VAI TRÒ CỦA QUÂN VÀ DÂN LÀO CAI TRONG CHIẾN THẮNG PHỐ RÀNG
Lượt xem: 359

TS. Lê Đình Lợi Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy 

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân Lào Cai đã tham gia nhiều trận đánh oanh liệt với ý chí anh dũng quật cường, được ghi vào sử sách với những chiến công vang dội, tô thắm thêm truyền thống yêu nước, tình quân-dân sâu sắc. Chiến thắng Phố Ràng là một sự kiện mang tính điển hình của tinh thần ấy.

Đã ¾ thế kỷ trôi qua, chiến thắng Phố Ràng vẫn còn đó với niềm tự hào của nhân dân Lào Cai nói chung và đồng bào các dân tộc huyện Bảo Yên nói riêng. Đây là trận đánh công kiên đầu tiên của quân đội ta - là một bản anh hùng ca trong chiến đấu và chiến thắng.

Kỉ niệm 75 năm chiến thắng Phố Ràng, một lần nữa, chúng ta cùng lật lại trang sử vẻ vang hào hùng của quân và dân ta để cùng đọc, suy ngẫm và ghi nhớ sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Bài tham luậnVai trò của quân và dân Lào Cai trong chiến thắng Phố Ràng”, được kết cấu làm 3 phần: (1) Vài nét về thị trấn Phố Ràng; (2) Quân và dân Lào Cai tham gia trận Phố Ràng; (3) Giá trị lịch sử của chiến thắng Phố Ràng.

1. Vài nét về vùng đất Phố Ràng và đồn Phố Ràng

Vùng đất Phố Ràng (nay là thị trấn Phố Ràng) nằm trên trục tọa độ 22017' vĩ độ Bắc, 104026' kinh độ Đông. Phía Bắc giáp xã Tân Dương, Thượng Hà; phía Nam giáp xã Lương Sơn; phía Đông giáp xã Xuân Thượng; phía Tây giáp xã Yên Sơn. Nằm dọc 2 bên bờ sông Chảy nên địa hình thị trấn Phố Ràng tương đối bằng phẳng không có nhiều núi cao. Độ cao trung bình từ 50 - 120m so với mực nước biển. Những dãy núi cao chiếm diện tích khoảng 287 ha chủ yếu phân bố ở phía Bắc và phía Tây. Trong khu vực có nhiều khe suối nhỏ như: suối Ràng; khe Lầu, khe Quầy; suối Lự và suối Mác. Các khe suối phân bố rải rác trên địa bàn Phố Ràng là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Sông Chảy, chảy qua địa phận Phố Ràng dài 7km tương đối phẳng lặng tạo điều kiện để phát triển giao thông đường thuỷ giữa Phố Ràng với các xã Thượng Hà, Tân Dương, Xuân Hoà, Xuân Thượng, Phúc Khánh, Việt Tiến để từ đó đi các địa bàn khác.

Về đường bộ, Phố Ràng có 02 tuyến quốc lộ chạy qua. Đó là quốc lộ 70 theo hướng Bắc - Nam nối các tỉnh miền xuôi với cửa khẩu Quốc tế Lào Cai và quốc lộ 279 theo hướng Đông - Tây nối liền các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên… điểm giao cắt giữa 02 quốc lộ ở giữa trung tâm thị trấn. Đây là điều kiện thuận lợi để giao thương hàng hoá và đi lại giữa các xã trong huyện và các tỉnh bạn.

Theo những nghiên cứu lịch sử, vùng đất Phố Ràng thời xa xưa có tên gọi Nặm Ràng, vì dọc theo con suối lớn chảy từ làng Mạ xã Yên Sơn qua đất Phố Ràng đổ ra sông Chảy có rất nhiều cánh rừng cây Dang, tiếng người dân tộc Tày ở địa phương gọi cây Dang là “mạy ràng”. Nặm Ràng - suối nước lớn có nhiều dang (?). Nặm Ràng- một bản thuộc Mường Mai xưa kia.

Vào cuối thế kỷ XIX, sau khi xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp từng bước tiến hành “bình định” nước ta. Tháng 7/1887, thực dân Pháp đánh chiếm được châu Lục Yên (bấy giờ thuộc tỉnh Yên Bái), chúng thiết lập chế độ quân quản lên vùng đất này. Thực dân Pháp cho xây nhiều đồn bốt, trại lính, trong đó có Đồn Phố Ràng. 

Đồn Phố Ràng được xây dựng trên quả đồi độc lập - nơi đại bản doanh của Sở chỉ huy tiểu khu địch là một cứ điểm quan trọng án ngữ cả một vùng rộng lớn được thực dân Pháp xây dựng trên điểm cao 142, với diện tích gần một ha. Phía đông bắc giáp sông Chảy, phía bắc giáp ngòi Ràng, phía đông là tuyến đường nối liền vùng thượng huyện Lục Yên với Hà Giang. Nhìn tổng thể đồn Phố Ràng nằm giữa thung lũng xung quanh là núi, có sông, suối nước sâu ngăn cách, thế đồn gần như 3 mặt giáp với sông suối có thể bao quát theo dõi toàn bộ hoạt động dưới lòng sông và hai bên bờ tạo một khoảng trống xa rất có lợi cho việc phòng thủ của địch và khó khăn cho ta trong việc tấn công. Đây cũng là vị trí chiến lược quan trọng khống chế toàn bộ khu vực lòng chảo Phố Ràng. Thực dân Pháp coi đây là một cứ điểm có thể triệt phá lực lượng của quân ta khi tấn công lên khu vực này. Do đó, chúng xây dựng một hệ thống công sự vững chắc có hoả lực mạnh, với nhiều lô cốt, ụ súng được bố trí theo chiều dài của cứ điểm. Chúng chia cứ điểm thành 2 khu: khu A ở phía đông nam có 9 lô cốt lớn; khu B nằm ở phía tây là khu phòng thủ tiền duyên có 2 dãy nhà; nối liền giữa hai khu là hệ thống giao thông hào chạy vòng quanh cứ điểm nối các lô cốt và các hoả điểm tạo thành thế liên hoàn. Trên các giao thông hào địch còn bố trí các ổ súng đề kháng trang bị các loại súng tối tân như cối 81 ly, 61 ly, đại liên, súng 12,7 ly, trung liên và các loại vũ khí bộ binh khác có thể bắn đan chéo chi viện cho nhau khi cần thiết nhằm cản bước tiến công của quân ta. Trung tâm đồn là hầm chỉ huy bằng bê tông cốt thép xây ngầm, có mái che chống đạn pháo, có điện đài để liên lạc với các đồn bốt ở xung quanh. Vòng ngoài chúng xây dựng các lô cốt bằng xi măng cốt thép có cửa sắt dày chống đạn. Xung quanh đồn được bảo vệ bằng hai lớp hàng rào tre vót nhọn ken dày đặc, được cài mìn và các chướng ngại vật. Trong hàng rào phía tây bắc là khu gia binh (thường gọi là “Trại con gái”) là tai mắt của địch phát hiện khi lực lượng ta đột nhập. Ngoài những bố trí canh phòng cẩn thận như vậy chúng còn huy động tăng cường hai trung đội lính Âu - Phi, một trung đội lính khố đỏ, một trung đội lính dù, một trung đội lính dõng, được huấn luyện bài bản, thiện chiến, sẵn sàng đánh trả và cản bước tiến của quân ta khi tiến lên giải phóng vùng Tây Bắc. Có thể nói, đồn Phố Ràng là một pháo đài quân sự, được xây dựng và trang bị vũ khí rất hiện đại lúc bấy giờ.

anh tin bai

Đồn Phố Ràng được xây dựng trên điểm cao 442, rộng gần 1ha.

     2. Quân và dân Lào Cai tham gia Trận Phố Ràng

 Tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” cuả Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cách mạng, Nhân dân Bảo Yên thực hiện khẩu hiệu “kháng chiến kiến quốc”, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực, thực phẩm, xây dựng lực lượng vũ trang. Đội du kích Lương Khánh (còn gọi là du kích Lương Sơn) có hơn 30 thanh niên của các xã Phố Ràng, Lương Sơn, Long Phúc, Long Khánh, dược trung đoàn 171 (Lào Cai) đỡ đầu nên trang bị vũ khí tương đối tốt. Chỉ huy là đồng chí Hoàng Văn Túc (người làng Lự - Phố Ràng). Đó là những chuẩn bị đầu tiên hết sức quan trọng và cần thiết để tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi.

Cuối năm 1947 thực dân Pháp đánh chiếm Văn Bàn, Bảo Hà (Yên Bái), Bảo Thắng, Bắc Hà (Lào Cai), Yên Bình Xã, Xuân Giang (Hà Giang), uy hiếp các xã thượng huyện Lục Yên trong đó có Phố Ràng. Ngày 06/3/1948 thực dân Pháp huy động hơn một nghìn lính đánh chiếm Phố Ràng. Từ Phố Ràng quân Pháp mở rộng chiếm đóng ngòi Mác, làng Cộng, làng Mạ, đỉnh Mã Yên Sơn và các vùng xung quanh tạo thành hành lang an toàn bảo vệ phòng tuyến Bảo Hà - Phố Ràng - Nghĩa Đô - Yên Bình Xã, xây dựng thành 3 tiểu khu quân sự: Phố Ràng, Bảo Hà, Nghĩa Đô. Đến tháng 8 năm 1948, tiếp tục mở các cuộc hành quân đánh chiếm mới. Sau hơn 1 tháng hoạt động chúng chiếm thêm các vị trí: ngòi Mác, thôn Mạ, làng Cộng, Mã Yên Sơn thuộc tiểu khu Phố Ràng, ý đồ của thực dân Pháp là chiếm toàn huyện Lục Yên và tỉnh Hà Giang bao vây căn cứ địa Việt Bắc; đồng thời lấy phòng tuyến này che chở cho các vùng chiếm đóng của chúng ở tỉnh Lào Cai và các huyện Văn Bàn, Than Uyên (khi đó thuộc tỉnh Yên Bái). Trong năm 1948 địch ra sức tấn công quân sự hòng mở rộng địa bàn chiếm đóng nhưng đã vấp phải sự kháng cự của quân và dân ta rất quyết liệt. Hai khu du kích: Lương Khánh và Xuân Kỳ kiên cường chống trả, tổ chức nhiều trận phục kích đẩy lùi những đợt tấn công của Pháp, tiêu hao nhiều sinh lực địch.

Sau những chiến thắng của chiến dịch Lao Hà, Sông Thao bộ đội ta chuyển hướng lên đánh địch ở Tiểu khu Phố Ràng, Làng Mạ, Ngòi Mác, khe Pịa…Nhận rõ vị trí chiến lược quan trọng của đồn Phố Ràng, Bộ chỉ huy chiến dịch Sông Thao giao Tiểu đoàn 11 (Tiểu đoàn Phủ Thông) có nhiệm vụ đánh đồn Phố Ràng. Tiểu đoàn 79, Tiểu đoàn 54 đánh địch ở các vị trí: Ngòi Mác, Khe Pịa, Làng Mạ…Để đánh chắc thắng đồn Phố Ràng, Tiểu đoàn 11 sử dụng 3 đại đội bộ binh gồm: Đại đội 120, đại đội 122 và đại đội 124 trực tiếp tấn công địch. Đại đội 126 làm nhiệm vụ trợ chiến.

Với lòng quyết tâm cao hơn núi, chí căm thù giặc sâu hơn vực thẳm, tinh thần tiến công quyết liệt của bộ đội chủ lực và du kích, quyết hạ bằng được đồn Phố Ràng. Đúng18 giờ ngày 24 tháng 6 năm 1949, pháo binh của ta bắt đầu nổ súng. Trận Phố Ràng được mở màn bằng loạt đạn pháo. Đại đội sơn pháo 75 ly (đại đội 301) từ cao điểm 224 (Soi Bầu) bắn dữ dội vào đồn địch, áp chế các ụ súng của chúng. Ngay từ loạt đạn đầu hoả lực của ta bắn trúng đài chỉ huy địch. Quân địch trong đồn bị bất ngờ, lúng túng. Lợi dụng sương mù, bộ đội theo tiếng súng nổ, chia thành từng tốp nhanh chóng tiếp cận đồn địch. Trung đội 1 và trung đội 4 xung kích xông lên tấn công quân địch. Quân Pháp ở đây được trang bị vũ khí tốt, hỏa lực mạnh, lại có hầm ngầm nên chúng cố thủ, chống cự, bắn trả xối xả về phía ta. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Ba mũi tiến công của quân ta được triển khai. Đại đội 122 đánh hướng chính diện, đại đội 120 và đại đội 124 tiến đánh theo thế gọng kìm. Liên tiếp từng loạt đạn pháo xé trời đêm Phố Ràng; tiếng gầm của đại bác cùng tiếng hô xung phong của quân ta trong lửa đạn cuộc chiến với lòng quả cảm của các chiến sỹ bộ đội đã làm lung lạc ý chí của địch. Ta và địch giành giật nhau từng đoạn giao thông hào, từng lô cốt và ụ súng. Nhưng do vũ khí, đạn dược của ta thiếu nên đợt tấn công ngày 24/6 của ta cả ba lần đột phá đều bị địch phản kích và chiếm lại. Quân ta lui ra khỏi trận địa để củng cố lực lượng, bổ sung vũ khí đạn dược, bố trí lại đội hình, tiếp tục tấn công địch. 5 giờ sáng ngày 25 tháng 6, được sự yểm trợ của hoả lực, xung kích của ta chia thành từng tổ bám sát nhau tiến vào dùng lựu đạn tiêu diệt từng ổ đề kháng, đánh chiếm tuyến phòng ngự số 3 của địch. Đến đêm 25 tháng 6 quân ta tiến công vào các vị trí cố thủ cuối cùng của địch. 6 giờ sáng ngày 26 tháng 6 năm 1949 hoả lực của ta bắn dồn dập vào khu trung tâm dọn đường cho các mũi tấn công của ta. Quân địch vẫn ngoan cố chống cự, hy vọng đợi viện binh tới. Để nhanh chóng dứt điểm, tiểu đoàn lệnh cho đại đội 124 bước vào chiến đấu tiếp sức cho đại đội 120. Từ 3 hướng, các mũi xung kích của ta mãnh liệt tiến công chia cắt quân địch ra từng bộ phận để tiêu diệt. Không thể chống cự nổi, địch bắt đầu hoảng loạn và rút chạy. “Trận đánh diễn ra quyết liệt suốt 40 giờ. Quân địch dựa vào địa hình phức tạp, chống cự rất ngoan cố. Náu mình dưới công sự vững chắc, chúng dựng những khẩu súng cối gần như thẳng đứng bắn chiến sĩ ta đã đột nhập vào đồn. Cuối cùng, tiểu đoàn 11 và tiểu đoàn 54 phối hợp chiến đấu vẫn tiêu diệt hoàn toàn quân địch”. Đến 8 giờ ngày 26 tháng 6 năm 1949, quân ta đã làm chủ trận địa, hạ được đồn, bắt sống tên quan Ba (Đại úy) chỉ huy đồn, tiêu diệt hơn một đại đội và bắt sống nhiều tên địch; thu 130 súng, 8 tấn đạn. Đồn Phố Ràng của địch thất thủ, quân giặc “như ong vỡ tổ” tháo chạy tán loạn. Một số tên chạy về phía xã Nghĩa Đô; một số khác chạy lên Lào Cai. Sở chỉ huy Phố Ràng bị tiêu diệt đã phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng thủ của địch từ Phố Lu đến Nghĩa Đô, làm cho quân địch hoang mang, dao động. Tiểu đoàn 564 của ta tiếp tục vây ép; tiểu đoàn 630 chặn đánh và diệt được một số tên địch ở Thôn Mạ. Sáng 27 tháng 6, được pháo binh chi viện Tiểu đoàn 54 tiến công làm chủ Khe Phìa - Ngòi Mác, thu 21 súng. Sau trận này, Bộ chỉ huy rút quân chủ lực về Lục Yên Châu để củng cố, riêng Tiểu đoàn 564 tiến sâu vào vùng Nghĩa Đô hoạt động nghi binh. Ngày 29 tháng 6, Pháp cho quân ứng cứu Phố Ràng, cơ động theo đường Nghĩa Đô - Bắc Cuông, bị Tiểu đoàn 564 của ta phục kích diệt 4 trung đội địch. Đây chính là sự vận dụng phương pháp tác chiến “đánh đồn diệt viện” của quân đội ta, với phương châm đánh chắc, tiến chắc, tiêu diệt cứ điểm, chặn đường rút lui của địch. Đến cuối tháng 6 năm 1949, Phân khu Phố Ràng của địch bị quân ta đánh bại hoàn toàn.  

Trong trận Phố Ràng đã có nhiều tấm gương chiến đấu anh dũng như: đồng chí Địch (trung đội 1) một mình đột nhập vào trong hàng rào dùng lựu đạn khống chế không cho địch bắn ra; Trung đội phó Khải một mình bắn tới 57 phát A.T (một loại súng phóng lựu) để khống chế hoả lực của địch; hay như trung đội trưởng đã anh dũng hy sinh khi chỉ huy tấn công vào nơi cố thủ cuối cùng của bọn chúng. Nhân dân các dân tộc đã không quản ngại khó khăn gian khổ, làm nhiệm vụ tải thương, cứu chữa cho thương binh; tiếp tế lương thực, thực phẩm cho bộ đội trong những ngày đánh đồn, diệt địch.

     3. Giá trị lịch sử của chiến thắng Phố Ràng

Chiến thắng Phố Ràng có một ý nghĩa to lớn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Lào Cai. Thắng lợi đó tạo tình thế thuận lợi để bộ đội chủ lực tiếp tục tiến đánh và giải phóng Phố Lu, đồn Nghĩa Đô, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch Sông Thao. Trận Phố Ràng đánh dấu bước trưởng thành, tiến bộ của bộ đội chủ lực và du kích địa phương. Chiến thắng Phố Ràng để lại bài học quý báu trong lịch sử quân sự Việt Nam, về sự phối hợp tác chiến giữa các lực lượng; về ý chí tiến công; về phương pháp công đồn; về công tác hậu cần, chuẩn bị vũ khí đạn dược, lương thực thực phẩm cho trận đánh; về từng bước giành thế chủ động trên chiến trường…

75 năm đi qua, tinh thần và khí phách của chiến thắng Phố Ràng mãi mãi là niềm tự hào, nguồn cổ vũ to lớn để đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai nói chung và huyện Bảo Yên nói riêng tiếp bước đi lên giành những thành tựu mới trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Để âm vang Phố Ràng mãi mãi bay cao và lan xa.

Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang