Về bản Rịa
(xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên) những ngày tháng 8 lịch sử, chúng tôi không khỏi
ngỡ ngàng trước sự “thay da đổi thịt” ở nơi đây. Những con đường bê tông sạch sẽ
uốn quanh những nếp nhà truyền thống, con suối róc rách trong xanh ôm ấp đắp bồi
cho những cánh đồng ruộm vàng óng ả … Trở lại bản Rịa hôm nay, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi đó là
môi trường sống ở nông thôn được nâng lên từng ngày, diện mạo vùng quê đang dần
khởi sắc, người dân thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng
đời sống văn hóa khu dân cư. Thành công ấy nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy,
chính quyền địa phương, đặc biệt phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của ông Ma
Thanh Sợi - người đảng viên tâm huyết, người “già làng” mẫu mực, người uy tín
trong cộng đồng được bà con dân bản kính trọng, tin yêu.
Dáng người cao gầy, nụ cười hồn hậu
nhưng đầy nghị lực và sự am hiểu, đó là ấn tượng ban đầu chúng tôi cảm nhận được
khi tiếp xúc với ông Ma Thanh Sợi. Tuy đã bước sang tuổi 80, nhưng ông Sợi vẫn
minh mẫn và nhiệt tình đóng góp công sức của mình cho các công việc của địa
phương. Là đảng viên, ông Sợi luôn phát huy vai trò “đầu tàu gương mẫu”, là điểm
tựa, là “cầu nối” giữa người dân với Đảng, với chính quyền. Đặc biệt, trong phong
trào xây dựng nông thôn mới, ông Sợi đã có nhiều sáng kiến thiết thực, hiệu quả,
góp phần thực hiện thành công tiêu chí 17 về vệ sinh và môi
trường nông thôn.
Không gian sống xanh - sạch - đẹp ở xã Nghĩa Đô
Ngôi nhà sàn 5 gian theo lối kiến trúc truyền thống người
Tày của gia đình ông Sợi nằm yên bình dưới những tán cọ xòe ô xanh mát. Trước
hiên là khoảng vườn được quy hoạch trồng các loại rau phục vụ nhu cầu sinh hoạt
hằng ngày. Bên cạnh việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, điều khiến chúng tôi rất ấn
tượng về gia đình ông Sợi đó là chiếc lò đốt rác mi ni được xây phía cuối vườn.


Khi được hỏi về mô hình lò đốt rác, nhấp ngụm trà nóng, ông
Sợi nhẩn nha kể cho chúng tôi nghe những khó khăn về rác thải ở khu vực nông
thôn. Đau đáu về tình trạng các hộ dân chăn thả gia súc, gia cầm dưới gầm sàn,
vỏ thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan ra ao, rãnh, suối khe; rác thải sinh
hoạt, vỏ nhựa, túi nilon không được thu gom, xử lý... ông Sợi nhiều ngày đêm
suy nghĩ để tìm ra giải pháp. “Để bức tranh nông thôn trong lành, xanh sạch,
chính quyền địa phương đã nhiều lần vận động, nhắc nhở nhưng ý thức người dân
vẫn chưa được cải thiện, phần vì đó là việc cố hữu trong nếp nghĩ của đồng bào,
phần vì không có giải pháp nào triệt để. Đã từng giữ vai trò Bí thư Chi bộ thôn,
rồi cán bộ xã và đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau trong tổ chức đoàn thể,
chính quyền, tôi thấy lòng day dứt trăn trở không yên. Xuất phát từ tinh thần
trách nhiệm và tâm huyết với bà con, tôi quyết tâm tìm ra giải pháp cho bài
toán khó này. Muốn bà con nghe theo, mình phải đích thân làm trước”- ông Sợi
chia sẻ.
Nghĩ là làm, ông Sợi bắt tay vào việc đào hố rác tại gia
đình. Từ năm 2011 đến 2014, gia đình ông đã đào 5 hố rác, nhưng hiệu quả không
như mong muốn, các túi đựng vật phẩm vẫn bị gia súc, gia cầm bới, tha vung vãi khắp
nơi, môi trường vẫn bị ô nhiễm, cảnh quan nông thôn vẫn không cải thiện.
Mô hình chưa thể áp dụng hiệu quả, ông Sợi tiếp tục trăn
trở, tính toán, nghiên cứu trong một thời gian dài. Tinh thần của người lính
một thời “vào sinh ra tử” lại thôi thúc ông mãnh liệt, ông tiếp tục tìm tòi,
thử nghiệm và ý tưởng lóe ra sau bao ngày nghiền ngẫm, thùng đốt rác mini của
gia đình lại một lần nữa được hình thành. Tổng chi phí cho mỗi lò đốt rác là
200.000 đồng. Diện tích đất chỉ cần từ 1-2 m vuông, trong vườn, cạnh các công
trình phụ, hoặc trên bờ mương thủy lợi. Lò gom đốt rác thải này phù hợp với khả
năng kinh tế của tất cả các hộ gia đình, tại khu vực nông thôn hay cả khu tập
trung đông dân cư. Vật liệu cho một lò đốt rác là 3 bao cát, 46 viên gạch ba
vanh (hay 80 viên gạch nung), 25 kg xi măng, 3 kg thép phi 8 (riêng thép phi 8
hai đầu phải uốn hình L để chôn vào tường, khi đốt lâu ngày cho khỏi võng) và
chỉ cần tận dụng một công xây. Kết cấu lò đốt rác gồm một cửa đốt mồi lửa ở mặt
chính, rộng 30cm, cao 25cm; 3 cửa góp gió hai bên sườn cách nhau từ 10 đến 15
cm (mỗi cửa rộng 3cm, cao 25cm), Khoang giữa lò đốt có lót một giàn thép cách
nền 25cm để chứa rác, trên miệng có một tấm lợp Fibro xi măng để tránh mưa tạt.
Điều quyết định cho thùng rác này có hiệu quả là cửa góp gió hai bên sườn và
giàn thép trong lòng thùng.

Mô hình lò đốt rác của ông Ma Thanh Sợi tại bản Rịa xã Nghĩa Đô
Khi
áp dụng mô hình này, rác thải được xử lý gọn, nhanh chóng và hiệu quả. Nhờ
thiết kế thoáng, nên việc đốt rác nhanh và dễ cháy hơn. Hơn nữa lò đốt được đặt
cuối vườn nên khi đốt không ngại khói bụi, không ảnh hưởng môi trường xung
quanh. Thấy được lợi ích từ mô hình đem lại, các hộ dân ở bản Rịa cũng như
trong xã Nghĩa Đô đã đồng tình hưởng ứng thực hiện. Trong khi nhiều địa phương
đang loay hoay tìm hướng xử lý rác thải, thì với mô hình trên, ông Ma Thanh Sợi
đã giải quyết được bài toán về vệ sinh môi trường cho bà con. Hiện tại ở bản
Rịa đã có 66/69 hộ tham gia xây dựng lò đốt rác tại nhà, chất lượng môi trường
không ngừng được cải thiện.
Chia sẻ với chúng tôi về mô hình lò đốt rác gia đình, ông
Sợi bộc bạch: “Lò đốt rác được áp dụng tại mỗi gia đình, bà con có môi trường
trong sạch rồi. Nhưng để triệt để hơn, rác thải cần được phân loại
và thu gom, xử lý triệt để, nhất là các sản phẩm nhựa một lần và túi nilon khó
phân hủy. Nhận thức được hiểm họa khôn lường của rác thải này đến
sức khỏe người dân, tôi
vận động bà con biết phân loại rác thải trước khi đốt”.
Trầm ngâm một hồi, ông Sợi chậm rãi nói: “Túi ni
lông lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn đất, làm
cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxi đi qua đất ảnh hưởng đến
môi trường và cây trồng. Nếu túi ni lông bị ném xuống ao hồ, sông suối, nó sẽ
làm tắc nghẽn cống, rãnh, khe, rạch, gây ứ đọng và tạo điều kiện cho nhiều vi
khuẩn sinh bệnh, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người, gây
rối loạn nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch..., nếu đốt nhựa và túi
nilong sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vậy nên sống ở nông thôn, tôi
vận động bà con phải sống thân thiện với môi trường, nói không với túi nilong,
nói không với sản phẩm nhựa một lần”
Từng là cán bộ
tuyên vận, có hiểu biết, nhiều kinh nghiệm sống, đối xử với bà con bằng sự cởi
mở, chân thành nên ông Sợi luôn được người dân tin tưởng, quý trọng. Hơn nữa,
với phương châm“nói đi đôi với làm„ ông Sợi trở thành mẫu mực để bà con học tập
và làm theo.Với sự phân tích cặn kẽ, thấu đáo và khoa học của mình, ông Sợi đã
giúp người dân bản Rịa hiểu được những lợi ích của lò đốt rác gia đình mang
lại, đồng thời biết sử dụng những đồ dùng thân thiện với môi trường: đi chợ mua
mớ rau, cân thịt hay con cá, bà con không cầu kỳ phải đựng vào túi nilong,
người bán cũng hồ hởi xâu cái lạt buộc, gói đồ dùng trong tấm lá dong, lá
chuối.... Nhìn vẻ rắn rỏi, quắc thước, nhanh nhẹn của ông Sợi khi đã cận kề
tuổi 80, chúng tôi chợt hiểu cách sống giản dị, hòa đồng, thân thiện với môi
trường là điều căn cốt để ông sống vui, sống khỏe mỗi ngày.
Chia sẻ về tiện
ích của mô hình này, chị Cổ Thị Soạn - người dân tại bản Rịa xã Nghĩa Đô cho
biết: “Trước đây, rác thải sinh hoạt được vứt khắp nơi, nhiều hộ dân thường để
thành đống, thậm chí có hộ vứt xuống suối khe, gây ô nhiễm môi trường. Từ khi
có lò đốt rác, tình trạng này được giải quyết triệt để. Dần dần bà con chúng
tôi đã biết đốt rác và phân loại rác thải đảm bảo vệ sinh, đối với những rác
hữu cơ thì ủ phân bón cho cây trồng, loại vô cơ thì bỏ vào lò đốt, đối với
những vật dụng không đốt được như chai, lọ thì đem chôn xuống đất. Đặc biệt,
với sự chỉ dẫn của ông Sợi, chúng tôi không sử dụng túi ni lông trong sinh hoạt
hoạt nữa. Lò đốt rác này rất hiệu quả, tránh ô nhiễm môi trường, trung bình cứ
2 ngày thì đốt một lần. Nỗi lo ô nhiễm môi trường với chúng tôi đã không còn,
người dân yên tâm lao động sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Tại các cuộc
họp và tiếp xúc cử tri không còn những kiến nghị, bức xúc về tình trạng ô nhiễm
môi trường và rác thải, tập quán chăn thả gia súc dưới gầm sàn cũng không còn
nữa”
Sáng kiến của
ông Ma Thanh Sợi tuy nhỏ những thực sự đem lại lợi ích lớn cho cộng đồng. Đầu
năm 2015, Đảng ủy xã Nghĩa Đô chỉ đạo Chi bộ thôn bản Rịa triển khai rộng rãi
mô hình tới bà con. Sau đó, mời Bí thư các Chi bộ, Ban xây dựng nông thôn, lãnh
đạo các ban, ngành, đoàn thể tham quan, rút kinh nghiệm. Từ mô hình lò đốt rác
đơn giản này, công tác vệ sinh môi trường của xã Nghĩa Đô có nhiều chuyển biến
tích cực. Tiếng lành đồn xa, mẫu lò đốt rác của ông Ma Thanh Sợi được nhiều xã
trong huyện, nhiều huyện trong tỉnh và các Sở ngành quan tâm, học tập và làm
theo.
Chi phí đầu tư thấp, dễ thực hiện, lại có tính ứng dụng cao,
mô hình lò đốt rác thải sinh hoạt của ông Ma Thanh sợi không chỉ góp phần giải
quyết vấn nạn rác thải sinh hoạt tràn lan ở nông thôn mà còn làm giảm gánh nặng ngân sách cho việc
xử lý rác thải. Cái được lớn nhất của lò đốt là từ cháu nhỏ cho đến các cụ già
đều có thể tự làm sạch gia đình, ngõ xóm, hình thành ý thức bảo vệ môi trường.
Từ khi các hộ gia đình có lò đốt rác, bản Rịa xã Nghĩa Đô luôn sạch sẽ, phong
quang, đường làng thoáng đãng, chất lượng môi trường không ngừng được cải
thiện.
Dẫu biết rằng, tiêu chí vệ sinh môi trường ở nông thôn còn
đó nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với cách làm tâm huyết và sáng tạo của ông
Sợi, chúng tôi tin tưởng rằng, mô hình lò đốt rác gia đình và ý thức vệ sinh
môi trường nông thôn sẽ được nhân rộng, lan tỏa không chỉ ở bản Rịa xã Nghĩa Đô
mà còn được nhân rộng, lan tỏa ở nhiều thôn, bản khác…
Chia tay bản Rịa xã Nghĩa Đô, chúng tôi thấy lòng nhẹ nhõm,
ấm áp. Ánh nắng nhẹ buổi chiều hắt trên cánh đồng vàng trĩu hạt như một minh
chứng về sự yên bình, trù phú của làng quê, là cuộc sống hạnh phúc, ấm no đang
ùa về trong mỗi nếp nhà…