TRẬN PHỐ RÀNG - DẤU ẤN TRONG TIẾN TRÌNH KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP CỦA QUÂN VÀ DÂN LÀO CAI
Tiến sĩ. Nguyễn Thị Vân Hằng - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Lào Cai
Ngày 26/6/1949, sau 40 giờ liên tục chiến đấu, Tiểu đoàn 11 đã giành thắng lợi trận tiến công cứ điểm Phố Ràng. Thắng lợi trận Phố Ràng có ý nghĩa và tầm quan trọng, góp phần vào thắng lợi của Chiến dịch Lê Hồng Phong và cũng là chiến thắng có ý nghĩa rất lớn về quân sự, thể hiện hiệp đồng tác chiến hiệu quả giữa ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên địa bàn huyện. Trận Phố Ràng cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm cho các trận công đồn lớn sau này. Đồng thời đã thể hiện ý chí tấn công, kiên cường, dũng cảm, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, để lại dấu ấn quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Lào Cai.
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Tuy vậy, Lào Cai cùng Hà Giang và Lai Châu chưa thành lập được chính quyền cách mạng. Đây là khó khăn lớn cho cuộc kháng chiến trên địa bàn. Quan tâm đến Lào Cai, tháng 10 năm 1945, Xứ uỷ Bắc Kỳ và Kỳ bộ Việt Minh cử đoàn cán bộ lên bám địa bàn, xúc tiến xây dựng chính quyền và thành lập các tổ chức đoàn thể cách mạng. Với nỗ lực của đoàn cùng với cán bộ địa phương nên trong thời gian ngắn đã vận động thành lập được chính quyền cách mạng ở thị xã Lào Cai, huyện Bảo Thắng và Sa Pa. Ngày 24/10/1945, Uỷ ban Hành chính tỉnh Lào Cai được thành lập. Tiếp đó, các uỷ ban nhân dân lâm thời của thị xã Lào Cai, huyện Sa Pa, huyện Bảo Thắng lần lượt ra đời…, đánh dấu bước phát triển trên con đường kháng chiến chống ngoại xâm dưới sự lãnh đạo của Đảng của nhân dân Lào Cai.
Tuy vậy, chính quyền non trẻ đứng trước những thử thách hết sức khắc nghiệt: cơ sở chưa vững, cán bộ thiếu nhiều, các tổ chức phản động theo chân đoàn “Hoa quân nhập Việt” của Quân đội Trung Hoa dân quốc ra sức chống lại chính quyền nhân dân, đàn áp những người yêu nước, bắt bớ cán bộ, cướp bóc tài sản của nhân dân. Đầu tháng 11/1945, bọn phản động Việt quốc đã tổ chức cuộc đảo chính ở thị xã Lào Cai, lập nên chính quyền tay sai của chúng. Tiếp đó, chúng đưa lực lượng đến các huyện Sa Pa, Bảo Thắng và một số địa phương khác, gây áp lực giải tán chính quyền cách mạng của nhân dân. Đến cuối tháng 11/1945, phần lớn tỉnh Lào Cai bị bọn Quốc dân đảng kiểm soát, chúng tập hợp thêm những phần tử phản động trong đảng Đại Việt cũ ở Lào Cai thành lập Tỉnh Đảng bộ Quốc dân. Đối với các huyện, chúng thành lập chính quyền và xây dựng các tổ chức đảng phái phản động. Ngoài ra, chúng còn xây dựng các đồn lính ở các xã để làm chỗ dựa cho âm mưu cai trị lâu dài.
Trước âm mưu của các tổ chức phản động, dù lực lượng còn mỏng, cơ sở yếu nhưng đội ngũ cán bộ, cốt cán trung kiên của Lào Cai vẫn kiên trì hoạt động, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng. Được sự giúp đỡ của đoàn cán bộ tỉnh Yên Bái, ngày 17/8/1946, cán bộ của Lào Cai mở Hội nghị với các hào lý tại xã Dương Quỳ (Văn Bàn), tuyên bố xoá bỏ chính quyền cũ của bọn Quốc dân đảng, thành lập chính quyền mới ở huyện và các xã. Cùng với đó, nhiều tổ chức yêu nước theo xu hướng Việt Minh đã được hình thành. Đầu tháng 9/1946, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ban Cán sự đảng tỉnh Lào Cai, do đồng chí Ngô Minh Loan làm Trưởng Ban, Đào Đình Bảng, Lê Thanh làm Uỷ viên. Sự kiện này đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Lào Cai. Từ đây Lào Cai đã có tổ chức Đảng lãnh đạo.
Bộ đội chủ lực trong trận công đồn Phố Ràng năm 1949
Ngày 4/10/1946, Ban Cán sự Đảng họp bàn kế hoạch giải phóng Lào Cai. Trong điều kiện chưa hình thành được lực lượng, Ban Cán sự đã quyết định vận động thổ ty dùng lực lượng của mình tham gia. Đây là chủ trương sáng tạo, phù hợp với thực tiễn của Lào Cai. Ngày 26/10/1946, các cánh quân tiến công đánh bọn Quốc dân đảng ở Phố Lu (Bảo Thắng). Sau 3 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, địch phải bỏ chạy khỏi Phố Lu lên Cam Đường và Phố Mới (thị xã Lào Cai). Ngày 28/10/1946, thị trấn Phố Lu được giải phóng. Sau thắng lợi đầu tiên, Ban Cán sự quyết định tiến quân lên giải phóng thị xã Lào Cai và vùng ven. Ngày 12/ 11/1946 sau khi giải phóng Cam Đường, các lực lượng chia thành ba mũi tiến đánh thị xã Lào Cai. Hoảng sợ trước sức tiến công của ta, bọn Quốc dân đảng rút chạy qua cầu Hồ Kiều và theo đường biên giới thuộc huyện Bát Xát sang Trung Quốc. Ngày 12 tháng 11 năm 1946 là ngày đi vào lịch sử tỉnh Lào Cai như một mốc son quan trọng, ngày giải phóng Lào Cai lần thứ nhất. Cuối tháng 11 năm 1946, chính quyền cách mạng tỉnh Lào Cai được tái lập theo chế độ quân quản. Ngay sau khi ra đời, Uỷ ban quân quản đã đứng ra giải quyết những vấn đề lớn, cấp bách về chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương.
Để chuẩn bị cho việc thành lập Đảng bộ tỉnh, tháng 01 năm 1947, Khu uỷ Khu 10 quyết định thành lập Tỉnh uỷ Lào Cai lâm thời thay cho Ban cán sự Đảng trước đây để đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng trong giai đoạn mới. Ngày 5 tháng 3 năm 1947, Hội nghị toàn thể đảng viên tỉnh Lào Cai được triệu tập, tiến hành bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm 7 uỷ viên. Đồng chí Lê Thành (tức Lê Khánh hay Vũ Thường Cao) được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Hội nghị đã chỉ rõ hai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian này là: Tập trung củng cố chính quyền và tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang. Hội nghị có ý nghĩa như một Đại hội thành lập Đảng bộ của tỉnh Lào Cai, đánh dấu bước tiến mới trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai.
Đầu tháng 10 năm 1947, thực dân Pháp tuyển mộ thêm binh lính xây dựng thêm các đồn bốt, tổ chức các đơn vị nguỵ binh dân tộc Thái, bắt liên lạc với các thổ ty và những tên phản động cũ ở Lào Cai chuẩn bị lực lượng tấn công đánh chiếm Lào Cai làm bàn đạp bao vây căn cứ địa Việt Bắc. Với sức mạnh áp đảo về mặt quân sự, lại được bọn phản động, tay sai hỗ trợ nên thực dân Pháp nhanh chóng mở rộng địa bàn chiếm đóng tại Lào Cai. Ngày 16 tháng 10 năm1947, thực dân Pháp chiếm huyện Bát Xát; ngày 17 chiếm huyện Sa Pa, ngày 28 chiếm thị xã Lào Cai...
Trước sức tiến công của địch, các cơ quan của tỉnh sơ tán về vùng tự do Lục Yên (Yên Bái) và trung đoàn chủ lực địa phương đã rút xuống Phố Lu (Bảo Thắng) để bảo toàn lực lượng. Thực hiện chủ trương “đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” của Bộ Tổng chỉ huy, đầu tháng 11 năm 1947, Tỉnh uỷ quyết định chấn chỉnh lực lượng quân sự địa phương, tổ chức hai đại đội võ trang tuyên truyền làm nhiệm vụ bám sát vùng Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao (Bảo Thắng). Một tiểu đoàn án ngữ vùng thị xã Lào Cai. Lực lượng còn lại tập trung thành một tiểu đoàn bố trí ở Phố Lu, vừa củng cố lực lượng, vừa sẵn sàng chiến đấu chống địch lấn chiếm.
Thắng lợi chiến dịch Việt Bắc – Thu Đông 1947 đã đẩy chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của thực dân Pháp bị phá sản, phải chấp nhận cuộc chiến tranh kéo dài. Với âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, thực dân Pháp lập khu quân sự Tây Bắc, dưới có các phân khu và các xứ. Tỉnh Lào Cai nằm trong kế hoạch xây dựng “Xứ Nùng tự trị” của chúng. Trước tình hình đó, đầu tháng 3 năm 1948, Hội nghị Tỉnh uỷ Lào Cai xác định nhiệm vụ trọng tâm là: Đẩy mạnh công tác vùng địch hậu, tăng cường củng cố vùng tự do, huy động sức người, sức của phục vụ cho cuộc kháng chiến, phục vụ xây dựng căn cứ địa Tây Bắc. Sau Hội nghị, một số cán bộ được phân công về hoạt động ở các vùng địch tạm chiếm xây dựng cơ sở kháng chiến và vận động quần chúng đấu tranh. Hình thức đấu tranh từ thấp đến cao, từ đấu tranh chính trị đến đấu tranh vũ trang, tiến tới thành lập các khu căn cứ du kích, thực hiện khẩu hiệu “biến hậu phương của địch thành tiền tuyến của ta”, tạo điều kiện tiến lên giải phóng Lào Cai.
Nhằm tăng cường vận động nhân dân tham gia kháng chiến, tiến tới xây dựng hậu phương cho cuộc kháng chiến của quân và dân Lào Cai, ngày 20 tháng 3 năm 1948, tỉnh Lào Cai thành lập “Ban xung phong Quyết thắng” với nhiệm vụ đi sâu vào vùng địch chiếm, vận động quần chúng nhân dân, xây dựng cơ sở kháng chiến, thành lập các đội du kích. Ngày 02 tháng 4 năm 1948, tại chân đèo Mận thuộc Làng Già (xã Yên Thế, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), Tỉnh đội dân quân (tiền thân của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lào Cai ngày nay) đựơc thành lập. Tuy vậy, con số ban đầu chỉ 13 nhân viên văn phòng và 53 du kích thoát ly[1], nhưng sự kiện này đã đánh dấu thống nhất các lực lượng vũ trang ở Lào Cai. Tiếp đó, các đội vũ trang tuyên truyền được thành lập, tiến sâu vào vùng địch chiếm phối hợp với Ban xung phong Quyết thắng đẩy mạnh xây dựng cơ sở. Với sự hoạt động của Ban Xung phong và các đội vũ trang tuyên truyền nên sau một thời gian ngắn, cơ sở kháng chiến đã phát triển được nhiều nơi trong tỉnh, là điều kiện quan trọng để thiết lập thế trận chiến tranh nhân dân trên địa bàn Lào Cai.
Từ tháng 5 đến tháng 7 năm 1948, thực dân Pháp tăng cường càn quét, hòng ngăn chặn sự phát triển phong trào kháng chiến của nhân dân Lào Cai. Trước tình hình đó, cuối tháng 8 năm 1948, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm quá trình hoạt động của các đội công tác, các đội võ trang tuyên truyền và các đại đội độc lập. Nhờ có biện pháp khôi phục cơ sở, củng cố kịp thời, đến cuối năm 1948, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp ở nhiều địa phương phát triển khá mạnh mẽ. Xã Cam Đường đã tổ chức đựơc một trung đội du kích. Các xã Xuân Giao, Gia Phú, mỗi nơi cũng thành lập được một tiểu đội du kích. Tại huyện Văn Bàn đã thành lập một đại đội du kích ở xã Tân An, một trung đội du kích ở xã Châu Quế... Ở những vùng này, phần lớn những người theo nguỵ quân, nguỵ quyền đều ngả theo kháng chiến. Một số tên tay sai ngoan cố chống lại cách mạng đã bị trừng trị, số còn lại rất hoang mang dao động, tạo điều kiện để ta tiếp tục tấn công địch, giành thắng lợi mới.
Ngày 25 tháng 11 năm 1948, Tỉnh uỷ mở Hội nghị cán bộ địch hậu tại thôn Đồng Hầm xã Xuân Giao (Bảo Thắng), quyết định phát động quần chúng đấu tranh vũ trang, lập căn cứ du kích bên hữu ngạn sông Hồng thuộc huyện Bảo Thắng gồm ba xã: Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao. Cam Đường được chọn làm nơi mở đầu phong trào vũ trang để thúc đẩy phong trào ở nơi khác. Sau Hội nghị Đồng Hầm, du kích Cam Đường tổ chức bám địch, vận động nhân dân hoàn thành việc gặt mùa và cất giấu lương thực, dự trữ muối và làm lán trong rừng để sơ tán người già, trẻ em khi cần thiết. Tại các xã Gia Phú, Xuân Giao, du kích các thôn đều tập trung tuần tra canh gác đêm. Chính quyền bí mật của ta ở khu Cam Đường, Gia Phú, Xuân Giao được thành lập. Đầu tháng 12 năm 1948, công tác chuẩn bị cho cuộc đấu tranh vũ trang của quần chúng ở Cam Đường đang được gấp rút tiến hành thì bị địch phát hiện, chúng tiến hành vây bắt, khủng bố cán bộ và nhân dân. Với ý chí tiến công, quân và dân Cam Đường đẩy mạnh đánh địch. Ngày 13 tháng 12 năm 1948, du kích xã Cam Đường tổ chức diệt tề trừ gian trong toàn xã. Cùng ngày, trung đội vũ trang tập kích đồn Bến Đền, tiêu diệt và làm bị thương một số tên địch, thu được một số vĩ khí của địch. Ngày 16/12, đơn vị vũ trang và du kích Cam Đường phục kích đánh một toán địch gồm 70 tên trên đường từ Bến Đền về thị xã Lào Cai. Ngày 19 tháng 12 năm 1948, du kích Cam Đường cùng đại đội vũ trang và cảnh vệ phối hợp phục kích địch ở Khe Tôm, tiêu diệt 40 tên địch, thu được nhiều vũ khí. Thắng lợi quân sự bước đầu ở Cam Đường đã có ảnh hưởng đến phong trào kháng chiến của nhân dân địa phương. Chính quyền, các đoàn thể ở ba xã Gia Phú, Xuân Giao, Cam Đường công khai hoạt động. Nhân dân tích cực tham gia kháng chiến, tổ chức báo động liên hoàn, làm lán bí mật, sẵn sàng thực hiện “vườn không nhà trống” khi địch càn quét. Cùng thời gian này (13/12/1948 – 15/1/1949), lực lượng vũ trang Bảo Thắng đẩy mạnh tiến công địch, lập nên khu căn cứ Cam Đường - Gia Phú - Xuân Giao. Những thắng lợi quân sự trong tháng 12 năm 1948 và tháng 1 năm 1949 là kết quả của sự xây dựng tổ chức cơ sở, kháng chiến, phát triển lực lượng vũ trang của tỉnh Lào Cai. Tuy vậy, lực lượng vũ trang Lào Cai chưa có sự phát triển vượt bậc, các căn cứ kháng chiến còn nhỏ, chưa có sự liên hoàn, thế trận chiến tranh nhân dân chưa thực sự vững chắc. Cuộc kháng chiến của quân và dân Lào Cai cần có thắng lợi quan trọng để có bước phát triển mới.
Nhằm tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, phá vỡ phòng tuyến Nghĩa Lộ - Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Yên Bình, cô lập phân khu Lào Cai, đập tan chiến thuật “vết dầu loang”, phá thế bao vây của địch, từ ngày 19 tháng 5 đến 18 tháng 7 năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Liên khu 10 mở Chiến dịch Sông Thao nhằm tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, làm tan dã khối ngụy quân Thái trắng. Sau thành công của đợt 1 chiến dịch, đập tan hai cứ điểm Đại Bục và Đại Phác trong ngày mở màn, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tiến hành đợt 2 với trận tiến công cứ điểm Phố Ràng vào ngày 24 tháng 6 năm 1949. Sau 2 đêm một ngày liên tục chiến đấu, Tiểu đoàn Phủ Thông đã giành thắng lợi, triệt hạ đồn Phố Ràng, diệt hơn một đại đội địch. Phối hợp với trận đánh, Tiểu đoàn 79 bao vây, bức địch rút khỏi các đồn làng Mạ, làng Mác và khe Phìa. Ngoài ra, Đại đội độc lập 672, Trung đội du kích 70 cùng các đội du kích xã phục kích các toán quân và các đội vận tải của địch, diệt 50 tên, bắt sống nhiều tên khác; phá vỡ phòng tuyến từ Bảo Hà đến Nghĩa Đô dài 30km, khiến cho địch trong khu vực hoảng loạn, chạy trốn, đầu hàng. Chiến thắng Phố Ràng đã phá vỡ một mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô. Đẩy nhanh sự tan vỡ suy sụp của địch tạo tiền đề cho bộ đội chủ lực tiến sâu vào Lào Cai tiêu diệt Phố Lu, đánh và bức rút Nghĩa Đô, trực tiếp uy hiếp thị xã Lào Cai. Giải phóng hàng vạn đồng bào các dân tộc trên địa bàn hai huyện Văn Yên - Yên Châu (tức huyện Bảo Yên ngày nay) thoát khỏi ách kìm kẹp của địch, mở rộng hành lang bảo vệ vững chắc căn cứ địa cách mạng từ phía Tây, tạo tiền đề quan trọng để quân và dân Lào Cai củng cố, phát triển lực lượng, mở rộng khu căn cứ.
Dù địch tăng cường càn quét khủng bố nhưng đến cuối năm 1949, 6 tháng sau Chiến thắng Phố Ràng, lực lượng vũ trang Lào Cai đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Phong trào du kích chiến tranh có hiệu quả. Được rèn luyện trong đấu tranh cách mạng, bộ máy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến huyện và một số xã đã cùng cố kiện toàn. Riêng tỉnh đội đã thành lập được liên chi bộ và chi bộ đại đội. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để quân và dân Lào Cai đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ và Liên khu đẩy mạnh tác chiến, phối hợp với chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, giải phóng Lào Cai vào ngày 1/11/1950, tạo điều kiện để quân và dân Lào Cai đóng góp sức mình để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi.
Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Lào Cai chưa có chính quyền, chưa có tổ chức Đảng, chưa có lực lượng vũ trang, được sự hỗ trợ của Xứ ủy Bắc Kỳ, của Liên khu 10 và cả của các tỉnh bạn, quân và dân Lào Cai từng bước vượt qua khó khăn, xây dựng, phát triển lực lượng, căn cứ kháng chiến, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiến lên phối hợp với các hoạt động tác chiến của các đơn vị chủ lực, góp phần thành công vào Chiến thắng Phố Ràng, tạo nên bước phát triển mới về thế trận và lực lượng cho cuộc kháng chiến của quân và dân Lào Cai. Thành công đó đã để lại bài học về kết hợp sức mạnh của quân và dân Lào Cai với các đòn tiến công của lực lượng chủ lực để tạo nên thắng lợi có tính quyết định, đưa cuộc kháng chiến trên địa bàn sớm thành công. Bài học này cần được nghiên cứu vận dụng để phát huy tiềm năng lợi thế của tỉnh, kết hợp nguồn lực của Trung ương, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, phấn đấu xây dựng tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước.