Những kết quả bước đầu của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững ở Lào Cai
Lượt xem: 37

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (MTQG GNBV) giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt ngày 18/1/2022. Qua một thời gian triển khai, các dự án thành phần của Chương trình đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện 

Để đảm bảo thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, Lào Cai đã chủ động và tập trung xây dựng quy định về định mức vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Cụ thể, ngày 19/4/2022 của HĐND tỉnh Lào Cai đã banh hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bên cạnh đó để tăng hiệu quả sử dụng vốn, tỉnh Lào Cai đã quy định về cơ chế lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa Chương trình mục tiêu quốc gia với các Chương trình, dự án khác trên địa bàn, đó là Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 19/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành quy định một số nội dung về cơ chế thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 19/6/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai về ban hành quy định một số nội dung về cơ chế thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Lào Cai…

anh tin bai
Mô hình trồng dâu tây tại xã Lùng Phình (Bắc Hà) bước đầu đem lại thu nhập cao cho người dân.

Đồng thời, để đảm bảo thực hiện đúng quy định về trình tự, thủ tục của Chương trình MTQG GNBV; tỉnh đã ban hành các quy định về nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất; Quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; Quy định về lập, phê duyệt và giao kế hoạch thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 5 năm và hằng năm; quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật để luân chuyển thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai… 

Thực hiện các Quyết định số 653/QĐ-TTg ngày 28/05/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách trung ương năm 2022 thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, Quyết định số 1506/QĐ-TTg ngày 02/12/2022 của Thủ Tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh đã xây dựng phương án phân bổ, trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết của HĐND tỉnh Lào Cai về dự toán năm 2022, năm 2023 nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện các Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định về giao dự toán năm 2022, 2023 nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Kết quả thực hiện tính đến hết tháng 6/2023, tổng giải ngân nguồn vốn năm 2022 là 325.360 triệu đồng/391.065 triệu đồng, đạt 83,2% kế hoạch; tổng giải ngân nguồn vốn năm 2023 đến hết tháng 6/2023  đạt 14,13% kế hoạch.

Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Với kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 làm cơ sở dữ liệu để thực hiện và đánh giá Chương trình MTQG trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, số hộ nghèo toàn tỉnh là 44.342 hộ, chiếm 25,19% tổng số hộ trên địa bàn; số hộ cận nghèo là 22.242, chiếm tỷ lệ 12,75% so với tổng số hộ trong tỉnh.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2022, số hộ nghèo toàn tỉnh là 34.585 hộ, chiếm 19,37%; tỷ lệ nghèo giảm đạt 5,82%, đạt 129,33% kế hoạch tỉnh giao và đạt 145,5% kế hoạch Trung ương giao; tương ứng giảm 9.770 hộ nghèo, giảm vượt 770 hộ nghèo, đạt 108,6% kế hoạch giao. Hộ cận nghèo còn lại trên địa bàn tỉnh 21.733 hộ, chiếm tỷ lệ 12,17% so với tổng số hộ trên địa bàn, giảm 0,77%, tương đương giảm 1.071 hộ so năm 2021. 

Đối với 4 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo giảm 8,17/6=136,2% kế hoạch của tỉnh và Trung ương giao, tương đương giảm 4.192 hộ nghèo. Trong đó, huyện Bắc Hà giảm 8,77%; Si Ma Cai giảm 7,48%; Mường Khương giảm 7,7%; Bát Xát giảm 8,35%. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2021 là 41.195 hộ, chiếm tỷ lệ 40,03% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thì đến hết năm 2022 con số này là 31,8%, tương ứng với tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là 8,23%, giảm vượt 2,23% và đạt 137,2% so với kế hoạch giao giảm trên 6%. Thu nhập bình quân đầu người (GRDP) toàn tỉnh hết năm 2022 đạt 90 triệu đồng/năm, tương đương 7,5 triệu đồng/tháng, bằng 100% mục tiêu kế hoạch. Đối với các huyện nghèo thu nhập bình quân đầu người là 32,05 triệu đồng/năm, đạt 97,5% mục tiêu kế hoạch là 32,88 triệu đồng/người/năm.

Trong công tác giảm nghèo, việc hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản luôn được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện; đến nay đã có 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; việc giám định và cấp ứng kinh phí khám chữa bệnh đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người nghèo, cận nghèo. Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh đã có trên 78 nghìn lượt người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ khám, chữa bệnh với số tiền là 69,6 tỷ đồng; người thuộc hộ cận nghèo là 34,9 nghìn lượt với số tiền là 23,01 tỷ đồng; người dân tộc thiểu số là hơn 120 nghìn lượt với 95,6 tỷ đồng. 

Đối với chiều thiếu hụt về giáo dục, đào tạo, toàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện các chỉ tiêu kế đạt 100% kế hoạch giao. Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 31%; huy động trẻ mẫu giáo đạt 98% (riêng mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,9%); huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học học lên lớp 6 đạt 99%; tỷ lệ thanh thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS; tốt nghiệp THCS học lên THPT, giáo dục thường xuyên, học nghề đạt 84%; công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, duy trì vững chắc ở 100% xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt trong năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo mới, bồi dưỡng lại cho 12.600 người, đạt 114,5% kế hoạch năm. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,7%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%, đạt 100% kế hoạch. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, đã đào tạo được 5.770 người, đạt 50,17 % kế hoạch. Các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác  tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động, việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động, BHTN, BHXH; theo đó, năm 2022 đã giải quyết việc làm cho 15.223 người, đạt 117,1% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2023, đã có trên 17 nghìn lao động địa phương đi làm trong và ngoài tỉnh, góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 1,2%.

Qua công tác tuyên truyền vận động của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, từ nguồn của Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và các tổ chức, doanh nghiệp, tổ chức chính trị, cá nhân, người dân tự đóng góp, từ năm 2021 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh Lào Cai đã thực hiện hỗ trợ xây dựng 2.210 nhà cho các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, có nhu cầu cải thiện về nhà ở, giúp các hộ nghèo xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống…

Giảm nghèo về thông tin là một trong những nội dung được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tích cực vào cuộc. Theo Sở Thông tin và Truyền thông, từ năm 2021 đến tháng 6/2023, đã có hơn 130 nghìn tin, bài tuyên truyền các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước và của tỉnh Lào Cai được cơ quan báo chí địa phương, hệ thống cổng thông tin điện tử đã đăng tải, trong đó các tin bài thông tin về tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh chiếm khoảng hơn 80%, có nhiều tin bài phản ánh cụ thể về chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội, tuyên truyền các chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với Nhân dân. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã tuyên nhiều tin, bài, trong đó có nhiều tin, bài theo định hướng tuyên truyền về các nội dung về chương trình giảm nghèo bền vững. Theo đó, đã có 96,7% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 91,8% các hộ gia đình sinh sống trên địa bàn huyện nghèo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông.

Bài học kinh nghiệm

Với sự quyết tâm, lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, sáng tạo, linh hoạt của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội; cấp uỷ, chính quyền các cấp trong triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch cho cả giai đoạn và hàng năm, nhằm thực hiện đổi mới công tác giảm nghèo, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no của người dân và phát huy sức mạnh toàn diện của cả hệ thống chính trị trong công cuộc giảm nghèo trong điều kiện mới. Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái phát sinh nghèo, giúp người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu bền vững, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống và các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng khó khăn; từ đó rút ra bài học kinh nghiệm, đó là

Thứ nhất, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt, chủ động sáng tạo của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Trong đó, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền có vai trò quan trọng. Thực tiễn cho thấy nơi nào các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự quan tâm vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì trong cùng hoàn cảnh còn nhiều khó khăn vẫn tạo ra sự chuyến biến rõ nét. 

Thứ hai, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tạo được sự thống nhất cao về nhận thức trong Đảng, trong nhân dân các xã về quan điểm, nội dung, phương pháp, cách làm, cơ chế chính sách của Nhà nước về giảm nghèo bền vững; để mỗi cán bộ, người dân hiểu rõ, từ đó đồng thuận, chung sức, tự giác, chủ động tham gia. Coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ và tập huấn về kiến thức triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ ở cơ sở xã, thôn, bản, những người trực tiếp chỉ đạo thực hiện.

Thứ ba, phát huy vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, Đảng viên, nhất là cán bộ ở thôn, bản, người có uy tín. Mỗi cán bộ, Đảng viên trở thành những 27 điển hình gương mẫu, nhiệt huyết trong thực hiện Chương trình. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong quản lý, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tại địa phương.

 Thứ tư, có cách làm phù hợp với điều kiện của từng địa phương thông qua lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách. Có phương thức huy động các nguồn lực phù hợp. Lồng ghép sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ ngân sách của Nhà nước và các nguồn lực khác; việc huy động, đóng góp của người dân phải được thực hiện trên cơ sở thực sự tự nguyện, bàn bạc dân chủ không gượng ép quá sức dân. 

Thứ năm, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải có kế hoạch, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ đề ra để có sự điều chỉnh và có giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chương trình./.

Ban Biên tập - Theo Cổng TTĐT Lào Cai
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang