BẢO YÊN - PHÁT TRIỂN KINH TẾ LÂM NGHIỆP BỀN VỮNG GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Lượt xem: 566
Bảo Yên là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai với tổng diện tích đất tự nhiên 81.834,3ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm 75,5% diện tích đất tự nhiên (61.770 ha), đất có rừng của huyện là 50.584,97ha với 47.800 ha diện tích đã thành rừng. Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, những năm qua, Bảo Yên đã tận dụng tốt lợi thế về rừng, đồng thời có cơ chế khuyến khích Nhân dân đầu tư, phát triển. Nhờ đó nền kinh tế lâm nghiệp của huyện Bảo Yên đã có bước chuyển biến tích cực. Nhiều hộ dân đã gắn việc trồng rừng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, tạo nên một hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.

Trong 5 năm qua (2015-2020), thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh ủy, HĐND, UBND, các ban, ngành cấp huyện, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã đoàn kết, vận dụng đúng đắn và linh hoạt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy tiềm năng nguồn lực, thế mạnh của địa phương, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội đã đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, kết cấu hạ tầng phát triển mạnh, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 158 tỷ đồng, tăng gấp 5,3 lần so với năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/năm tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Từ năm 2016 đến nay, Bảo Yên đã trồng mới 10.000 ha rừng (bình quân vượt 25-30%/năm); đến thời điểm hiện tại, diện tích đất có rừng của huyện là 50.584,97ha với 47.800 ha diện tích đã thành rừng đã và đang cho khai thác. Với sự thay đổi về nhận thức, tư duy và có những bước đột phá cơ bản, nhiệm kỳ 2015 -2020, Bảo Yên được đánh giá là huyện có tỷ lệ trồng rừng vượt chỉ tiêu lớn nhất tỉnh.

Là huyện hội tụ nhiều điều kiện tự nhiên, xã hội cho phát triển lâm nghiệp, tận dụng điều kiện về khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai, Bảo Yên đã khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh để tạo động lực cho ngành lâm nghiệp bứt phá. Với sự nhạy bén, quyết đoán từ đội ngũ lãnh đạo cùng quyết tâm, thái độ làm việc tích cực, trách nhiệm của CBCNV, người lao động, Bảo Yên đã không ngừng nỗ lực, từng bước gặt hái được những thành tích đáng tự hào trong kinh tế lâm nghiệp. Nói riêng về trồng quế, Bảo Yên là huyện có diện tích quế chiếm trên 50% tổng diện tích quế toàn tỉnh (21.000 ha), Bảo Yên đã liên kết để hình thành cơ sở chế biến tinh dầu tại chỗ với 03 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế, đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn và phân phối ra các vùng. Mỗi  năm, lượng quế xuất bán ra thị trường đều đạt sản lượng ổn định với khoảng 220 tấn/năm; trung bình mỗi 1 ha quế đem lại nguồn doanh thu khoảng 700 triệu - 1 tỷ đồng/chu kỳ (07 năm); cùng với đó, huyện còn chỉ đạo tận dụng diện tích rừng quế để phát triển du lịch trải nghiệm; chăn nuôi gà thả đồi…

Vùng trồng quế tại xã Nghĩa Đô và Xuân Hòa, huyện Bảo Yên

Với nguồn nguyên liệu dồi dào, huyện Bảo Yên phát triển mạnh các cơ sở chế biến lâm sản. Hiện nay, trên địa bàn huyện có Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên - nhà máy chế biến lâm sản với quy mô lớn nhất tỉnh, tổng công suất theo thiết kế là 210.000 m3 sản phẩm/năm; Nhà máy được vận hành gồm 4 dự án thành phần là: Nhà máy  sản xuất ván tre, nhà máy sản xuất ván dán, nhà máy sản xuất ván MDF và nhà máy sản xuất ván thanh. Đầu năm 2016, việc hoàn thành và đi vào hoạt động của là nhà máy ván tre và ván dán 1 đã  tạo việc làm cho khoảng 200 lao động địa phương. Hiện sản phẩm đầu ra được tiêu thụ ổn định, chủ yếu được xuất khẩu sang các nước Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, doanh thu hằng năm ước đạt 100 tỷ đồng. Đây là điều kiện cho việc phát triển mở rộng, nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy.

Đặc biệt, kể từ khi Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, chính sách về giao đất, giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình nhằm tạo tiền đề bảo đảm yêu cầu rừng có chủ, tạo thuận lợi cho việc quản lý, bảo vệ, phát triển kinh tế từ rừng; Bảo Yên đã nắm bắt thời cơ, năng động chuyển đổi cơ chế, phương thức quản lý cho phù hợp với điều kiện sản xuất, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với những bước đi chắc chắn, phù hợp, thời gian qua, giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của huyện Bảo Yên đạt bình quân 600 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của huyện trên 13%/năm; đem lại thu nhập người dân cao gấp 2 lần (39 triệu/người/năm) và đưa tỷ lệ giảm nghèo từ 31,34%/năm xuống còn 10,89%/năm.

Người dân bản Đao xã Xuân Hòa thu hoạch quế

Với những chỉ số trên, Bảo Yên vinh dự là huyện đầu tiên được Hội đồng quản trị rừng quốc tế cấp chứng chỉ  cho trên 5.700 ha rừng đạt chứng chỉ FSC nhờ đó, huyện đã gia tăng lợi ích thiết thực trên cả 3 phương diện, đó là làm giàu rừng, tăng thu nhập cho người sản xuất, môi trường và an sinh xã hội; với việc sản xuất theo quy trình FSC giá bán một mét khối tăng từ 15 - 20%, tương đương với 150 - 200.000 đồng.

Thực hiện mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, chế biến sâu, gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò môi trường sinh thái, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội, Bảo Yên chú trọng và đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Bằng công tác vận động, tuyên truyền, người dân đã thay đổi mạnh mẽ về tư duy và nhận thức: chuyển từ tư duy sản xuất lâm nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác, lợi dụng rừng tự nhiên sang bảo vệ, phục hồi rừng tự nhiên và trồng mới, chế biến sâu, góp phần tái cơ cấu đầu tư ngành lâm nghiệp, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người làm nghề rừng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái. Rừng nhiều tầng, nhiều tán, không những đã phát huy tính năng phòng hộ, bảo vệ tính đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mà còn tạo nguồn sinh thủy cho đầu nguồn sông Chảy, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế lũ lụt, hạn hán, là nơi cho các loài động vật cư trú và bảo tồn nguồn gen các loài thực vật rừng.

Trong giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030, huyện Bảo Yên xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một trong những nhiệm vụ đột phá trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo, trong đó trọng tâm là: Cơ cấu lại tổ chức sản xuất, hình thành các tổ, nhóm sản xuất theo từng mặt hàng sản phẩm, tiến tới hình thành các hợp tác xã lâm nghiệp chuyên môn hóa cao theo chuỗi giá trị sản phẩm và định hướng sản phẩm OCOP; phấn đấu đạt mục tiêu 10.000 ha - 15.000 ha diện tích rừng trồng quế có chứng chỉ rừng (FSC hoặc tương đương) tạo thuận lợi cho việc xuất khẩu vào thị trường Châu Âu, Mỹ và một số thị trường khó tính khác, phấn đấu đến năm 2025 có 50% sản phẩm hương liệu, dược liệu có chứng chỉ Ogranic. Cùng với đó, Bảo Yên tiếp tục đầu tư xây dựng các nhà máy chiết xuất tinh dầu quế ở dạng tinh chất, ngoài ra, đẩy mạnh hoạt động chế biến đa dạng các sản phẩm từ quế như quế thanh, ống điếu từ quế, kẹo quế...; dùng quế làm ợc liệu để chữa trị các chứng bệnh về tim mạch, hô hấp và tiêu hóa, làm hương liệu trong các sản phẩm như trà quế, rượu quế, nước hoa hương quế, đồng thời gắn việc trồng quế với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…, góp phần xây dựng quê hương Bảo Yên ngày càng giàu đẹp./.          

Đồng chí Nguyễn Xuân Nhẫn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang