Đảng bộ huyện Bảo Yên đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Lượt xem: 623

Là “cửa ngõ” phía Nam của tỉnh Lào Cai, có Quốc lộ 70, Quốc lộ 279 và đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua; có sông Hồng chảy qua 3 xã phía Tây (Kim Sơn, Cam Cọn, Bảo Hà) và sông Chảy chảy về Yên Bái dọc theo Quốc lộ 70 qua địa bàn 9 xã, thị trấn (Điện Quan, Thượng Hà, Tân Dương, Xuân Hoà, Xuân Thượng, Long Phúc, Long Khánh, Việt Tiến và thị trấn Phố Ràng). Đây chính là những tuyến giao thông quan trọng để Bảo Yên đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, công nghiệp bên cạnh ngành kinh tế chủ đạo là nông - lâm nghiệp.

Với tiềm năng về khí hậu, đất đai và nguồn lực về lao động dồi dào, để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX đã xác định: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nông - lâm nghiệp là trọng tâm; thương mại - dịch vụ - du lịch là quan trọng; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng là cơ bản. Chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế trong toàn huyện, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tập trung nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, gắn với xây dựng nông thôn mới và giải quyết việc làm cho nông dân. Xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vững chắc, phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, giải quyết tốt an sinh xã hội. Coi trọng phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường, sinh thái, tạo sự phát triển bền vững. Lấy văn hoá làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.

Trên cơ sở xác định vai trò quan trọng của ngành nông - lâm nghiệp, Bảo Yên đã phát huy mọi nguồn lực, chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tích cực. Trong sản xuất nông nghiệp đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bố trí khung thời vụ hợp lý, đầu tư xây dựng và sửa chữa các công trình thuỷ lợi, đảm bảo tưới tiêu, tích cực đưa các loại giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất và bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiện nay, các giống lúa có năng suất, chất lượng cao đã được đưa vào gieo cấy với trên 95% diện tích, do đó sản lượng lương thực có hạt tăng nhanh từ 23.581 tấn năm 2000 lên 35.440 tấn năm 2010, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1,77 triệu đồng/người năm 2000 lên 10,58 triệu đồng/người năm 2010; giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích canh tác năm 2010 đạt trên 32 triệu đồng/ha (tăng gấp 2 lần năm 2005), bình quân lương thực đầu người đạt trên 470 kg. Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, ngoài việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện còn hoạch định chiến lược hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như vùng trồng ngô ở các xã Điện Quan, Thượng Hà, Vĩnh Yên; vùng cây ăn quả có múi ở các xã Việt Tiến, Long Khánh; vùng cây ăn quả nhiệt đới ở một số xã ven sông Hồng,... Hiện nay, Bảo Yên đang thử nghiệm đưa giống lúa Séng Cù đặc sản vào gieo trồng thử nghiệm và đã cho kết quả rất khả quan, có thể nhân rộng trong những năm tới. Đặc biệt, trong những năm qua Bảo Yên đã quy hoạch, phát triển vùng sản xuất cây chè với quy mô trên 400 ha, hiện nay cây chè đang cho thu hoạch sản phẩm với hiệu quả kinh tế cao.

     Trong chăn nuôi, Bảo Yên luôn phát huy ưu thế trong chăn nuôi đại gia súc. Đàn trâu của Bảo Yên đã được bình tuyển là một trong giống trâu nội tốt của Quốc gia. Phát triển chăn nuôi đại gia súc trong những năm qua luôn gắn liền với phát triển kinh tế hộ gia đình, ngoài việc cung cấp sức kéo, thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường, hàng năm Bảo Yên luôn xuất bán ra ngoài tỉnh hàng nghìn con trâu, nhiều hộ gia đình có thu nhập kinh tế cao từ chăn nuôi đại gia súc. Hiện nay, huyện đang phối hợp với các ngành chức năng xây dựng thương hiệu đàn trâu Bảo Yên, với sự đầu tư có trọng điểm sẽ hứa hẹn một kết quả khả quan. Cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hoá thì chăn nuôi lợn, gia cầm cũng đang được rất chú trọng theo hướng sản xuất hàng hoá, sản phẩm chăn nuôi cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường tại chỗ. Phát triển nuôi trồng thuỷ sản là một hướng đi mới và đang được chú trọng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện hiện có 270 ha và đang được tiếp tục mở rộng từ những diện tích đất trồng lúa nước không hiệu quả. Một số xã có điều kiện về nguồn nước đang đưa vào nuôi trồng thử nghiệm giống cá tầm nước lạnh, bước đầu kết quả khả quan.

Lâm nghiệp là một thế mạnh của địa phương, cùng với việc tập trung giao đất, giao rừng cho nhân dân, chú trọng công tác phát triển trồng rừng kinh tế, khoanh nuôi, bảo vệ rừng, Bảo Yên luôn chú trọng công tác phát triển trồng, khoanh nuôi, bảo vệ rừng phòng hộ. Kinh tế lâm nghiệp đã có những bước phát triển đột phá, góp phần tăng giá trị sản xuất trên diện tích; tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Việc phát triển rừng kinh tế gắn trách nhiệm với quyền lợi của người lao động đã tạo động lực mới cho phong trào phát triển kinh tế lâm nghiệp của huyện. Người lao động làm lâm nghiệp từng bước gắn bó với rừng, làm giàu từ rừng. Giá trị gia tăng ngành lâm nghiệp giai đoạn 2005 - 2010 đạt 19,2%, giá trị sản xuất năm 2010 đạt 142,7 tỷ đồng, chiếm 35,3 % trong nội bộ ngành nông nghiệp. Đến năm 2010, đất có rừng đạt đã 44.296,79 ha (rừng trồng 16.674,87 ha); tỷ lệ tán che phủ rừng tăng từ 35,32 % năm 2000 lên 51,7 % năm 2010. Phát triển kinh tế lâm nghiệp đã thực sự trở thành thế mạnh, được nhân dân tích cực hưởng ứng. Sản phẩm từ rừng đang được tiêu thụ khá ổn định. Hiện nay, Công ty cổ phần sản xuất ván MDF (ván sợi nhân tạo) đang được hình thành với công suất dự kiến 150.000 m3/năm và ván ghép thanh 30.000 m3. Sản xuất lâm nghiệp phát triển đã phát huy tác dụng phòng hộ của rừng, hạn chế xói mòn, thiên tai, góp phần điều hòa, bảo vệ nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Bảo Yên còn được thể hiện trên các lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) và các ngành nghề truyền thống. Trước những năm 2000, sản xuất CN - TTCN mới bước đầu hình thành, chủ yếu là sản xuất và chế biến lâm sản, nguyên liệu giấy với quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu. Đến nay, sản xuất CN - TTCN đã từng bước chuyển biến cả về chất và lượng, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Công nghiệp chế biến và khai thác được chú trọng, quy mô sản xuất, chủng loại, chất lượng sản phẩm từng bước được cải thiện; một số sản phẩm đang được xây dựng thương hiệu; các sản phẩm truyền thống tiêu biểu đang được quan tâm khôi phục và phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện có trên 100 cơ sở chế biến, sản xuất và sửa chữa; trên 50 cơ sở khai thác nhỏ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công nghiệp năng lượng đang được hình thành, công trình thủy điện Vĩnh Hà với công suất thiết kế trên 21 MW và công trình thủy điện Cuông 3 công suất thiết kế trên 5 MW đang được thi công. Công nghiệp khai khoáng bước đầu được khảo sát và khai thác thăm dò. Từ năm 2000 đến nay, nguồn vốn đầu tư ước đạt trên 2.000 tỷ đồng (bình quân 200 tỷ đồng/năm).

Với nhận thức kết cầu hạ tầng là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, trong nhiều năm qua Bảo Yên rất coi trọng phát triển kết cầu hạ tầng, đến nay 100% số xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm xã (trong đó trên 70% là đường rải nhựa). Điện lưới quốc gia đã đến 100% các xã với trên 87% số hộ được sử dụng. Đến hết năm 2010, đã xây dựng được 453 phòng học kiên cố và bán kiên cố, chiếm 62 % tổng số phòng học và 94 phòng ở giáo viên; 18/18 xã, thị trấn có trạm xá và điểm Bưu điện văn hóa được xây cấp 4; 04 phòng khám đa khoa khu vực đã được xây dựng kiên cố; máy phát sóng truyền hình 1.000W đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng.

Nằm trên trục đường Quốc lộ 70 và 279 giao nhau, có nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng, Bảo Yên có nhiều điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ - du lịch theo hướng hiện đại. Hiện nay, hệ thống dịch vụ đã có ở tất cả các xã phục vụ tốt nhu cầu thiết yếu của nhân dân, hệ thống chợ nông thôn đang từng bước được đầu tư kiên cố. Hoạt động du lịch từng bước được hình thành và quảng bá rộng rãi với nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng, nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch làng bản sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy bản sắc văn hoá của các dân tộc được quan tâm; việc sưu tầm, phục dựng các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn huyện đang được phối hợp thực hiện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia; công tác truyền thanh - truyền hình từng bước nâng cao về chất lượng. Hoạt động bưu chính viễn thông phát triển, hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của người dân.

Kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Bảo Yên trong những năm qua đã mang lại những thắng lợi hết sức quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Cơ cấu kinh tế năm 2000: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản; Thương mại - dịch vụ; Công nghiệp - xây dựng đạt: 65,9% - 18,8% - 15,3%; đến năm 2010 đạt: 49 - 29,5 - 21,5%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005 - 2010 đạt 13,84 %/năm. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy; văn hoá - xã hội có bước phát triển mới, sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội được chú trọng, mức hưởng thụ văn hoá và sự tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khoẻ và thông tin liên lạc ngày càng được nâng cao. Quốc phòng, an ninh được củng cố tăng cường; tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố.

Tuy nhiên, trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Bảo Yên vẫn còn những hạn chế, yếu kém đó là: trình độ nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa đồng đều, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông còn thiếu đồng bộ, nguồn vốn đầu tư cho việc mở rộng sản xuất và xây dựng các cơ sở chế biến nông lâm sản, dịch vụ,… còn thiếu; sản xuất chưa thực sự mang tính hàng hoá, lực lượng lao động chưa qua đào tạo còn nhiều, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý đang được đào tạo nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong giai đoạn hiện nay.

Với mục tiêu duy trì mức tăng trưởng kinh tế đạt bình quân trên 13%/năm giai đoạn 2010 - 2015; Đảng bộ huyện luôn chú trọng tập trung mọi nguồn lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và bền vững, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành nông nghiệp, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đi đôi với giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo; đẩy mạnh khai thác các lợi thế tiềm năng, hình thành vùng chuyên canh tập trung, tạo ra hàng hoá có sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh phát triển mạnh kinh tế lâm nghiệp và chăn nuôi đại gia súc. Phấn đấu: Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 5%; CN, TTCN - XDCB tăng 19,2%; Thương mại - dịch vụ tăng 18,2%. Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: Nông - lâm - ngư nghiệp 37 %; Thương mại - dịch vụ 35 %; Công nghiệp - xây dựng 28%; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 41.000 tấn; giá trị sản xuất/ha canh tác/năm đạt trên 40 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 20 triệu đồng vào năm 2015.

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, cùng với việc quy hoạch phát triển gắn với thế mạnh tiềm năng, Bảo Yên chú trọng đến việc thực hiện các mục tiêu, giải pháp trọng tâm, đồng bộ. Một là, lựa chọn xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm để dồn sức thực hiện và tạo sự “đột phá” cho phát triển bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo bền vững, từng bước cải thiện đời sống nhân dân, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở khai thác lợi thế, tiềm năng đất đai, khí hậu và các cây trồng truyền thống ở địa phương, kết hợp với chuyển dịch nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra những sản phẩm có thị trường và có khả năng cạnh tranh. Hai  là, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia trồng rừng; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tích cực chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, tăng cường khuyến nông, khuyến lâm, thực hiện từng bước vững chắc chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Ba là, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển CN - TTCN, gắn công nghiệp với phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích việc tạo ra các sản phẩm mới, sản phẩm hàng hoá từ nguyên liệu địa phương, sản phẩm có khả năng xuất khẩu. Tiếp tục huy động và khai thác các nguồn vốn để tăng cường đầu tư phát triển. Huy động vốn đối ứng, vốn đóng góp của nhân dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phục vụ cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Bốn là, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển thương mại - dịch vụ, đặc biệt là phát triển thương mại nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại với sự tham gia của các thành phần kinh tế và sự đa dạng của các loại hình kinh tế trong tổ chức phân phối, hoạt động dịch vụ và phương thức kinh doanh. Mở rộng, khai thác hiệu quả lợi thế và điều kiện tự nhiên để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch tâm linh, du lịch bản sắc văn hoá; đầu tư khai thác các danh lam, thắng cảnh ở những nơi có tiềm năng, thu hút khách tham quan để tăng thu ngân sách. Năm  là, phát huy cao độ nguồn nội lực đặc biệt là các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, lao động, tài nguyên,… tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực cho đầu tư phát triển. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, chỉnh trang đô thị,... nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội. Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn.

Thực tiễn quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong những năm qua đã khẳng định Bảo Yên đang đi đúng hướng. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đồng bộ, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Yên nhằm phát huy vai trò năng động trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là huyện “cửa ngõ” tiềm năng của tỉnh./.

Chủ tịch UBND huyện

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang