Đại tá Lưu Quốc Minh - Trưởng phòng KHQS Quân khu 2
Phố Ràng là thị trấn huyện lỵ của huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh; một địa danh đã đi vào lịch sử với kỳ tích chiến thắng trận Phố Ràng như một bản hùng ca, một mốc son sáng ngời trong lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên.
Sau thất bại ở Việt Bắc - Thu Đông 1947 và những chiến dịch tiến công của ta (ở Yên Bình Xã, đường số 3, Đông Bắc…), thực dân Pháp đổ thêm quân củng cố vùng Tây Bắc, phát triển ngụy, tề điệp, thổ phỉ, lôi kéo dân chúng. Chúng lợi dụng địa hình Tây Bắc núi non hiểm trở, nhiều núi cao, suối sâu xây dựng các đồn bốt, lập các phòng tuyến nhằm đối phó với ta và giữ địa bàn, khóa chặt biên giới. Trong đó có phòng tuyến Sông Thao dài trên 200km, từ Yên Bình Xã, Nghĩa Đô, Phố Ràng đến Mộc Châu, Hòa Bình, mỗi tiểu khu lại chia thành bốn đến năm phân khu, có từ 7 đến 9 đại đội lính ngụy chiếm đóng. Mỗi tiểu đoàn ngụy người Thái do sỹ quan Pháp chỉ huy. Riêng “phòng tuyến Sông Thao” gồm một phần tiểu khu Lao Kay và tiểu khu Nghĩa Lộ do gần 8 đại đội ngụy Thái và một bộ phận thuộc trung đoàn thuộc địa thứ 23 chiếm đóng. Như vậy, lập phòng tuyến Sông Thao, địch chiếm đóng một vùng quan trọng về chiến lược của ta, chặn đường vào Tây Bắc, áp sát căn cứ địa Việt Bắc, củng cố vùng chiếm đóng, thực hiện phong tỏa biên giới Việt - Trung.
Đồn Phố Ràng được xây dựng sát thị trấn Phố Ràng, trên điểm cao 442, diện tích rộng gần một ha. Phía Bắc và Đông là ngòi Ràng và sông Chảy, phía Nam có đầm lầy. Đồn cạnh tuyến đường nối liền vùng thượng huyện Bảo Yên với Hà Giang (đường 279 ngày nay). Trên đồi có nhiều tảng đá tự nhiên nằm rải rác tạo thành những công sự phòng ngự kiên cố. Phía Tây địa hình trống trải dễ quan sát. Đây là vị trí khống chế toàn bộ khu vực lòng chảo tiểu khu quân sự Phố Ràng, thuận lợi cho địch kiểm soát toàn tuyến Phố Ràng - Bảo Hà; Phố Ràng - Nghĩa Đô, nhưng hết sức bất lợi cho ta khi tiến công vì đồn nằm giữa thung lũng xung quanh là núi, sông suối nước sâu, thế đồn gần như ba mặt là sông, có thể bao quát, theo dõi toàn bộ các hoạt động ở dưới lòng sông, hai bên bờ tạo một khoảng trống xa, rộng không bị đồi núi các vật cản che lấp.
Chính vì vậy, thực dân Pháp đã xây dựng một hệ thống lô cốt riêng biệt với hầm hào, ụ súng kiên cố bố trí theo chiều dài cứ điểm, bố trí hỏa lực mạnh và tập trung lực lượng tinh nhuệ nhất. Chúng chia cao điểm làm hai khu. Khu A có 9 lô cốt lớn, khu B phía Tây là khu phòng thủ tiền duyên, có hai dãy nhà nối liền giữa hai khu và hệ thống giao thông hào rộng chạy vòng quanh cứ điểm, nối liền với các lô cốt và hỏa điểm, tạo một đường hào liên hoàn rộng, sâu. Trên các giao thông hào, địch còn bố trí các ụ súng đề kháng bắn đạn chéo chi viện cho nhau để cản bước tấn công của ta. Trung tâm đồn là hầm chỉ huy bê tông cốt thép xây ngầm, có mái che chống đạn pháo, là nơi đặt điện đài thông tin liên lạc với các đồn bốt ở các vùng lân cận. Vòng ngoài xây dựng các lô cốt điểm vững chắc, quy mô bằng xi măng cốt thép, cửa sắt dày chống đạn. Để khống chế quốc lộ từ Lào Cai xuống, địch bố trí hai lô cốt nửa nổi, nửa chìm, với các hoả lực mạnh như đại liên, trung liên, hòng hạn chế khả năng tấn công của đối phương. Xung quanh toàn bộ bố phòng của khu vực đồn được bảo vệ bằng hàng rào tre vót nhọn, ken dày đặc, được cài đặt mìn và các chướng ngại vật khác.

Ngoài việc bố phòng với quy mô kiên cố, liên hoàn như trên, chúng còn huy động tăng cường hai trung đội lính Âu Phi, một trung đội lính khố đỏ, một trung đội lính dù, một trung đội lính dõng. Tổng số lên tới gần 140 tên, trong đó có 20 lính Pháp và Âu Phi, chỉ huy là tên quan ba Pháp. Vũ khí có súng cối 81mm, 61mm, đại liên và súng 12,7mm, trung liên và các loại lựu đạn, súng trường... Tất cả các lính ở đồn đều được huấn luyện bài bản, có trình độ, kinh nghiệm chống phá cách mạng, xảo quyệt và ngoan cố. Đồn Phố Ràng là mắt xích quan trọng trong phòng tuyến Sông Thao, nơi đặt Sở chỉ huy tiểu khu của thực dân Pháp.
Trước tình hình trên, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ chỉ huy Liên khu 10 chủ trương mở chiến dịch Sông Thao nhằm tiêu diệt một phần sinh lực của địch, làm tan vỡ khối ngụy binh Thái trắng, phá vỡ phòng tuyến của địch ở đoạn Nghĩa Lộ - Bảo Hà - Yên Bình Xã để cô lập tiểu khu Lao Kay và mở rộng căn cứ Tây Bắc từ sông Thao đến sông Đà, phá thế uy hiếp của địch đối với Việt Bắc, củng cố bàn đạp tiến sang Thượng Lào, đồng thời để bộ đội ta tập dượt, trưởng thành, tiến tới tổng phản công.
Phương châm tác chiến là: Tập trung lực lượng tiêu diệt một số cứ điểm trên phòng tuyến sông Thao, đoạn từ Bảo Hà - Nghĩa Đô - Yên Bình Xã, trận mở màn diệt một đến hai cứ điểm, sau đó đánh quân địch tiếp viện và rút lui, kết hợp tiến công các vị trí khác để phát động nhân dân làm địch vận, phá tề, bao vây kinh tế của địch. Bộ chỉ huy dự kiến chia chiến dịch thành ba đợt: đợt 1 (từ 18 đến 25 tháng 5), trận mở màn là tập trung lực lượng diệt vị trí Đại Bục, Đại Phác, sau đó tiêu diệt Dóm và Phục Linh. Đợt 2 (từ 25 đến 31 tháng 5), tập trung diệt Bảo Hà, Phố Ràng và Yên Bình Xã. Đợt 3 (từ 31 tháng 5 đến 30 tháng 6), tùy tình hình phát triển của địch, có thể tập trung tiến công Bảo Hà, cô lập Hoàng Su Phì hoặc tiến công Nghĩa Đô. Để giữ bí mật cho hướng chủ yếu, các đại đội độc lập và du kích hoạt động nghi binh ở Nghĩa Đô, Sài Lương, Thượng Bằng La, Đồng Bồ, đồng thời phát động vũ trang vùng địch hậu: Tú Lệ, Than Uyên, Văn Bàn (Yên Bái). Thuận Châu và dọc sông Đà (thuộc Sơn La), Phong Thổ (Lai Châu).
Lực lượng tham gia chiến dịch gồm: Hướng chủ yếu có 5 tiểu đoàn bộ binh (11, 54, 79, 630 và 564), 2 đại đội pháo binh, 2 khẩu phóng bom, 5 đại đội độc lập thuộc Trung đoàn 115. Mặt địch hậu, ở Yên Bái có các đơn vị còn lại của Trung đoàn 115, ở Lao Hà do Trung đoàn 165 và ở Sơn La, Lai Châu do Trung đoàn 148 đảm nhiệm. Chỉ huy trưởng chiến dịch là đồng chí Lê Trọng Tấn, chỉ huy phó là đồng chí Cao Văn Khánh.
Công tác chuẩn bị chiến trường được làm hết sức chu đáo nên trước ngày nổ súng ta đã điều tra nắm vững tình hình binh lực, hỏa lực, bố phòng của địch ở các vị trí mà ta có kế hoạch tiêu diệt như Đại Bục, Đại Phác, Phố Ràng, Khe Phìa, Ngòi Mác… Mạng lưới thông tin chỉ huy được triển khai chặt chẽ, giúp Bộ chỉ huy chiến dịch nắm vững tình hình mọi mặt ở các hướng, các khâu, bước vào chiến dịch điều hành ăn khớp và giữ được bí mật.
Do diễn ra trên địa bàn đời sống đồng bào hết sức khó khăn nên không có khả năng cung cấp cho chiến dịch, quân địch lại ráo riết ngăn cản trên Sông Lô; nên Bộ chỉ huy chiến dịch đã huy động đảm bảo hậu cần từ các tỉnh Tuyên Quang, Yên Bái và Phú Thọ. Trước khi nổ súng đã chuẩn bị được 140 tấn gạo bố trí ở ba khu vực: Yên Bình Xã để cung cấp cho Trung đoàn 308, ở Lục Yên Châu, Làng Cóc để cung cấp cho đơn vị đánh Phố Ràng, ở Ngòi Hóp, Báo Đáp, Trái Hút phục vụ các đơn vị đánh Đại Bục, Đại Phác và Dóm. Mỗi nơi đảm bảo có trong một phần ba số cần thiết trước ngày 10 tháng 5 năm 1949, số còn lại quá trình chiến đấu sẽ chuyển sau. Ngoài ra, quân nhu còn chuẩn bị cho bộ đội một tấn lương khô. Ban quân y lập một bệnh xá ở tuyến sau và tổ chức một đội phẫu thuật lưu động theo sát mặt trận để cứu chữa thương, bệnh binh. Riêng đạn pháo, do hiệp đồng với Xưởng chế tạo không chặt chẽ nên bị chậm trễ thời gian giữa hai đợt chiến đấu phải giãn ra vì chờ đạn.
Trước ngày chiến dịch mở màn, từ ngày 6 đến 15 tháng 5, các lực lượng nghi binh được phân công đã hoạt động tích cực và có hiệu quả. Nhưng do địch mở cuộc hành quân Pô-môn lên Phú Thọ, Tuyên Quang nên chiến dịch chậm hơn so với kế hoạch. 17 giờ ngày 19 tháng 5, pháo binh ta bắt đầu bắn mở màn chiến dịch Sông Thao.
Nằm trong kế hoạch tiến công đợt 2 của chiến dịch, nhận thấy ý nghĩa, tầm quan trọng việc đánh Đồn Phố Ràng, Bộ chỉ huy chiến dịch đã tập trung ba tiểu đoàn (11, 79 và 54) để tổ chức tiến công. Đồng thời, huy động cao nhất nhân lực, vật lực của địa phương chi viện, phối hợp cùng bộ đội tạo nên sức mạnh tổng tiến công tiêu diệt đồn địch. Với khẩu hiệu “Toàn dân đoàn kết, kháng chiến lâu dài”, “Mỗi phố là một mặt trận”, “Mỗi làng là một pháo đài”, “Cướp súng giặc bắn giặc”, “Mỗi viên đạn là một quân thù”, “Không đi lính cho Pháp”, “Không bán lương thực cho Pháp”, “Giữ bí mật quân sự là yêu nước” đã khơi dậy lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc cao độ và tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ, dân quân du kích và Nhân dân địa phương nhằm quyết tâm tiêu diệt bằng được đồn Phố Ràng.
Bản đồ tác chiến trận Phố Ràng.
Đúng 18 giờ, ngày 24 tháng 6 năm 1949, pháo binh của ta nã liên tục vào đồn địch, chế áp các ụ súng của chúng. Tiếp đó, tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông) bắt đầu tấn công quân địch... Hướng Nam, bộ đội ta chia làm ba mũi đánh đồn, một mũi chính diện và hai mũi kẹp sườn. Bọn địch ngoan cố chống cự, cuộc chiến đấu diễn ra hết sức ác liệt. Ta và địch giành giật nhau từng ụ súng, từng mét đất chiến hào. Đến 16 giờ, ngày 26 tháng 6 năm 1949, quân ta tiêu diệt hoàn toàn quân địch. Đồn Phố Ràng bị hạ, một bộ phận nhỏ quân địch rút chạy theo hai hướng về Nghĩa Đô và Lào Cai.
Sau 40 giờ chiến đấu liên tục, với khí thế tiến công mãnh liệt, kiên cường, ta đã làm chủ trận địa, hạ được đồn, tiêu diệt hơn một đại đội địch. Cùng phối hợp với Tiểu đoàn 11 đánh đồn Phố Ràng, Tiểu đoàn 79 bao vây, bức địch rút khỏi các đồn làng Mạ, làng Mác và khe Phìa. Ngoài ra, đại đội độc lập 672, trung đội du kích 70 cùng các đội du kích xã phục kích các toán quân và các đội vận tải của địch, diệt 50 tên, bắt sống nhiều tên khác; phá vỡ phòng tuyến từ Bảo Hà đến Nghĩa Đô (30km), khiến cho địch trong khu vực hoảng loạn, chạy trốn, đầu hàng.
Chiến thắng Đồn Phố Ràng tạo bàn đạp để ta tiến đánh tiêu diệt Đồn Dóm, Làng Phát, góp phần quan trọng đưa chiến dịch Sông Thao đến toàn thắng, đập tan tuyến phòng thủ trọng yếu của địch, giải phóng nhân dân các dân tộc trên địa bàn thoát khỏi ách kìm kẹp của thực dân Pháp và bọn tay sai. Sau 61 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 19-5 đến 18-7-1949) với ba đợt tác chiến, ta tiêu diệt 09 và bức rút 16 vị trí, làm cho phòng tuyến Sông Thao vỡ một mảng dài 70km; tiêu diệt 01 tiểu đoàn, phá hơn 20 đồn lớn nhỏ với 230 tên (có 51 lính Pháp, 124 lính khố đỏ và 55 lính dõng), bị thương 150 tên, bị bắt 58 tên (có 11 lính Pháp) và 300 tên tề điệp và phản động. Ta thu: 01 trọng liên 12,8mm, 05 đại liên, 12 trung liên, 02 cối 81mm, 07 cối 60mm, 250 súng trường, 22 súng tiểu liên, 02 súng ngắn, nhiều đạn dược và đồ quân dụng. Ta đốt một kho xăng, một kho gạo, mở rộng được cơ sở địch hậu trên 3.000 km2, tổ chức được đường liên lạc thông suốt giữa các khu tự do của ba tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lào Cai. Tuy nhiên, ta hy sinh 86 người, bị thương 222 người.
Đặc biệt, với việc tiêu diệt hoàn toàn đồn Phố Ràng, nơi yết hầu, đầu não chỉ huy, mắt xích quan trọng nhất trong phòng tuyến Sông Thao của địch là điểm mấu chốt góp phần làm nên chiến thắng của chiến dịch Sông Thao. Lần đầu tiên ta tập trung lực lượng diệt gọn hai phân khu (Đại Phác, Phố Ràng) trong một thời gian ngắn. Bảo đảm các yếu tố: Bí mật, bất ngờ, giữ vững quyết tâm, xử trí linh hoạt, chuyển hướng chiến dịch đúng thời cơ, kết hợp chặt chẽ giữa hướng chính và các hướng nghi binh, phối hợp giữa quân - dân - chính đạt hiệu quả nên đã tạo được thế đánh hiểm, buộc địch phải lúng túng đối phó, dẫn đến tan rã. Trong đó, chiến thắng Phố Ràng là biểu hiện sinh động cho tính đúng đắn, tài tình trong chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ Chỉ huy Liên khu 10 (tiền thân Quân khu 2 ngày nay); tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, đoàn kết, hiệp đồng tác chiến giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, du kích và nhân dân các dân tộc Phố Ràng cũng là yếu tố then chốt làm nên chiến thắng to lớn, có ý nghĩa lịch sử này.
Gần 75 năm đã trôi qua nhưng âm vang, âm hưởng, hào khí trận Phố Ràng cùng những chứng tích lịch sử, niềm tự hào và bài học kinh nghiệm rút ra mãi là động lực tinh thần to lớn cổ vũ mạnh mẽ lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân các dân tộc thị trấn Phố Ràng nói riêng, huyện Bảo Yên nói chung đoàn kết, quyết tâm bảo vệ vững chắc và xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.