Bảo Yên với quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa
Lượt xem: 343

Là huyện cửa ngõ phía nam của tỉnh, với bề dày 65 năm xây dựng và phát triển, bằng kinh nghiệm và thực tế, đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đã và đang thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa - hiện đại hóa trên địa bàn; đặc biệt là trong 20 năm gần đây, sự chuyển biến trong phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp, hiện đại đã dần từng bước hình thành và rõ nét trên tất cả các lĩnh vực.

Xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa là chủ trương lớn của Đảng, là nhiệm vụ quan trọng, thực hiện trong quá trình lâu dài. Mục tiêu tổng quát của Đảng bộ huyện trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình thay đổi tỷ trọng giữa nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trong nền kinh tế, theo hướng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ sẽ tăng nhanh. Quá trình dịch chuyển lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, dịch vụ, đô thị và khu công nghiệp tập trung sẽ diễn ra mạnh mẽ, theo đó, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp ngày càng giảm và tỷ trọng lao động trong công nghiệp, dịch vụ ngày càng tăng. Cùng với đó, quá trình mở rộng các đô thị đã có và hình thành các đô thị mới tỷ trọng cư dân thành thị sẽ ngày càng tăng lên.

Từ những mục tiêu tổng quát trên, Đảng bộ, chính quyền huyện đã chủ động, tích cực chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đã và đang có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Tiến bộ khoa học, kỹ thuật được ứng dụng mạnh mẽ vào sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người dân. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, sản xuất tự túc tự cấp, chủ yếu dựa vào điều kiện thiên nhiên, những năm gần đây đã có bước đổi mới tích cực. Bằng việc đầu tư mạnh cho kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng các công trình thủy lợi, hồ đập chứa nước, mương phai đầu nguồn, hệ thống kênh mương nội đồng; từng bước cơ giới hóa và thay thế lao động thủ công trong sản xuất nông - lâm nghiệp. Các vùng chuyên canh sản xuất lúa, ngô hàng hóa, vùng cây ăn quả có múi, vùng nguyên liệu chế biến lâm sản thô được hình thành và phát triển. Thương hiệu trâu Bảo Yên ngày càng được khẳng định. Nền nông nghiệp của huyện đang phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Tỷ trọng ngành nông nghiệp trong nền kinh tế giảm từ 60 % năm 2000 xuống còn 49 % năm 2010. Năm 2000, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 1,7 triệu đồng/năm, đến năm 2010 đã đạt 10,58 triệu đồng/năm; trên 95 % diện tích gieo trồng được 2 vụ lúa; sản lượng lương thực có hạt năm 2010 đạt 35.440 tấn; giá trị sản xuất/ha canh tác đạt trên 32 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm nông nghiệp đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và đã có sản phẩm dự trữ và xuất bán. Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng đang từng bước phát huy vai trò phục vụ cho sự phát triển nông nghiệp; toàn huyện có trên 80 cơ sở chế biến nông - lâm sản, giấy đế, đũa tre,… hiện đang xây dựng dự án sản xuất ván MDF,...  các dịch vụ cung ứng giống cây, con chất lượng cao đã và đang đáp ứng tốt nhu cầu. Môi trường sinh thái được bảo vệ và cải thiện; công tác trồng rừng được đẩy mạnh, tỷ lệ tán che phủ rừng tăng từ 44,3 % năm 2005 lên 51,7 % năm 2010; giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 142 tỷ đồng, chiếm 35,3 % trong nội bộ ngành nông nghiệp.

Thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, Đảng bộ đã triển khai đồng bộ Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới nhằm tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Hiện nay, đã quy hoạch sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư nông thôn, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc, đảm bảo thực hiện thành công công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

 Để thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Đảng bộ huyện luôn xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là khâu đột phá, do đó việc kêu gọi đầu tư và sử dụng triệt để mọi nguồn lực đầu tư luôn được chú trọng. Trước những năm 2000, sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) của huyện mới bước đầu hình thành, chủ yếu là sản xuất và chế biên lâm sản, nguyên liệu giấy với quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu. Đến nay, sản xuất CN - TTCN đã từng bước chuyển biến, khuyến khích thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Hiện nay, cụm CN - TTCN tại thị trấn Phố Ràng với quy mô trên 31 ha đã quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư; cụm CN - TTCN Bảo Hà - Tân An và cụm CN - TTCN tại xã Nghĩa Đô,... đang tiếp tục được quy hoạch. Bên cạnh đó, công nghiệp chế biến và khai thác được quan tâm, quy mô sản xuất và chủng loại sản phẩm, chất lượng từng bước được cải thiện; một số sản phẩm đang dần tạo được thương hiệu trên thị trường; các sản phẩm truyền thống tiêu biểu đang được quan tâm khôi phục và phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 100 cơ sở chế biến, sản xuất và sửa chữa. Công nghiệp khai khoáng bước đầu tiến hành khảo sát và khai thác thăm dò. Công nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng cũng được đầu tư, hiện nay toàn huyện có trên 50 cơ sở khai thác cát, sỏi, đá xay,… cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài huyện. Công nghiệp năng lượng đang được hình thành, toàn huyện hiện có 3 dự án thủy điện với công suất hòa lưới thiết kế đạt trên 26 MW. Hiện nay, công trình thủy điện Vĩnh Hà với công suất thiết kế trên 21 MW và công trình thủy Điện Cuông 3 xã Xuân Hoà công suất thiết kế trên 5 MW đang được tổ chức thi công.

Cùng với việc chỉ đạo đẩy mạnh phát triển CN - TTCN, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch cũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện, từng bước hình thành rõ nét và phát triển có trọng tâm. Hiện nay, trung tâm huyện đã được điều chỉnh quy hoạch mở rộng sang phía đông, đông nam và phía bắc với diện tích trên 750 ha. Công tác quản lý quy hoạch được chỉ đạo thực hiện, đặc biệt là khu vực trung tâm hành chính và những khu trọng điểm. Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch tốt đã tạo ra các khu sản xuất tập trung, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp, hiện đại. Cơ sở hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ tạo nên diện mạo mới cho đô thị và trung tâm cụm xã, đặc biệt là thị trấn Phố Ràng.

Các nguồn lực đầu tư phát triển được quản lý tốt. Trong 10 năm trở lại đây, nguồn vốn đầu tư ước đạt trên 2.000 tỷ đồng (bình quân 200 tỷ đồng/năm); tăng bình quân hằng năm khoảng 23%. Cơ cấu đầu tư cũng được dịch chuyển theo hướng giảm tỷ trọng đầu tư từ ngân sách Nhà nước, tăng dần đầu tư tín dụng vốn của các thành phần kinh tế và xã hội hóa. Nguồn lực đầu tư tập trung cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực nông thôn đông đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực trung tâm, trọng điểm và kết cấu hạ tầng du lịch - dịch vụ. Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn được chú trọng, đến nay tất cả các xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã (trong đó trên 70% là đường rải nhựa). Điện lưới quốc gia đã đến 100% các xã với trên 87% số hộ được sử dụng. Đến hết năm 2010, đã xây dựng 453 phòng học kiên cố và bán kiên cố, chiếm 62 % tổng số phòng học và 94 phòng ở giáo viên và học sinh bán trú. 18/18 xã, thị trấn có trạm xá và điểm Bưu điện văn hóa; 03 phòng khám đa khoa khu vực đã được xây dựng kiên cố.

Hoạt động thương mại dịch vụ - du lịch cũng từng bước phát triển. Hệ thống chợ nông thôn được hình thành và đầu tư kiên cố; hệ thống cửa hàng bán lẻ đã có ở tất cả các xã phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Hoạt động du lịch từng bước được hình thành và quảng bá rộng rãi với nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng, nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch làng bản sẽ là điểm đến hấp dân của du khách trong hiện tại và tương lai. Các hoạt động văn hóa truyền thống, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc được quan tâm. Việc sưu tầm, phục dựng các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện như sách nôm, lễ cấp sắc của đồng bào Dao, hát then, lễ hội xuống đồng của đồng bào Tày,… đang được phối hợp thực hiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, góp phần tích cực; công tác truyền thanh - truyền hình từng bước nâng cao về chất lượng. Hoạt động bưu chính viễn thông phát triển, hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu của người dân. Các mạng di động đã phủ sóng rộng khắp đến trung tâm các xã, thị trấn trong huyện, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá trên lĩnh vực công nghệ thông tin.

            Tuy nhiên, trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và hạ tầng cơ sở ở vùng nông thôn còn chưa đồng bộ; cơ sở hạ tầng nông thôn chưa đảm bảo; việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực trong nông nghiệp còn hạn chế; sản xuất nông nghiệp chưa thực sự trở thành sản xuất hàng hoá. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp quy mô nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn,...

            Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2010 -2015, với tư tưởng chỉ đạo được xác định là: Nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ trọng tâm; du lịch, dịch vụ là mũi nhọn; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là quan trọng; xây dựng hệ thống chính trị và đào tạo nguồn nhân lực là then chốt. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thực hiện quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất trọng điểm theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh và thâm canh tập trung, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Chú trọng sản xuất lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc, quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến. Duy trì bền vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục; đảm bảo tốt công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Củng cố quốc phòng, an ninh, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Củng cố, kiện toàn và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.

             Phát huy bề dày truyền thống đã được tạo dựng trong 65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, sự điều hành nhạy bén, sáng tạo của chính quyền các cấp, sự đồng thuận và nỗ lực phấn đấu của nhân dân các dân tộc, những kết quả đạt được đã thể hiện bước đi đúng hướng, tạo điều kiện thuận lợi và là tiền đề tạo đà vững chắc cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá mạnh mẽ hơn trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo./.

 

Ủy viên BTV, Phó Chủ tịch UBND huyện

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang