THÀNH TỰU GIẢM NGHÈO VÀ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ NGƯỜI NGHÈO Ở VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016-2022
Lượt xem: 306

Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xóa đói giảm nghèo đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội Đảng qua nhiều thời kỳ, ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn. Trong giai đoạn 2016-2022, thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo theo các quan điểm, chủ trương của Đảng như: Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025. Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (6 chiều về việc làm; y tế, giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin). Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Theo kết quả Khảo sát mức sống dân cư, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2022.

Hình 1: Tỷ lệ nghèo đa chiều và tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2016-2022

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2022

Tỷ lệ nghèo đa chiều chủ yếu tập trung ở những hộ gia đình thuộc vùng dân tộc thiểu số. Kết quả thực hiện xóa đói giảm nghèo ở các Vùng dân tộc thiểu số đạt được những thành tựu lớn. Khoảng cách về tỷ lệ nghèo đa chiều giữa dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và các dân tộc thiểu số khá lớn nhưng đã được thu hẹp dần trong giai đoạn 2016-2022 dưới tác động của hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật về giảm nghèo được Chính phủ ban hành khá đồng bộ, toàn diện để hỗ trợ người nghèo. Đó là các chính sách giảm nghèo đặc thù, ưu tiên đối với các đối tượng yếu thế, vùng đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn; từng bước giảm dần và bãi bỏ những chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện. Trong giai đoạn 2016-2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số giảm khá nhanh so với dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và cả nước. Trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số là 23,7%, giảm 12,8 điểm phần trăm so với năm 2016, bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2022 giảm 2,13 điểm phần trăm; dân tộc Kinh và dân tộc Hoa có tỷ lệ nghèo đa chiều là 2%, giảm 2,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,47 điểm phần trăm.

 Hình 2: Tỷ lệ nghèo đa chiều theo nhóm dân tộc giai đoạn 2016-2022

Nguồn: Niên giám thống kê năm 2022

Một số địa phương có tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao do trình độ sản xuất thấp, hệ thống hạ tầng cho phát triển kinh tế còn nghèo nàn lạc hậu, sản xuất chủ yếu bằng các nghề thủ công và tự cung tự cấp. Tính theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021[1], Điện Biên có tỷ lệ nghèo đa chiểu cao nhất là 34,5%, bình quân mỗi năm giảm 3,88 điểm phẩn trăm; Lai Châu là 2,9%, giảm 3,28 điểm phần trăm; Hà Giang là 25%, giảm 2,94 điểm phần trăm; Sơn La là 23,9%, giảm 2,84 điểm phần trăm; Kon Tum là 20,6%; giảm 2,67 điểm phần trăm; Gia Lai 22,7%, giảm 2,66 điểm phần trăm…. Theo chuẩn nghèo đa chiều mới theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP, các tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất cả nước là: Hà Giang 37,9%; Lai Châu 28,6%; Điện Biên 27,8%; Sơn La 23,9%; Gia Lai 22,7%; Cao Bằng 20,1% …

Tại các Vùng kinh tế – xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo đạt được những kết quả đáng ghi nhận khi tất cả 6 vùng kinh tế đều có tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021 giảm hàng năm, đặc biệt tại các vùng khó khăn, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc, nơi tập trung nhiều dân tộc thiểu số sinh sống có thành tựu giảm nghèo nhanh nhất cả nước khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2021 là 12,1%, giảm 9,6 điểm phần trăm so với năm 2016 và bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2016-2021 giảm 1,92 điểm phần trăm; tiếp đến là vùng Tây Nguyên là 10,1%, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2016 và bình quân mỗi năm giảm 1,69 điểm phần trăm; xếp thứ 3 là vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 5,7% giảm 5,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 1,17 điểm phần trăm; vùng Đồng bằng Sông Cửu Long là 3,8%, giảm 4,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,96 điểm phần trăm; 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước lần lượt là 1,2% và 0,2%, giảm so với năm 2016 lần lượt là 1,8 điểm phần trăm và 0,7 điểm phần trăm, bình quân mỗi năm giảm lần lượt là 0,37 điểm phần trăm và 0,15 điểm phần trăm.

Theo cách tiếp cận mới về nghèo đa chiều của Chính phủ cho giai đoạn 2022-2025[2], có sự khác biệt và khoảng cách lớn giữa các vùng có trình độ kinh tế phát triển và Vùng núi, cao nguyên. Năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại Vùng Trung du và miền núi phía Bắc cao nhất trong các Vùng kinh tế với 12,1%; tiếp đến là Vùng Tây Nguyên 11,4%; Vùng Bắc trung Bộ và Duyên hải miền trung 5%; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long 4,7%; Vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung các địa phương có trình độ phát triển kinh tế cao của cả nước và các khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước nên tỷ lệ nghèo đa chiều tại 2 vùng này rất thấp, tương ứng là 0,7% và 0,9%.

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo, Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành thường xuyên có những chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt những hộ gia đình sinh sống tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu vùng xa và hải đảo, như:

Đảng, Nhà nước đã quan tâm, bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực toàn xã hội để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo. Tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình khoảng 120 nghìn tỷ đồng; bao gồm nguồn vốn Trung ương (chiếm khoảng 35%), vốn huy động xã hội hóa hỗ trợ an sinh xã hội và giảm nghèo của các địa phương (chiếm khoảng 41%), vốn ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và các hoạt động an sinh xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (chiếm khoảng 24%). Cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội thiết yếu, liên kết vùng được ưu tiên đầu tư, nhiều địa phương đã nỗ lực thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn để xây dựng vùng nông thôn mới.

Phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 và Phong trào “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ phát động được triển khai sâu rộng. Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức thực hiện phong trào thi đua, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo và huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Phát hiện và nhân rộng các điển hình, mô hình giảm nghèo hiệu quả, sáng kiến giảm nghèo, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đã kịp thời có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả đối với người dân bị ảnh hưởng, nhất là người nghèo.

Các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, bao gồm:

Thứ nhất, các cấp uỷ, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; Công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; Công tác giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021 – 2030 của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Coi báo chí là kênh thông tin tuyên truyền quan trọng.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo…

Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững..

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp theo hướng tập trung, thống nhất đầu mối quản lý

[1] a) Khu vực nông thôn: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 700.000 đồng trở xuống;

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

     b) Khu vực thành thị: là hộ đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ đủ 900.000 đồng trở xuống;

– Có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.

[2] Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo. Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống ở thành thị và từ 1.500.000 đồng trở xuống ở nông thôn và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản dược coi là hộ cận nghèo (Các dịch vụ xã hội cơ bản gồm 06 dịch vụ: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin).

Nguồn Tổng Cục Thống Kê
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang