KHÁT VỌNG LÀM GIÀU TRÊN ĐỒNG ĐẤT QUÊ HƯƠNG
Lượt xem: 553

Theo con đường bê tông phẳng phiu, sạch đẹp, chúng tôi đến thăm Hợp tác xã nông sản sạch Tuấn Linh (bản Bùn 4, xã Bảo Hà - Bảo Yên). Anh Trần Minh Tuấn, sinh năm 1987 - Giám đốc Hợp tác xã Tuấn Linh tiếp chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ cùng phong cách nói chuyện gần gũi, thân thiện.

Tâm sự về những ngày đầu khởi nghiệp, Tuấn cho biết: “Thấy quỹ đất của gia đình rộng nhưng chưa được đầu tư hiệu quả, tôi luôn trăn trở với suy nghĩ phải làm sao để bản thân có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nếu không tận dụng, khai thác quỹ đất này, rồi lâu ngày cũng khô cằn, hoang hóa, tôi quyết tâm tìm ra cho mình một hướng đi, quyết cải tạo và quy hoạch lại quỹ đất trên 20 hecta để thực hiện dự án kinh tế mà bấy lâu từng ấp ủ”.

Qua nghiên cứu, học hỏi các mô hình kinh tế trong thực tế và trên mạng, năm 2015 anh Tuấn đã “manh nha” khởi động mô hình trồng cây ăn quả. Mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm nguồn thu nhập từ xuất bán trái cây đều đạt trên 200 triệu đồng. Nhưng theo anh Tuấn, nếu chỉ trồng cây ăn quả, thì chưa khai thác hết tiềm năng của trang trại Tuấn Linh. Vì vậy, sau khi  tìm hiểu và khảo sát nhu cầu thị trường, anh quyết tâm mở rộng quy mô và phát triển sang lĩnh vực chăn nuôi. Cuối năm 2019, anh Tuấn mạnh dạn bắt tay vào mô hình nuôi bò nhốt chuồng vỗ béo. Để đàn bò phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Tuấn đã thiết kế hệ thống chuồng trại thoáng mát, hợp vệ sinh, đảm bảo tốt cho việc nuôi bò nhốt theo đúng yêu cầu, quy cách.

Công nhân Hợp tác xã Tuấn Linh đang chăm sóc cho đàn bò

Thức ăn cho bò cũng được anh chọn lựa kỹ càng từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến. Với diện tích 3 hecta đất bãi trồng cỏ sả, cỏ voi, đàn bò nhốt chuồng luôn được cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên vừa dồi dào, vừa đảm bảo. Ngoài ra, anh còn ủ thức ăn cho bò, nhờ có máy thái cỏ và máy nghiền ngô, đàn bò nhốt chuồng luôn được hấp thụ nguồn thức ăn với hàm lượng dinh dưỡng cao, cùng với đó, công tác thú y, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cũng luôn được thực hiện định kỳ, giám sát chặt chẽ. Nhờ đó nguồn thức ăn không bị nhiễm khuẩn, không ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của đàn vật nuôi, đàn bò chắc thịt phổng phao, lớn nhanh trông thấy. Do chủ động được nguồn thức ăn sạch, đảm bảo dinh dưỡng và tiêm phòng đầy đủ nên đàn bò ở đây nhanh lớn, không bị dịch bệnh, chất lượng thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, đem lại thu nhập từ đàn bò khoảng 500 - 600 triệu đồng/năm.

Tận dụng đất bãi bồi ven sông để trồng cỏ

Tận dụng nguồn phân bò sẵn có, anh Tuấn đã mở rộng thêm việc nuôi trùn quế trên diện tích gần 50m2. Phân bò được thu gom và ủ mục, sau đó đưa vào nuôi trùn quế. Hằng tháng, ngoài việc dùng trùn quế phục vụ cho chăn nuôi của trang trại, anh Tuấn còn bán ra thị trường, phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi của các hộ gia đình ở địa phương. Việc có sẵn nguồn trùn quế dồi dào, anh Tuấn dùng để chăm sóc, bón cây; thịt trùn dùng làm thức ăn cho cá, gà, ngan, vịt…

Anh Tuấn nói: “Mình lấy chất thải hữu cơ nuôi trùn, rồi lấy trùn bán, nuôi cá, nuôi gà, vịt. Phân trùn bán thương phẩm, trồng cây. Chất thải trong các hoạt động đó lại tiếp tục nuôi trùn, không có gì bỏ ra khỏi vòng khép kín này”. Với mô hình trên, đều đặn mỗi tháng anh Tuấn đều đem đến nguồn thực phẩm sạch cung ứng ra thị trường, tổng nguồn thu nhập từ mô hình khép kín đem lại hiệu quả rõ nét, trừ các khoản chi phí: con giống, thức ăn, thuốc thú y, nguồn vốn,…mức thu trung bình mỗi tháng đều ổn định từ 60 - 70 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với  các hộ làm nông nghiệp trong xã. Tổng các nguồn thu từ chăn nuôi, trồng trọt, mỗi năm anh Tuấn có nguồn thu nhập từ 800 - 900 triệu đồng.

Lãnh đạo chính quyền xã Bảo Hà tham quan mô hình nuôi bò của Hợp tác xã Tuấn Linh

Chia sẻ với chúng tôi về hiệu quả của mô hình đem lại, anh Nguyễn Văn Quyền - Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hà hồ hởi nói: Thấy hiệu quả từ mô hình đem lại, các hộ dân trong xã, hợp tác xã Minh Tiến (Bảo Hà), Hợp tác xã Phìn Ngan (Bát Xát) và nhiều đoàn công tác đã đến tham quan, học hỏi kinh nghiệp. Mô hình bước đầu đã đem lại nhiều tín hiệu lạc quan cho việc cung cấp nguồn nông sản sạch ra thị trường, tạo sự tin cậy lớn cho người tiêu dùng. Tới đây, anh Tuấn sẽ phát triển quy mô đàn bò, đầu tư mở rộng chăn nuôi lợn nái, bao tiêu nguồn nông sản sạch ra thị trường, liên kết kinh tế với các hợp tác xã. Anh Tuấn là một điển hình làm kinh tế giỏi ở địa phương.

Đầu tư chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm cung cấp nông sản sạch ra thị trường là một biện pháp hiệu quả để anh Tuấn tiếp tục có những bước đi ổn định và vững chắc trong tương lai. Hợp tác xã nông sản sạch Tuấn Linh mới được thành lập và đi vào hoạt động nhưng đã khẳng định được vị trí và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội địa phương. Anh Tuấn trở thành hình mẫu, thành động lực để những thanh niên vẫn loay hoay với câu chuyện lập thân lập nghiệp phải suy ngẫm và học tập.

                                                             

Hoàng Thị Thu Hằng - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Bảo Yên
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang