Từ tình yêu gia đình, lan tỏa những giá trị văn hóa đến cộng đồng – Tập 2: Ông “Quan láng” Lương Văn Giang và hành trình truyền dạy nghề Then
Lượt xem: 216

Qua lời giới thiệu của bà Huyền, ngược dòng Nặm Luông tôi về với Nghĩa Đô, miền đất vẫn còn giữa nguyên những nét văn hóa truyền thống được hình thành từ ngàn đời của đồng bào dân tộc Tày. Tôi liên hệ được với chú Lương Văn Giang người mà được Nàng Khiển Hoàng Thị Huyền gọi là “quan láng”. Qua tìm hiểu, tôi được biết “Quan láng” trong văn hóa của đồng bào dân tộc Tày là từ dùng để miêu tả người rất giỏi về nghề cúng bái biết nhiều kiểu cúng, chuyên làm mỗi việc là cúng lễ pang của nhà thầy Then vì thế mà tôi nhanh chân đi tới nhà chú Giang.

anh tin bai

Dọc theo tuyến tỉnh lộ 153 tới gần giáp ranh xã Tân Tiến, tôi rẽ vào con đường nhỏ bản Hón và tìm tới nhà chú Giang. Vẫn là một ngôi nhà sàn truyền thống hướng mặt về phía cánh đồng bao la, chú Giang đã pha sẵn nước đón chờ tôi ở gian nhà đầu tiên. Tôi lân la hỏi chuyện rồi được nghe chú kể về quá trình làm nghề của chú, chú nói rằng: “Bố của chú vốn là một người thầy Then có uy tín, được nhiều gia đình mời tổ chức lễ giải hạn, lễ cầu an vì vậy mà thường xuyên có những lớp người đến nhà ông để xin học nghề. Từ khi chú còn rất nhỏ, vào những dịp đầu năm gia đình chú đều có xuất hiện những người học trò tới nghe ông dạy làm then, những câu hát then, những lời căn dặn về chuẩn bị những dụng cụ gì, trình tự hát các bài hát, những điều kiêng kỵ,…chẳng biết từ bao giờ cũng đã thấm nhuần vào tâm thức của chú”. Song vì ông thường xuyên đi các nơi để “cứu nhân, độ thế” nên chú Giang sớm đã trở thành nhân lực lao động chính của gia đình chăm lo chuyện ruộng vườn, đồi nương lúc bấy giờ. Cũng bởi lẽ đó mà cho đến khi bố mất, chú cũng không có cơ hội để cùng bố trực tiếp tham gia các buổi lễ “pang luông” (lễ cấp chức sắc cho thầy Then), “pang chiêng”, “pang thoong” (lễ cúng vào mùa xuân), “pang chất” (lễ cúng vào mùa thu) và “pang mẩu” (lễ cúng dâng cốm cho Ngọc hoàng).

anh tin bai

Tưởng chừng rằng, tất cả chỉ dừng lại ở lý thuyết với ký ức về những bài then, điệu nhảy nhưng với trách nghiệm của một người kế cận của cả một dòng họ, khi đã được “cha truyền” thì chú Giang quyết tâm sẽ “nối nghiệp” của tổ thư. Chính vì vậy mà “Từ khi 20 tuổi, chú bắt đầu đi làm nghề Then, làm mo theo những lời căn dặn kỹ lưỡng từ bố. Vì đã luôn chăm chỉ nghe bố tôi dạy các lớp học trò đi trước cùng với sự hướng dẫn tận tình của các bác, các chú đi làm cùng nên cũng không mấy bị bỡ ngỡ và dần quen với vị trí “Quan láng”. Chú tiếp tục kể những mẩu chuyện về những lần đi làm lễ, kể chi tiết cho tôi nghe về trình tự lần lượt thể hiện các bài Then trong từng nghi lễ, thậm trí vừa kể chú lại vừa hát cho tôi nghe đôi câu Then. Tôi cũng chẳng ngờ rằng, chỉ sau 6 năm tức là khi 26 tuổi chú đã bắt đầu có những học trò đầu tiên đến nhà xin được học nghề Then. Và cũng thật bất ngờ, học trò của chú Giang không chỉ bó hẹp ở khu vực Nghĩa Đô xưa (nay gồm các xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên và Tân Tiến) mà còn có học trò đến từ huyện Bát Xát (Lào Cai) và mở rộng phạm vi tới sang huyện Quang Bình (Hà Giang). Điều đó đã chứng tỏ sự nỗ lực, cố gắng của chú khi dũng cảm nối nghiệp tổ thư từ đó mà trở nên “giỏi giang”, xứng đáng với chức danh “Quan láng”.

anh tin bai

Sau một lúc nói chuyện, tôi cũng chẳng ngại mà chia sẻ với chú rằng tôi bắt gặp chú vài lần trên các chương trình truyền hình của tỉnh với nội dung về trao truyền hát then cho thế hệ trẻ. Chú cười và nói: “Năm 2007 vợ chú (cô Cổ Thị Khoái) tham gia công tác phụ nữ tại thôn bản, chú cũng đã thường xuyên hướng dẫn các chị em trong thôn bản biểu diễn các tiết mục hát then cổ. Từ năm 2020, phong trào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn xã Nghĩa Đô được đẩy mạnh, được sự quan tâm của các cấp chính quyền thường xuyên tổ chức các buổi truyền dạy, tập huấn hát then, các đội văn nghệ, các câu lạc bộ được thành lập. Kể từ đó, chú cũng thường được mời tới các lớp để hướng dẫn thế hệ trẻ biết về hát then truyền thống nói chung và hát then cổ nói riêng”.

anh tin bai

Vậy là, đối với chú Giang gia đình cũng là sợi dây huyết mạch cho chú “năng lực đặc biệt” để từ đó duy trì nghề Then của dòng tộc cũng như nghi lễ Then truyền thống của dân tộc Tày, giúp chú trở thành một viên ngọc trong chuỗi hạt bảo vệ, duy trì và phát triển di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Bước xuống 9 bậc thang nhà sàn, tôi bắt nhớ về hình ảnh chiếc “níp” mà chú Giang đựng tư trang đi làm nghề - một vật dụng để đựng đồ, được ví như cái hòm, thường được các cô dâu người Tày đựng tư trang mang đồ về nhà chồng. Những nan nứa đều đặn, mặt níp bóng mịn làm tôi liền nghĩ ngay tới đôi bàn tay khéo léo mà chai sạn của cô San. Chẳng ngần ngại gần giờ trưa, tôi cắt ngang tuyến đường Mường Kem sang Quốc lộ 279 về nhà cô San,..

(còn tiếp)

Đàm Thúy Lâm
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang