Sau thời gian trồng thử nghiệm, cây cam V2 tại huyện Bảo Yên đã chứng minh được tiềm năng lớn khi thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Không chỉ giúp đa dạng hóa cây trồng, giống cam này còn mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững.
Bảo Yên phát triển vùng trồng cam hàng hóa
Với 2 ha đất vườn đồi của gia đình chị Nguyễn Thị Hải thôn 2 Tân Văn xã Kim Sơn đã đầu tư mua 1.500 gốc cam ở Hương Yên về trồng, gồm các loại cam Vinh, cam đường canh. Theo chị Hải vụ cam năm nay được mùa, sản lượng đạt cao hơn so với mọi năm, chị rất phấn khởi. Cùng với cây cam Vinh gia đình chị Hải đã trồng được 200 gốc bưởi diễn, từ các mô hình trồng cây ăn quả có múi này, mỗi năm cũng cho thu nhập hơn 100 triệu đồng, là hộ gia đình tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở địa phương.
Cây cam V2 được anh Đỗ Chí Tuấn huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái mang về trồng trên đất Phúc Khánh huyện Bảo Yên từ những năm 2018, sau 3 năm trồng cây bắt đầu cho thu hoạch. Do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển nên 6 ha với trên 3000 gốc cam V2 đã cho thu hoạch và mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi năm thu trên 100 tấn quả với giá bán dao động từ 20 - 40 ngàn đồng/kg. Riêng năm 2023 ước thu hoạch 110 tấn, thu về trên 2,2 tỷ đồng, trung bình mỗi cây cho sản lượng từ 50 - 100 kg. Đặc điểm nổi bật của giống cam này là quả to tròn, vỏ mỏng, ít xơ, vị ngọt đậm và thơm, được thị trường ưa chuộng.
Các đồng chí lãnh đạo huyện thăm vườn cam của anh Đỗ Chí Tuấn
Theo anh Tuấn chủ vườn cam cho biết, với điểm ưu việt của cây cam V2 là cây trồng có múi trái vụ thu hoạch bắt đầu từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch nên giá bán cao hơn hẳn so với các loại cây chính vụ, nhất là không lo đầu ra cho sản phẩm, vì cam chín tới đâu tiêu thụ hết đến đấy, do đã được liên kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Gia đình ông Chiêu Tiến Lên thôn Trĩ Ngoài xã Phúc Khánh đang tập trung nhân lực ra vườn thu hái những quả cam Vinh đầu vụ chín vàng, mọng nước để kịp cho những chuyến hàng ngược xuôi. Từ năm 2017, gia đình ông Lên đã mang giống cam Vinh và cam V2 về trồng tại vùng đất xã Phúc Khánh, ban đầu chỉ trồng thử nghiệm 2 ha, sau khi thấy giá trị kinh tế từ cây cam mang lại gia đình ông đã mở rộng thêm diện tích để trồng lên 5,7 ha, trong đó có 2ha cây cam Vinh đang cho thu hoạch, còn lại là cam V2, cam Đường canh.
Ông Chiêu Tiến Lên thu hoạch cam
Theo ông Lên cây cam Vinh năm nay được mùa lại được giá, trung bình mỗi cây cho thu hàng tạ quả, sản lượng ước đạt 15,16 tấn, cao hơn so với mọi năm, với giá bán giao động từ 11- 15 ngàn đồng/kg cũng thu về gần 200 triệu đồng, cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, những năm gần đây, kinh tế của nhiều hộ trên địa bàn xã Phúc Khánh trở nên khá giả. Trong đó, việc đưa cây cam V2 vào trồng trên đất nương đồi, vườn nhà đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập và dần hình thành vùng cây ăn quả có múi trên địa bàn huyện.
Phúc Khánh vào vụ thu hoạch cam
Toàn xã Phúc Khánh hiện có hơn 20 ha cam V2, trong đó 10 ha đang cho thu hoạch quả, giá trị thu nhập đạt gần 250 triệu đồng/ha. Qua trồng khảo nghiệm, giống cam V2 phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương nên xã đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích, quy hoạch vùng trồng tại các thôn: Trĩ Trong, Trĩ Ngoài, Làng Đẩu, Làng Nủ thêm 20 ha, nâng tổng diện tích lên 40 ha.
Không chỉ Phúc Khánh, tại một số xã trên địa bàn huyện Bảo Yên, cây cam V2 được đưa vào trồng thử nghiệm, bước đầu cho hiệu quả kinh tế. Hiện, toàn huyện có gần 30 ha cam. Năm 2025, gia đình ông Hoàng Văn Den bản Vuộc xã Lương Sơn đăng ký trồng 0,8 ha cây cam V2, hiện nay gia đình ông đã được đơn vị liên kết là Công ty TNHH Thùy Phương cấp giống trồng được 0,5 ha. Hiện nay cây đang sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình ông Den đang tích cực làm cỏ, tưới nước để cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Tại xã Lương Sơn cây cam được người dân xã Lương Sơn đưa vào trồng thử nghiệm từ những năm 2014- 2016 với các giống cam như: Cam sành, cam V2... sau khi đưa vào trồng tại vùng đất Lương Sơn, cam sinh trưởng phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Hiện toàn xã có khoảng 10 ha, chủ yếu là cam Vinh, đường canh cho thu hoạch quả ổn định, với năng xuất từ 10 tấn/ha, giá bán giao động từ 10 ngàn đồng đến 12 ngàn đồng/kg, mang lại giá trị thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha, thị trường tiêu thụ ổn định.
Với định hướng phát triển cây cam thành vùng sản xuất hàng hoá, năm 2025 này Lương Sơn tiếp tục phấn đấu trồng mới 20 ha cây cam V2, hiện Lương Sơn đã trồng được 1,3 ha với 3 hộ tham gia tại thôn Vuộc thuộc Dự án “Phát triển vùng sản xuất Cam theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Bảo Yên năm 2024-2025” do Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bảo Yên liên kết với Công ty TNHH Thùy Phương thực. Hiện các hộ dân tham gia dự án đang tích cực chăm sóc diện tích trồng cam mới theo hướng dẫn kỹ thuật của cơ quan chuyên môn.
Thực hiện Đề án số 01 của Huyện uỷ Bảo Yên về “Sản xuất nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững huyện, giai đoạn 2020 – 2025”. huyện xây dựng kế hoạch về phát triển vùng sản xuất cam theo chuỗi giá trị sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị sản xuất, ổn định đầu ra, tăng thu nhập cho người dân.
Theo đó, mục tiêu, đến hết năm 2025, toàn huyện có 100 ha cây Cam (80 ha cam V2, 20 ha cam Đường canh); ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người dân. Thành lập các nhóm hộ/Tổ hợp tác sản xuất Cam tại các xã (Phúc Khánh, Lương Sơn, Việt Tiến) và xây dựng liên kết sản xuất ổn định giữa các Tổ hợp tác với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Giai đoạn 2024 - 2025, Bảo Yên phấn đấu xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, làm tiền đề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa Cam Bảo Yên; xây dựng 01 điểm du lịch nông nghiệp (trải nghiệm hái quả, check in vườn cam); có tối thiểu 01 sản phẩm OCOP từ Cam nhằm đưa sản phẩm vào các siêu thị trong nước.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, huyện tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tập trung chuyển đổi cây trồng, tích tụ ruộng đất để phát triển vùng cam. Tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cam đảm bảo an toàn thực phẩm cho nông dân; thực hiện thâm canh nâng cao giá trị sản phẩm trên diện tích đất canh tác; thu hút tổ chức, doanh nghiệp đến đầu tư phát triển vùng trồng, liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh đó, huyện Bảo Yên sẽ hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã làm cầu nối giữa các hộ trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư xây dựng hạ tầng, máy móc thiết bị hoạt động, nâng cao giá trị sản xuất, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Song song với đó, huyện Bảo Yên tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững để định hướng và phát triển sản xuất; sử dụng lồng ghép các nguồn vốn nhằm hỗ trợ cho các hộ trồng cam...
Với hiệu quả kinh tế cây cam mang lại, việc quy hoạch và mở rộng vùng trồng trên địa bàn huyện Bảo Yên sẽ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích đất canh tác, giúp nông dân tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững./.