Giới thiệu về Đền Phúc Khánh (Thành Cổ Nghị Lang)
Lượt xem: 7758
ĐỀN PHÚC KHÁNH
 
Đền Phúc Khánh tọa lạc trên đồi Tấp, nằm trong quàn thể di tích “Thành cổ Nghị Lang”, trung tâm thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Đền được xây dựng với một khuôn viên rộng, thoáng mát, tĩnh mịch, là điểm linh thiêng thờ tự các vị chúa Bầu (Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật và con cháu). Ngôi đền hàm chứa giá trị lịch sử oanh liệt của các chúa Bầu thế kỷ 16, dấu tích còn in đậm trong nhiều trang viết và những câu truyện huyền thoại về Thành cổ Nghị Lang. Đến Bảo Yên, du khách thường đến dâng lễ Ông Hoàng Bảy ở Đền Bảo Hà rồi đến Đền Cô Tân An - nơi thờ Công chúa Thượng Ngàn, cầu mong được ban tài, ban lộc, ban phúc… Nhưng sẽ là thiếu sót nếu không ghé qua, thắp một nén nhang tại Đền Phúc Khánh để cầu các vị chúa Bầu ban cho gia đình sứa khỏe, nghị lực vượt qua mọi gian nan, thử thách và được hưởng cuộc sống hạnh phúc, bình an, trọn vẹn.
 
VÀI NÉT VỀ ĐỀN PHÚC KHÁNH
 
Đền Phúc Khánh nằm trong quần thể di tích Thành cổ Nghị Lang, một kiến trúc mang đặc trưng thời Lê - Mạc, là nơi thờ tụ các vị chúa Bầu. Tương truyền: Vào thời kỳ nhà Mạc lên nắm quyền thay nhà Lê, hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật quê ở xã Đông Ba, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc), tỉnh Hải Dương lánh nạn nhà Mạc lên vùng Bảo Yên xây dựng căn cứ trấn ải biên giới Tây Bắc bảo vệ biên cương và chống lại quân nhà Mạc. Vũ Văn Mật đã cùng các con cháu tích cực xây lũy, đắp thành, chiêu mộ quân sĩ chống nhà Mạc, bảo vệ biên cương và xây dựng Bảo Yên thành một vùng trù phú. Sau này, để nghi nhớ công ơn các chúa Bầu, nhân dân đã lập đền thờ trên đồi Tấp. Trải qua thời gian với nhiều biến động của lịch sử, những bức tường thành đã sụt lở,mọi kiến trúc bên trong thành cũng như ngôi Đền Phúc Khánh gần như bị phá hủy hoàn toàn, vết tích của ngôi đền còn lại rất ít.
 
Thông qua các cuộc khai quật khảo cổ , tìm kiếm dấu tích Thành cổ Nghị Lang và Đền Phúc Khánh cho thấy: Trên đồi Tấp, ngoài nền Đền còn nguyên, còn có cây khế, rặng cây duối hàng trăm năm năm tuổi. Đây là những vật chứng từng chứng kiến một phần, một giai đoạn tồn tại của thành lũy cổ cũng như ngôi Đền Phúc Khánh uy nghi. Cũng tại nền Đền này, qua quá trình khảo cổ còn tìm thấy một số tảng đá lớn có chạm, khắc hoa văn tinh xảo, một con rùa đá lớn lưng đội tấm bia đá, tuy tấm bia đã vỡ phần đầu, mặt bia bị bào mòn, nhưng vẫn hiện rõ dòng chữ ghi “Phúc Khánh Tự”, được xác định là tấm bia ở ngôi chùa Phúc Khánh khi xưa do các Chúa Bầu xây dựng. Ngoài ra, còn tìm thấy nhiều gạch, ngói xây chùa hay các vật trang trí và vật dụng thời bấy giờ như: Bát, đĩa, chum, vại, bình….đặc biệt, còn tìm thấy một số vũ khí như: kiếm, giáo. Qua các đợt khảo cổ nghiên cứu đã thu thập được trên 300 hiện vật, khẳng định sự tồn tại của di tích, cũng như khẳng định được giá trị văn hóa truyền thống của các nghề thủ công thời kỳ đó như: Rèn, mộc, gốm sứ…
 
Năm 2006, di tích lịch sử văn hóa “Đền Phúc Khánh” được trùng tu tôn tạo và được xây dựng trên nền đất cũ theo kiến trúc thời Lê - Mạc; các bộ vì mái được làm bằng gỗ dạng chồng rường giá chiêng, tam quan ngoại xây dựng dạng tứ trụ truyền thống, các đỉnh trụ đắp phượng và nghê chầu, tam quan có kiến trúc một gian hai trái chồng diêm, thềm và bậc bằng đá có rồng cuốn, chân cột kê đá tảng có trạm khắc hoa văn thời nhà Mạc.
 
Nhắc đến di tích lịch sử “Thành cổ Nghị Lang” chính là nói đến Đền Phúc Khánh, hai cụm từ này như gắn kết thành một để nói về giá trị di tích lịch sử đang hiện hữu ở trung tâm thị trấn Bảo Yên. Đến Bảo Yên, miền đất có hai dòng sông chúng ta sẽ được ngắm phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, được tỏ lòng thành kính của mình với những bậc tiền nhân có công dẹp giặc bảo vệ quê hương, đồng thời dâng nén hương thơm để tưởng nhớ tới những anh hùng một thời chống giặc tạo bề dầy truyền thống cho mảnh đất Bảo Yên hôm nay.
 

BÀ HOÀNG THỊ THANH
VỚI CÂU CHUYỆN VỀ ĐỀN PHÚC KHÁNH
 
Mỗi di tích có rất nhiều những hiện vật cũng như các câu chuyện kể về lịch sử hình thành, tồn tại… Tuy nhiên trong nhiều câu chuyện, chúng tôi chọn và đưa ra câu chuyện của Bà Hoàng Thị Thanh, năm nay bà 67 tuổi, làm Phó Ban QL di tích Đền Phúc Khánh kể về cuộc hành trình tìm lại di tích do bà và một số người thực hiện.
 
Bà Thanh hồi ức kể lại câu chuyện về quá trình tìm ra tấm biên đá và dấu tích của ngôi đền như sau: Trong một lần về quê Nam Định, bà ngủ mơ thấy trên đồi Tấp có những tia hào quang phát ra và có người nói vọng vào tai nơi này là một điểm thờ tự từ xa xưa, sao không tìm mà cứ phải đi lễ xa… tỉnh giấc, bà kể câu chuyện với người nhà, cả đêm ấy bà thấp thỏm không ngủ được, sáng sớm hôm sau bà ra bắt xe trở lại Bảo Yên. Lên đến Bảo Yên, bà kể câu chuyện với cụ Trần Thị Đài và hai cụ già khác về sự việc vừa qua, sau đó họ cùng lên đồi Tấp để tìm xem có gì không. Nhưng chỉ thấy mọi thứ bình thường như ở mảnh đất khác, bà cho rằng giấc mơ của mình chỉ là giấc mơ và bà không tìm nữa, vì bà cũng chẳng biết tìm thế nào… Bẵng đi một thời gian, trong một lần bà bị ốm thập tử nhất sinh, bà lại mơ thấy hiện tượng như lần trước, vẫn những câu nói mang tính chỉ dẫn về nơi tồn tại của ngôi đền cổ và lập miếu thờ. Vì vậy, bà đã cùng một số cụ cao niên sinh sống gần ngôi đền sửa soạn mâm lễ lên đồi cúng và xin phép lập một ngôi miếu thờ, bà đã dựng tạm miếu nhỏ để sớm tối đèn nhang cầu cho các anh linh ở nơi này được được siêu thoát và phù hộ cho dân làng cuộc sống bình an. Khỏi ốm từ lúc nào bà cũng không nhớ, chỉ biết từ đó đến nay bà luôn khỏe mạnh và trong lòng cảm thấy thanh thản.
 
Năm 1995, mọi người lại phát hiện trên khu vực đồi Tấp có một tấm văn bia bằng đá và bệ văn bia là một con Rùa đá lớn, bà Thanh đã cùng cụ Đài và ông Ích là các cụ cao niên trong làng, trong một lần về Yên Bái, các cụ đã đến hỏi Sở Văn hóa - Thông tin Yên Bái về cách tìm hiểu về di tích như thế nào, các cụ đã được hướng dẫn về Bộ Văn hóa - Thông tin, về Viện Hán Nôm, Viện Khảo cổ để nhờ các chuyên gia tìm hiểu giúp. Sau đó, các cụ đã có được kết quả về tấm bia, trên đó ghi là “Phúc Khánh Tự”. Trên cơ sở những hiện vật và dấu tích tìm được, ông Lê Văn Lạc (nguyên PCT UBND huyện) đã viết hồ sơ tóm tắt về di tích này. Cũng theo bà Thanh, đây cũng là những cơ sở đầu tiên về thành cổ và những dấu tích còn lưu lại của thành cổ Nghị Lang, là những  ghi chép bổ ích và có giá trị trong việc nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2001.
 
Hiện nay, ngôi đền đã được trùng tu, tôn tạo và xây dựng khang trang, nhưng những gì thuộc quá khứ, về những hiện vật vẫn còn lưu lại như văn bia, rùa đá đội bia, nền móng đền, dấu tích về thành cổ Nghị Lang của các Chúa Bầu khi xưa… tất cả vẫn còn in dấu về những mốc son lịch sử oai hùng của dân tộc trong công cuộc bảo vệ mảnh đất biên cương của tổ quốc.
 
 
THÀNH CỔ NGHỊ LANG
 
Thành cổ Nghị Lang được xây dựng vào khoảng những năm 1527-1533, là một trung tâm kinh tế, chính trị lớn của cả vùng sông Chảy đầu thế kỷ XVI. Hiện nay, trong khu vực thành cổ này còn lại nhiều dấu tích minh chứng cho một giai đoạn phát triển ổn định của vùng đất cổ Bảo Yên. Phía Đông giáp sông Chảy - một chiến hào tự nhiên với nước chảy cuồn cuộn ngày đêm, từ ngòi Lự đến ngòi  Ràng là những đoạn lũy cổ, tre ken dày và bên kia sông Chảy là bãi Soi Bầu (từ cổ nghĩa là bề trên, chỉ anh em Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật đang đóng trại).
 
Tương truyền đó là bến thuyền, là căn cứ quân sự của các chúa Bầu, ở đó có đồi khao quân trước và sau mỗi lần ra quân. Phía Bắc thành cổ, một bên dựa vào núi cao hiểm trở, chân núi là ngòi Ràng - một con suối rộng từ 6-8m làm chiến hào chở che. Trên bờ hào, các chúa Bầu còn trồng tre gai, đan xem theo hình tam giác ken chặt bờ thành. Phía Nam và Tây thành đều dựa vào các dãy núi cao. Trong thành có lầu chỉ huy, có xưởng rèn vũ khí, sản xuất gạch ngói, có trại lính và hệ thống chợ búa trường học, nơi thực hành tín ngưỡng thần, thờ phật. 
 
Phía Tây bắc thành có hệ thống hồ sen du ngoạn của chúa Bầu, với phong cảnh “sơn thủy hữu tình”, cạnh hồ là quần thể các  lò gốm, lò gạch cổ. Suốt trên khoảng đồi rộng hàng ngàn mét vuông còn ngổn ngang các hiện vật gốm cổ, nhiều nhất là ngói cổ thời Lê. Ở Căm Véo - một điểm chốt tiền tiêu phía Tây thành còn tìm thấy một khẩu súng lệnh bằng đồng dài 40cm, đường kính 12cm, trên thân khẩu súng còn khắc hai hàng chữ “Nghị Lang thủ ngự”. Đây là khẩu súng lệnh mang số hiệu 29 của vị thủ lĩnh bảo vệ thành Nghị Lang.
 
Sách “Đại nam nhất thống chí”, mục cổ tích còn ghi: “Thành Chúa Bầu, cây cối xanh tốt, những đêm thanh vắng, người địa phương thường nghe tiếng trống chiêng và ngọn lửa lúc sáng lúc tối”. Khí phách, dấu tích oanh liệt của các chúa Bầu luôn in đậm trong truyền thống đấu tranh của quân và dân ta suốt chiều dài lịch sử nhằm bảo vệ sự bình yên của mảnh đất vùng biên cương.

 
HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CHÚA BẦU
 
Có thể nói, hoạt động của các chúa Bầu ở vùng đất Lào Cai ngày nay, thể hiện rõ nét ở ba vấn đề. Thứ nhất, xây dựng thế lực chống lại nhà Mạc, khôi phục nhà Lê; Thứ hai, xây dựng và bảo vệ vùng Tuyên Quang, Hưng Hóa xưa; Thứ ba, ổn định và giữ vững vùng biên giới phía Tây của đất nước giúp nhà Lê trong công cuộc trung hưng.
 
Sau khi ổn định được tình hình ở Đại Đồng, thu phục lòng dân, Vũ Văn Uyên đã tận dụng điều kiện tự nhiên nơi này, xây dựng căn cứ, thành trì ở dinh Yên Bắc, châu Lục Yên, gọi là thành Mị Lang (Nghị Lang) (lại gọi là Thành Bầu, hiện nay, tại xã Lương Sơn, huyện Lục Yên còn có dấu tích thành nhà Bầu), “Thành này đóng ở 3 ngọn núi, đằng sau dựa lưng vào núi, trước mặt trông ra sông Chảy, tức đồn Ninh Bắc bây giờ”, tính kế lâu dài chống lại nhà Mạc, khôi phục nhà Lê. Sách Đại Nam nhất thống chí chép về thành Nghị Lang với Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật như sau: “Thành cổ Nghị Lang: ở địa phận xã Lương Sơn châu Lục Yên. Lúc nhà Lê bắt đầu trung hưng, Vũ Văn Uyên và Vũ Văn Mật chiếm cứ ở đây để chống cự với nhà Mạc gọi là thành Nghị Lang, cũng gọi là phủ Bầu, lại gọi là thành Bầu, cây cối xanh tốt, nay còn nền cũ. Những đêm thanh vắng, người dân địa phương thường nghe tiếng trống chiêng và ngọn lửa lúc sáng lúc tối”. Vũ Văn Mật còn xây dựng thêm thành lũy, mở rộng địa bàn hoạt động. Không chỉ dựa vào thành Nghị Lang, Vũ Văn Mật còn cho đắp thành Cát Tường: Ở địa phận xã Khánh Vân, châu Lục Yên. Tương truyền, thành này do Vũ Văn Mật đắp, bốn mặt đều là rừng rậm, ở giữa bằng phẳng rộng rãi, cách với dân cư, cũng gọi là thành Bầu, nay bỏ, nền cũ vẫn còn”. Những thành do Vũ Văn Mật xây đắp đều dùng chữ “Bầu” để gọi tên.
 
Vũ Văn Uyên lập công đầu với triều Lê bằng sự việc, dưới thời vua Lê Chiêu Tông (1516-1522), “chú giải và khảo chứng” của Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: “Binh bản hộ của Văn Uyên có đến mấy vạn người, cho nên trong khi ở miền xuôi các phe phái xung đột nhau để dẫn đến việc họ Mạc cướp ngôi thì Văn Uyên, vẫn giữ vững cả miền Tuyên Quang Hưng Hóa và cuối cùng cát cứ, không chịu theo nhà Mạc”.
 
Như vậy, vào tời trị vì của vua Lê Chiêu Tông, lực lượng quân đội của Vũ Văn Uyên ở Đại Đồng, lỵ sở của trấn Tuyên Quang đã khá mạnh. Khi nhà Mạc tiến ngôi vua (1527), được tin Nguyễn Kim cố chí lo toan mưu việc khôi phục triều Lê, xây dựng lực lượng ở miền Thanh, Nghệ, Thuận, Quảng, Văn Uyên đã cử người vào Sầm Châu, liên hệ với Nguyễn Kim nguyện hướng đạo quân nhà Lê tiến đánh quân Mạc. Sau khi liên hệ với Nguyễn Kim, Văn Uyên chủ động cử binh tiến đánh quân Mạc. Cuộc giao tranh giữa quân nhà Mạc, do Mạc Phúc Hải cầm quân, với Vũ Văn Uyên diễn ra kịch liệt vào năm 1533 (thời Lê Trang Tông) khi họ Mạc chiếm ngôi được 6 năm. Nhưng, sau những chuẩn bị tích cực và thực hiện chiến thuật “bất ngờ”, Văn Uyên đã nhử quân Mạc vào ổ phục kích, khiến quân Mạc bị đánh tan. Sau thất bại này, nhà Mạc đành phải để cho họ Vũ cát cứ vùng này. Đây chính là cơ hội để các chúa Bầu và con cháu có điều kiện giúp việc khôi phục nhà Lê. Nhưng, công việc đang trên đà phát triển thì Văn Uyên chết. Em ông là Vũ Văn Mật tiếp tục sự nghiệp của anh cai quản vùng Đại Đồng. Nhờ uy tín, thế lực của anh em họ Vũ mà nhân dân theo về rất đông. Các chúa Bầu không chỉ thu phục được lòng dân bản địa mà còn thu hút được rất đông nhân dân các trấn miền xuôi trốn loạn lên đó làm ăn sinh sống. Đại Đồng còn là nơi buôn bán lâm sản của nhiều thương nhân. Giao thương ngày càng nhộn nhịp nên xứ Đại Đồng nhanh chóng trở thành miền trù mật của trấn Tuyên Quang xưa, Lào Cai nay.
 
Có thể nói, những hoạt động của các chúa Bầu ở Đại Đồng, trấn Tuyên Quang xưa, Lào Cai ngày nay nổi trội trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, giao thương… nhưng đậm nét hơn cả là lĩnh vực quân sự, thể hiện ở việc giao tranh, chống lại nhà Mạc, phò tá nhà Lê.
 
Trên cơ sở làm chủ một vùng đất đai rộng lớn, họ Vũ vừa được nhân dân địa phương ủng hộ, vừa hợp với mục đích phù Lê. Với uy danh của mình, nhất là mục đích của các Chúa là Phù Lê, diệt Mạc. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, mục đích ấy là chính nghĩa nên càng được nhân dân các nơi ở miền xuôi theo về giúp sức, không chỉ tạo nên sự lớn mạnh về quân đội, mà còn tăng cường lực lượng lao động cho vùng Đại Đồng, tạo nên trên vùng đất này cảnh trù phú, ấm no, giúp nhà Lê về lương thực và binh lính trong công cuộc trưng hưng. Sức mạnh về quân sự, về kinh tế mà các chúa Bầu cùng nhân dân tạo dựng được ở Tuyên Quang, là điều kiện quan trọng để các Chúa và con cháu giữ vững miền biên giới phía Tây Bắc của đất nước.

 
CÁC ĐỜI CHÚA BẦU VÀ CHUYỆN VỀ THÀNH CỔ
 
Người khởi nghiệp của các Chúa Bầu họ Vũ là Vũ Văn Uyên, người làng Ba Đông, huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc, Hải Dương). Vũ Văn Uyên vốn là một thanh niên khỏe mạnh, gan dạ. Thời vua Lê Chiêu Tông trị vì, do phạm tội giết người, nên ông đã trốn lên ngụ ở trấn Đại Đồng (phủ Tuyên Quang). Bấy giờ người tù trưởng Đại Đồng bị nhân dân oán ghét, tình hình Đại Đồng rất lộn xộn. Vũ Văn Uyên thấy vậy bèn tập hợp lực lượng riêng, thừa cơ giết chết người tù trưởng, ổn định tình hình địa phương rồi chiếm luôn đất đó, trở thành người trấn trị Đại Đồng (thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái của Việt Nam ngày nay). Lúc đó Lê Chiêu Tông đang gặp thời rối ren ở kinh kỳ, phong cho ông làm Đô thống sứ trấn Tuyên Quang, tước Khánh Bá Bầu. Vũ Văn Uyên đã cho quân xây dựng một khu dân cư đông đúc, được bao bọc bởi thành cổ Nghị Lang và đóng quân luôn tại đây.
 
Vũ Văn Uyên chết không có con nối, em là Vũ Văn Mật nối quyền, xưng là Gia quốc công. Vũ Văn Mật dời căn cứ từ thành Nghị Lang sang xây thành đắp lũy trên gò Bầu. Từ đó nhân dân thường gọi ông là “Chúa Bầu” hoặc “Vua Bầu”. Các thành mà ông xây dựng như thành Nghị Lang ở Lương Sơn - Lục Yên; thành Cát Tường ở Khánh Vân - Lục Yên; thành Bắc Pha ở xã Đà Dương - Lục Yên; thành Bình Ca ở Hàm Yên (Tuyên Quang); thành Việt Tĩnh ở Diên Gia - Châu Thu (Lục Yên - Yên Bình - Yên Bái) về sau đều được gọi chung là thành Bầu.
 
Sách Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn ghi, quân của Vũ Văn Mật đóng làm 11 doanh: “Huyện Phù Yên có doanh Phù Yên, châu Thu Vật có doanh Yên Thắng, châu Lục Yên có doanh An Bắc, châu Vi Xuyên có các doanh Bình Di, Bình Man, Trần Uy, Yên Biên, và Nam Đương, châu Đại Man có doanh Nghi, châu Bảo Lạc có doanh Bắc Kiệm và Trung Mang”.
 
Các đời chúa Bầu: Các chúa Bầu truyền nối được 7 đời, 6 thế hệ, trấn giữ Tuyên Quang gần 200 năm (từ 1527-1699):
 
1. Khánh Bá Hầu Gia Quốc Công Vũ Văn Uyên
 
2. An Tây Vương Gia Quốc Công Vũ Văn Mật
 
3. Thái Phó Nhân Quốc Công Vũ Công Kỷ
 
4. Thái Bảo Hòa Quận Công Vũ Đức Cung
 
5. Thái Phó Thuần Quận Công Vũ Công Ứng
 
6. Thái Phó Tống Quận Công Vũ Công Sực
 
7. Đô đốc thiêm sự Khoan Quận Công Vũ Công Tuấn
 
Về tổng thể, sự hưng vong của các Chúa Bầu cũng gần như sự hưng vong của sự nghiệp các vua nhà Mạc. Nhà Mạc nổi lên thì các chúa Bầu cũng bắt đầu hùng cứ Tuyên Quang. Sau này khi họ Mạc tàn lụi, không còn chỗ ở Cao Bằng thì các chúa Bầu cũng suy yếu hẳn và chấm dứt. Đặc điểm chính của các chúa Bầu là dựa vào rừng núi hiểm trở phía Tây Bắc để cát cứ, không thần phục chính quyền ở Thăng long, khi chính quyền này bị chi phối bởi những cuộc chiến khác lớn hơn, không thể dốc toàn lực vào Tuyên Quang.

 
THÀNH CỔ NGHỊ LANG (THÀNH NHÀ BẦU)
 
Thành Bầu được xây dựng trên núi Bầu vốn có tên là thành Việt Tĩnh, đây là một tòa thành lớn của họ Vũ. Giai thoại dân gian trước đây kể về một bà chúa Bầu, là nữ tướng của Hai Bà Trưng. Giai thoại có liên quan đến nguồn gốc tên gọi núi Bầu nơi các Chúa Bầu họ Vũ xây thành.
 
Thành cổ Nghị Lang được xây vào thời Mạc (Thế kỷ XVI). Cả ngôi Đền và Thành cổ đều gắn liền với hai nhân vật Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật và dòng họ Vũ đã có công phò giúp vua Lê ổn định triều đình. Qua khảo sát, chu vi toàn bộ tường thành đo được 1.385 mét. Tường thành cao 2,30 mét, mặt tường rộng 3 mét, chân tường rộng 9 mét. Tường đều được đắp bằng đất, trừ những cửa có xây ốp vách bằng gạch hoặc đá tảng. 
 
Sách “Kiến Văn tiểu lục” của bác học Lê Quý Đôn có ghi: “Gia quốc công tên gọi Vũ Văn Mật, vì lánh nhà Mạc nên kéo quân lên đóng ở động Ngọc Uyển - vùng Bảo Nhai (Bắc Hà ngày nay), rồi thu nhập binh mã phò Lê diệt Mạc kéo xuống Lục Yên”, vị thủ lĩnh này đã nhìn ra địa thể cửa ngõ án ngữ Lào Cai của Phố Ràng nên đã chọn đất này để xây thành đắp lũy. Thời vua Lê Chiêu Tông (1516-1522). đã trao cho Vũ Văn Mật chức Tổng binh Tuyên Quang, sau này vì có công giữ trọn cảnh thổ, một lòng phò vua giúp nước, dạy dỗ dân làm ăn hưng thịnh khắp phiên trấn Bảo Yên, Bắc Hà nên được vua phong An Tây Vương cai quản cả một vùng Tây Bắc.
 
Qua thư tịch cổ tìm được, Thành Nghị Lang do Vũ Văn Mật cùng con cháu xây dựng đã hiện diện trong thực tế từ năm 1527 đến 1699 đó là một tòa thành rộng ôm trọn cả khu vực thị trấn ngày nay, mà kiến thiết dân sinh qua 4 thế kỷ đã làm phai mờ vì xây dựng chồng lên rất nhiều đoạn tường thành, nên các di chỉ khảo cổ còn lại rất ít. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn có thể nhận ra đây là dạng Thành dựa vào hình sông thế núi - một nghệ thuật quân sự đặc trưng ở Việt Nam, không tốn sức người sức của mà lại rất vững bền. Những lũy tre cũng là một thành phần của hệ thống phòng thủ, truyền thuyết kể rằng: Đêm đêm, ở khu vực Soi Bầu, khu vực thành nội, đồi Khao quân, đồi Cơm Lam vẫn có tiếng gươm đao khua, tiếng binh sĩ reo hò tập trận.
 
Thành cổ Nghị Lang về cấu trúc cơ bản cũng giống với kiến trúc thành trì ở Việt Nam vào thế kỷ XVI - XVII, cơ bản là hình tứ diện, xong do phải thuận tiện theo hình dáng của địa hình lợi dụng xây dựng lên, nó chưa hẳn là hình vuông mà chỉ là tương đối, hay nói cách khác thì kết cấu không thực sự hoàn chỉnh. Tường Thành bề ngoài đều được xây kè đá có vôi vữa làm chất kết dính, đá xây chủ yếu là đá cuội lớn (lấy từ sông Chảy lên) toàn bộ Thành có hướng đổ dốc ra phía sông Chảy, mặt đối diện quay ra sông. Theo truyền thuyết thì toàn bộ tường của Thành cổ Nghị Lang lớn ôm trọn thị trấn Phố Ràng ngày nay.
Thành cổ Nghị Lang là một tòa thành có giá trị to lớn về nhiều mặt, qua nghiên cứu ở đó còn lưu giữ lại rất nhiều các giá trị về Lịch sử Văn hóa và Khoa học, đặc biệt Thành cổ Nghị Lang còn là một địa điểm nghiên cứu về Nghệ thuật kiến trúc quân sự có giá trị. Qua các đợt khảo sát nghiên cứu từ trước đến nay trong kho Bảo tàng tỉnh Lào Cai đã sưu tầm được trên 300 hiện vật ở khu vực Thành Nghị Lang và khẳng định được văn hóa truyền thống của nghề rèn, mộc, gốm sứ tinh sảo của cha ông các dân tộc trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
 
Tưởng nhớ, tri ân hai anh em người anh hùng Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật và dòng họ Vũ đã có nhiều công lao bảo vệ biên cương, bờ cõi và dân lành, nên sau khi Vũ Văn Mật mất đi nhân dân nơi đây đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao và nhắc nhở cho con cháu đời sau lưu ân hương khói, thờ phụng.
 
Lào Cai hiện nay có các đền thờ Chúa Bầu:
 
1. Đền Bắc Hà: Thị trấn Bắc Hà, tỉnh Lào Cai
 
2. Đền Trung Đô: Thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai
 
3. Đền Phúc Khánh: Thị trấn Phố Ràng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai
 
4. Đền Nghĩa Đô: Xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.

 
GIAI THOẠI VỀ BÀ CHÚA BẦU HỌ VŨ
 
Trong lịch sử Việt Nam trước kia, dân gian đã truyền lại nhân vật Bà Chúa Bầu là nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Tới khi các chúa Bầu cát cứ tại Tuyên Quang trên núi Bầu, dòng họ Vũ lại có một người con gái tên là Vũ Thị Ngọc Anh cũng được người đời gọi là Bà chúa Bầu, nhưng để phân biệt, Vũ Thị Ngọc Anh được gọi là Bà chúa Bầu họ Vũ.
 
Khi Vũ Văn Mật xây thành Bầu, con gái là Vũ Thị Ngọc Anh tinh thông văn võ, lại am hiểu nghề nông. Vũ Văn Mật tiến cử bà với vua Lê và được vua Lê phong chức phó tướng, phụ trách quân lương hậu cần.
 
Hàng chục năm với trọng trách của mình, bà đã giữ trọn việc quân lương ở vùng núi non hiểm trở - nơi sinh sống của hầu hết dân bản xứ là đồng bào dân tộc thiểu số trình độ canh tác thấp. Trong bối cảnh ấy, bà chúa Bầu họ Vũ đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi lên; phổ biến cho bà con miền núi và quân binh trong vùng khai hoang ruộng nước, trồng bông dệt vải. Hàng chục cánh đồng ở châu Lục Yên, châu Thu Vật đều có công của bà chỉ bảo dân - binh khai khẩn định cư trồng bông, làm lúa nước. Bà đã cùng danh tướng Vũ Văn Mật xây dựng nên một hệ thống thành nhà Bầu rộng khắp trong vùng. Trong thành đều có nơi luyện tập binh mã, ăn ở cho quân sỹ, đóng quân, chuẩn bị quân lương để tiến đánh quân địch. Bà cũng là người trực tiếp tuyển quân, luyện quân, tập binh để bổ sung lực lượng.
 
Bà Vũ Thị Ngọc Anh có nhiều công lao trong xây dựng căn cứ và dạy dân trồng lương thảo được bà con trong vùng tôn thờ như: “Bà chúa lương”, “Bà chúa kho”, “Bà chúa Bầu”, “Bà Anh thần nông”. Người địa phương còn gọi bà là “Bà Bụt” khi cúng bà trong hội xuống đồng. Doanh trại chính của bà Vũ Thị Ngọc Anh là thành Bến Lăn, nơi có võ trường huấn luyện quân binh.
 
Sau khi bà mất, nhân dân thờ ở Đền Đại Cại. Đền đã có 3 sắc phong thần của vua Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông) năm thứ 44 ngày 26 tháng 1 năm 1784; của vua Tự Đức năm thứ 10 đề ngày 3 tháng 10 năm 1858 và vua Duy Tân (đề Tam niên bát nguyệt thập nhất nhật). Ngày 17 tháng 7  năm 2001, Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam  đã có quyết định xếp hạng - công nhận Cụm di tích lịch sử chùa tháp đất nung, đền Đại Cại, đình Bến Lăn, Ao Vua và thành lũy nhà Bầu của họ Vũ. Rằm tháng Giêng hàng năm huyện Lục Yên tổ chức lễ dâng hương, đua thuyền trên sông Chảy… để tưởng nhớ công ơn của bà chúa Bầu họ Vũ.
 
 
LỄ HỘI ĐỀN PHÚC KHÁNH
 
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa còn lưu lại tại khu di tích Thành cổ Nghị Lang, năm 2001 Thành cổ Nghị Lang đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số: 51/QĐ-BVHTT ngày 27/12/2001. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 10  tháng Giêng - Lễ hội Đền Phúc Khánh được long trọng tổ chức. Cùng với di tích Chiến thắng Đồn Phố Ràng, Đền Bảo Hà, Đền Cô Tan An, Đền Phúc Khánh đang dần hình thành nên một tuyến du lịch lịch sử, tâm linh kết nối với các tuyến, tour du lịch trong tỉnh Lào Cai trở thành thương hiệu và hành trình khám phá, trải nghiệm không thể thiếu của mọi du khách khi đến với Lào Cai.
 
CHÚC VĂN ĐỀN PHÚC KHÁNH
 
Mừng hôm nay
Trống đồng rung lên
Âm vang sông Chảy, núi Bầu
Tiếng khèn ngân xa,
Vọng vang Nghị lang - Thành Cổ.
Cờ hội tung bay
Người người rạng 
Bốn phương: Nam, Bắc, Tây, Đông; cháu con nức lòng hướng về Tiên Tổ.
Khắp nơi, Yên Bái, Tuyên Quang, người dân náo nức mừng sang mở hội.
Bừng sáng con Voi, cờ đỏ sao vàng thênh thang núi thần Yên Ngựa.
Cuộn trào sông Chảy, lửa ấm ân tình truyền lan Nghĩa Đô, Việt Tiến, Bảo Hà.
Toàn dân tưởng nhớ:
Tiếng công vang dội ngàn xưa.
Các Chúa Bầu mở nghiệp, diệt bọn quan tham, lấy của kẻ giàu sang chia cho dân làng sinh sống.
Gia Quốc Công khởi nghĩa, đánh tan nhà Mạc, phò giúp Vua Lê, bảo vệ làng quê, yên lòng dân chúng.
Từ suối Khổng, vượt sông Chảy, chọn Bảo Nhai làm đất Trung Đô, dựng cơ đồ, xây 11 quân doanh dũng mãnh.
Đến Phố Ràng dựng thành Nghị Lang, sang Tuyên Quang xây bình ca, Việt Tĩnh.
Cả một vùng rừng núi âm u trở thành phồn hoa đô thị.
Suốt một dải sông Chảy ngổn ngang lèn đá, rừng cây, vụt xây nhanh thành qoách đền chùa.
Gương sáng người xưa.
Đời đời ghi tạm.
Cho nên:
Núi sông tôn thờ
Lòng dân ngưỡng mộ
Cờ Gia Quốc Công phần phật bay cao
Gương Vũ Văn Mật sáng ngời rực rỡ
Toàn dân tưởng nhớ
Gia Quốc Công anh hùng muôn thuở
Sẵn chí quật cường
Khi đánh giặc người Phúc Khánh  ngoan cường cũng  cảm, đạp dồn, dựng tũy, lập chiến công lừng lẫy Phố Ràng.
Lúc dựng xây, dân Bảo Yên sáng tạo, tài cao, phất mở núi dáng hiên ngang thành cổ Nghị Lang.
Sang năm mới, Lào Cai vươn mình trong thế rồng bay
Đón xuân về, Bảo Yên dựng những công trình mới.
Thế mới biết:
Quê giàu, nâng cao dân trí
Huyện mạnh, đoàn kết toàn dân
Trọng tài, chiêu hiền đãi sỹ
Phú quý,hết sức chuyên cần.
Hôm nay:
Trong tiết lập xuân, ngày Rồng, tháng Dần, năm mới
Muôn ngàn con cháu nô nức gần xa
Đại biểu Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái
Dân chúng thập phương, tỉnh, huyện, xã, thôn
Nghiêm trang đứng trước linh từ
Kính cẩn cúi đầu xin hứa
13 dân tộc anh em đoàn kết giữ gìn non sông bền vững ngàn đời
8 vạn nhân dân chung lòng xây dựng Bảo Yên mạnh giàu muôn thuở
Hương xuân, quả ngọt, tấm lòng thành, theo lễ vật cúng dâng.
Cờ hội, lời ca, lòng yêu nước cùng cháu con tế độ
Chiêng trống âm vang sông Chảy, núi Thần
Cờ đỏ tung bay Phúc Khánh - Phố Ràng
Nghiêm trang thỉnh thị Gia Quốc Công Vũ Văn Mật thượng hưởng!
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang