VÀI NÉT VỀ ĐỊA DANH BẢO HÀ
Bảo Hà có một vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ biên giới, là cửa trạm canh phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc Việt Nam, ngăn chặn các cuộc tấn công của giặc phương Bắc về Thăng Long. Trong giai đoạn cổ trung và cận đại, sông Hồng là tuyến giao thông huyết mạch nối liền vùng Bắc Bộ - Việt Nam với Vân Nam - Trung Quốc, là tuyến giao thương quan trọng với tấp nập thuyền bè xuôi ngược vận chuyển hàng hóa từ phía Tây Nam (Trung Quốc) qua Việt Nam để đi ra biển và tới các nước vùng Trung Ấn xa xôi.
Sớm thấy được tầm quan trọng của con đường thủy này, nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và cửa quan Bảo Hà dọc tuyến sông Hồng, đồng thời xây dựng cửa quan Bảo Hà thành hậu cứ trực tiếp của cửa quan Bảo Thắng, nơi đóng đại bản doanh của quân thủy bộ. Bảo Hà có đài hỏa hiệu, có trạm liên lạc thông tin tình hình cửa quan Bảo Thắng cho các Châu huyện phía dưới. Nhờ có đài hỏa hiệu ở Bảo Thắng, trấn Quy Hóa nắm được tình hình và kế hoạch tấn công của quân Nguyên Mông (năm 1258 - 1285) đã báo cho quân triều đình có kế hoạch phòng bị cửa ải Lê Hoa, tướng Trần Ban đã cho tu sửa các trạm đài Bảo Hà.
Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, đời nhà Lê, trấn Bảo Hà là trung tâm của Châu Văn Bàn. Trong thời kỳ này ở xã Khảo Bàn - Châu Văn Bàn được xây dựng các thành lũy trạm gác chống giặc cướp phương Bắc. Vị trí Bảo Hà ngày càng trở nên quan trọng, có đường sông, đường bộ huyết mạch nối liền biên giới với lỵ sở Hưng Hóa.
SỰ TÍCH ĐỀN BẢO HÀ
Đền Bảo Hà, nơi thờ Thần Vệ Quốc Hoàng Bảy, còn được nhiều gọi là Đền Ông Hoàng Bảy. Tương truyền, vào cuối thời Lê (niên hiệu Cảnh Hưng 1740 - 1786) khắp vùng đất thuộc phủ Quy Hóa, nhất là Châu Thủy Vỹ và Châu Văn Bàn luôn bị giặc vùng Vân Nam (Trung Quốc) tràn sang cướp phá.
Trong tác phẩm “Đại Nam nhất thống trí” của Quốc sử quán Triều Nguyễn ghi rõ về châu Thủy Vỹ: “Động Cam Đường có mỏ vàng, Động Trình Lạn và đọng Sơn Yên ngày trước có mỏ đồng. Thổ sản có thảo đậu khấu. Động Ngọc Uyển có mỏ kẽm và bạc. Trên sông Ân đối ngạn với điếm Bắc Sát có sở Tuần Ty ở xứ Nguyên Đường, thu thuế muối, mỗi năm được một nghìn lạng bạc. Phong tục ngôn ngữ và văn tự giống như châu Văn Bàn.
Họ Nguyễn đời đời làm Phụ đạo. Binh hiệu gọi là Ninh Nhất. Sau khi loạn lạc, dân cư điêu tàn, ruộng đất bỏ hoang. Những người quản cũ ở động Hương Sơn và động Trình Lạn chiêu mộ những người Nùng áo xanh về khẩn điền khai mỏ chịu thuế. Các tù trưởng chiêu tập những người nùng và người mán về ở lẫn lộn về ở với nhau nhưng họ khó dậy và dễ làm theo giặc. Đường bộ từ châu Văn Bàn đi vào đều phải qua núi, rất là khó khăn. Đường thủy từ sông Thao đi ngược lên, phía dưới sông nhiều đá lởm chởm, gập gềnh”.
Lúc này, tướng giặc là phu Chẩn Tin Toòng thường xuyên cho quân đánh phá châu Thủy Vỹ, chiếm trấn Văn Bàn. Trước tình hình đó, triều đình nhà Lê đã cử danh tướng họ Nguyễn lên trấn thủ vùng biên ải tiến ngược sông Hồng đánh đuổi quan giặc giải phóng châu Văn Bàn và củng cố, xây dựng vùng đất Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng họ Nguyễn đã tập hợp các thổ ty, tù trưởng, chiêu nạp quân sỹ ngày đêm luyện tập. Sau đó, Ông đã thống lĩnh đội quân thủy, bộ tiến lên Lào Cai, đánh đuổi quân giặc phải rút về vùng biên giới Vân Nam - Trung Quốc.
Sau khi giải phóng vùng Quy Hóa, ông chiêu dụ các Thổ hào địa phương tổ chức đón người Dao, Thổ và đặc biệt là ngường Nùng áo xanh về lập làng, khẩn điền, khai mỏ xây dựng quê hương.
Với âm mưu chiếm Lào Cai, giặc phương Bắc thường xuyên đem quân tiến đánh các khu vực biên giới, nhưng các cuộc xâm lược nhỏ ấy đều bị quân và dân vùng biên chống trả quyết liệt, đuổi chúng về nước. Nhưng ý đò xâm chiếm của họ vẫn không dừng lại, chúng điều một đạo quân lớn do tướng giặc là Tả Tủ Vàng Pẹt dẫn sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại một lần nữa thân chinh xuất quân đánh giặc.
Song, do giặc phát hiện bí mật quân sự của ta, mặt khác, quân giặc đông, trận chiến không cân sức giữa quân ta và quân xâm lược, nên Ông và các tướng lĩnh đã anh dũng hy sinh, xác Ông trôi theo sông Hồng tới địa phận xã Bảo Hà thì dạt vào bờ. Nhân dân trong vùng ngậm ngùi thương nhớ, đưa xác Ông lên chôn cất và xây dựng đền thờ để nhân dân quanh năm dâng hương tưởng nhớ đến công lao đánh giặc giữ nước của ông và các tướng lĩnh. Sau đó, các vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, triều Nguyễn đã phong cho ông danh hiệu “Trấn An hiển liệt” và ban sắc phong là “Thần Vệ Quốc”.
Tưởng nhớ công lao giữ yên vùng biên giới, chiêu mộ nhân dân khai hoang ruộng đất, khai mỏ… của ông, cộng đồng các dân tộc Kinh, Tày, Dao… đều kính trọng tôn thờ. Ông đi vào thế giới tâm linh như một huyền thoại, trở thành vị nhân thần của đồng bào Tày Văn Bàn, Bảo Yên trước kia và giờ đây sức mạnh vô hình ấy đã lan tỏa tới toàn thể cộng đồng nhân dân các dân tộc trên mọi miền đất nước.
Ban Biên tập