Mô hình trồng dâu nuôi tằm giúp nông dân thoát nghèo tại xã Kim Sơn
Là một trong những hộ gia đình tiên phong trong phong trào chuyển đổi giống cây trồng, từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, đến nay kinh tế gia đình ông Trần Quốc Đoàn, thôn Tân Văn 1, xã Kim Sơn đã vươn lên làm giàu từ trồng dâu nuôi tằm bán kén, thu về hơn 30 triệu đồng/tháng.
Bãi dâu của gia đình ông Trần Quốc Đoàn, thôn Tân Văn 1, xã Kim Sơn
Sau nhiều năm làm nhiều nghề để kiếm kế sinh nhai, năm 2000, khi nghề trồng dâu nuôi tằm bán kén bắt đầu bén duyên ở vùng đất xã Kim Sơn, gia đình ông Đoàn đã mạnh dạn chuyển đổi đất kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm bán kén. Những năm đầu tiên còn thiếu kinh nghiệm chăn nuôi nên Ông Đoàn gặp không ít khó khăn. Đến năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến khiến đầu ra, giá cả của nhiều ngành nghề, trong đó, có cả nghề trồng dâu nuôi tằm bị ảnh hưởng; đầu ra bỗng trở nên bấp bênh, khiến nhiều người dân nản lòng, bỏ dâu, phá tằm để tìm kiếm sinh kế khác. Gia đình ông Đoàn cũng như nhiều hộ dân ở xã Kim Sơn, không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn đó.
Nhưng với tình yêu và sự gắn bó bao năm với cây dâu, con tằm, gia đình ông quyết không bỏ cuộc. Khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, thị trường bắt đầu có tín hiệu khởi sắc, ông Đoàn lại dồn tâm huyết vào việc khôi phục cơ sở nuôi và mở rộng diện tích trồng dâu. Hiện nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông Đoàn đã rộng 3 ha, ít ai nghĩ rằng nơi đây từng có giai đoạn chững lại vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cơ sở ươm tằm của gia đình ông Trần Quốc Đoàn, thôn Tân Văn 1, xã Kim Sơn
Ông Trần Quốc Đoàn cho biết: “Hiện mỗi tháng gia đình tôi thả 2 lứa tằm giống, trung bình sau nửa tháng thì thu hoạch một lần đạt từ 100 kg kén tằm, mỗi tháng sẽ cho thu hơn 200kg kén tằm. Với giá kén hiện tại rất tốt, dao động từ 170.000 đến 180.000 đồng/kg, tôi thu hơn 30 triệu đồng/tháng”. Hiện nay, gia đình ông Đoàn có 2 nhà nuôi tằm, một nhà nuôi tằm giống để bán cho bà con; một nhà dùng để nuôi tằm lấy kén.
Ông Đoàn cho biết thêm: “với kinh nghiệm nuôi từ nhiều năm nay thì mỗi năm sẽ có khoảng 4 tháng (từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau) là phải tạm dừng do thời tiết lạnh, tằm không ăn, chậm phát triển; nhưng bù lại, thời gian nuôi tằm mỗi lứa rất ngắn, thu nhập lại cao. Trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập ổn định, thu hồi vốn nhanh kỹ thuật nuôi tằm không quá tốn nhiều công chăm sóc như nhiều người nghĩ. Ông Đoàn cũng lưu ý rằng, cái gốc của nghề này là nguồn nguyên liệu, tức là lá dâu phải thật sạch, lá dâu xanh tốt, đảm bảo chất dinh dưỡng tằm nhả tơ, kết kén rất chất lượng, có màu trắng tươm. Tuyệt đối lá dâu cho tằm ăn không được dính thuốc bảo vệ thực vật, nếu không là hỏng hết cả lứa tằm”.
Sự kiên trì và quyết tâm của gia đình ông Trần Quốc Đoàn đã được đền đáp xứng đáng. Từ khó khăn ban đầu, gia đình ông không chỉ phục hồi sản xuất mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả, làm giàu ngay tại địa phương. So với các loại vật nuôi hay cây trồng khác ở đây, trồng dâu nuôi tằm lấy kén mang lại lợi nhuận cao gấp 4 - 5 lần. Nghề trồng dâu nuôi tằm đã đem lại thu nhập cao cho gia đình ông Đoàn không chỉ là niềm vui của riêng ông mà còn là động lực, là tấm gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế cho nhiều bà con khác trong thôn và xã Kim Sơn học tập và làm theo.
Trồng dâu nuôi tằm hiện cũng là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng được nhân rộng mạnh mẽ ở xã Kim Sơn, với diện tích hiện có trên 24 ha dâu tằm, Kim Sơn quyết tâm phát triển thêm 76 ha, nâng diện tích dâu tằm của xã lên 95 ha trong năm 2025./.