Trận Nghĩa Đô lịch sử và những dòng thư đầy ân tình
Lượt xem: 489

Ngược dòng sông Chảy theo Quốc lộ 279, cách trung tâm huyện lỵ Bảo Yên 32 km về phía Tây Bắc là xã Nghĩa Đô - một vùng đất giàu bản sắc văn hóa và truyền thống cách mạng. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân các dân tộc Nghĩa Đô đã luôn kề vai sát cánh cùng các đơn vị bộ đội làm nên những chiến công vang dội, tiêu biểu là Trận Nghĩa Đô lịch sử năm 1950, góp phần đưa Chiến dịch Lê Hồng Phong (màn I) giành thắng lợi, phá vỡ tuyến phòng thủ quan trọng của địch ở chiến trường Tây Bắc, góp phần khai thông biên giới Việt - Trung, nối liền cách mạng nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Trở về quá khứ những năm 1947, sau chiến dịch Việt Bắc thu đông, cục diện trên chiến trường có nhiều thay đổi buộc thực dân Pháp phải từ bỏ chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” chuyển sang thực hiện chiến tranh lâu dài theo đúng ý đồ chiến lược của ta. Từ cuối năm 1949, cuộc kháng chiến giành được những thắng lợi quan trọng, tạo thế tiến công địch toàn diện trên khắp các chiến trường. Trên đà thắng lợi, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Biên giới nhằm khai thông thế cô lập giữa cách mạng nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Trung Quốc.  Chiến dịch Lê Hồng Phong (màn I) là chiến dịch lớn nhất trên chiến trường Tây Bắc nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng căn cứ địa của cuộc kháng chiến, tạo mối liên lạc giữa cách mạng nước ta với cách mạng Trung Quốc. Hướng chính của chiến dịch là Lào Cai, hướng phụ là Nghĩa Đô. Tham gia Chiến dịch có Trung đoàn thủ đô 165, trung đoàn 209, tiểu đoàn 11 Phủ Thông, tiểu đoàn pháo binh và 10 trung đội bộ đội địa phương.

Từ ngày 27-2 đến 05-3-1950 Tỉnh uỷ Yên Bái phát động Tuần lễ chiến dịch Lê Hồng Phong. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ Lục Yên tập trung chỉ đạo toàn huyện, đặc biệt là vùng thượng huyện chuẩn bị cho Chiến dịch, khắp các xã vùng thượng huyện Lục Yên (Bảo Yên ngày nay) đã tổ chức mít tinh, tuyên truyền cho Chiến dịch, vận động nhân dân quyên góp lương thực, thực phẩm, động viên con em đăng kí tham gia du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực. Các tiểu đội du kích được huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, tích cực trinh sát đồn địch. Các đơn vị dân công không quản mưa rét thường trực các bến sông, sửa đường, dẫn đường cho bộ đội hành quân, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí lên khu du kích. Ở vùng quanh Nghĩa Đô ta vận động nhân dân tạm thời tản cư, sơ tán.

Ngày 08-2-1950, Chiến dịch Lê Hồng Phong (màn I) mở màn bằng trận công kiên tiêu diệt đồn Phố Lu. Sau 6 ngày đêm chiến đấu ác liệt quân ta đã san phẳng cứ điểm địch ở Phố Lu. Đồn Nghĩa Đô là cứ điểm duy nhất của Pháp tiếp giáp với căn cứ kháng chiến của ta ở Việt Bắc. Cụm cứ điểm Nghĩa Đô gồm có đồn chính (đồn Khố đỏ) do tên quan Tư­ Sẹo người Pháp chỉ huy và đồn Hoàng A Tưởng do tên cai Inh chỉ huy. Hệ thống phòng ngự của địch khá kiên cố, đặc biệt là đồn chính nằm ở độ cao 80 m so với mặt ruộng, có tường đá xây kiên cố cao 3 m, ở dưới có hàng rào thép gai và hệ thống giao thông hào chằng chịt. Trên mặt đồn có 7 lô cốt kiên cố, đặt nhiều ụ súng Ka Nông (Sơn pháo 75 ly). Từ đồn chính chúng đào đường hào sâu 2 m, dài hơn 100 m thông ra khu đồi núi phía Tây tạo thuận lợi cho việc phòng thủ và tác chiến. Lực lượng địch ở đồn chính có hơn 400 tên, trong đó có 25 lính Âu-Phi, hơn 100 lính khố đỏ, còn lại là lính dõng.

Trong 2 ngày 10 và 12-2-1950, quân ta tổ chức hai đợt tấn công vào hệ thống đồn địch nhưng hoả lực của ta không phát huy được tác dụng, không áp chế được hoả lực dịch cho nên bộ binh không xung phong được. Đến 5 giờ chiều ngày 23-2-1950 quân ta mở cuộc tấn công thứ ba vào cả hai đồn địch. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt. Ta diệt được đồn Hoàng A Tưởng, bắn cháy toàn bộ 24 trại lính, phá sập chòi canh có đặt súng Đu Sết. Xung kích ta đã tiến lên được đồi cao chiến đấu giằng co suốt đêm 23 và ngày 24. Đến 3 giờ chiều ngày 24-2-1950, Pháp dùng 18 máy bay, trong đó có 4 chiếc khu trục ném bom, 14 chiếc Dacota thả khoảng 400 lính dù xuống kẹp chặt vòng ngoài bộ đội ta đang vây đồn. Cuộc chiến đấu giáp lá cà giữa bộ đội ta và lính dù Pháp diễn ra rất ác liệt và đẫm máu, cả hai bên đều thiệt hại nặng. Thấy tiếp tục đánh sẽ bất lợi nên quân ta rút lui để bảo toàn lực lượng[1].

Ngày 25-2-1950, Trung đội du kích địa phương (B70) cùng với tổ quân báo của chủ lực đột nhập vào đồn địch giải thoát gần 200 người dân bị Pháp kìm kẹp. Pháp co cụm ở đồn chính, không dám mở các cuộc phản công quân ta ngay mặc dù ở đồn chính vẫn còn 500 tên. Về phía ta chỉ còn để lại một bộ phận nhỏ bộ đội chủ lực cùng với du kích địa phương tiến hành đánh nghi binh và tổ chức các đợt tấn công nhỏ lẻ khống chế địch từ xa. Trước sự tấn công, bao vây của quân ta, đêm 10-3-1950 địch buộc phải rút quân khỏi Nghĩa Đô về Bắc Hà. Quân ta truy kích đến địa phận Đán Đăm (giáp đất Bắc Hà) tiêu diệt hơn 10 tên.

Sau khi bức rút địch khỏi Nghĩa Đô, ngày 12-3-1950 lực lượng du kích và nhân dân ta tiếp tục tiến công tiêu diệt địch ở Cam Cọn, Làng Mai, Ngòi Mác,.... Trận Nghĩa Đô kết thúc thắng lợi, lực lượng du kích địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực diệt được 159 tên địch, giải tán 4 ban tề và tất cả các đội dõng, thu nhiều vũ khí của địch, trong đó có cả đại bác 75 ly.

Màn I Chiến dịch Lê Hồng Phong kết thúc thắng lợi, mặt trận Nghĩa Đô, Phố Lu lập được nhiều chiến công xuất sắc. Được tin, ngày 01-5-1950 Bác Hồ đã gửi thư khen, trong thư có đoạn viết: “Tôi được báo cáo rằng trong trận Phố Lu và Nghĩa Đô toàn thể chiến sỹ ta tỏ ra rất anh dũng. Riêng các anh em thương binh, do có sự chăm nom của các thày thuốc và các khán hộ một số lớn các anh em thương binh đã lành mạnh, trở về bộ đội. Còn các chú đang cần ở lại y viện tôi gửi lời thân ái an ủi các chú và chúc các chú mau mạnh khỏe để đi đánh giặc lập công…”[2]. Những dòng thư đầy ân tình của Bác là nguồn cổ vũ, động viên hết sức lớn lao đối với chiến sĩ và nhân dân ở mặt trận Nghĩa Đô.

Phát huy truyền thống hào hùng của Trận Nghĩa Đô lịch sử với những lời động viên sâu sắc của Bác, trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, nhân dân Nghĩa Đô đã kiên cường chiến đấu chống các cuộc oanh kích của máy bay địch bảo vệ quê hương, đồng thời thi đua lao động sản xuất, đóng góp sức người sức của cho cuộc kháng chiến đến ngày toàn thắng. Trong công cuộc xây dựng quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Đảng bộ xã, từ một miền quê nghèo, kinh tế - xã hội kém phát triển, đảng bộ và nhân dân Nghĩa Đô đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng quê hương Nghĩa Đô ngày càng phát triển toàn diện về mọi mặt. Nghĩa Đô ngày nay đã có một cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp, dịch vụ hài hòa; văn hóa, xã hội không ngừng tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác an ninh, quốc phòng được đảm bảo, hệ thống chính trị được kiện toàn, củng cố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Đó là những tiền đề cơ sở quan trong để năm 2010 tỉnh Lào Cai lựa chọn Nghĩa Đô là 1 trong 35 xã của tỉnh thực hiện thí điểm xây dựng Nông thôn mới.

Năm tháng qua đi, nhưng âm vang của bản hùng ca Trận Nghĩa Đô lịch sử sẽ còn vang mãi với đất và người Nghĩa Đô, những dòng thư sâu nặng ân tình của Bác sẽ mãi là niềm động viên, cổ vũ cho Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Nghĩa Đô phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVI đề ra, hoàn thành mục tiêu xây dựng Nông thôn mới vào năm 2015, góp phần xây dựng quê hương Nghĩa Đô nói riêng, Bảo Yên nói chung ngày phát triển vững chắc theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá./.

 



[1]               Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Bảo Yên, Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Yên, tập 1 (1930  1954), XB 2004, tr 118.

[2]                      2 Hồ Chí Minh, toàn tập, Nxb CTQG, H, 1995, tập 39, tr 6.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang