Đào tạo nghề - Giới thiệu việc làm: Giải pháp bền vững giúp người lao động thoát nghèo
Lượt xem: 193

Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm là một trong những giải pháp giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.

Đào tạo sát với yêu cầu thực tế 

Xác định mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tăng trưởng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ là yếu tố quan trọng trong quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá trên địa bàn. Bên cạnh từng bước nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, Lào Cai tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, thu hút nông dân tích cực, chủ động tham gia học nghề, tìm kiếm được việc làm phù hợp, đặc biệt đối với lao động khu vực nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện kinh tế khó khăn. 

Để công tác đào tạo nghề và hướng nghiệp được sát với nhu cầu thực thế, thời gian qua Sở Lao động -TBXH tỉnh hang năm đã xây dựng các Kế hoạch khảo sát nhu cầu học nghề, tình trạng việc làm của người lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thị xã, thành phố trong đó ưu tiên các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (vùng lõi nghèo) theo Nghị quyết số Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 24 tháng 5 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 40% trở lên đến hết năm 2020,  tầm nhìn đến 2025, có xét đến năm 2030, Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 19/5/2021 về việc phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao tỉnh Lào Cai; tập trung mở các lớp dạy nghề gắn với quy hoạch phát triển, thế mạnh của địa phương và nhu cầu về kiến thức KHKT; trên cơ sở đó, mở các lớp nghề phù hợp với đặc thù phát triển trên địa bàn, nhưng vẫn đảm bảo giữ gìn và bảo tồn nét văn hóa đặc trưng mang bản sắc địa phương, như thêu may thổ cẩm, nấu ăn, dịch vụ làm đẹp, trồng cây ăn quả, chế biến sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương…

anh tin bai
Quang cảnh lớp học thêu may thổ cẩm tại Sa Pa

 

Sau khi kết thúc các lớp học nghề, hầu hết học viên nghề phi nông nghiệp được các doanh nghiệp, hợp tác xã ở địa phương tuyển dụng. Thông qua các lớp truyền nghề, đào tạo nghề ngắn hạn, người lao động cơ bản nắm được các kỹ thuật cơ bản áp dụng trong sản xuất, được tiếp cận với phương pháp, cách làm mới, hiện đại, sản phẩm mang nét truyền thống kết hợp với nhiều kỹ thuật, công nghệ tạo nên những sản phẩm có chất lượng, giá thành cao... giúp gia đình có thu nhập ổn định để trang trải thêm cho cuộc sống gia đình…

Tư vấn việc làm đúng, trúng đối tượng

Hàng năm, Sở Lao động – TBXH giao Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh xây dựng Kế hoạch khảo sát thực trạng lao động, việc làm, nhu cầu học nghề của người lao động, đặc biệt là người dân tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 40% theo Kế hoạch 239/KH-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đối với 10 xã nghèo

Ông Trương Hồng Trường- Giám độc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, để giúp người lao động tìm kiếm thông tin việc làm và kết nối cho người lao động với các đơn vị tuyển dụng lao động, trung tâm đã thực hiện các phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn nhằm tuyên truyền , tư vấn chính sách lao động, việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động; bình quân hàng năm Trung tâm DVVL tỉnh Lào Cai tư vấn cho khoảng 30.000 lượt người, tổ chức trên 100 phiên giao dịch việc, trong đó xã nghèo với tên 20.000 lượt người; Phối hợp tốt với các huyện, thị xã thành phố tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm, đảm bảo trên 70% người lao động được tiếp cận với thông tin thị trường lao động, phối hợp tốt với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giới thiệu việc làm cho lao động tại địa phương đi làm việc ở ngoài tỉnh, tham mưu xây dựng chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ ban đầu cho người lao động khi đi làm việc ở ngoài tỉnh.

Đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển

Hiện nay phần lớn người lao động đã quan tâm chú trọng đến kỹ năng nghề nghiệp, xác định được tính thiết thực của việc học nghề; cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, rà soát danh mục nghề đào tạo theo phương châm “Chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới. Các cơ sở đào tạo nghề chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, theo nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với thực hiện tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người lao động. 

anh tin bai
Lễ ký kết hợp tác giữa cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp tại Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo được 38.555 người,đạt 66,5% so với mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67,7%,  tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 29,3%. Trong đó đã tập trung tham mưu nguồn lực đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số, lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; lao động ở các huyện nghèo, đặc biệt là các xã nghèo, xã khó khăn. Kết quả, ước đến hết năm 2023 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang thực hiện tuyển sinh, đào tạo được trên 2.000 người của 37 xã nghèo  theo các trình độ cao đẳng 138 người, trung cấp 368 người, sơ cấp và dưới 3 tháng trên 1.500 người.

Khảo sát thực tế cho thấy, đến nay người lao động đã nhận thức sâu sắc hơn về mục đích học nghề, từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ, chuyển sang học để nắm bắt khoa học kỹ thuật  áp dụng vào sản xuất để có năng suất, thu nhập cao hơn; học để có kiến thức, kỹ năng tìm được việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, học để giảm nghèo bền vững và thậm chí học để làm giàu.

Những kết quả trong công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động; tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động toàn tỉnh giảm. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng, miền, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, bền vững.

Công tác đào tạo nghề cũng góp phần quan trọng phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương đã tập trung đào tạo nghề phục vụ phát triển các sản phẩm dịch vụ có lợi thế so sánh với các địa phương khác nhằm tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Qua đó đã góp phần quan trọng trong việc hình thành các hình thức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, thực tiễn cho thấy công tác đào tạo nghề vẫn còn tồn tại, hạn chế. Việc dự báo nhu cầu về các ngành, nghề cần đào tạo trên thị trường gắn với nhu cầu phát triển địa phương, công tác hỗ trợ việc làm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chưa tốt. Chính sách hỗ trợ đào tạo còn thấp và chưa được điều chỉnh kịp thời so với sự biến động của giá cả. người lao động phát huy được hiệu quả sau đào tạo, phần lớn là tự tạo việc làm.

Để công tác đào tạo nghề - giới thiệu việc làm trong năm 2024 đạt kết quả cao, ngành Lao động – TBXH đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Cụ thể, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 40%, đặc biệt là 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề; Đào tạo các ngành nghề có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo chất lượng đầu ra và tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt trên 80%; Đổi mới cách thức, phương thức và nội dung tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và tạo việc làm đảm bảo thiết thực, hiệu quả và phù hợp với từng nhóm đối tượng thu hút, mở các lớp đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu học nghề cho người lao động trong tỉnh; đầu tư nâng cao năng lực cho hệ thống trung tâm Dịch vụ việc làm nhằm cung cấp dữ liệu chính xác về nghề nghiệp, thị trường lao động. Đẩy mạnh hoạt động các phiên giao dịch việc làm tại trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và các phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố để tư vấn đưa lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; Chủ động làm việc, mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp thiếu hụt lao động; tổ chức ít nhất 01 phiên giao dịch việc làm/xã  đưa lao động có nhu cầu đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Kêu gọi, tổ chức cá nhân chung tay giúp đỡ xã trong phong trào xây dựng nông thôn mới năm 2024./.

Đinh Tiến Ngọc - Phòng LĐ,TB&XH
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang