SỨ MỆNH CỦA NHỮNG NGƯỜI THẦY
Lượt xem: 153

Năm học 2022-2023 là năm khởi đầu thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 10 THPT, song song với đó là chương trình GDPT hiện hành lớp 11,12. Đứng trước những thời cơ và thách thức đó, thầy và trò trường THPT số 1 Bảo Yên đã và đang từng bước tiếp cận và chú trọng đổi mới phương pháp dạy học để đảm bảo thực hiện chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2045 chuyển từ “đào tạo con người toàn diện” sang “phát triển toàn diện con người Việt Nam”.

Một trong những yếu tố tiên quyết đó là đổi mới phương pháp dạy học tích cực nhằm phát triển năng lực, phẩm chất người học. Để làm tròn được sứ mệnh đó, trong những năm qua Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm sát sao, đôn đốc chỉ đạo đội ngũ nhà giáo thích ứng với hoàn cảnh, không ngừng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực từng bước chuyển chương trình học tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Điều đó có nghĩa thay vì quan tâm đến việc học sinh học được gì, thì sẽ quan tâm đến việc học sinh vận dụng được những gì thông qua quá trình học tập. Đó cũng là mục tiêu xây dựng trường học “hạnh phúc, đổi mới và hội nhập”.

anh tin bai

   Giờ học lí thú và bổ ích của học sinh trường THPT số 1 Bảo Yên

Thế nhưng, để đảm đương trọng trách đó, đòi hỏi rất lớn ở tâm sức của người thầy. Bởi một người thầy “bình thường” chỉ biết nói, người thầy “xuất chúng” biết minh họa, nhưng người thầy “vĩ đại” còn biết truyền cảm hứng. Cho nên, thầy cô giáo phải là những kỹ sư tâm hồn, thực sự yêu nghề, tận tâm, tận lực với công việc được giao. Chính vì thế, trong quá trình dạy học, để khơi gợi hứng thú cho học sinh, nhiều thầy cô giáo trường THPT số 1 Bảo Yên, như cô Nguyễn Thị Thu Hương, cô Hoàng Thị Hà Vân, thầy Lê Đình Quỳnh không chỉ trang bị cho các em kiến thức mà còn vận dung linh hoạt các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực như: dạy học giải quyết vấn đề, dạy học theo tình huống, dạy học theo đặc thù bộ môn; dạy học theo dự án, dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược, phòng tranh.... Ngoài ra, các thầy cô cũng áp dụng chuyển đổi số qua các phần mềm bổ trợ học tập như DroidCam, Kahoot, Quzizi, Patlet… để giờ học thêm lý thú, bổ ích. Nhờ đó, các em học sinh chủ động, sáng tạo trong hành trang tiếp cận tri thức.

 Không chỉ vậy, trong các giờ học nhiều thầy cô giáo viên còn rèn cho học sinh khả năng tự học, tự nghiên cứu từ các nguồn học liệu để tìm hiểu, khám phá những tri thức mới,… Đồng thời định hướng cho các em tư duy phản biện, tranh biện để từng bước hình thành sự tự tin, phát huy khả năng sáng tạo. Ngoài ra, các thầy cô giáo trong trường cũng rất chú trọng tới việc kết hợp giữa học tập cá nhân và học tập hợp tác, tăng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, học sinh với học sinh, đồng thời khích lệ sự chuyển biến học tập của các em qua hình thức đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực. Bởi “Nếu sống trong khích lệ, học sinh sẽ có lòng tự tin”.

Trong công tác bồi dưỡng học sinh mũi nhọn, với lòng yêu nghề, nhiều giáo viên đã khơi dậy ngọn lửa đam mê cho học trò qua nhiều thê hệ, như thầy giáo Bùi Văn Định, thầy Phạm Xuân Trường, cô Nguyễn Thị Hằng... Bởi, các thầy cô đều nhận thấy để trở thành học sinh giỏi văn hóa, tố chất không thôi chưa đủ mà đòi hỏi cả một quá trình dày công khổ luyện. Cho nên, với nhiều cách thức tổ chức giờ học khác nhau, nhiều thầy cô giáo đã đánh thức ngọn lửa đam mê cho học trò bằng nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm và danh dự nghề nghiệp, để môn học mà các em theo đuổi là tự nhiên hay xã hội cũng sẽ trở thành điểm sáng bởi sự nỗ lực và quyết tâm. Song song với đó là công tác hướng dẫn Nghiên cứu khoa học và Sáng tạo trẻ, gần 10 năm qua, thầy Hoàng Trung Kiên và cô Ma Thị Bích Thu đã không quản khó khăn truyền cảm hứng cho các em học sinh trong trường nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo và từng bước ứng dụng khoa học vào thực tiễn đời sống; đồng thời hướng dẫn các em tìm hiểu những vấn đề, những khía cạnh mang tính thời sự, quan tâm tới những đối tượng yếu thế trong xã hội để từ đó đưa ra những giải pháp thiết thực, ý nghĩa và nhân văn.

anh tin bai

Học sinh hào hứng tham gia CLB Mỹ thuật với tình nguyện viên nước ngoài.

Để phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất, các em học sinh trong trường còn được tham gia CLB em yêu Toán học, CLB Văn học, CLB Mỹ thuật để kết nối với tình nguyện viên nước ngoài vẽ lên những bức tranh với những gam màu tươi mới...

Đồng thời, các em còn được hòa mình trải nghiệm không gian văn hóa lễ hội, được tái hiện, phục dựng những nghi lễ truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc. Để từ đó các em thêm trân quý tự hào về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Và xây dựng mô hình trường học đa văn hóa, trường học gắn với thực tiễn cũng là một tín hiệu tích cực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường.

Có thể thấy, đổi mới sáng tạo trong dạy và học là việc làm cần thiết trong nền giáo dục hội nhập và phát triển hiện nay. Để tạo được những kết quả đáng mừng đó, không phải là việc làm của một cá nhân mà là sự hợp sức cả một tập thể sư phạm nhà trường. Bởi qua các giờ học lí thú, qua các cuộc thi bổ ích, qua các sân chơi trí tuệ, các em học sinh trường THPT số 1 Bảo Yên có cơ hội được thử sức, được trải nghiệm và hơn hết được tự tin khẳng định năng lực, bản lĩnh làm chủ tri thức. Không chỉ vậy, qua môi trường giáo dục hiện đại, các em còn được hình thành kỹ năng, giá trị sống, tình yêu thương, lòng trắc ẩn; Từ đó bồi đắp tâm hồn ước mơ, khát vọng, lý tưởng để mai này trở thành những công dân có ích cho xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Thị Bích Thu - Giáo viên Trường THPT Số 1 Bảo Yên
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang