Từ tình yêu gia đình, lan tỏa những giá trị văn hóa đến cộng đồng – Tập 3: Gương mẫu biến “di sản” thành “tài sản” - cô Nguyễn San
Lượt xem: 84

Chiếc biển Homestay số 05 Nguyễn San nhỏ nhắn dẫn lối tôi vào nhà cô, 2 bên đường là đồi quế chừng 4 -5 năm tuổi, mặt đường được quét dọn sạch sẽ. Ở ngay ngoài phía cổng, có một ngôi nhà nhỏ đang mở cửa, tôi ngó vào thấy cô San đang ngồi trong đó. Vậy là, tôi vào ngồi với cô San, ngắm nhìn cô cắt dán những bông hoa đủ màu sắc để làm phướn và hoa. Cô San kể với tôi rằng: “Phướn trắng (dành cho bên ngoại) sẽ được cắt thành các họa tiết tròn, xen kẽ với các hàng giấy ngang, phía đuôi phướn là hình tam giác được cắt giấy tỉ mỉ, trên phướn còn được dấn giấy vàng có điểm đường họa tiết hình thoi nối dài màu xanh lá cây; Phướn đỏ (dành cho con gái, con rể, cháu ngoại) lại được tạo nên bởi các dải giấy được cắt thành hình bông hoa 8 cánh đủ các màu vàng, xanh lá cây, xanh dương và dán những đường giấy các màu như vậy nên phướn đỏ trong rất nổi bật. Đây là đồ tang lễ theo đúng văn hóa truyền thống của người Tày mà mỗi khi tổ chức tang đều phải có”.

anh tin bai

Thời tiết nắng nóng, cô San dẫn tôi vào nhà. Thật ấn tượng biết bao, một chiếc cổng lớn được trang trí bằng tre được đan lát thành các họa tiết đặc trưng, đường rào ven ao cũng được trang trí như vậy với màu vàng tươi tắn, dưới gầm sàn những chiếc làn, níp, mẹt,..cũng được treo lên gọn gàng, đẹp mắt. Cô San kể từ khi cô 15 tuổi cô đã cùng mẹ lên rừng để chọn những cây giang, cây nứa mang về nhà, sau đó tập chẻ lạt và đan những bước đan cơ bản. Cùng với đó, cô cũng học dệt vải từ bà của mình. Cô nói rằng: “Ngày xưa chưa có điện lưới, mỗi tối khi bà cô dệt vải cô lại cầm chiếc đèn dầu tới bên khung cửi, chăm chú nhìn bà dưới ánh sáng lập lèo”. Cứ vậy, đến khi cô San 18 tuổi cô đã có thể tự dệt được mặt chăn làm của hồi môn cho chính bản thân mình đi lấy chồng và từ đó thì cô đã có thể đan lát được những vật dụng cơ bản trong gia đình như sọt, níp, mẹt, điêng,…

anh tin bai

Bước lên ngôi nhà đã đạt chứng nhận Homestay ASEAN ngoài những rèm chăn gọn gàng, hàng lang vàng óng là hàng dài những giấy khen, bằng khen của cô San về những thành tích, đóng góp trong công tác Hội Nông dân, phong trào thi đua yêu nước và phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Tôi thêm phần nào ngưỡng mộ cô vì không những “đảm việc nhà” mà còn “giỏi việc nước”.

anh tin bai

Không chỉ vậy, cô còn rất hăng say, tích cực tham gia các lớp truyền dạy đan lát tại địa phương. Đối với học sinh mầm non, cấp Tiểu học cô dạy các em luồn, ghép các sợ nan dạng mặt phẳng; đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học Phổ thông cô lại hướng dẫn các em từ khâu nhuộm ống, chẻ lạt và đan thành các sản phẩm như giỏ, mẹt,…Và mỗi khi khách du lịch đến nhà cô, cô cũng chẳng ngần ngại mà hướng dẫn khách trải nghiệm nghề đan lát truyền thống của quê mình, bán và tặng cho họ những sản phẩm làm quà lưu niệm với hi vọng sẽ có thêm nhiều người biết và trân quý nghề đan lát độc đáo của người Tày Nghĩa Đô.

Là mô hình kinh doanh Homestay tiêu biểu của điểm du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, homestay của gia đình cô San cung cấp các dịch vụ ăn uống, ngủ nghỉ và trải nghiệm.Trong ngôi nhà có 3 thế hệ cùng chung sống ấy, các dịch vụ trải nghiệm nghề thủ công truyền thống, nấu ăn sẽ do cô cùng các con cùng thực hiện. Các hoạt động văn nghệ dân ca, dân vũ, việc chụp ảnh, quay video clip tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm văn hóa – du lịch lại do thế hệ cháu của cô đảm nhiệm. Và để có thể thực hiện tốt công tác tuyên truyền đó, chính cô cùng những thành viên khác trong gia đình sẽ kể những câu chuyện văn hóa, thực hành văn hóa hàng ngày để thế hệ trẻ, con cháu của cô được hiểu hơn về văn hóa truyền thống. Vậy là, nhờ có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng, có sự hỗ trợ nối tiếp nhau đã giúp lưu giữ, truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa trở nên tự nhiên và mạch lạc không chút kiên cưỡng. Đồng thời, làm bền chắc hơn sợi dây kết nối trong gia đình cũng như vòng lặp tuần hoàn của văn hóa giữa các thế hệ.

anh tin bai

 Nằm nghỉ trưa trên sàn gỗ, ngước mắt nhìn lên trần nhà với các dui mè đan xen nhau, trên đó là hàng nghìn, hàng vạn lá cọ được chồng lớp lớp lên nhau tạo nên một mái cọ nhà sàn dù là vật liệu tự nhiên dẫu phải hứng chịu nhiều mưa bão, nắng gió nhưng cũng phải có độ bền đến chừng 25 – 30 năm. Như những người dân đồng bào dân tộc Tày ở nơi đây, trải qua những đổi thay của xã hội cùng bao thăng trầm của cuộc sống mà hàng trăm năm nay vẫn giữa được những nét văn hóa truyền thống, mang dấu ấn đặc trưng, riêng có. Tất cả đều bắt nguồn từ tình yêu thương gia đình, niềm tự hào dân tộc, sự kế thừa và hơn nữa là phát huy, lan tỏa những giá trị văn hóa đến cộng đồng dân cư, đến khắp mọi miền đất nước qua những trải nghiệm khó quên của du khách. Để rồi, văn hóa truyền thống không nằm yên dưới dáng hình của “di sản” mà kiêu hãnh tự tin trở thành “tài sản” vô giá của dân tộc./.

(Hết)

Đàm Thúy Lâm
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang