Tổng hợp nội dung chất vấn của đại biểu tại hội nghị tiếp xúc đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quý I năm 2019
Lượt xem: 155
      Ngày 27/3/2019, tại Nhà Văn hóa huyện, Huyện ủy Bảo Yên đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với cán bộ, công chức, người lao động trên địa bàn huyện quý I/2019.       Tổng hợp có 31 lượt hỏi với 56 ý kiến (Trong đó: 20 lượt hỏi trực tiếp với 38 ý kiến tại hội nghị; 11 lượt hỏi với 18 ý kiến qua phiếu chất vấn). Cơ quan chuyên môn trả lời: 06 (gồm: Phòng Nội vụ, Giáo dục &ĐT, Tài nguyên-Môi trường, Y tế, Liên đoàn Lao động, Lao động - Thương binh & Xã hội).
I. LĨNH VỰC NỘI VỤ

1. Người hỏi: Ông Nguyễn Việt Hà, viên chức Trung tâm Y tế huyện Bảo Yên

* Câu hỏi 1: Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 có thay thế Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ không?

* Trả lời: Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế và không có giá trị thay thế, cụ thể:

- Sửa đổi nội dung về quản lý và sử dụng số biên chế đã thực hiện tinh giản.

- Sửa đổi, bổ sung đối tượng và điều kiện thực hiện tinh giản biên chế, cụ thể: Tại Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 1 của Nghị định 113/2018/NĐ-CP.

- Phân cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hồ sơ tinh giản biên chế cho cấp tỉnh thực hiện.

- Cách tính các khoản trợ cấp cho các đối tượng được nghỉ thôi việc ngay, nghỉ hưu trước tuổi (không thay đổi) thực hiện theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.

* Câu hỏi 2: Việc tổ chức triển khai, phổ biến Nghị định số 113/2018/NĐ-CP ngày 31/8/2018 và Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 cho CB,CC,VC như thế nào?

* Trả lời: Sau khi Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014; Thông tư hướng dẫn của các bộ ngành liên quan và hướng dẫn của liên Sở Nội vụ, Sở Tài chính. UBND huyện Bảo Yên đã ban hành Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 23/7/2015 về việc triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ triển khai đến các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện; các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đã triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao trong cơ quan, đơn vị biết và thực hiện. Đối với sự nghiệp y tế việc triển khai do Sở Y tế tỉnh Lào Cai chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.

2. Người hỏi: Ông Trần Bá Đường - Bí thư Đảng ủy thị trấn Phố Ràng

* Câu hỏi: Cần bố trí cơ cấu công chức cấp xã cho hợp lý. Đề nghị bố trí thêm 01 công chức Địa chính - nông lâm nghiệp cho thị trấn Phố Ràng.

* Trả lời:

- Về việc bố trí cơ cấu công chức cấp xã: Trong thời gian qua, Phòng Nội vụ đã tham mưu cho UBND huyện đề nghị Sở Nội vụ xem xét điều chỉnh cơ cấu công chức cấp xã cho phù hợp với tình hình quản lý, sử dụng công chức ở một số xã trên địa bàn huyện (ví dụ: Xã Tân Dương, Xuân Thượng: đã điều chỉnh giảm số người ở vị trí Địa chính-NN-XD&MT để tăng số người ở vị trí Văn phòng – TK; Thị trấn Phố Ràng và xã Thượng Hà: tăng số người ở vị trí Văn phòng – TK do giảm 01 Phó Chủ tịch UBND xã, thị trấn).

- Đề nghị bố trí thêm 01 công chức Địa chính -XD-ĐT&MT cho thị trấn Phố Ràng: Hiện tại UBND thị trấn Phố Ràng có 02/03 Địa chính-XD-ĐT&MT, (còn thiếu 01 người so với biên chế được giao). Để bổ sung công chức Địa chính - XD - ĐT&MT cho UBND thị trấn Phố Ràng, UBND huyện sẽ xem xét điều động công chức Địa chính - XD - NN&MT từ xã khác đến sau khi sáp nhập đơn vị hành chính xã Long Phúc và xã Long Khánh.

3. Người hỏi: Bà La Thị Liên - Bí thư Đảng ủy xã Cam Cọn

* Câu hỏi 1. Khi chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức theo Nghị định 158/2007/NĐ-CP cần phải có sự trao đổi với cơ quan, đơn vị và cá nhân được luân chuyển?

* Trả lời: Hằng năm, Phòng Nội vụ tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức gửi các cơ quan, đơn vị và UBND các xã, thị trấn thực hiện. Trước khi quyết định chuyển đổi, phòng Nội vụ đã thông tin, trao đổi với cá nhân cán bộ, công chức phải thực hiện chuyển đổi và cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp công chức, viên chức.

* Câu hỏi 2: Việc trả tiền lương đối với giáo viên hợp đồng giảng dạy tại các trường phổ thông trên địa bàn huyện là 4.000.000đ/tháng?

* Trả lời:

- Thông tin phản ánh trên là không đúng với thực tế.

- Hằng năm, UBND huyện Bảo Yên có hợp đồng một số giáo viên giảng dạy tại các trường học trực thuộc Phòng Giáo dục & ĐT huyện đối với các chỉ tiêu biên chế còn thiếu chưa tuyển dụng được (trong năm học). Các giáo viên hợp đồng được trả lương theo ngạch bậc và các phụ cấp khác (nếu có), được đóng BHXH theo quy định hiện hành của nhà nước.

4. Người hỏi: Ông Nguyễn Trí Quyền – Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hà

* Câu hỏi: Đề nghị bố trí thêm 01 công chức Địa chính – NN-XD &MT cho xã Bảo Hà?

* Trả lời: Đối với xã Bảo Hà là xã loại 01 được UBND tỉnh giao 25 biên chế cán bộ, công chức. Hiện đã có 25/25 biên chế, trong đó vị trí công chức Địa chính - NN-XD &MT đã có 03 người. Vì vậy không bố trí thêm biên chế công chức Địa chính - NN-XD &MT. Việc bố trí từ biên chế do xã tự phân công theo Đề án vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Người hỏi: Bà Nguyễn Ngọc Lan Thương, Công chức Tư pháp – HT xã Yên Sơn

* Câu hỏi: Việc trả phụ cấp đối với công chức làm việc tại bộ phận một cửa cấp xã như thế nào?

* Trả lời:

- Tại Điều 2, Quyết định số 07/2014/QĐ-UBND ngày 31/3/2014 của UBND tỉnh Lào Cai quy định việc trả phụ cấp đối với công chức làm việc tại bộ phận một cửa cấp xã là 300.000đồng/người/tháng.

- Kinh phí thực hiện: Từ nguồn kinh phí chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông” được cấp có thẩm quyền giao hằng năm.

6. Người hỏi: Bà Cổ Thị Vĩnh - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tiến

* Câu hỏi: Đề nghị bổ sung công an viên cho thôn đã sáp nhập do địa bàn rộng?

* Trả lời: Theo quy định tại Quyết định 52/2011/QĐ-UBND ngày 30/12/2011của UBND tỉnh Lào Cai: Đối với thôn phức tạp về an ninh thì được bố trí 02 công an viên, các thôn còn lại chỉ được bố trí 01 công an viên.

Việc bổ sung công an viên thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã quyết định, đồng thời báo cáo về Phòng Nội vụ thẩm định, trình UBND huyện quyết định cho hưởng phụ cấp.

7. Người hỏi: CB, CC, VC thuộc UBND xã Thượng Hà (qua phiếu chất vấn)

* Câu hỏi: Học sinh cử tuyển Trung học y tế Lào Cai từ năm 2010-2013 đã tốt nghiệp ra trường đến nay vẫn không tìm được việc làm?

* Trả lời:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ. Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ phân công công tác tối đa là 06 tháng, kể từ ngày công nhận tốt nghiệp. Quá thời hạn 06 tháng không nhận được sự phân công theo quy định của Nghị định này thì người học theo chế độ cử tuyển có quyền tự đi tìm việc làm và không phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo.

Đối với các sinh viên tốt nghiệp ra trường phải tham gia thi tuyển hoặc xét tuyển vào cơ quan, tổ chức khi có đợt tuyển dụng của tỉnh hoặc của huyện. Tuy nhiên đối với sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành y, UBND huyện Bảo Yên chỉ giới thiệu cho ngành y tế trên địa bàn huyện tuyển dụng (Bệnh viện đa khoa, Trung tâm Y tế huyện). Nếu cá nhân có nhu cầu tuyển dụng thì đăng ký dự tuyển với bệnh viện đa khoa hoặc Trung tâm y tế huyện).

II. LĨNH VỰC GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO

1. Người hỏi: bà Nông Thị Dung - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Xuân Hòa

* Đề xuất: Công tác tuyển sinh vào lớp 10 của các trường THPT gặp nhiều khó khăn. Hiện nay chỉ có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký dự thi vào THPT, số còn lại có nguyện vọng đi học nghề hoặc tham gia lao động ngay. Hằng năm, các trường đào tạo nghề, trong đó có Trung tâm dạy nghề Phú Minh tham gia vào khâu tuyển sinh (cùng thời điểm thăm dò ý kiến tuyển sinh của các trường THPT). Đa số các trường nêu trên đều tuyên truyền vận động tất cả các đối tượng học sinh, việc này vô tình đã gây khó khăn cho công tác tuyển sinh của các trường THPT. Để giải quyết tình trạng nêu trên, đề nghị UBND huyện chỉ cho phép các trường đào tạo nghề tuyên truyền tuyển sinh sau khi các trường THPT trên địa bàn tuyển sinh xong hoặc tuyển sinh trong số những học sinh không có nguyện vọng học lên THPT.

* Trả lời: UBND huyện sẽ xem xét giải quyết theo hướng đề xuất. Đề nghị các trường THCS trên địa bàn chỉ cho các trường dạy nghề đến tư vấn tuyển sinh sau khi học sinh đã đăng ký dự thi vào THPT.

2. Người hỏi: bà Phạm Thị Yến - THDT BT Xuân Thượng

* Đề xuất: Mô hình trường có học sinh bán trú hiện đang phát triển rất mạnh. CBQL, GV các trường này ngoài việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn phải quản lý học sinh bán trú. Tuy nhiên, phụ cấp trách nhiệm đối với CBQL, GV trường PTDTBT rất thấp (0,3). Các trường có học sinh bán trú không được hưởng chế độ này (chỉ được thêm 1,0 hoặc 1,1 định suất quản lý học sinh bán trú theo Quyết định 13/2017/QĐ-UBND của UBND tỉnh). Với mức phụ cấp nêu trên chưa thỏa đáng với mức trách nhiệm đang thực hiện. Đề nghị UBND huyện đề xuất điều chỉnh tăng phụ cấp trách nhiệm cho CBQL, GV các trường PTDTBT, bổ sung áp dụng phụ cấp này đối với các trường có học sinh bán trú.

* Trả lời: UBND huyện đã đề xuất với tỉnh điều chỉnh tăng phụ cấp trách nhiệm cho CBQL, GV các trường PT DTBT, bổ sung áp dụng phụ cấp này đối với các trường có học sinh bán trú cho thỏa đáng với mức trách nhiệm của viên chức đang thực hiện.

3. Người hỏi: qua Phiếu chất vấn

* Đề xuất: Nhiều lớp học xây dựng theo mẫu cũ đến giờ không phù hợp với mô hình trường học mới, số lượng học sinh đông. Đề nghị rà soát để có thể dần xây thay thế các phòng học cũ.

* Trả lời: Các phòng học được xây dựng theo mẫu trước đây thường có diện tích 42m2 diện tích này nhỏ chưa đáp ứng điều kiện đầy đủ cho lớp học theo mô hình trường học mới, song việc đầu tư còn gặp khó khăn, do đó huyện giao Phòng giáo dục hướng dẫn các trường tổ chức dạy học theo mô hình trường học mới phù hợp với thực tế. Các trường căn cứ vào diện tích phòng học, số lượng học sinh, điều kiện cụ thể để tổ chức các hoạt động giáo dục sao cho phù hợp, hiệu quả, đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục.

4. Người hỏi: Hoàng Văn Lực, Giáo viên Trường Mầm non Kim Sơn 1

* Đề xuất: Nhiều trường chưa có nhà công vụ hoặc thiếu nên việc ở, nghỉ ngơi buổi trưa để tiếp tục làm việc buổi chiều rất mệt mỏi cho giáo viên (giáo viên xa đi sáng, tối mới về). Đề nghị tiếp tục xây nhà công vụ đối với các trường xa trung tâm.

* Trả lời: Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, UBND huyện đã rà soát và đề xuất đầu tư xây dựng nhà công vụ cho các đơn vị trường học theo Đề án rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp giai đoạn 2015 - 2020. Từ năm 2016 đến nay UBND tỉnh đã đầu tư xây dựng 122 phòng công vụ cho các đơn vị trường học trên địa bàn huyện, đến nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu. Đối với phòng nghỉ trưa của viên chức, UBND huyện sẽ xem xét để đề nghị đầu tư giai đoạn 2020 - 2025.

5. Người hỏi: qua Phiếu chất vấn

* Đề xuất: Hiện nay định mức huyện giao biên chế giáo viên mầm non là 1,87 (Theo quy định là 2,0). Mong muốn huyện sẽ giao chỉ tiêu biên chế đủ theo định mức lý do: Ví dụ với trường MN Tân Dương (đã được giao 1,9 nhưng một giáo viên đi tăng cường đơn vị khác định mức còn thấp hơn), đề nghị huyện bố trí đủ giáo viên 2 cô/1 lớp để giáo viên mầm non không quá vất vả, hiện nay có lớp 35-38 học sinh, một cô không đảm bảo cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ hằng ngày.

* Trả lời: Định mức biên chế giáo viên/lớp cấp học mầm non tỉnh giao cho huyện Bảo Yên là 1,87. UBND huyện đã căn cứ tình hình thực tế tại các đơn vị trường học để giao biên chế cho phù hợp. Việc tăng cường giáo viên trong năm học là để bổ sung cho các trường có tỷ lệ biên chế rất thấp do nghỉ chế độ thai sản, nghỉ hưu, thôi việc,... Việc giao đúng đủ định mức theo quy định tại Thông tư 06/2015/TT-BGD&ĐT-BNV, UBND huyện đã đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.

6. Người hỏi: qua Phiếu chất vấn

 * Đề xuất: Theo Thông tư 48/2011/TT-BGD&ĐT quy định về chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non. Quy định tại điều 4 khoản 1 đối với giáo viên dạy các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo học 02 buổi trên ngày, mỗi giáo viên dạy trên lớp đủ 6 giờ/ngày và thực hiện các công việc chuẩn bị cho giờ dạy trên lớp cũng như các công việc khác do Hiệu trưởng quy định để quy đổi đảm bảo làm việc 40 giờ/tuần. Nhưng hiện tại giáo viên mầm non gần như làm việc quá thời gian quy định (buổi trưa phải trông trẻ ngủ, không được nghỉ ngơi như các ngành khác). Nguyện vọng của giáo viên mong muốn được hỗ trợ chế độ trông trưa cho các cô để khuyến khích các cô, động viên các cô yên tâm công tác.

* Trả lời: Nhiệm vụ của giáo viên mầm non thực hiện theo khoản 2, Điều 35, Điều lệ trường mầm non (Số 04/VBHN-BGD&ĐT ngày 24/12/2015 của Bộ GD&ĐT). Cụ thể là nhiệm vụ bao gồm “Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non,…”. Do đó việc trông trưa là trách nhiệm của giáo viên mầm non. Mặt khác, với định mức biên chế tỉnh giao là 1,87 giáo viên/lớp, việc giảng dạy thừa giờ so với quy định (có căn cứ định mức biên chế giao) sẽ được tính để thanh toán dạy thừa giờ cho giáo viên.

7. Người hỏi: Hoàng Thị Thanh Huyền - Giáo viên Trường Mầm non Yên Sơn

* Đề xuất: Việc cấp phát học phẩm cho học sinh chưa kịp thời. Đề nghị tạm ứng học phẩm để cấp phát kịp thời cho học sinh.

* Trả lời: Sau khi bắt đầu năm học mới Phòng GD&ĐT đã có công văn hướng dẫn các trường tổng hợp tất cả học sinh được hưởng chế độ. Phòng GD&ĐT trình UBND huyện phê duyệt vào cuối tháng 8 phê duyệt. Nguồn kinh phí hỗ trợ thuộc ngân sách tỉnh, thực hiện đấu thầu lựa chọn đơn vị trúng thầu. Sau đó nhà thầu mới cung cấp học phẩm. Do vậy việc cấp phát học phẩm Phòng GD&ĐT không chủ động được vì Phòng GD&ĐT không phải là chủ đầu tư. Đề nghị Sở giáo dục nghiên cứu, đề xuất để có giải pháp cung cấp học phẩm sớm hoặc báo cáo UBND tỉnh phân cấp cho huyện

8. Người hỏi: Lê Thị Hương - Trường Mầm non Kim Sơn

* Đề xuất: Đề nghị xem xét hỗ trợ chế độ cấp dưỡng cho các trường mầm non.

* Trả lời: UBND huyện đã đề xuất UBND tỉnh xem xét hỗ trợ chế độ cấp dưỡng cho các trường mầm non. 

III. LĨNH VỰC LAO ĐỘNG – TB & XH

* Câu hỏi qua Phiếu chất vấn: 

Hằng năm, cán bộ, công chức, viên chức phải nộp quá nhiều loại quỹ, mỗi loại quỹ = một ngày lương (trung bình 01 năm có từ 10-15 loại quỹ. Với đồng lương ít ỏi của cán bộ, công chức, viên chức như hiện nay là rất khó khăn cho việc ủng hộ nhiều loại quỹ như vậy. Hơn nữa có những loại quỹ chồng chéo như: Quỹ Vì người nghèo, Tết vì người nghèo; Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ xây dựng nhà ở cho người có công?

* Trả lời:

- Quỹ vì người nghèo và Ngày vì người nghèo là một loại quỹ do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện phát động 01 năm/01 lần dùng để hỗ trợ người nghèo làm nhà Đại đoàn kết, học bổng cho học sinh nghèo.

- Phong trào “ Tết vì người nghèo“ do Hội chữ thập đỏ huyện phát động vào dịp Tết nguyên đán hằng năm dùng để tặng quà tết cho các hộ nghèo, cận nghèo, nghèo đa chiều.

- Quỹ Đền ơn đáp nghĩa do Phòng LĐTB&XH phát động thực hiện theo Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ ban hành kèm theo Điều lệ xây dựng và quản lỹ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và theo các văn bản chỉ đạo của tỉnh Lào Cai để tổ chức thực hiện

- Quỹ hộ trợ làm nhà ở cho Người có công (quỹ này chỉ vận động thực hiện trong năm 2018) thực hiện theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg ngày 06/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở và thực hiện theo các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở LĐ-TB&XH.

Do vậy, không có sự chồng chéo đối với các loại quỹ phát động. Huyện cũng đã chỉ đạo đối với các loại quỹ huyện thu thì cơ sở không thu cùng một đối tượng.

IV. LĨNH VỰC CÔNG ĐOÀN

* Câu hỏi qua Phiếu chất vấn: 

Đề nghị LĐLĐ huyện cấp kịp thời kinh phí công đoàn cấp trên cho các công đoàn cơ sở để bổ sung kinh phí hoạt động tại CĐCS. Cụ thể, các CĐCS chưa được nhận kinh phí quý 3 + 4 năm 2018?

* Trả lời: Căn cứ vào khoản 1 điều 6 chương 2 của Nghị định 191 quy định về phương thức đóng kinh phí công đoàn, nêu rõ: Các cơ quan, đơn vị được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động thường xuyên đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng 1 lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động... Tuy nhiên trong năm 2018 một số Trường học trích chuyển kinh phí lên Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trích 3 tháng một lần, có đơn vị 6 tháng trích chuyển, có đơn vị 1 năm trích chuyển 01 lần. Có 01 đơn vị không chuyển (Công ty cổ phần MDF). Thời gian qua cũng trùng vào dịp nghỉ tết Nguyên đán, do vậy Liên đoàn Lao động huyện chưa kịp trích chuyển kinh phí xuống cơ sở. Liên đoàn Lao động huyện sẽ rút kinh nghiệm và và trích chuyển xuống cơ sở xong trước 15/4/2019.

V. LĨNH VỰC Y TẾ

1. Người hỏi: Bà Hoàng Thị Hiền, công tác tại Trạm Y tế xã Thượng Hà

* Câu 1: Trạm Y tế xã Thượng Hà (TYT), có 5 cán bộ công tác. Dân số xã hơn 5.000 dân, địa bàn rộng, là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Năm 2018, Trạm Y tế xã tiếp nhận và thực hiện công tác khám chữa bệnh khi giải thể Phòng khám Đa khoa khu vực Thượng Hà, do đó, thiếu người làm việc, mỗi cán bộ phải thực hiện kiêm nhiều chương trình y tế. Đề nghị được bổ sung nhân lực?

* Trả lời: Nhân lực hoạt động tại trạm y tế xã, thị trấn được thực hiện theo Thông tư số 08/2007/TT-BYT ngày 06/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn định mức biên chế trong các đơn vị công lập và cụ thể biên chế trạm y tế được quy định, như sau:

- Trung bình: 5 cán bộ/1 trạm y tế;

- Hệ số điều chỉnh: Trung du và đồng bằng: 1,0; Miền núi: 1,2; Hải đảo, vùng cao: 1,3.

- Đối với xã có trên 5.000 dân, cứ tăng 1.000 người thì thêm 1 biên chế và không quá 10 biên chế/1 trạm y tế.

Khi Phòng khám Đa khoa Thượng Hà còn hoạt động, Trạm y tế không quá 5 biên chế. Sau khi Phòng khám Đa khoa Thượng Hà giải thể thì biên chế Trạm y tế  được quy định, như sau: Xã có 5.000 dân thì số biên chế = 5 x hệ số điều chỉnh (đối với miền núi là 1,2). Như vậy, Trạm y tế có số biên chế: 5 x 1,2 = 6 người.

Do giảm biên chế theo quy định hiện hành, cứ 2 cán bộ nghỉ hưu thì được tuyển bổ dung 1 người. Hiện nay, nhân lực cán bộ của trạm y tế xã, thị trấn trong toàn huyện thiếu (nghỉ hưu, thai sản, chết, .v.v.). Do đó, Trung tâm Y tế huyện chưa bổ sung nhân lực cho Trạm y tế. Trong thời gian tới, Trung tâm Y tế huyệt sẽ xem xét, trình Sở Y tế điều động nhân lực đối với Trạm y tế.  Trong khi chờ điều động của Sở Y tế, đề nghị Trạm y tế khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

* Câu 2. Trong khi, tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở có 2 nhân viên y tế trường học nhưng không tham gia khám chữa bệnh. Học sinh khi ốm được giới thiệu đến khám và điều trị tại Trạm Y tế xã. Như vậy, chỗ thì thừa, chỗ thì thiếu nhân lực?

* Trả lời: Nhân lực y tế (nhân viên y tế trường học) của các nhà trường do ngành giáo dục và đào tạo huyện tham mưu, quản lý, hoạt động theo phạm vi ngành và quy định của pháp luật. Ngành y tế không quản lý đội ngũ này nên không thể hỗ trợ khám chữa bệnh cho trạm y tế. Huyện sẽ tiếp thu về kiến nghị này và sẽ kiến nghị với tỉnh để điều chuyển hoặc bố trí cho phù hợp.

* Câu 3. Nhân viên y tế thôn bản, do kiêm nhiều chức danh tại thôn bản (kiêm trưởng bản, bí thư chi bộ...), khi tổ chức giao ban lại không tham gia dự với Trạm Y tế do bận tham gia các hoạt động do UBND xã phân công đã ảnh hưởng đến thực hiện nhiệm vụ của nhân viên y tế thông bản. Đề UBND xã bớt giao việc đối với nhân viên y tế thôn bản.

* Trả lời: Việc 1 người ở thôn bản kiêm nhiệm nhiều chức danh là chủ trương chung của Nhà nước nhằm giảm số người thực hiện các chức danh tại thôn bản. Việc này, Trung tâm Y tế huyện đề nghị Trưởng Trạm Y tế thông báo lịch giao ban cố định hằng tháng để UBND xã không phân công (triệu tập) việc trùng vào ngày giao ban của trạm y tế với nhân viên y tế thôn bản.

2. Câu hỏi qua Phiếu chất vấn: 

Nhiều năm nay, không thực hiện việc đào tạo nhân viên y tế thôn bản. Trong khi đó, một số thôn bản thiếu nhân viên y tế làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề nghị UBND huyện kiến nghị với cấp trên tổ chức đào tạo nhân viên y tế thôn bản.

* Trả lời: Việc đào tạo nhân viên y tế thôn bản thuộc thẩm quyền của Sở Y tế tỉnh Lào Cai. Trung tâm Y tế huyện đã đề xuất với Sở Y tế nhưng do nguồn kinh phí chưa tổ chức được, trong thời gian tới Trung tâm Y tế tiếp tục đề nghị, chỉ đạo rà soát, thống kê các thôn bản không có nhân viên y tế thôn bản hoạt động để báo cáo và đề nghị Sở Y tế mở lớp đào tạo bổ sung.

3. Người hỏi: Bà Hoàng Thị Hiệp - cán bộ công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên

* Câu hỏi: Vấn đề tảo hôn hiện nay trên địa bàn huyện Bảo Yên như thế nào?

* Trả lời: Năm 2018, Các sản phụ dưới 18 tuổi đến đẻ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Yên trên 50 trường hợp. Phần lớn trong số này là người Mông. Do sinh khi còn trẻ nên sức khỏe không đảm bảo và không có kiến thức chăm sóc, nuôi dạy trẻ. Việc cấp giấy khai sinh cũng gặp khó khăn. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn và các ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân để người dân hiểu hơn về vấn đề này.

4. Câu hỏi qua Phiếu chất vấn: 

Tôi là nhân viên y tế được tuyển dụng vào biên chế từ năm 2014 đến nay vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi ngành. Mặc dù, đã được Sở Y tế trình danh sách lên Sở Nội vụ tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng. Kính đề nghị UBND huyện có ý kiến đề xuất với UBND tỉnh Lào Cai xem  xét, giải quyết.

* Trả lời: Huyện tiếp thu và cùng Trung tâm Y tế huyện tiếp tục đề nghị Sở Y tế xem xét giải quyết.

 5. Câu hỏi qua Phiếu chất vấn:

Trong hoạt động y tế, chúng tôi thấy vẫn hoạt động riêng lẻ, chưa có sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể với tuyến y tế cơ sở. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo quan tâm chỉ đạo sát sao hơn nữa.

* Trả lời: Trạm Y tế hoạt hoạt động dưới sự chỉ đạo về chuyên môn của TTYT, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy và UBND xã về công tác phối hợp triển khai các hoạt động bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Trạm Y tế thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, thực hiện công tác chuyên môn và tham mưu cho chính quyền địa phương về triển khai các chương trình y tế phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong xã tuyên truyền vận động người dân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu. Huyện giao cho Đảng ủy, HĐND, UBND các xã, thị trấn cần quyết liệt  trong chỉ đạo các ban ngành đoàn thể xã phối hợp với trạm y tế thực hiện các chương trình y tế tại địa phương.

VI. LĨNH VỰC TÀI NGUYÊN – MÔI TRƯỜNG

1. Người hỏi: Ông Hoàng Văn Phương – Chủ tịch UB MTTQ xã Vĩnh Yên.

* Câu 1: Khi GPMB QL 279 nhà ở không đủ điều kiện đề nghị cấp đất ở phía sau có được không?

* Trả lời: Đối với các trường hợp khi thu hồi đất để làm đường giao thông, trừ hành lang ATGT không đủ điều kiện để cấp GCNQSD đất, căn cứ vào thực tế từng thửa, giao cho UBND các xã quy hoạch và hướng dẫn cho người dân làm hồ sơ xin cấp giấy hoặc xin chuyển mục đích sang đất ở. Các trường hợp này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và người sử dụng đất thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định thì được cấp GCNQSD đất.

* Câu 2: Gốc tre nhà bà Tư Tấn, xã Vĩnh Yên gây mất an toàn giao thông đề nghị sớm giải quyết?

* Trả lời: Trường hợp gốc tre nằm trong hành lang an toàn giao thông, huyện giao cho UBND xã Vĩnh Yên tuyên truyền, giải phóng hành lang ATGT để đảm bảo trật tự, an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông qua khu vực trung tâm xã.

2. Người hỏi: Bà Nguyễn Thị Hồng Việt - Giáo viên trường Tiểu học xã Cam Cọn

* Câu hỏi: Khi GPMB xây dựng các công trình phụ trợ đền Bảo Hà, hạng mục tuyến đường T3, T4 bà phải mua đất tái định cư, gia đình mong muốn được tái định cư tại chỗ?

* Trả lời: Thực hiện công tác GPMB xây dựng các công trình phụ trợ đền Bảo Hà: Hạng mục tuyến đường T3, T4. Hội đồng GPMB huyện đã tiến hành theo đúng các quy định. Về trường hợp của bà, hai vợ chồng bà sau khi ly hôn có thỏa thuận phân chia tài sản là quyền sử dụng đất, trong đó có thửa đất bị thu hồi, tuy nhiên việc phân chia tài sản là quyền sử dụng đất ông bà không tiến hành thực hiện theo đúng quy định của Luật đất đai, do đó khi thu hồi đất HĐGPMB huyện quy về chủ cũ (thu hồi đất mang tên chồng của bà). Do đó bà không đủ điều kiện được bồi thường về đất. Căn cứ Điều 6, Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ, bà không đủ điều kiện bồi thường về đất nhưng phải di chuyển chỗ ở mà không còn chỗ ở nào khác trên địa bàn xã nơi có đất bị thu hồi thì được mua đất tái định cư ở khu vực quy định của cấp có thẩm quyền theo giá quy định của tỉnh.

3. Người hỏi: Ông Nguyễn Trí Quyền – Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Hà

* Câu hỏi: Công trình Kè Liên Hà 1 nhân dân phản ánh vẫn chưa được giao đất tái định cư?

* Trả lời: Hiện nay, Ban QLDA-ĐTXD huyện đã san tạo được khoảng 60 lô đất. Tính đến ngày 27/3/2019 đã giao được 04 lô đất tái định cư, mặt khác trong ngày 27/3/2019 Phòng TNMT, Ban QLDA-ĐTXD huyện đã tiến hành giao đất nhưng có 06 hộ chưa nhận, lý do đề nghị phải giao đất có diện tích bằng với diện tích đất ở đã thu hồi. Căn cứ vào quy hoạch được phê duyệt diện tích lô đất từ 100-120 m2. Mặt khác khi thực hiện dự án phải chi phí GPMB, đầu tư xây dựng hạ tầng đầy đủ và giao đất phải căn cứ vào quy hoạch. Do vậy, huyện giao UBND xã Bảo Hà tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định trong bồi thường GPMB, nhận đất ở để sớm ổn định cuộc sống.

4. Người hỏi: Lãnh đạo quản lý trường THPT số 2 Bảo Yên

* Câu hỏi: Hiện nay còn hơn 20 CBGV chưa có đất ở, giao đất có được ưu tiên gì không?

* Trả lời: Theo quy định hiện hành không có quy định ưu tiên giao đất ở đối với CBCC, tuy nhiên nhu cầu về đất ở để ổn định công tác đối với CBCC là thực tế, thiết yếu. Huyện ủy, UBND huyện Bảo Yên  đã  chỉ đạo các đơn vị rà soát, triển khai thực hiện nhiều các dự án trên địa bàn huyện để tạo quy đất, lựa chọn nhiều vị trí để người dân lựa chọn đấu giá quyền sử dụng đất cho phù hợp điều kiện kinh tế của gia đình mình. Việc đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện công khai, đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị các CBCC có nhu cầu quan tâm tham gia.

5. Người hỏi: Bà Đặng Thị Hiền - Chủ tịch Hội LH Phụ nữ xã Thượng Hà

* Câu hỏi: Bố mẹ chồng được cấp GCNQSD đất năm 2005, trong đó có 335,4m2 đất ở. Đến 4/2018 bố mẹ chồng làm thủ tục cho tặng quyền sử dụng đất nhưng bị trả hồ sơ theo Văn bản số 15/CV-CNVPĐK. Thời hạn trả lời về trường hợp trên là khi nào?

* Trả lời: Theo quy định của Luật đất đai, tất cả các trường hợp cấp đất ở phải có hồ sơ để chuyển số liệu đến cơ quan Thuế để xác định nghĩa vụ tài chính, sau khi người sử dụng đất thực hiện xong nghĩa vụ tài chính mới được cấp GCNQSD đất. Tuy nhiên khi thực hiện dự án tổng thể về chuẩn hóa hồ sơ địa chính trên địa bàn toàn huyện Bảo Yên từ năm 2010 trở về trước, các giấy chứng nhận QSD đất được cấp mới có thửa đất là đất ở nông thôn đều không có thông báo đã thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Vì vậy trường hợp giấy chứng nhận QSD đất được cấp có thửa đất ở của bố mẹ chồng bà Đặng Thị Hiền thuộc vào trường hợp như trên. Ngày 10/9/2018, Uỷ ban nhân dân huyện Bảo Yên đã có Báo cáo số 439/BC-UBND về việc báo cáo khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên gửi UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lào Cai và các sở ngành có liên quan đề nghị hướng dẫn thực hiện, cho đến thời điểm này UBND huyện Bảo Yên vẫn chưa nhận được ý kiến trả lời của sở ngành của tỉnh. Ngày 12/3/2019 Thường trực UBND tỉnh tổ chức kiểm tra thực tế và họp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện Bảo Yên. Đồng chí Lê Ngọc Dương - Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp và ra Thông báo số 83/TB-VPUBND ngày 15/3/2019 đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết vướng mắc trong thực hiện cấp đất thuộc dự án tổng thể trên địa bàn huyện Bảo Yên song trong tháng 4/2019. Vậy sau khi có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, UBND huyện Bảo Yên sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn hộ gia đình bà Hiền thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai theo quy định.

6. Câu hỏi qua phiếu chất vấn: 

Hiện nay tôi đang có mảnh đất vườn nằm trên quốc lộ 70 thuộc địa phận bản 5, xã Long Phúc, tôi có nhu cầu muốn chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất thổ cư nhưng tôi làm hồ sơ trong thới gian hơn 1 năm nhưng vẫn chưa được, tôi muốn UBND xem xét giải quyết (còn một số gia đình khác cũng đề nghị trong nhiều năm nhưng chưa được)?

* Trả lời: Từ năm 2015 đến nay, Phòng TNMT nhận được 04 bộ hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất (Hoàng Văn Dũng bản 5; Công Văn Quang bản 5; Đặng Văn Hiệu bản 4; hộ bà Hoa bản 4) trong 04 bộ hồ sơ có hộ bà Hoa không đủ điều kiện đã trả hồ sơ, còn lại 03 trường đã thực hiện xong. Ngoài 04 hồ sơ trên không có hồ sơ nào Phòng TNMT và bộ phận 1 cửa đã nhận mà chưa được giải quyết. Cán bộ, công chức nêu cụ thể hồ sơ mang tên ai, đã nộp cho ai? thời gian nộp hồ sơ hoặc nộp hồ sơ tại bộ phận nào để huyện chỉ đạo giải quyết kịp thời cho nhân dân và làm cơ sở để huyện trấn chỉnh thực thi công vụ đối với cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ.

Để tránh tình trạng trên, Huyện Bảo Yên đề nghị tất cả các công dân khi có nhu cầu làm thủ tục chuyển đổi, nộp hồ sơ ở bộ phận 1 cửa của xã, huyện thì yêu cầu bộ phận cung cấp giấy hẹn trả kết quả để lãnh đạo huyện tiện tra cứu và chỉ đạo.

Trên đây là tổng hợp nội dung trả lời chất vấn của đại biểu tại hội nghị tiếp xúc đối thoại với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quý I năm 2019; Thường trực Huyện ủy yêu cầu các cấp, các ngành, các xã, thị trấn tăng cường chỉ đạo, thực hiện./.

Nguyễn Vân Hạnh - Văn phòng Huyện ủy
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang