Văn hóa – xã hội huyện Bảo Yên 65 năm một chặng đường phát triển
Lượt xem: 575

Bảo Yên - miền đất có hai dòng sông, nơi hội tụ của 13 dân tộc anh em cùng chung sống, mỗi dân tộc có một truyền thống văn hóa đặc trưng, song trải qua quá trình lịch sử lâu dài với sự giao thoa của các sắc màu văn hóa đã tạo cho Bảo Yên một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Tiêu biểu cho văn hoá của đồng bào các dân tộc ở Bảo Yên là những phong tục tập quán, những điệu dân ca, dân vũ, những lễ hội cổ truyền độc đáo như: hội Xuống đồng của người Tày; hội Gàu Tào của người Mông; hội Ăn cơm mới, lễ Cấp sắc, Lập tịch của người Dao,...

Trong thời kỳ Pháp thuộc, dưới  ách cai trị tàn độc của thực dân, phong kiến, đặc biệt là chính sách “ngu dân”, nền văn hóa - xã hội cả nước nói chung, vùng đất Bảo Yên nói riêng bị kìm hãm trong vòng u tối. Trường học, trạm xá không có, người dân phải sống trong cảnh đói, rét, các dịch bệnh như đậu mùa, sốt rét,… thường xuyên rình rập, 97% dân số mù chữ, số biết chữ chủ yếu là con em tầng lớp chức dịch được đi học để phục vụ cho bộ máy tay sai.

Cách mạng Tháng Tám thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ lĩnh vực văn hóa - xã hội Xã hội chủ nghĩa bước đầu được thực hiện. Nhiệm vụ trước mắt là cuộc chiến chống “giặc đói”, “giặc dốt” trên phạm vi cả nước, mở đầu bằng phong trào Bình dân học vụ, lập Hũ gạo tiết kiệm và phát động Tuần lễ vàng. Đối với vùng đất Bảo Yên, thời kỳ trước năm 1965, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Lục Yên, lĩnh vực văn hóa - xã hội đã bước đầu được quan tâm, trong đó chủ yếu tập trung đẩy mạnh phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ và xây dựng cơ sở vật chất bước đầu cho nền giáo dục quốc dân. Năm học 1956 – 1957, toàn huyện có gần 3.000 học sinh các cấp vỡ lòng, cấp I, bình dân học vụ. Lĩnh vực y tế, tập trung tuyên truyền vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, kết hợp giữa tây y và các bài thuốc nam cổ truyền để chữa bệnh. Đến năm 1964, hầu hết các xã đã thành lập được đội văn nghệ, thể thao nhằm phục vụ cho các đơn vị bộ đội, dân quân du kích và tham gia biểu diễn trong các dịp lễ, tết,...

Từ ngày huyện Bảo Yên được thành lập (1965) đến nay, lĩnh vực văn hóa - xã hội luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội từ huyện đến cơ sở. Trong mọi thời kỳ cách mạng, công tác văn hóa - xã hội luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị, phục vụ kịp thời cho sự nghiệp cách mạng của địa phương. Trải qua 65 năm kể từ ngày Đảng bộ huyện được thành lập (22/4/1947), trong đó có hơn 25 năm cùng đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, huyện Bảo Yên đã có những bước chuyển mình vượt bậc nhờ thực hiện phát triển kinh tế gắn chặt với việc phát triển văn hóa, giáo dục, y tế và giải quyết các vấn đề xã hội.

Vượt qua những thời kỳ đầy khó khăn, làm theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “trình độ văn hóa của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ”, thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII) về chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã tập trung mọi nguồn lực cho sự nghiệp “trồng người”, xác định đây là nhiệm vụ cốt lõi để phát triển toàn diện và bền vững. Quy mô ngành giáo dục không ngừng được mở rộng, năm học 2010 - 2011 toàn huyện có 80 trường Mầm non, Mẫu giáo, Tiểu học, THCS; 03 trường THPT; 01 Trung tâm giáo dục thường xuyên và 01 Trung tâm dạy nghề. Công tác xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học theo hướng chuẩn hoá, đồng bộ hoá luôn là mối quan tâm lớn của cấp uỷ, chính quyền và toàn ngành giáo dục, đến nay 100% số xã trong huyện có trường xây với 914 phòng học, trên 300 phòng ở giáo viên, gần 90 phòng ở cho học sinh nội trú và bán trú, một số trường đã xây dựng được các phòng chức năng như: trường THPT số 1, số 2, số 3 Bảo Yên; trường THCS Tân Dương, THCS số 1 Long Khánh, THCS số 1, số 2 Phố Ràng,… Công tác xã hội hoá giáo dục được quan tâm đúng mức, 18/18 xã, thị trấn có Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện cho việc xây dựng xã hội học tập trên địa bàn huyện. Từ năm 2005 đến nay, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài huyện đã đóng góp, ủng hộ cho hoạt động giáo dục quy tiền 1,5 tỷ đồng hỗ trợ việc học tập của học sinh, tạo cơ hội cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được đi học, góp phần hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vào năm 2005, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2006. Chất lượng phổ cập giáo dục không ngừng được duy trì và nâng chuẩn, năm học 2010 - 2011, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo và trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, tỷ lệ học sinh chuyển cấp đạt 99%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đạt 92%, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp bình quân hàng năm đạt 45%.

Đội ngũ cán bộ ngành giáo dục được nâng lên cả về số lượng và chất lượng, hiện nay toàn huyện có trên 1.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các cấp học, trong đó có 98,6% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Phong trào “Thi đua dạy tốt, học tốt” được đẩy mạnh gắn với cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” và cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Năm học 2010- 2011 toàn huyện có 01 tập thể được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; 8 tập thể, 26 giáo viên được UBND tỉnh tặng Bằng khen; 192 giáo viên đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở,... Phong trào “Thi đua dạy tốt - học tốt” đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, đến cuối năm 2011 toàn huyện có 15 trường đạt chuẩn Quốc gia.           

Đến các xã của huyện Bảo Yên hôm nay, chúng ta có thể thấy rõ sự nghiệp y tế của huyện đã có nhiều đổi mới và phát triển. Hiện nay 18/18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều có trạm y tế với đủ trang thiết bị, trung tâm các cụm xã đều có Phòng khám đa khoa, chất lượng hoạt động ngành y tế ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các chương trình y tế cấp ngành và mục tiêu y tế quốc gia về y tế như phòng chống sốt rét, bướu cổ, lao,… được triển khai tích cực và hiệu quả. Các cơ sở y tế đã tích cực, chủ động phối hợp với các ban, ngành thực hiện các giải pháp vệ sinh an toàn thực phẩm như: đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm qui định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho người lao động là một trong những mục tiêu trọng tâm của Đảng bộ huyện, trước đây người dân Bảo Yên chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, làm quần quật cả ngày nhưng cơm không đủ no, áo không đủ ấm. Trong những năm qua, với phương châm lấy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo làm trọng tâm, huyện Bảo Yên đã chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt trong nội bộ ngành nông nghiệp, tạo việc làm có thu nhập cao hơn cho người lao động. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được quan tâm chỉ đạo theo hướng chú trọng mở các lớp tập huấn kỹ thuật, bồi dưỡng cộng đồng đã giúp người dân tự làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Tính đến hết năm 2011, đã tổ chức được trên 30 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 1000 học viên, bình quân đào tạo 168 lao động/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 15%. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2010 còn 13,8% (theo tiêu chí cũ). 

            Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao không ngừng được đẩy mạnh, hướng về cơ sở, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc được chú trọng, huyện đã phối hợp với Sở Văn hóa – thông tin - thể thao tiến hành sưu tầm, phục dựng một số di sản văn hoá trên địa bàn huyện như: sách nôm, lễ cấp sắc của đồng bào Dao, hát then, lễ hội xuống đồng của đồng bào Tày,… Hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch tín ngưỡng tâm linh đã và đang được đẩy mạnh, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, con người Bảo Yên đến với đông đảo du khách, bạn bè trong cả nước. Với 5 điểm du lịch quan trọng: Đền Bảo Hà, Đền Phúc Khánh, di tích lịch sử Đồn Phố Ràng, Đồn Nghĩa Đô và khu căn cứ cách mạng Việt Tiến, Bảo Yên đang xây dựng cho mình một thương hiệu du lịch giàu bản sắc, trở thành điểm đến hấp dẫn và lý tưởng cho du khách thập phương. Bên cạnh đó, loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa làng bản cũng đã bước đầu được khai thác ở một số địa phương có nhiều thế mạnh như Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Long Khánh, Long Phúc, Việt Tiến,…

            Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được phát triển sâu rộng và mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều tập tục lạc hậu của đồng bào đã được xóa bỏ. Đến nay toàn huyện đã xây dựng được 191 nhà văn hoá cộng đồng chiếm 62,2% số thôn bản, tổ dân phố; 65 % thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hoá; 95 % cơ quan, trường học, 75 % hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng phát triển cả về số lượng và chất lượng và được gắn với các lễ hội, các hoạt động kỷ niệm lớn của đất nước và địa phương, được đông đảo nhân dân nhiệt tình tham gia, hưởng ứng. Công tác truyền thanh - truyền hình từng bước nâng cao về chất lượng, thời lượng phát sóng. Năm 2003, lắp đặt và đưa vào sử dụng máy phát sóng truyền hình 1.000W tại trung tâm huyện, góp phần mở rộng và nâng cao chất lượng thu, phát sóng các kênh truyền hình của Trung ương và địa phương. Đến hết năm 2011, toàn huyện có trên 90% số hộ được xem truyền hình, 95% số hộ được nghe Đài tiếng nói Việt Nam.

 Bức tranh tươi sáng về đời sống văn hóa - xã hội tạo dựng được những năm qua chính là cơ sở, động lực quan trọng để Đảng bộ huyện xác định những bước đi mới đầy triển vọng trên lĩnh vực văn hóa - xã hội nhằm góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển toàn diện của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) khẳng định: Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục - đào tạo. Đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ học sinh nghèo, con em đồng bào các dân tộc thiểu số; Chú trọng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hoàn thiện hệ thống y tế tuyến xã, thị trấn và y tế thôn bản; Tiếp tục thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc; Quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chăm sóc người có công, các đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, chính sách cho người nghèo, dân tộc thiểu số,...

Bước sang giai đoạn mới, Bảo Yên có nhiều thuận lợi, đồng thời cũng có không ít những khó khăn thách thức. Phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu đặt ra trong lĩnh vực văn hóa - xã hội giai đoạn 2010 - 2015 của Đảng bộ huyện là rất nặng nề, song với truyền thống đoàn kết, tinh thần quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên luôn nêu cao tinh thần chủ động, phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên lần thứ XX  đề ra, đưa Bảo Yên ngày phát triển vững chắc theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá./.

 

Uỷ viên BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang