bảo Yên không chỉ được lý giải từ góc độ kinh tế - xã hội mà còn đem lại hiệu quả cả về ý nghĩa chính trị sâu sắc. Qua triển khai thực hiện Chương trình 5 triệu ha rừng đã góp phần củng cố niềm tin của các đồng bào các dân tộc thiểu số đối với Đảng, Nhà nước. Việc phát triển rừng sản xuất theo Quyết định 147 gắn với các Chương trình 134, 135 của Chính phủ đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, tạo sự chuyển biến trong nhận thức đồng bào về chuyển đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập. Đây cũng là một trong những khâu đột phá góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn gắn với xóa đói, giảm nghèo trong những năm tới.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cần chú trọng việc đưa các loại cây trồng có năng suất và chất lượng vào sản xuất, tăng cường công tác quản lý, tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp với người dân theo chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Một lợi thế trong việc phát triển kinh tế lâm nghiệp của Bảo Yên là trên địa bàn huyện hiện có Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp. Trong những năm qua công ty luôn đi đầu trong việc đưa các cây trồng mới vào sản xuất, điển hình là việc  phát triển trồng cây Luồng Thanh Hóa đã bước đầu đem lại hiệu quả, rừng sinh trưởng và phát triển tốt, sản phẩm sản xuất đũa đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Điểm đột phá trong lĩnh vực này là việc gắn kết quyền lợi và nghĩa vụ của người dân với công ty lâm nghiệp. Công ty sẽ thực hiện trồng rừng theo phương thức liên doanh trên diện tích được giao. Người trồng rừng cùng Công ty đầu tư vốn trồng, chăm sóc, bảo vệ và căn cứ vào tỷ lệ góp vốn để phân chia sản phẩm. Việc liên doanh này được thực hiện trong nhiều năm sẽ là một lợi thế, nhằm thu hút người dân tham gia để phát triển kinh tế rừng. Bên cạnh đó là cơ chế khuyến khích người trồng rừng đối với các hộ gia đình có đất trồng rừng hợp pháp. Khi rừng trong quá trình kiến thiết cơ bản, công ty đầu tư toàn bộ từ đất, cây giống, vật tư,... người dân trồng rừng được hưởng 100% tiền nhân công. Rừng đến kỳ bảo vệ người dân trồng rừng được tiếp tục nhận khoán bảo vệ diện tích rừng do mình trồng, khi rừng đến tuổi khai thác công ty ưu tiên người dân đang quản lý bảo vệ được tổ chức khai thác và hưởng công theo thỏa thuận, ngoài tiền công khai thác, công ty còn thanh toán công quản lý bảo vệ bằng 10% tiền công khai thác. Như vậy, đối với người dân nhận khoán luôn có việc làm và thu nhập hàng năm đối với diện tích rừng đang nhận khoán với công ty, ngược lại công ty được hưởng lợi là rừng được quản lý và bảo vệ tốt hơn.

            Để thúc đẩy phát triển kinh tế lâm nghiệp trở thành mũi nhọn, những năm qua UBND huyện đã chỉ đạo việc tăng cường mối liên kết giữa Công ty TNHH Lâm nghiệp với người dân theo chính sách khuyến khích tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng trồng rừng sản xuất trên nguyên tắc tự nguyện, các bên cùng có lợi. Công ty tổ chức ký hợp đồng với chủ rừng theo qui định; phối hợp với Ngân hàng chính sách xem xét việc cho vay vốn đối với các hộ tham gia dự án. Triển khai công tác tuyên truyền vận động, tư vấn quy trình kỹ thuật, thống nhất về cơ cấu cây trồng đến từng hộ tham gia dự án. Cung ứng vật tư, cây con đủ tiêu chuẩn cho nông dân có hợp đồng trồng rừng nguyên liệu. Theo dõi giám sát chặt chẽ các quy trình kỹ thuật. Chủ dự án, UBND xã, hộ gia đình cùng kiểm tra, nghiệm thu khối lượng công trình đã hoàn thành qua từng giai đoạn; đánh giá chất lượng, bổ sung khắc phục tồn tại, nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng. Bao tiêu toàn bộ sản phẩm từ rừng trồng cho nông dân trong vùng. Phối hợp với ban quản lý dự án 661 ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nguyên liệu cho các hộ nhận khoán hưởng lợi theo giá chung của thị trường được thống nhất tại thời điểm. Tổ chức khảo sát, thiết kế trồng rừng theo quy định,....

            Đối với các hộ dân tham gia dự án phải đăng ký kế hoạch nhận trồng, bảo vệ với UBND xã và Công ty. Ký kết và thực hiện đúng hợp đồng nhận trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác, bán sản phẩm từ rừng trồng, hưởng lợi từ rừng tự nhiên với chủ dự án theo giá chung của thị trường thống nhất tại thời điểm. Chủ dự án khảo sát, thiết kế, xây dựng hồ sơ trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác lâm sản từ rừng, tập huấn, tư vấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tập huấn an toàn lao động; được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phục vụ cho việc trồng, chăm sóc rừng. Tiếp nhận vốn vay, vật tư, cây giống, quy trình quỹ thuật, khi thu hoạch bán sản phẩm cho nhà máy,...

            Đối với các ban ngành chức năng và UBND các xã tham gia giám sát, chỉ đạo giúp đỡ, hướng dẫn nhân dân chủ động tham gia ký kết hợp đồng trồng rừng nguyên liệu, tiếp cận vốn vay, khai thác và bán sản phẩm cho doanh nghiệp, đảm bảo lợi ích cho nhân dân và doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho nhân dân trong vùng được hưởng các chính sách ưu đãi.

Để đảm bảo lượng cây giống phục vụ trồng rừng công tác gieo ươm cây giống cũng được chú trọng, hiện trên địa bàn huyện đã có 02 vườn ươm (tại xã Minh Tân và thị trấn Phố Ràng). Dự kiến năm 2012, tiếp tục mở rộng thêm 03 vườn ươm tại các khu vực cụm xã để đảm bảo cung cấp đầy đủ cây giống lâm nghiệp có  chất lượng cao phục vụ cho phát triển kinh tế lâm nghiệp.

Hiện nay, Công ty cổ phần MDF Bảo Yên (Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Bảo Yên liên kết với Công ty cổ phần Tam Điệp - Hà Nội) đang xúc tiến thành lập để đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ván MDF (ván sợi nhân tạo) công suất 150.000 m3/năm và ván ghép thanh 30.000 m3. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ hết sản phẩm rừng trồng cho nhân dân trên địa bàn huyện.

Từ thực tiễn phát triển kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện cho thấy đây không chỉ là lợi ích trước mắt mà còn là lợi ích bền vững, lâu dài, thiết thực nhằm giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo. Việc kết hợp tốt giữa công ty và người dân được nhân dân tích cực tham gia thực hiện;  nghề rừng sẽ trở thành nghề sản xuất chính đối với những hộ gia đình có diện tích canh tác chủ yếu là đất lâm nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao. Việc phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ được đẩy mạnh sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp. Có thể khẳng định, trong những năm qua kinh tế lâm nghiệp trên địa bàn huyện Bảo Yên đã và đang trở thành ngành kinh tế thế mạnh của huyện và thế mạnh ấy đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung trên địa bàn. Việc phát triển lâm nghiệp đã góp phần to lớn vào cải tạo môi trường, giảm thiểu những tác động xấu do biến đổi khí hậu đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Ðã có những dấu hiệu khởi sắc của kinh tế lâm nghiệp Bảo Yên. Tuy nhiên, để kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững cần phải có sự kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn và với các chương trình, dự án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm môi trường sinh thái. Có như vậy mới khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của rừng. Khai thác và phát triển kinh tế lâm nghiệp tại huyện Bảo Yên chính là phát huy lợi thế để phát triển bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 - 2015./.

 

HUV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang