BẢO YÊN - NHỮNG BỨT PHÁ TỪ ĐIỂM TỰA LỊCH SỬ
Lượt xem: 455

Chiến thắng Phố Ràng, huyện Bảo Yên đã đã đập tan một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, góp phần giải phóng hàng chục vạn nhân dân các dân tộc Tây Bắc thoát khỏi ách kìm kẹp của địch. Phố Ràng ngày nay đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Bảo Yên, cửa ngõ giàu đẹp phía nam của tỉnh Lào Cai.

Chiến thắng Phố Ràng - mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Theo Lịch sử đảng bộ huyện Bảo Yên, Đồn Phố Ràng được xây dựng trên cao điểm 442, diện tích rộng gần 1 ha. Đây là vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, khống chế toàn bộ khu vực lòng chảo tiểu khu quân sự Phố Ràng. Thế đồn gần như 3 mặt là sông, ở vị trí đồn có thể bao quát, theo dõi toàn bộ các hoạt động trên sông và hai bên bờ. Pháp cho xây dựng một hệ thống công sự vững chắc với nhiều lô cốt, giao thông hào, hàng rào tre vót nhọn ken dày đặc quanh cứ điểm, mìn, vật cản và ụ súng được bố trí xung quanh đồn. Địch còn bố trí 2 trung đội Âu - Phi, 1 đội lính khố đỏ, 1 trung đội lính dù, 1 trung đội lính dõng, các loại vũ khí sẵn sàng đánh trả và cản bước tiến của quân ta.

Ngày 19/5/1949, chiến dịch sông Thao mở màn. Trong vòng vài ngày quân ta tiêu diệt 2 vị trí là Đại Bục và Đại Phác (Trấn Yên, Yên Bái) thuộc phân khu Nghĩa Lộ, làm rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng ngự của địch ở hữu ngạn sông Hồng thuộc tỉnh Yên Bái. Thừa thắng ta đánh tiểu khu Phố Ràng là cứ điểm xung yếu, căn cứ đầu não của địch và cũng là sở chỉ huy của tiểu khu.

Đúng 18 giờ ngày 24/6/1949, pháo binh của ta bắt đầu bắn vào đồn địch, áp chế các ụ súng. Sau hơn 40 giờ chiến đấu liên tục với khí thế mãnh liệt, kiên cường, dũng cảm, đúng 8 giờ ngày 26/6/1949 quân ta đã làm chủ trận địa, hạ được đồn, bắt sống tên quan Ba chỉ huy đồn, tiêu diệt hơn một đại đội địch. Đồn Phố Ràng bị hạ, một bộ phận quân địch rút chạy theo 2 hướng về Nghĩa Đô và Lào Cai. Sở chỉ huy Phố Ràng bị tiêu diệt đã làm rung chuyển tuyến phòng thủ của địch từ Phố Lu đến Nghĩa Đô, gây cho địch hoang mang lo sợ.

Chiến thắng Phố Ràng đã phá vỡ một mắt xích quan trọng trong tuyến phòng thủ Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Yên Bình, thúc đẩy sự tan rã của địch, tạo tiền đề cho bộ đội chủ lực tiến vào giải phóng Phố Lu và tiến đánh đồn Nghĩa Đô, góp phần quan trọng đưa chiến dịch Sông Thao đến toàn thắng, đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, giải phóng trên 600 km2 và hàng chục vạn nhân dân các dân tộc Tây Bắc thoát khỏi ách kìm kẹp của địch. Đây là một trang sử hào hùng của nhân dân các dân tộc Phố Ràng nói riêng và của huyện Bảo Yên nói chung. Ngày 11 tháng 6 năm 1999 di tích đồn Phố Ràng công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 38/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch).

anh tin bai

Chiến thắng Phố Ràng - mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Bứt phá từ điểm tựa lịch sử

Phát huy truyền thống anh hùng, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, 75 năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng vững mạnh. Mảnh đất Phố Ràng - nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt năm xưa - nay đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Bảo Yên, cửa ngõ giàu đẹp phía nam của tỉnh Lào Cai. Với tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Yên nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định rõ 20 chỉ tiêu, 4 lĩnh vực đột phá, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thực hiện xuyên suốt nhiệm kỳ. Đến nay, sau Đại hội Đảng bộ huyện, Ban Chấp hành Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, xây dựng 12 đề án, 2 nghị quyết trọng tâm giai đoạn 2021 - 2025 và thành lập 18 Ban chỉ đạo bao trùm trên tất cả các lĩnh vực. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, đến nay có 10/20 nhóm chỉ tiêu nhiệm vụ đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra; 7/20 nhóm chỉ tiêu đạt từ 70 đến 90% mục tiêu.

Về phát triển kinh tế, tốc độ tăng trưởng GRDP của huyện đạt trung bình 13,39%/năm, quy mô nền kinh tế tăng gấp 2 lần so với đầu nhiệm kỳ, đầu tư toàn xã hội đến nay đạt 11.337 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người dân đạt 58 triệu đồng/năm, tăng 22 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo còn 8,01%, giảm 12,25% so với đầu nhiệm kỳ. Kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, huyện Bảo Yên tiếp tục coi trọng phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất canh tác đạt 90 triệu đồng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 63,13%, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 270 triệu đồng/ha. Bảo Yên đang dần hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với 25.000 ha quế; trên 500 ha chè; gần 300 ha chuối và đang chuẩn bị khởi công khu chăn nuôi lợn công nghiệp với quy mô 2.400 nái và 60.000 lợn thịt/năm; đã có những vùng nông nghiệp chất lượng cao như vùng sản xuất Chè VietGAP quy mô 200 ha, trên 500 ha Quế đạt chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn EU, 100 ha Chuối đã được cấp mã số vùng trồng và chứng nhận VietGAP, cây Dâu tằm đang được phục hồi. Toàn huyện có 35 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao cấp tỉnh trở lên và có 01 Trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, 76 cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm sản quy mô từ nhỏ đến vừa. Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo và hành động từ ngay đầu nhiệm kỳ với việc huyện đã tham mưu và được tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng huyện NTM đến năm 2025; trong 04 năm qua, đã có trên 3.000 hộ gia đình hiến đất, tài sản, cây cối hoa mau, với trên 800.000m2, quy ra tiền trên 60 tỷ đồng. Đến thời điểm này số tiêu chí bình quân toàn huyện đạt 14,56 tiêu chí/xã; phấn đấu hết năm 2024 có 16/16 xã đạt 19/19 tiêu chí; duy trì 7 xã đã được công nhận giai đoạn 2016-2020 và công nhận mới 05 xã hoàn thành NTM và 01 xã hoàn thành NTM nâng cao.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến. Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên, huyện Bảo Yên luôn nằm trong tốp các huyên, thành phố dẫn đầu về chất lượng giáo dục. Hiện nay, Bảo Yên có 100% xã, thị trấn duy trì đạt chuẩn phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi và phổ cập tiểu học đúng độ tuổi mức độ 3; 11/17 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; đến nay, có 43/71 trường trong huyện đạt chuẩn quốc gia. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng với nhiều cách làm hay, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, điển hình như các mô hình có sức lan tỏa rộng như “Chính quyền thân thiện”, “10 phút góp phần cải thiện môi trường”, “Khu dân cư đồng bào Mông thực hiện nếp sống văn hóa mới”…; gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; an sinh xã hội được quan tâm; hiện tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trung bình của người dân đạt 97,1%. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

Trước những thời cơ, vận hội mới, Bảo Yên có nhiều dư địa để tạo ra bước phát triển mạnh mẽ. Là huyện cửa ngõ phía Nam của tỉnh với hệ thống giao thông kết nối từng bước được đầu tư; Đảng bộ huyện có truyền thống đoàn kết, gắn bó; Nhân dân anh dũng, kiên cường trong đấu tranh cách mạng, cần cù, sáng tạo trong lao động, học tập, năng động để làm giàu cho quê hương. Những yếu tố đó là điều kiện để Bảo Yên đi lên trên nền tảng nội lực của chính mình trong bối cảnh mới.

anh tin bai

Nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt năm xưa - nay đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện Bảo Yên.

Đổi mới tư duy, tạo bứt phá phát triển

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên bước vào giai đoạn mới có nhiều thời cơ, vận hội, đồng thời cũng không ít khó khăn thách thức. Trong thời gian tới, để phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII đề ra, 4 lĩnh vực đột phá đã được xác định.

Một là, tích cực chỉ đạo tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp, trọng tâm là sản xuất nông nghiệp hàng hoá quy mô lớn. Tập trung vào chuỗi giá trị sản xuất (trồng, chế biến và tiêu thụ) các cây trồng có diện tích lớn.

Hai là, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tập trung vào phát triển du lịch tâm linh du lịch cộng đồng; thu hút và đầu tư các điểm đến, nơi vui chơi gắn với tập quán văn hóa của đồng bào địa phương.

Ba là, phát triển đô thị, trọng tâm là xây dựng đô thị Phố Ràng hướng tới đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV; xây dựng đô thị Bảo Hà gắn với quy hoạch Tân An - Bảo Hà trở thành đô thị cửa ngõ của tỉnh; đẩy mạnh đô thị hóa tại trung tâm các xã, trọng tâm là các cụm xã tại khu vực xã Phúc Khánh; Nghĩa Đô và Điện Quan.

Bốn là, quy hoạch, tinh giản, tuyển dụng, đào tạo và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị để xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, tận tụy hết lòng phục vụ Nhân dân. Đào tạo nghề cho người lao động để chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp.

Để đạt được mục tiêu đó, Bảo Yên cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, về phát triển kinh tế, đổi mới cơ cấu kinh tế, phát huy tiềm năng lợi thế của huyện để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng và lợi thế, đẩy mạnh chế biến để nâng cao giá trị gia tăng các ngành sản xuất và dịch vụ; tái cơ cấu ngành nông lâm nghiệp nâng cao thu nhập/1 ha canh tác gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung chế biến sâu các sản phẩm và khai thác hiệu quả tiềm năng tài nguyên khoáng sản của địa phương; phát triển và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ; đưa du lịch trở thành ngành mũi nhọn, tạo đột phá kinh tế của huyện. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển đô thị.

Thứ hai, về phát triển văn hóa - xã hội. Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ một cách thiết thực, hiệu quả. Phát triển văn hóa, thể thao, truyền thông, phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Bảo Yên. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở. Xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Bảo Yên; nâng cao thể lực, tầm vóc người Bảo Yên, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống. Tạo môi trường và điều kiện để con người Bảo Yên, đặc biệt là thế hệ trẻ phát triển toàn diện.

Đảm bảo tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội, thc hiện các chương trình phát triển kinh tế gắn với giàm nghèo bền vững. Từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, vùng thấp và vùng cao. Thực hiện tốt các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tạo việc làm, giải quyết việc làm, quan tâm giải quyết việc làm cho thanh niên thuộc hộ nghèo, lao động thuộc hộ tái định cư, lao động nông nghiệp chuyển đổi nghề do quá trình đô thị hoá. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp; trợ giúp và cứu trợ xã hội kịp thời

Bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân, làm tốt công tác dân số. Phát triển hệ thống y tế phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, đảm bảo cho mọi người dân tiếp cận thuận lợi với các dịch vụ khám, chữa bệnh tại các tuyến. Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của Nhân dân.

Thứ ba, về quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng hằng năm. Tăng cường kỷ cương quản lý đất đai, công khai quy hoạch sử dụng đất, quy trình giao đất, cho thuê đất, đấu giá, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước của huyện. Khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, nâng cao giá trị, hiệu quả khai thác, chế biến sâu khoáng sản. Nâng cao năng lực giám sát về môi trường, đánh giá tác động môi trường; bảo đảm các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học.

Thứ tư, tăng cường quốc phòng, an ninh. Tiếp tục xây dựng và củng cố tiềm lực quốc phòng; xây dựng khu vực phòng thủ huyện, xã vững mạnh về mọi mặt, làm nền tảng kết hợp chặt chẽ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh Nhân dân; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, tạo môi trường ổn định, thuận lợi để phát triển. Xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh toàn diện, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ rộng khắp, có số lượng phù hợp, chất lượng tổng hợp ngày càng cao. Xây dựng, triển khai có hiệu quả các đề án, phương án, kế hoạch. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn, coi trọng công tác dân vận; chủ động phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

Thứ năm, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ huyện. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, chính trị. Chú trọng giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh chính trị, đường lối đổi mới của Đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên các cấp, đổi mới công tác quán triệt, học tập và thực hiện nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành các nghị quyết, chỉ thị, các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đảng bảo đảm tính khoa học, sát thực tế, có tính khả thi cao. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, tinh thần gương mẫu, ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng.

Kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan Đảng và chính quyền: Hoàn thiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần các nghị quyết Trung ương 6 khoá XII, tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế. Tổ chức sơ kết, tổng kết các mô hình thí điểm về tổ chức bộ máy; thực hiện sáp nhập ở một số cơ quan, đơn vị ở những nơi có điều kiện, theo chỉ đạo của tỉnh. Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trách nhiệm, tiền phong, gương mẫu. Tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng vùng cao, vùng dân tộc.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng. Nâng cao nhận thức thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Gắn công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với triển khai thực hiện nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII. Tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác dân vận. Cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện công tác dân vận của Đảng đảm bảo Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị, Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác tuyên vận ở cơ sở.

Đẩy mạnh cải cách hành chính trong cơ quan Đảng đồng bộ với cơ quan nhà nước, đoàn thể. Cải cách thủ tục hành chính theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân. Tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch, tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức; bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ. Hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động quản lý, điều hành trong hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quán triệt, nâng cao nhận thức trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.

Củng cố, xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp. Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định để làm tốt vai trò cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ. Thực hiện đào tạo cán bộ gắn với sử dụng, luân chuyển; quan tâm đào tạo bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh cải cách tư pháp bằng việc thực hiện có hiệu quả Chiến lược cải cách tư pháp. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan dân cử đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tăng cường và nâng cao hiệu lực giám sát việc chấp hành pháp luật, đặc biệt là chấp hành của lãnh đạo cơ quan tư pháp. Triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ.

Phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân. Củng cố, mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc; động viên Nhân dân tự lực, tự cường, khơi dậy sáng tạo, nguồn lực để xây dựng huyện Bảo Yên phát triển. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác dân vận chính quyền. Hoạt động tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu các cấp với Nhân dân, tiếp xúc cử tri, cán bộ, đảng viên đi công tác cơ sở thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tăng cường hoạt động giám sát và phản biện xã hội; đổi mới các hình thức tập hợp quần chúng theo hướng gần dân, nắm chắc tình hình cơ sở, giải quyết các vấn đề nảy sinh tại cơ sở. Tổ chức thực hiện các cuộc vận động thiết thực, hiệu quả.

Với truyền thống vẻ vang, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, sáng tạo, cần cù trong lao động, Nhân dân các dân tộc Bảo Yên đã đạt được những kết quả nổi bật. Thời gian tới, Bảo Yên tiếp tục phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Tầm vóc, giá trị, ý nghĩa của chiến thắng Phố Ràng đã  trở thành điểm tựa, động lực to lớn cho ý chí và khát vọng vươn lên cùng dân tộc của mảnh đất và con người Bảo Yên hôm nay. Đây sẽ là nền móng vững chắc để Bảo Yên sớm trở thành huyện phát triển khá của tỉnh, tiếp tục phát bứt phá, vươn xa trong thời kỳ mới./.

ThS Ngô Thị Nhung - ThS Hoàng Việt Hà, Trường Chính trị tỉnh Lào Cai
Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang