PHÒNG NGỪA THAM NHŨNG, ĐẨY LÙI TIÊU CỰC, NGĂN CHẶN SUY THOÁI TỪ SỚM, TỪ XA
Tham nhũng là vật cản lớn nhất của tiến trình phát triển xã hội, là nguy cơ trực tiếp liên quan đến sự sống còn của Quốc gia. Hành vi tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của đất nước, làm cho kinh tế chậm phát triển, thất thoát, lãng phí tài sản của dân, thiệt hại ngân sách, gây rối loạn nền kinh tế, gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tình trạng nghèo đói ngày càng trầm trọng. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là phòng, chống “giặc nội xâm” để giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và cả hệ thống chính trị; qua đó, củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Một đảng mạnh là một đảng đoàn kết thống nhất, nghiêm minh, nghiêm khắc phê phán những khuyết điểm sai lầm, “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”[1]. Khuyết điểm nhỏ nếu kịp thời nhìn nhận, sửa chữa sẽ nhanh chóng tiến bộ, khuyết điểm nhỏ nếu không kip thời điều chỉnh, khắc phục sẽ dẫn tới những nguy cơ và hậu quả khôn lường.
Nhận thức sâu sắc vấn đề này, ngay tại Đại hội VII, Đảng ta đã chỉ rõ bốn nguy cơ cản trở thực hiện mục tiêu chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đó là: “nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; nguy cơ chệnh hướng xã hội chủ nghĩa; nguy cơ về nạn tham nhũng và tệ quan liêu; nguy cơ diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch. Các nguy cơ đó có liên quan mật thiết với nhau, tác động lẫn nhau”[2]. Đến Đại hội VIII, Đảng ta khẳng định: “Bốn nguy cơ mà Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ nêu lên cho đến nay vẫn là những thách thức lớn. Các nguy cơ ấy có mối liên hệ tác động lẫn nhau và đều nguy hiểm, không thể xem nhẹ nguy cơ nào”[3]. Gần đây nhất, tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục nhận định: Các nguy cơ này vẫn còn tồn tại, bên cạnh đó có một số mặt diễn biến có tính chất phức tạp hơn. Một trong những nguy cơ đe dọa, thách thức đối với sự tồn vong của Đảng, của chế độ chính là nạn tham nhũng. Đó chính là những ung nhọt, những khuyết tật cần phải được rũ bỏ, quét sạch. Thời gian qua, với nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã có nhiều chuyển động tích cực.
Phòng, chống tham nhũng là công việc quan trọng, cấp bách của công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhà nước. Suốt từ năm 1986 đến nay, Đảng ta đã có 11 nghị quyết chống tham nhũng, 5 lần nghị quyết Đại hội Đảng khẳng định, “tham nhũng là mối đe dọa tồn vong của Đảng và chế độ”. Thống nhất với quan điểm các kỳ Đại hội trước đó, Đại hội XIII tiếp tục khẳng định và bổ sung quan điểm về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng giảm”. “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống"[4]. Cũng trong nhiệm kỳ của khóa XII, Đảng ta có 4 văn kiện về chống tham nhũng, điều chưa từng có trong các nhiệm kỳ trước, bao gồm Nghị quyết Trung ương 4 chống tham nhũng, Nghị quyết Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 và Quy định 08 về nêu gương. Song song với chống tham nhũng, trong kỳ Đại hội XIII, Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa tham nhũng và quyết định bổ sung nhiệm vụ “chống tiêu cực” đối với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Ngày 1/8/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW "Một số nội dung về công tác phòng chống tiêu cực" nhằm hình thành đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ cơ chế đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Đó là sự nhấn mạnh công tác phòng ngừa tham nhũng từ xa, từ sớm, bởi một vụ việc tham nhũng không thể xảy ra sau một đêm, một tuần; những kẻ tham nhũng có một quá trình tha hóa kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm, ban đầu là những dấu hiệu tiêu cực. Nếu làm tốt phòng ngừa ban đầu, thì sẽ không nảy sinh những vụ tham nhũng lớn. Nếu hệ thống chính trị thể hiện quyết tâm cao, làm tốt, từ chi bộ tới đảng bộ cơ sở, quyết tâm ngăn chặn những tiêu cực ban đầu thì chắc chắn số vụ tham nhũng sẽ giảm hẳn.
Nhận thức được vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong hoạt động của hệ thống chính trị, xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và cấp bách để tập trung lãnh, chỉ đạo. Căn cứ vào các văn bản, hướng dẫn của cấp trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Bảo Yên đã xây dựng các Đề án, Kế hoạch để tập trung lãnh, chỉ đạo công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, như: Đề án số 15 của BCH Đảng bộ huyện Bảo Yên (khóa XXI, khóa XXII) về “Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra trong hệ thống chính trị”, Đề án số 08-ĐA/HU, ngày 09/12/2020 của BCH Đảng bộ huyện khóa XXII về nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong đảng; đảm bảo sự lãnh đạo của đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn huyện Bảo Yên giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch số 36-KH/HU, ngày 22/02/2021 về triển khai thực hiện Đề án 16 của tỉnh và Đề án 08 của BCH Đảng bộ huyện; Kế hoạch thực hiện công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí hằng năm...
Cùng với đó, Huyện ủy đã thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng, ban, ngành, đoàn thể trong toàn huyện quán triệt nội dung Quy định số 65 - QĐ/TW, ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) “về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN” đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân; đặc biệt chú trọng đến việc chấn chỉnh ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò, hiệu quả, chức năng của các cơ quan trong khối tuyên truyền, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong công tác định hướng cung cấp thông tin, tuyên truyền PCTN. Thường xuyên chỉ đạo các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn tập trung giải quyết dứt điểm những đơn thư khiếu nại tố cáo, các vụ việc phức tạp, kéo dài liên quan đến tham nhũng để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có tinh thần, trách nhiệm, tích cực, tận tụy, liêm chính, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội của huyện. Phát huy quyền dân chủ, sự tham gia tích cực của quần chúng Nhân dân trong công tác phản ánh, tố giác về tham nhũng, lãng phí. “Biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”[5]. Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, nghiêm khắc, các vụ việc tham nhũng và liên quan đến tham nhũng trên địa bàn huyện đều được cấp ủy chỉ đạo giải quyết triệt để, dứt điểm. Điển hình, năm 2020, Huyện đã xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu với cá nhân ông Đỗ Như Dũng - Bí thư chi bộ, Trưởng phòng TN&MT giai đoạn 2012 - 2017 do để xảy ra 01 vụ việc tham nhũng tại cơ quan: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; xử lý ông Nông Minh Điệp, công chức TN&MT đã ký cấp 16 giấy Chứng nhận Quyền sử dụng đất sai quy định, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 985 triệu đồng. Vụ việc được tiến hành kiểm tra theo đúng quy trình, ông Đỗ Như Dũng buộc thôi việc, ông Nông Minh Điệp bị kết án 08 năm tù. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm đã góp phần cảnh tỉnh, răn đe và ngăn chặn tiêu cực, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Để kịp thời phát hiện, phòng ngừa các vi phạm ngay từ khi mới manh nha, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Yên đã ban hành Đề án số 08 về “nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực, công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng”. Chỉ đạo kiện toàn lại bộ máy Ủy ban Kiểm tra các cấp, chú trọng nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ những người làm công tác kiểm tra, giám sát. Nâng cao chất lượng kiểm tra toàn diện, các cuộc kiểm tra chuyên đề; tập trung kiểm tra, giám sát đối với những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, chú trọng tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan dân cử đối với công tác kiểm tra giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng, công tác phòng chống tham nhũng trên địa bàn huyện.
Công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cơ quan cấp trên trong chỉ đạo, định hướng, cung cấp thông tin PCTN, tiêu cực được đặc biệt quan tâm. Ngay trong năm 2022, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện tổ chức 4 hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật cấp huyện, 17 hội nghị báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại các xã, thị trấn; tổ chức trên 300 buổi tuyên truyền tại thôn, bản, tổ dân phố, cụm dân cư; 30 cuộc họp, hội nghị của các cơ quan, ban, ngành đoàn thể, doanh nghiệp, trường học, các cơ quan, đơn vị xã, thị trấn trên địa bàn có lồng gắn nội dung PCTN thu hút trên 150.000 lượt người tham gia, qua đó đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đảng viên, cán bộ, công chức, nhân dân về công tác PCTN. Việc phối hợp trong công tác tuyên truyền PCTN còn được thông qua các hội nghị báo cáo viên cấp huyện, hội nghị tuyên vận, các buổi sinh hoạt chi bộ, buổi họp cơ quan, họp thôn, tổ dân phố, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, phát sóng trên loa truyền thanh của huyện và loa truyền thanh cơ sở với trên 100 tin liên quan đến công tác định hướng, cung cấp thông tin tuyên truyền về PCTN.
Để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, chống tiêu cực, các cơ quan trong khối Nội chính (Thanh tra, Tòa án, Viện kiểm sát, Công an...) đã thực hiện tốt công tác phối hợp nhằm phát hiện các dấu hiệu vi phạm và xử lý kịp thời các hành vi
có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực. Do đó, trong thời gian qua các vụ việc, vụ án được diễn ra thông suốt, đảm bảo tiến độ, thời gian và không xảy ra vướng mắc. Bên cạnh đó, hằng năm huyện Bảo Yên đã xây dựng và ban hành kế hoạch chỉ đạo công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo và PCTN đến các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn. Từ đó công tác thanh tra được triển khai, thực hiện đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt, đạt tỷ lệ 100%. Công tác tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý và giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo được nâng cao về chất lượng, kịp thời xử lý các vụ việc ngay từ khi phát sinh. Trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo các Đoàn thanh tra, Đoàn xác minh tuân thủ đầy đủ trình tự, nguyên tắc theo quy định của Luật Thanh tra, Luật khiếu nại, Luật tố cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện một số đơn vị còn có sai phạm, thiếu sót trong công tác thu chi, quản lý tài chính do ngân sách nhà nước cấp, nguồn xã hội hóa giáo dục và nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia, việc quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình... Các kiến nghị, kết luận sau thanh tra kiểm tra đều được xử lý nghiêm minh.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng và sự vào cuộc quyết liệt của toàn hệ thống chính trị, những năm qua, công tác chỉ đạo, định hướng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực đã được các cấp, các ngành trong toàn huyện triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác thông tin được cung cấp chính xác, kịp thời, góp phần tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong Đảng, cơ quan Nhà nước và sự đồng thuận trong Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 -2025.
Phòng ngừa tham nhũng là giải pháp hiệu quả trong cuộc chiến chống tiêu cực. Ngăn ngừa tham nhũng góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng. Đẩy lùi tham nhũng là trách nhiệm của mỗi người dân và toàn hệ thống chính trị. Chống tiêu cực, đẩy lùi tham nhũng để ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiệu quả, cách tốt nhất là ngăn chặn suy thoái từ sớm, từ xa...
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, 2011, t.5, tr.301.
[2] ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, lưu hành nội bộ, Hà Nội, 1994, tr.25.
[3] ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.465.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG ST, H.2021, tập 1, trang 76,77.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 13, tr. 419