Từ tình yêu gia đình, lan tỏa những giá trị văn hóa đến cộng đồng – Tập 1: Cô Hoàng Thị Huyền - người phụ nữ tảo tần với câu hát Then
Lượt xem: 313

 
Bên dòng Nặm Luông uốn lượn, những ngôi nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày như tạc vào không gian một bức tranh bình bị của làng bản miền sơn cước. Lặng yên dưới chân núi đó, những nét đẹp văn hóa của tộc người cứ truyền nhau mà nối dài qua bao thế hệ. Và điều quan trọng hơn cả, là nơi đây có những con người luôn đau đáu nỗi mỏi mong được viết tiếp và tô thắm thêm nét đẹp truyền thống, mà tiêu biểu là cô Hoàng Thị Huyền với những câu Then bên cây đàn tính.

 

Đã nhiều lần được thưởng thức những tiết mục hát múa Then tại vùng Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, tôi cũng quen dần với vài bóng hình trên sân khấu. Đó là NNUT Hoàng Văn Thụy chủ nhiệm CLB Hát Then đàn tính, là cô Lâm nhỏ bé hay chị Xịnh xinh xắn và cô Huyền – một người phụ nữ có đôi mắt sâu thẳm. Tôi biết thêm về cô qua vài lời giới thiệu của chính quyền địa phương, rằng cô chính là con gái của cố NNUT Hoàng Thị Cứ, người đã dày công lưu giữ và bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.

anh tin bai

Tôi tìm đến nhà cô trong một buổi sáng mưa, căn nhà sàn mộc mạc cũng chừng nhiều năm gây dựng, cô đón tôi bằng một nụ cười nồng nậu mến khách. Qua chào hỏi trò chuyện, cô kể với tôi rằng: “Ngay từ khi mẹ cô (bà Hoàng Thị Cứ) không còn tham gia công tác xã hội, bà đã trở về nhà để tìm tòi, sưu tầm các bài thơ, câu chuyện và những bài hát Then về quê hương. Cũng từ đó, bà dạy cho cô, cho những chị em trong làng biết hát, biết múa. Đến ngày 15 tháng Giêng năm 2001, lần đầu tiên cô được bà dẫn đi biểu diễn văn nghệ tại Lễ hội Đền Thượng ở thành Phố Lào Cai, những nỗi lo lắng, run sợ khi đi diễn tại một sân khấu lớn vẫn còn nguyên vẹn trong trí nhớ của cô”.

Cứ vậy, cô kể cho tôi nghe về quá trình cô học hát then từ mẹ như nào, cho tới một đoạn tôi thấy cô nghẹn ngào. Giọng cô trầm lặng xuống. Cô nhìn tôi và nói: “Vài năm sau đó, gia đình cô có biến cố (người thân của cô chẳng may qua đời) cô chẳng còn tham gia tập luyện, múa hát nữa”. Bầu không khí trở nên tĩnh lặng, tôi cũng mường tượng ra hình ảnh của cô lúc đó như nào, không ăn uống nổi, không chợp mắt nổi, tâm trạng đau như cắt đi từng miếng da miếng thịt thì còn đâu tâm trí mà hát, mà múa với bản làng. Qua mẩu chuyện đó, tôi mới rõ tại sao đôi mắt cô Huyền lại sâu thẳm đến vậy.

Ấy vậy mà, bẵng đi một thời gian, gia đình lại tiếp thêm cho cô động lực, tưới tắm cho khu vườn đã héo mòn của cô và chẳng ai xa lạ, 2 tiếng gia đình đó gói gọn trong tiếng “mẹ”. Cô kể: “Đến những năm 2011, 2012 sức khỏe của bà Cứ  bắt đầu chuyển biến xấu, bà luôn miệng khuyên răn cô, động viên cô giúp mẹ ghi chép bài, rồi dần dần mẹ bắt đầu hướng dẫn cô cách sưu tầm, cách sáng tác, các truyền dạy cho thế hệ sau. Năm 2013, mẹ cô mất. Trước lúc bà đi xa, bà đã truyền lại cho cô toàn bộ những bài hát mà bà sưu tầm và sáng tác được”.

Và thế là từ tình yêu thương của mẹ dành cho cô, từ năng khiếu và sự nhận thức được vai trò quan trọng của lưu giữ văn hóa cô Huyền đã “nối nghiệp” mẹ. Vượt lên nỗi đau, cô bắt đầu đi tới nhà các cô, các chú trong làng và lắng nghe sự hướng dẫn của các chính quyền các cấp để để ghi chép lại những câu ca, những lời Then cổ. Cô Huyền bước chân ra bản làng, ngắm nhìn sự thay đổi của công cuộc phát triển nông thôn mới, trường học, trạm xá mọc lên, đường thôn bản được bê tông hóa,…tất cả lại được cô đưa vào câu Then và sáng tác ra những bài Then hiện đại. Đến nay, cô đã sưu tầm và hoàn thiện được 34 bài Then cổ, sáng tác được 56 bài then mới tiêu biểu là bài: Bảo Yên huyện noong, Lào Cai tỉnh noong hát Then, Mùa xuân đến bản em,…cùng hàng trăm các bài Then sưu tầm, lưu giữ từ mẹ phục vụ công tác biểu diễn, truyền dạy, tuyên truyền quảng bá về văn hóa, con người đồng bào dân tộc Tày vùng đất Bảo Yên nói chung, xã Vĩnh Yên, Nghĩa Đô nói riêng.

anh tin bai

Trước đó, cô còn kể với tôi rằng cô còn trực tiếp hướng dẫn và tham gia cùng các thành viên trong CLB Hát Then đàn tính xã Vĩnh Yên tham gia Liên hoan hát then đàn tính toàn quốc tại Tuyên Quang năm 2015, Liên hoan nghệ thuật Hát Then, Đàn tính các dân tộc Tày – Nùng – Thái toàn quốc lần thứ VI năm 2018, tại tỉnh Hà Giang năm 2018 và đạt những thành tích cao. Cô cũng thường xuyên được các trường học trên địa bàn xã mời tham gia giảng dạy cho CLB Hát then của trường THCS Vĩnh Yên vào buổi chiều thứ 6 hàng tuần; được huyện mời tham gia hướng dẫn truyền dạy tại lớp Tập huấn, truyền dạy Hát Then, đàn tính cho các học của xã Vĩnh Yên và Nghĩa Đô, hướng dẫn các thành viên trong CLB hát Then đàn tính xã Vĩnh Yên tập luyện thường xuyên,…

 Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã được ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, do tổ chức UNESCO công nhận với các hình thức thể hiện như Then biểu diễn và Then nghi lễ. Và cô Huyền, ngoài việc biết biểu diễn Hát Then mà cô cũng là một nhân vật quan trọng trong thực hành nghi lễ Then truyền thống với vai trò là “nàng khiển”. Cô Huyền nắm giữ kiến thức, kinh nghiệm về các trình tực, thủ tục, là cầu nối, tiếp nhận các thông tin từ thầy Then, ông Bụt, thầy Mo tới gia chủ, hướng dẫn gia đình chuẩn bị những lễ vật để cúng, các phong tục truyền thống thường làm trong lễ cúng từ việc đón tiếp, đưa rước các thầy, các món ăn chay dành riêng cho thầy then,…

anh tin bai

 Vậy là, trong một buổi nói chuyện tâm tình tôi đã hiểu được hơn về cô Huyền, một người phụ nữ tảo tồn với văn hóa truyền thống mà đặc biệt là với câu hát Then quê mình. Tôi dần nhận thức được giá trị của gia đình trong cầu nối văn hóa, từ gia đình văn hóa được truyền tải trực tiếp, tạo động lực để con người viết tiếp và lan tỏa những giá trị văn hóa đến cộng đồng. Dưới tình yêu của bà Cứ, của gia đình, cô Huyền đã đưa câu Then vượt qua ranh giới của bản làng và vươn xa hơn trong khu vực, khẳng định được nét đặc trưng riêng có của câu Then Nghĩa Đô xưa cũng như khắc sâu và duy trì nó trong cộng đồng dân cư bên dòng Nặm Luông.

Theo bóng dáng cô Huyền về với gian hàng may vá nhỏ của cô tại Chợ văn hóa xã Nghĩa Đô, tôi về với cái nôi của văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Tày mang nét giao thoa giữa Tày Nùng Tây Bắc và Tày Thái Đông Bắc. Nơi đây, tôi có hẹn với một ông “quan láng”,…

                                                                                                            (còn tiếp)

Đàm Thúy Lâm
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang