Bảo Yên là một huyện cửa ngõ phía đông nam của tỉnh Lào Cai. Miền đất có 2 dòng sông, với nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Huyện đã và đang khai thác tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế từ ngành "công nghiệp không khói".
Thời gian qua, ngành du lịch huyện Bảo Yên đã nỗ lực quảng bá hình ảnh, đầu tư cơ sở vật chất, khuyến khích các nhà đầu tư mở doanh nghiệp kinh doanh du lịch…. Nhờ đó huyện đã thu hái được một số kết quả quan trọng góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Bảo Yên có 13 dân tộc anh em cùng chung sống ở 17 xã và 01 thị trấn, điều này đem đến cho Bảo Yên sự phong phú về văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nằm trong cơn bão hội nhập cộng với các chính sách đầu tư khuyến khích của nhà nước nên huyện Bảo Yên đã có những bước tiến mới trong phát triển kinh tế - xã hội. Sự chuyển mình của huyện những năm gần đây đã mang lại một diện mạo hoàn toàn mới, đầy đủ và khang trang hơn.
Ngoài thị trấn Phố Ràng nằm trên giao điểm giữa quốc lộ 70 và quốc lộ 279 là tiền đề quan trọng để phát triển thị trấn trở thành đô thị loại 4 - một trong những thị xã của tỉnh Lào Cai trong tương lai, Bảo Yên có 5 di tích được công nhận cấp Quốc gia và cấp tỉnh, bao gồm: Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh - Thành cổ Nghị Lang, Đồn Phố Ràng, khu Căn cứ cách mạng xã Việt Tiến và di tích chiến thắng đồn Nghĩa Đô. Đây đều là những điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Trước hết, phải kể đến Đền Bảo Hà – điểm nhấn về du lịch tâm linh của huyện Bảo Yên
Đền Bảo Hà (Đền Quan Hoàng Bảy) là Di tích lịch sử Quốc gia đang là điểm đến du lịch văn hoá tín ngưỡng nổi tiếng của cả nước. Cở sở hạ tầng của các di tích cũng được chú trọng đầu tư. Đền Bảo Hà từ một ngôi đền có quy mô rất nhỏ… giờ đây trở nên khang trang sạch đẹp với đầy đủ các công trình phụ trợ… Cùng với đó là các dịch vụ nhà nghỉ, nhà hàng mọc lên đáp ứng nhu cầu của du khách khi đến với Đền Bảo Hà. Hệ thống đường giao thông được nâng cấp. Tổng thu nhập ngân sách từ nguồn du lịch tâm linh của huyện trong năm đạt 10 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần 2012.
|
Đền Bảo Hà
|
Đây là di tích lịch sử văn hoá đã được Nhà nước xếp hạng. Ngôi đền linh thiêng nằm dưới chân đồi Cấm bên dòng sông Hồng có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp với nét kiến trúc độc đáo. Theo truyền thuyết đền thờ vị tướng Hoàng Bảy (đời nhà Lê, niên hiệu Cảnh Hưng 1740 -1789) có công đánh đuổi giặc phương Bắc và các toán thổ phỉ, chiêu mộ dân cư ly tán xây dựng vùng đất Khảo Bàn (Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn, Tân An, Tân Thượng ngày nay) thành vùng đất trù phú trong gần nửa thế kỷ. Hội chính ở đền Bảo Hà được tổ chức vào ngày 17 tháng 7 âm lịch (ngày giỗ tướng Hoàng Bảy) thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia
Đền Phúc Khánh – Thành cổ Nghị Lang, cũng là một điểm đến của du lịch tâm linh đang được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, đầu tư.
|
Đền Phúc Khánh – Thành cổ Nghị Lang tại thị trấn Phố Ràng |
Đền Phúc Khánh nằm trong quần thể Thành cổ Nghị Lang, là nơi thờ các vị chúa Bầu, Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật, đã có công phò giúp vua Lê ổn định triều Trần thế kỷ XVI-XVII xây dựng căn cứ chống lại nhà Mạc. Ngôi đền tọa lạc trên đỉnh đồi Cấm, tại trung tâm thị trấn Phố Ràng, cách Đền Bảo Hà 24km theo QL 279. Đền Phúc Khánh được công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2001, sau đó ngôi đền đã được trùng tu xây dựng, thay thế những cột gỗ bị mối mọt…Di tích Đền Phúc Khánh đã được Nhà nước đầu tư trùng tu tôn tạo, hiện tại Đền Phúc Khánh đang trong quá trình xây dựng một số công trình phụ trợ… thu hút nhân dân địa phương đến chiêm bái. Ngôi đền linh thiêng và lưu giữ nhiều hiện vật, cổ vật quý rất có giá trị về khoa học và lịch sử.
Mặc dù có những tiềm năng để có thể trở thành một trong những hạt nhân du lịch tâm linh của huyện, nhưng đến nay Đền Phúc Khánh vẫn chưa thu hút được nhiều du khách thập phương đến dâng hương vãn cảnh. Một số công trình phụ trợ khác chưa được đầu tư xây dựng.
Ngoài ra các di tích lịch sử khác như: Đồn Phố Ràng, khu Căn cứ cách mạng xã Việt Tiến và chiến thắng Nghĩa Đô… đều là những nơi ghi dấu những trang sử về công cuộc đấu tranh giữ gìn nền độc lập dân tộc trên mảnh đất huyện Bảo Yên.
|
|
Khu Di tích lịch sử Đồn Phố Ràng |
Di tích Chiến thắng Nghĩa Đô
|
Ngoài các điểm du lịch tâm linh là Đền Bảo Hà và Đền Phúc Khánh, Bảo Yên còn có các địa danh phát triển du lịch cộng đồng như: xã Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Tân Tiến, một dải đất đậm đà bản sắc dân tộc. Người Tày ở Nghĩa Đô trong một năm có khá nhiều các tín ngưỡng và nghi lễ quan trọng có liên quan đến nông nghiệp được tính theo nông lịch của người Tày điển hình như là: Lễ hội lồng tồng, rằm tháng bảy, lễ mừng lúa mới…Ngoài ra, Bảo Yên còn có những thắng cảnh đẹp như động Vài Siêu (xã Thượng Hà), thác Xa (xã Tân Tiến), hang động Bản Thâu (xã Xuân Thượng)…; những món ăn dân tộc đặc sắc, hấp dẫn như: thịt gà canh kiệu, nộm rau bợ, vịt bầu, nhộng cọ lam ống nứa, cá gói lá vùi gio bếp…; và các lễ hội đặc sắc của dân tộc Tày: Hội Đình của người Tày làng Già, lễ dâng trăng, hội Cốm rằm tháng Tám…
|
|
Nhà sàn của đồng bào người Tày xã Nghĩa Đô |
Cọn nước của đồng bào người Tày xã Nghĩa Đô |
Mặc dù xã Nghĩa Đô rất có tiềm năng và điều kiện để trở thành nơi du lịch cộng đồng thu hút được nhiều khách du lịch nhưng do chưa nhận được nguồn đầu tư cho du lịch dẫn đến cơ sở hạ tầng còn sơ sài, thiếu nhân lực về quản trị du lịch, các sản phẩm tour tuyến chưa rõ nét và những sản phẩm quà lưu niệm, quà tặng của địa phương chưa phong phú cả về chủng loại và chất lượng, địa phương cũng chưa khai thác được các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, quy mô những nơi có thể phát triển thành điểm du lịch thì nhỏ lẻ và chưa tiêu biểu. Nhưng hiện tại Nghĩa Đô là xã còn lưu giữ được những nếp nhà sàn - một kiểu nhà đặc trưng của dân tộc Tày, xã cũng phục dựng được 03 cọn nước để lưu giữ những truyền thống cổ xưa của dân tộc mình. Có thể đánh giá, Bảo Yên hội tụ khá đủ các tài nguyên về du lịch và nhân văn để phát triển một số loại hình du lịch như: Du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng sinh thái.
|
Cuộc sống và phong tục tập quán của đồng bào người Tày |
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được còn khá khiêm tốn. Hiện nay sự phát triển du lịch chưa đồng bộ ở các khâu, du lịch chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng vốn có của huyện. Để phát triển mạnh, du lịch huyện Bảo Yên phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: Lấy phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp làm trọng tâm, thương mại - dịch vụ - du lịch là quan trọng, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là cơ bản. Nghị quyết đã khẳng định: Khuyến khích các thành phần kinh tế, mở rộng hợp tác thị trường, khai thác tiềm năng, thế mạnh, phấn đấu đến năm 2020, có trên 1 triệu lượt du khách đến Bảo Yên, tỷ trọng thương mại - du lịch phải chiếm phần lớn trong tổng thu ngân sách trong toàn huyện. Mở rộng, khai thác lợi thế và điều kiện tự nhiên để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, cộng đồng, thu hút du khách đến với Bảo Yên.
Để khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của huyện nhà theo quan điểm, định hướng chỉ đạo tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên khóa XXI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, trong thời gian tới các cấp, các ngành trên địa bàn huyện cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, tập trung đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch tại các điểm Bảo Hà, Việt tiến, Nghĩa Đô; các bản người Tày, Mông, Dao nằm trong vùng có sức thu hút cao khách du lịch mong muốn loại hình du lịch sinh thái cộng đồng và du lịch văn hóa tâm linh. Hai là, đẩy mạnh mô hình làng du lịch, nhà du lịch sinh thái tại các điểm du lịch theo hướng phát triển mạnh du lịch cộng đồng, để có thể đưa các điểm du lịch vào những tour du lịch khép kín.
Ba là, hình thành và phát triển các tuyến du lịch trong đó có tuyến du lịch Đền Bảo Hà - Đồn Phố Ràng - Đền Phúc Khánh là một trong những tuyến du lịch lịch sử văn hóa trọng điểm trên địa bàn.
Bốn là, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hợp tác, mời gọi các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tư nhân đến hợp tác đầu tư xây dựng. Đồng thời, sẽ tiếp tục cử đi đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý và hướng dẫn viên chuyên nghiệp, mở các lớp tập huấn kiến thức giao tiếp, ứng xử văn minh cho nhân viên các khách sạn, nhà hàng và cộng đồng dân cư hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
|
Sơ đồ quy hoạch xã Bảo Hà
|
Bên cạnh đó, không gian phát triển du lịch được tổ chức theo định hướng sau:
Thứ nhất, phát triển tuyến du lịch trung tâm – du lịch văn hóa – lịch sử: Đồn Phố Ràng – Đền Bảo Hà – Đền Phúc Khánh, đây cũng là tuyến du lịch nằm trong tuyến du lịch tâm linh dọc song Hồng của 3 tỉnh Lào Cai – Yên Bái – Phú Thọ.
Thứ hai, hình thành tuyến du lịch: Tuyến du lịch Bảo Hà – thị trấn Phố Ràng – Thành cổ Trung Đô – Dinh Hoàng A Tưởng (Bắc Hà), quy hoạch phát triển tuyến du lịch này nhằm thu hút khách du lịch đi tàu từ Hà Nội đến ga Bảo Hà.
Thứ ba, quy hoạch các điểm du lịch sinh thái (Tân Tiến, Bảo Hà) kết hợp với du lịch văn hóa (Vĩnh Yên, Nghĩa Đô).
Thứ tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đăng ký thương hiệu du lịch, bảo tồn, nâng cấp các di tích, di sản.
Thứ năm, xây dựng nội dung để thuyết minh, hướng dẫn ở các khu du lịch, điểm thăm quan theo chủ đề.
Thứ sáu, hỗ trơ và đầu tư từ ngân sách tạo tiền đề cho phát triển du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư vào du lịch.
Với sự quan tâm đầu tư của cấp ủy chính quyền địa phương, sự vào cuộc của toàn xã hội, với những tiềm năng sẵn có trong thời gian tới Bảo Yên sẽ là điểm đến hấp dẫn cho mọi du khách/.