Trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Bảo Yên là vùng đất có truyền thống lịch sử và văn hóa lâu đời. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (03/02/1930), hòa cùng dòng chảy cách mạng của cả nước, phong trào cách mạng của nhân dân các dân tộc châu Lục Yên nói chung, vùng thượng Châu (Bảo Yên ngày nay) nói riêng có bước phát triển mạnh mẽ. Dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Yên Bái. Ngày 08/7/1945 nhân dân vùng đất Bảo Yên cùng nhân dân các dân tộc châu Lục Yên tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc cách mạng Tháng Tám, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ngày 02/9/1945.
Nối tiếp truyền thống vẻ vang, trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954), nhân dân các dân tộc vùng đất Bảo Yên tiếp tục có những đóng góp to lớn góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, đưa miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời làm hậu phương vững chắc chi viện cho miền Nam tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thực hiện mục tiêu thống nhất Tổ quốc.
Ngày 16/12/1964, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định 117/CP thành lập huyện Bảo Yên thuộc tỉnh Yên Bái, gồm 17 xã, trong đó có 14 xã của huyện Lục Yên và 3 xã (Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn) của huyện Văn Bàn. Ngày 03/3/1965, các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện chính thức đi vào hoạt động. Sau ngày thành lập, đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, Đảng bộ đã tập trung ổn định bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ, tổ chức lại sản xuất nhằm khôi phục và phát triển kinh tế. Đồng thời lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt chủ trương vừa sản xuất vừa chiến đấu, tổ chức sơ tán, bảo vệ tài sản, phòng chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất (1965-1968) và lần thứ hai (1969-1972) của Đế quốc Mỹ trên quê hương, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hoàn thành sự nghiệp thống nhất nước nhà vào mùa xuân năm 1975.
Đất nước thống nhất, cả dân tộc Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng CNXH với thế và lực mới. Khi tỉnh Hoàng Liên Sơn được thành lập (01/1976), Bảo Yên trở thành một huyện của tỉnh Hoàng Liên Sơn. Cùng với nhân dân trong tỉnh, nhân dân các dân tộc trong Bảo Yên ra sức thi đua lao động sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra, xây dựng quê hương ngày một phát triển. Trong chiến sự Biên giới (02/1979) con em địa phương đã có nhiều đóng góp xứng đáng, góp phần bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc.
Kể từ khi trở thành một huyện của tỉnh Lào Cai (10/1991) đến nay, Bảo Yên đã thực sự có những bước đột phá lớn trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Chính sự linh hoạt, sáng tạo của Đảng bộ huyện trong việc vận dụng chủ trương, đường lối của Đảng cùng với truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc trong huyện là yếu tố cơ bản làm nên những thành tựu đó, đồng thời tạo ra sức mạnh tổng hợp Bảo Yên trong thời kỳ mới.
Cùng với sự chuyển mình của đất nước sau hơn 20 năm đổi mới, Bảo Yên hôm nay đã có một diện mạo mới, khang trang hơn, vững mạnh hơn. Từ một nền kinh tế tự cấp, tự túc là chủ yếu, đến nay đã có sự phát triển đồng bộ cả nông - lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006 - 2009 bình quân đạt 13,65%/năm (mục tiêu Đại hội bình quân 12%/ năm). Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 14,47 tỷ đồng đạt 105,6% mục tiêu Đại hội. Tổng GDP là 720 tỷ đồng, tăng 462 tỷ đồng so với năm 2005, thu nhập bình quân đầu người 9,350 triệu đồng/người/năm, tăng 5,93 triệu so với năm 2005. Sản lượng lương thực quy thóc đạt 34.792 tấn, tăng 5.232tấn, đạt 112% mục tiêu Đại hội; độ che phủ rừng 49%, tăng 4,7% so với năm 2005. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được tập trung đầu tư xây dựng, đặc biệt là các công trình giao thông, thủy lợi,… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2006 đạt 17% đến năm 2009 đạt 20,7%; ngành thương mại - dịch vụ tăng từ 25% năm 2006 lên 28% năm 2009. Các ngành dịch vụ như: tín dụng, thương mại, bưu chính viễn thông,… phát triển mạnh mẽ và chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế. Đến năm 2009, 100% số xã trong huyện có đường giao thông đến trung tâm xã; 18/18 xã, thị trấn có điện lưới quốc gia; hoàn thành công tác phổ cập trung học sơ sở, duy trì bền vững phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở 18/18 xã, thị trấn; 100% số xã có trạm y tế chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; trên 95% dân số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh; tỷ lệ hộ đói nghèo giảm từ 24,7% năm 2006 xuống còn 16,64% năm 2009.
Trong tiến trình 45 năm xây dựng và phát triển, công tác xây dựng Đảng luôn được coi trọng. Thể hiện qua 13 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội đánh dấu sự trưởng thành và bước đi vững chắc của Đảng bộ huyện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Từ 17 chi bộ, 305 đảng viên khi mới thành lập, đến năm 2009 Đảng bộ huyện đã có 52 chi, đảng bộ cơ sở và 276 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở. Riêng trong 4 năm (2006 - 2009) đã kết nạp thêm 795 đảng viên mới, nâng tổng số đảng viên trong toàn đảng bộ lên 3.026 đảng viên. Số chi, đảng bộ trong sạch vững mạnh hàng năm đều tăng, năm 2009 có 31/52 chi, đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh. Đó là những kết quả hết sức to lớn, khẳng định bước đi vững chắc và đúng hướng của nhân dân các dân tộc Bảo Yên dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện trong gần nửa thế kỷ qua.
45 năm là khoảng thời gian không dài so với lịch sử dân tộc, song với Bảo Yên là chặng đường hết sức quan trọng và vinh quang. Trải qua bao khó khăn thử thách từ những ngày đầu thành lập đến nay Bảo Yên đang vươn tới một tầm cao mới với thế và lực mới. Đồng bào các dân tộc trong huyện đã và đang kế thừa xuất sắc truyền thống của cha ông trong lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như trong thời kỳ đấu tranh cách mạng sau này, đang viết tiếp những trang sử hào hùng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa./.
Hoàng Ngọc Chuyên - TUV - Bí thư Huyện ủy Bảo Yên