Bảo Yên với công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
Lượt xem: 858

Trong nhiều thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm chăm lo đến vấn đề an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho nhân dân. Thực hiện an sinh xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ, mục tiêu chiến lược quan trọng của Đảng và Nhà nước, vừa trước mắt, vừa lâu dài để thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

            Ôn lại chặng đường đấu tranh cách mạng vẻ vang trong quá trình 65 năm xây dựng và phát triển, những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Bảo Yên đã đạt được đều rất đáng tự hào. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc Bảo Yên luôn “chung sức, đồng lòng” cùng quân và dân cả nước kiên cường chiến đấu và chiến thắng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân các dân tộc Bảo Yên đã làm nên chiến thắng Phố Ràng, Nghĩa Đô lịch sử và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.

             Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bảo Yên luôn phát huy nội lực, truyền thống đoàn kết, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tranh thủ sự giúp đỡ của các cấp, các ngành tiếp tục giành được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cùng với việc duy trì sự ổn định và phát triển kinh tế, công tác đảm bảo an sinh xã hội luôn được đặc biệt chú trọng quan tâm, góp phần thúc đẩy công cuộc xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.

            Mặc dù là địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp và thương mại, dịch vụ nhưng đời sống của một bộ phận nhân dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân cơ bản là do trình độ dân trí thấp, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, tập quán sản xuất còn lạc hậu. Song vượt lên trên những khó khăn đó, Đảng bộ huyện luôn giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy truyền thống đoàn kết tạo sức mạnh tổng hợp; vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Xác định giảm nghèo là nhiệm vụ cấp bách cả trước mắt và lâu dài, cùng với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ đã ban hành Nghị quyết xây dựng và thực hiện Đề án “Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2006 - 2010”. Quán triệt tinh thần nghị quyết, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đều nỗ lực “vào cuộc”, tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực giúp các thôn, bản, khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, nắm chắc số hộ, tìm hiểu nguyên nhân, phân công cán bộ, đảng viên giúp đỡ để thực hiện xóa đói giảm nghèo, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn; tìm ra những hướng đi mới, cách làm mới để tạo thêm công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững. Chú trọng chăm lo đảm bảo ổn định đời sống cho các đối tượng là người tàn tật cô đơn, người có công với cách mạng. Bên cạnh việc hỗ trợ các hộ nghèo về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, động viên gia đình, dòng họ giúp đỡ, các cấp, các ngành trong huyện còn giúp xây dựng mô hình phù hợp với điều kiện từng  hộ. Đồng thời, xây dựng những mô hình, điển hình vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng để các đoàn viên, hội viên noi gương học tập tạo thành phong trào thi đua xóa đói, giảm nghèo trong nhân dân. Qua đó, nhận thức của nhân dân về công tác giảm nghèo từng bước được nâng lên, các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

            Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước liên quan đến người nghèo góp phần đảm bảo an sinh xã hội là một trong những những vấn đề được Đảng bộ chú trọng quan tâm và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Với chủ trương “trao cần câu cho người nghèo”, từ năm 2006 đến 2010 đã có 28.797 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn với lãi suất ưu đãi, doanh số cho vay 286.679 triệu đồng; 38 hộ được hỗ trợ đất sản xuất để cải thiện đời sống với diện tích 19,2 ha, kinh phí 96 triệu đồng; 1.645 hộ được hỗ trợ làm nhà ở, tổng kinh phí thực hiện 24.804 triệu đồng, trong đó, chương trình 134 hỗ trợ cho 566 hộ, chương trình 167 hỗ trợ 1.079 hộ; thực hiện trên 11.674 triệu đồng để xây dựng 26 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; tổ chức 141 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật canh tác các giống cây, con có năng suất cao cho 8.553 lượt hộ dân; 38 cuộc hội thảo đầu bờ cho trên 1.600 lượt hộ, hướng dẫn cho nông dân và người nghèo kỹ thuật canh tác giống cây. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, đã cấp phát trên 10 nghìn tờ rơi, áp phích, bản tin khuyến nông và sách hướng dẫn kỹ thuật nông, lâm, thuỷ sản,… Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sự quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện chính sách, đến hết năm 2010 cơ bản những hộ nghèo không có nhà hoặc có nhà quá tạm bợ, dột nát đã được hỗ trợ làm mới. Ngoài ra còn có các chương trình hỗ trợ trồng rừng mới, hỗ trợ học nghề để chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ vay vốn mua máy móc, hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu lao động,...

            Một trong những vấn đề rất quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội là bảo hiểm y tế. Nhận thức được tầm quan trọng này, cấp uỷ, chính quyền huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, thực hiện cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và người dân tộc thiểu số. Hàng năm, 100% người dân thuộc đối tượng thụ hưởng với trên 6.000 thẻ Bảo hiểm y tế người nghèo được cấp phát theo quy định. 

            Về chính sách hỗ trợ giáo dục, đã thực hiện việc cấp học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh nghèo có thành tích trong học tập tại các xã đặc biệt khó khăn, hỗ trợ sách giáo khoa, giấy vở và bút mực cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở, hỗ trợ cho học sinh bán trú, hỗ trợ phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trao học bổng Vừ A Dính, tặng quà cho học sinh nghèo học giỏi,... Hàng năm, miễn giảm học phí cho 100% học sinh nghèo ở các cấp tiểu học và trung học cơ sở, con em hộ nghèo theo học trung học phổ thông theo quy định. Từ năm 2006 đến nay toàn huyện đã hỗ trợ phổ cập giáo dục cho 732 học sinh là trẻ mồ côi, tàn tật thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số. Qua việc thực hiện chính sách này đã tạo sự động viên khích lệ rất lớn, góp phần giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo, giúp các em yên tâm tham gia học tập.

            Các dự án thuộc chương trình 135 giai đoạn II với kinh phí hơn 69.661 triệu đồng, đã hỗ trợ sản xuất 10.208,6 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 9.187,7 triệu đồng, nhân dân đóng góp gần 1.021 triệu đồng; hỗ trợ cơ sở hạ tầng 44.598 triệu đồng; thực hiện dự án đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng trên 2.430 triệu đồng,…

            Đối với việc thực hiện bảo trợ xã hội cũng được chú trọng. Các đối tượng người có công hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng (cán bộ tiền khởi nghĩa, anh hùng lực lượng vũ trang, thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người bị nhiễm chất độc hoá học,...) được thực hiện chính xác, kịp thời. Toàn huyện có 1.255 đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Hiện đang thực hiện chi trả trợ cấp khó khăn cho đối tượng người có công cho 5.784 hộ với kinh phí 1.896 triệu đồng; trợ cấp hàng tháng cho 735 đối tượng là người có công với kinh phí trên 960 triệu đồng, đồng thời thực hiện các chính sách như chi trả trợ cấp ưu đãi, chăm sóc sức khỏe, chế độ ưu đãi trong việc cấp đất ở, cải thiện nhà ở, miễn giảm thuế, chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo,... tạo điều kiện thuận lợi để hộ gia đình chính sách, người có công có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống. Từ năm 2004 đến nay, huyện đã phát động xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa được trên 900 triệu đồng, tỉnh hỗ trợ 566 triệu đồng chi cho hỗ trợ hoạt động xây nhà tình nghĩa, tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm nhân các ngày lễ tết, ngày 27/7,…

            Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm chỉ đạo, tính đến hết năm 2010, đã tổ chức 28 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho 838 học viên, bình quân đào tạo 168 lao động/năm. Hiện nay Trung tâm dậy nghề huyện được thành lập và đi vào hoạt động góp phần vào việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo. Hết năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 15,5 %. Việc chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 40,23% năm 2005 xuống còn 13,38% năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5 - 6%/năm, đã có 3 xã ra khỏi Chương trình 135 của Chính phủ.

            Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và dịch vụ xã hội phát triển, nhất là ở các xã vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn với 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã, trong đó 72,2% là đường rải nhựa; điện lưới, phát thanh, truyền hình mở rộng diện bao phủ, trạm y tế, trường lớp học, công trình thuỷ lợi được đầu tư nâng cấp và kiên cố hóa. Hiện nay 18/18 xã, thị trấn có điện với trên 87% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 62 % số phòng học đã được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố; toàn huyện có 4 phòng khám đa khoa khu vực; 18/18 xã, thị trấn có trạm xá và điểm Bưu điện văn hoá được xây cấp 4.

            Những kết quả trong việc phát huy mọi nguồn lực cho công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững đã khẳng định sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ và sự đúng đắn, phù hợp, kịp thời của các chính sách của Nhà nước về an sinh xã hội được nhân dân phấn khởi đón nhận; cùng với đó, công tác tuyên truyền đã có nhiều sáng tạo và chủ động về phương thức, phương pháp đã truyền tải kịp thời và hiệu quả các chủ trương chính sách, các gương điển hình tiên tiến, tạo được sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và ý thức trách nhiệm của mọi ngành, mọi cấp, của người dân, đặc biệt là sự cố gắng nỗ lực vươn lên của người nghèo trong lao động sản xuất và tổ chức đời sống. Đó là những yếu tố quan trọng, có tính quyết định để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

            Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đề ra mục tiêu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 18% (theo chuẩn mới), mỗi năm giảm bình quân trên 5%; tỷ lệ tái nghèo bình quân dưới 1%/năm. Trong đó, tập trung chủ yếu vào các giải pháp giảm nghèo nhanh, bền vững, chống tái nghèo; gắn công tác giảm nghèo với phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm. Để tiếp tục phát huy mọi nguồn lực cho công tác an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, Đảng bộ huyện tập trung vào một số giải pháp trọng tâm. Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; đưa giống mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo mở nhiều ngành nghề trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; khai thác và phát huy các lợi thế so sánh để phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động, từ đó tạo tiềm lực kinh tế và sức mạnh vật chất để thực hiện giảm nghèo bền vững. Hai là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao trách nhiệm các cơ quan quản lý trong triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo. Ba là, tăng cường nguồn lực đầu tư gắn với nâng cao chất lượng thực hiện các chính sách: tín dụng ưu đãi; khuyến nông, lâm, ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề cho người nghèo; hỗ trợ con em người nghèo trong đào tạo nghề; hỗ trợ để cải thiện nhà ở, đất ở,… Bốn là, quan tâm trợ giúp, giải quyết có hiệu quả vấn đề đất sản xuất cho các hộ nghèo, có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với những nơi không còn quĩ đất như: chuyển đổi cây trồng vật nuôi, đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ, chế biến sau thu hoạch các sản phẩm nông lâm nghiệp, thu hút để chuyển dịch lao động nông nghiệp sang tiểu thủ công nghiệp. Năm là, nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội và thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ để người nghèo được tiếp cận và thụ hưởng, bao gồm: hỗ trợ giáo dục và đào tạo, miễn giảm học phí, trợ cấp cho con em hộ nghèo; hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo và các đối tượng theo qui định thông qua hình thức cấp thẻ bảo hiểm y tế.  Sáu là, đổi mới nội dung, biện pháp để tuyên truyền, giáo dục phù hợp với nhận thức của nhân dân ở từng vùng và từng dân tộc.Thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó gắn phát triển kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo.

            Nhìn lại chặng đường 65 năm xây dựng và trưởng thành, mỗi chặng đường là một dấu ấn lịch sử vẻ vang rất đáng tự hào. Tuy Bảo Yên hôm nay vẫn còn nhiều khó khăn thách thức ở phía trước đang cần phải nỗ lực vượt qua. Song truyền thống cách mạng, sự đoàn kết, cần cù, sáng tạo sẽ là nền tảng, là ngọn lửa hồng thắp sáng niềm tin để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện chung sức, đồng lòng, từng bước tháo gỡ khó khăn để có bước tiến mạnh mẽ hơn trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói, giảm nghèo./.

 

Uỷ viên BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang