Về thôn Già Hạ, xã Việt
Tiến, huyện Bảo Yên những ngày đầu thu này, ai cũng cảm thấy xốn xang bởi âm
thanh những nhịp chày đều đặn, êm êm, vị ngọt thơm lan tỏa của cốm mới cùng sự
rộn ràng của người dân đi trẩy hội.
Ngay từ sáng sớm, dòng người và
xe đã nườm nượp về thôn Già Hạ để tham quan khung cảnh nơi đây và hòa mình vào
không gian lễ hội đặc sắc. Dọc khắp cung đường dẫn về thôn Già Hạ, những cánh đồng lúa đang
ngả màu vàng nhạt, những bông
lúa nếp căng sữa, thoang thoảng hương
thơm, quyện với cái gió nhè nhẹ của mùa thu se lạnh…
Quy trình làm cốm ở Già
Hạ được bà con, đồng bào Tày, Nùng lưu truyền qua nhiều thế hệ. Để lúa có vị
thơm, độ dẻo và ngọt, người dân phải gặt từ sáng sớm, sau đó đem về ngâm trong
nước lạnh để loại bỏ những hạt lép. Sau khi loại bỏ hạt lép, lúa được đem rang
trong chảo lớn. Lửa được duy trì đều trong khoảng 30 phút đến khi nứt hạt và dậy
mùi thơm. Đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa
sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ bị mất đi độ dẻo.
Lúa làm cốm
phải đang trong thời kỳ uốn câu, đầu hạt vẫn còn chút sữa, vỏ hơi lam vàng và hạt
gạo chưa chín hết
Lúa rang chờ nguội được giã trong cối “loỏng”.
Loỏng là một máng gỗ dài giống như chiếc thuyền độc mộc nhỏ được đục từ thân gỗ
chắc. Trai gái xếp hàng hai bên loỏng, cùng nhau giã cốm. Khi lúa được đưa vào giã cốm cũng là lúc dân bản tổ chức lễ hội
vui chơi, reo hò theo giai điệu nhịp nhàng mà náo nức của tiếng chày. Hòa
vào vị thơm, ngon của cốm, trai gái và người dân thôn bản cùng cất lên những
câu khắp, câu then, cùng vui chơi đánh quay, đánh yến, bịt mắt bắt vịt….
Phục dựng Hội giã
Cốm ở thôn Già Hạ, xã Việt Tiến (Bảo Yên)
Tất cả các công đoạn làm cốm đều được thực hiện
thủ công. Cốm được cho vào những sọt (giậu) có lót lá dong. Sau đó, những bậc
cao niên chuẩn bị cho mâm lễ cúng nàng Trăng (nàng Hai). Lễ cúng bày tỏ lòng
thành kính của người dân tới trời đất, thần linh, cầu cho mưa thuận, gió hòa,
mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ. Đây cũng là nghi thức thể hiện tình đoàn kết,
gắn bó giữa các thành viên, tạo nên sức mạnh của cộng đồng.
Đoàn người dâng Lễ mừng Hội Cơm mới trong Hội
Cốm ở thôn Già Hạ
Lễ dâng cơm mới để dâng thần
linh, tổ tiên và Lễ cúng nàng Trăng (nàng Hai)
Cốm ngon
nhất khi ăn lúc mới làm xong. Hạt mềm, dẻo, thơm và hậu vị có một chút đắng sau
đó chuyển sang vị thanh và hơi ngọt. Cốm thường được ăn với hồng đỏ, chuối hoặc
nấu cháo vịt, xôi, chè và làm các món mặn như chả cốm, nem rán…
Ông
Hà Văn Lên, người dân xã Việt Tiến cho biết: “Lâu lắm tôi mới có dịp
thưởng thức trọn vẹn lễ hội này nên cảm thấy rất vui. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa cộng
đồng đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn, là dịp để thế hệ trẻ
học tập kinh nghiệm làm cốm và giữ gìn bản sắc ẩm thực truyền thống của địa
phương. Tôi mong muốn lễ hội được duy trì hằng
năm và ngày càng được mở rộng để du khách gần xa biết đến”.
Cốm Già Hạ không chỉ là tinh hoa của đất trời, mà còn có cả tình yêu, hồn
đất, hồn người gửi gắm vào trong đó. Chia sẻ với chúng tôi, anh Hà Văn Quang – Trưởng
Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Yên cho biết: “ Hội Cốm không chỉ ở thôn Già Hạ xã
Việt Tiến mà đang phát triển và nhân rộng ở nhiều xã khác của huyện Bảo Yên. So
với giá trị 1kg thóc bán ra thị trường, thì 1 kg cốm thu được lợi nhuận gấp
đôi, đem tới niềm vui no ấm cho bà con dân bản.
Mùa hội cốm, du khách được trải nghiệm quy trình làm cốm thủ công và
thưởng thức hương cốm, vị cốm đặc trưng của vùng Tây Bắc. Ngoài giá trị tăng cường quảng bá hình ảnh
quê hương, Lễ hội còn tăng cường mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, láng giềng với
các xã lân cận Lương Sơn,
Phúc Khánh, Xuân Thượng huyện Bảo Yên (Lào Cai) và xã Minh chuẩn; An lạc; Tân
Phượng huyện Lục Yên (Yên Bái). Hội cốm không chỉ lưu giữ nét đẹp văn hóa
truyền thống đồng bào dân tộc Tày, Nùng huyện Bảo Yên mà còn góp phần phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp trong lao động sản xuất của
đồng bào; đồng thời quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của
vùng cao tới Nhân dân và du khách thập phương./.