Nâng cao nhận thức của học viên học lý luận chính trị về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại trung tâm chính trị huyện
Lượt xem: 493

Công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta đã có những bước tiến lớn, toàn diện, ngày càng quyết liệt, chặt chẽ và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng với một phương châm: “Sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có “vùng cấm” trong phòng, chống tham nhũng”. Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực việc nâng cao nhận thức của học viên học tập lý luận chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Trung tâm Chính trị cấp huyện là hết sức cần thiết.

Thời gian qua, tình trạng tham nhũng, tiêu cực đã xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực với quy mô khác nhau, trong đó có những vụ, việc xảy ra ở những ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi, mức độ sai phạm lớn, làm thất thoát hoặc thiệt hại nặng nề đối với tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội, như:

Trong lĩnh vực quản lý xã hội, quản lý hành chính công: Tham nhũng gắn liền với việc thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính: Tình trạng tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ xảy ra ở nhiều ngân hàng thương mại.

Trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản: Những công trình để xảy ra thất thoát tài sản liên quan đến các hành vi tham nhũng ở hầu hết các khâu, các giai đoạn từ khâu lập và phê duyệt dự án, khảo sát, thiết kế, duyệt kế hoạch vốn, đấu thầu, tư vấn giám sát, nghiệm thu, thanh quyết toán công trình….

Một số phương thức, thủ đoạn, như lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, thông đồng, móc ngoặc với các đối tượng bên ngoài để chiếm đoạt tài sản Nhà nước; lập chứng từ khống, làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức để trục lợi.

Để làm tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cần quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng. Cần xác định rõ: “Đấu tranh chống tham nhũng là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta hiện nay. Nó góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng Đảng và kiện toàn bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực hiện quyền dân chủ của nhân dân… Đấu tranh chống tham nhũng phải gắn liền và phục vụ cho đổi mới kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. Chính vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một khâu quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng…

Đối với nhiệm vụ giảng dạy tại Trung tâm Chính trị huyện, các đồng chí giảng viên luôn nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và nắm vững những nội dung phòng, chống tham nhũng để lồng ghép với từng nội dung trong chương trình giảng dạy một cách phù hợp. Trong công tác nghiên cứu và giảng dạy, luôn quán triệt và thực hiện nhất quán các quan điểm cơ bản của Đảng về phòng, chống tham nhũng, đó là:

Phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân;

Phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài, xuyên suốt quá trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới;

Xây dựng lực lượng chuyên trách đủ mạnh, có phẩm chất chính trị, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp làm nòng cốt trong công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng theo hướng chuyên môn hóa với các phương tiện, công cụ, kỹ năng phù hợp, bảo đảm vừa chuyên sâu, vừa bao quát các lĩnh vực, các mặt của đời sống kinh tế - xã hội;

Đặt quá trình phòng, chống tham nhũng trong điều kiện hội nhập, chủ động hợp tác hiệu quả với các quốc gia, các tổ chức quốc tế; chú trọng tổng kết thực tiễn và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Trong nội dung giảng dạy, giảng viên chú trọng chỉ ra cho người học nhận thức một cách đúng đắn về hành vi tham nhũng, tác hại của tham nhũng đối với sự phát triển bền vững của đất nước; làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước, làm cho chế độ chính trị dần suy yếu từ bên trong, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch tấn công ta, dẫn đến sụp đổ nếu không kịp thời chấn chỉnh. Đặc biệt nhấn mạnh tham nhũng là căn bệnh của bộ máy quyền lực, là một trong những nguyên nhân tạo ra sự trì trệ, làm giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, gây mất lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Nội dung phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi đưa vào giảng dạy đã thu hút sự quan tâm, chú ý của các học viên học tập lý luận chính trị vì ý nghĩa, tầm quan trọng của nó đối với quốc gia, dân tộc và tính chất thời sự. Nội dung này đã góp phần nâng cao ý thức của người học trong việc thực hiện nghĩa vụ công dân và trách nhiệm đối với cộng đồng; hình thành và phát triển phẩm chất liêm chính, năng lực tự vệ của người học trước thực trạng tham nhũng và thái độ lên án, đấu tranh với tham nhũng,...

Nhằm nâng cao nhận thức của học viên học lý luận chính trị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn hiện nay, tôi xin có một số đề xuất như sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đổi mới và nâng cao chất lượng quán triệt, học tập, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Hai là, đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo lý luận chính trị với phương châm “lý luận gắn với thực tế”. Tăng cường áp dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào hoạt động đào tạo, bồi dưỡng.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Tích cực, chủ động, tự giác học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ để có lý luận sắc bén trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thường xuyên rèn luyện, có năng lực và phương pháp truyền đạt hấp dẫn, khả năng thuyết phục người học.

Tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Do đó mỗi một cá nhân phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa đồng thời phải có nhận thức đúng đắn về tham nhũng, tiêu cực để góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm giai đoạn hiện nay./.

                                         

Bùi Thúy Giang – Giảng viên Trung tâm Chính trị huyện Bảo Yên
Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang