Gập gềnh con đường xây dựng nông thôn mới ở Bảo Yên
Lượt xem: 549

  Tôi lật xem Từ điển tiếng Việt thì không thấy cụm từ  “Xây dựng nông thôn mới” , nhưng ngay từ thập niên 60 và 70 của thế kỷ trước Đảng ta đã có đường lối về xây dựng nông thôn như: “Nông thôn tiến kịp thành thị”, “Miền núi tiến kịp miền xuôi”, “Xây dựng pháo đài cấp huyện’’… Những vấn đề có tính chiến lược này cùng chung mục đích phát triển nông nghiệp, xây dựng cơ sở vật chất cho nông thôn, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân và kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng; đồng thời phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới đang được tiến hành rộng khắp trong cả nước hiện nay, trong đó có huyện Bảo Yên, nơi tôi đã từng có nhiều năm gắn bó, trưởng thành.  

Phần một

 TRĂN TRỞ TÌM MỘT HƯỚNG ĐI

Huyện Bảo Yên được thành lập tháng 3/1965. Khi ấy, huyện còn nghèo lắm! Mới có đường ô tô từ tỉnh về huyện, còn đường từ huyện xuống xã chỉ là đường mòn đi bộ và ngựa thồ. Cái để làm ra của cải nuôi sống trên ba vạn dân chỉ dựa vào khoảng 700 hec-ta ruộng nước một vụ. Phương thức sản xuất là quảng canh “chọc lỗ bỏ hạt” và chăn thả tự nhiên. Cơ sở vật chất về văn hóa, giáo dục, y tế có thể nói là con số không tròn chĩnh. Cuối năm 1970, tổng kết lại nỗ lực nhiều năm của huyện, báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ nêu: “Bảo Yên tuy vẫn còn bị đói đứt bữa ở vùng cao nhưng nhìn chung toàn huyện nạn đói triền miên đã được khắc phục!”.

Vậy từ một huyện có điểm xuất phát thấp như vậy, để có được bộ mặt nông thôn như  hôm nay, các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân các dân tộc của huyện đã bao lần trăn trở, vật lộn “thay giời đổi đất” để xây dựng nông thôn ngày một phát triển. Con đường gập ghềnh ấy đã trải qua bốn lần chuyển đổi:

Cuộc chuyển đổi  lần thứ nhất (1966-1968):

Để xác định hướng đi, Ban Chấp hành thảo luận mãi, lại có sự gợi ý của tỉnh nên mới xác định được cơ cấu kinh tế chung của huyện là Nghề rừng, cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi. Bảo Yên có trên 70% là rừng nguyên sinh, nên nghề rừng được xác định là làm sơn tràng (khai thác gỗ tròn), mỗi năm giao nộp theo kế hoạch từ mười đến mười lăm nghìn mét khối. Còn cây công nghiệp được chọn là cây đỗ tương, vì nó là cây có khả năng tăng độ phì cho đất; là cây ngắn ngày, giúp dân nhanh chóng có sản phẩm; hạt đỗ tương dễ bảo quản, dinh dưỡng cao, có điều kiện cải thiện bữa ăn cho dân; có thể làm nghĩa vụ thay thóc cung cấp cho quân đội. Về chăn nuôi, con dê được chọn là con mũi nhọn, vì nó không ăn lương thực. Hơn nữa lại dễ nuôi, thịt dê giàu đạm, lành, xương dê có thể bán cho Cửa hàng Dược nấu cao làm thuốc. Cách đặt vấn đề thành lập trại nuôi dê cũng đơn giản: Mỗi hộ còn nuôi được ba bốn chục con, sao trại chăn nuôi của mỗi hợp tác xã không nuôi được vài ba trăm con? Với quan điểm như vậy nên chủ trương được đồng tình trong cả nhận thức và tổ chức triển khai thực hiện. Bảng tin ở trung tâm huyện- ngã tư xã Phố Ràng được vẽ biểu tượng con dê để tuyên truyền. Chỉ trong vòng một năm, hầu như hợp tác xã nào cũng có trại nuôi dê tập trung. Dê nuôi cá thể được góp cổ phần đưa vào trại,...

Vậy là Bảo Yên từ chỗ độc canh cây lúa, nay đã có “tên” để gọi. Ngày ấy, huyện nào có tên gọi theo mô hình kinh tế là một niềm tự hào lắm! Các huyện khác được gọi là huyện Chè, huyện Quế, Bảo Yên được gọi là huyện Dê, huyện Đỗ Tương và trở thành điển hình của tỉnh.

Thế nhưng cuối năm 1968 tổng kết lại, kết quả không được như mong muốn: Rừng nguyên sinh bị thu hẹp. Cây đỗ tương cần thâm canh, cần phòng trừ sâu bệnh mà canh tác theo lối “chọc lỗ bỏ hạt” thì có cây mà không có quả, nếu có quả lại không có hạt. Còn con dê, nuôi lẻ tẻ theo hộ thì được, khi nuôi tập trung, nó trở thành “giặc”. Đàn dê đi đến đâu thì vin cành ăn lộc, tàn phá như lũ quét. Rồi bệnh dịch phát sinh chết hàng loạt. Người ốm còn chẳng có thuốc, lấy gì mà chữa cho dê! Thế là đàn dê hợp tác xã phải giải thể.

Khi tổng kết, trong báo cáo cũng rút ra bài học kinh nghiệm, nguyên nhân thất bại và cái được nhắc đến nhiều nhất là trồng không đúng thời vụ, khí hậu không hợp, thiếu cán bộ kỹ thuật, nhận thức của xã viên,... Nhưng có một nguyên nhân, như bây giờ thì rất dễ nói, còn ngày ấy chỉ dám xì xào ngoài hội nghị. Đó là: chế độ đi làm theo hiệu kẻng, mà cây trồng, vật nuôi là sinh vật sống như con người cũng cần chăm sóc đâu có kể thời gian; với lại “Cha chung không ai khóc” thành ra tài sản ấy chả là của ai... Xã viên hợp tác xã chỉ quan tâm đến mảnh ruộng “phần trăm”, mảnh nương phát trộm trên rừng, con gà con vịt nhà mình, chứ không quan tâm đến đi làm để “ăn công điểm”.

Cuộc chuyển đổi  lần thứ hai (1969-1976):

Không cam chịu với thất bại, chẳng nhẽ lại để cho nông dân sống mãi với chế độ canh tác độc canh cây lúa? Phải tiếp tục thực hiện chủ trương làm cho “miền núi tiến kịp miền xuôi”. Và thế là một chương trình mới ra đời làm nên cuộc chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, nông thôn lần thứ hai.

Các cuộc họp quan trọng của Ban Chấp hành lại bàn cơ cấu kinh chung của huyện là gì? Dựa vào phân vùng kinh tế của tỉnh và thế mạnh của huyện, cuối cùng thống nhất cơ cấu kinh tế được xác định là Nghề rừng, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc. Lần này được tỉnh cử cán bộ về giúp đỡ làm qui hoạch đất đai và phân vùng kinh tế một cách có bài bản hơn. Chính sách cho từng lĩnh vực được quan tâm ngay từ đầu. Nghề rừng được xác định là khai thác gỗ tròn tự nhiên và trồng rừng bồ đề làm nguyên liệu giấy. Cây lai là cây công nghiệp dài ngày mũi nhọn. Trâu, bò là “gia súc có sừng không ăn lương thực”, lại có thể vắt sữa được nuôi tập trung và là trọng tâm trong chăn nuôi.

Khi đã thành nghị quyết của cấp ủy và là chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước thì công tác tổ chức thực hiện được triển khai nhanh chóng và mạnh mẽ. Việc khai thác gỗ rừng tự nhiên vẫn giao cho các hợp tác xã. Phần trồng rừng nguyên liệu giấy chủ yếu do Lâm trường Quốc doanh. Chỉ sau ba bốn năm, dọc Quốc lộ 70 rừng bồ đề đã được thay thế cho rừng giang, rừng nứa. Gỗ tự nhiên vẫn tiếp tục khai thác và giao nộp đủ chỉ tiêu kế hoạch, mỗi năm trên mười nghìn mét khối. Cơ cấu kinh tế về nghề rừng đã thực hiện được mục tiêu.

Cây lai được tuyên truyền một cách thật dễ hiểu thuyết phục: “ Lai là một cây trồng thích hợp trên đất dốc, tính chịu hạn rất cao; là cây thân gỗ, tán lá rộng và xanh quanh năm, thay thế rất tốt cho tán rừng tự nhiên; trồng một lần thu hoạch được vài ba chục năm; hạt ép dầu phục vụ công nghiệp hóa, khô dầu có thể làm tương cho người và thức ăn gia súc; một cây lai khi định hình cho một lượng dầu tương đương một con lợn năm mươi cân! Về chính sách, Nhà nước hỗ trợ giống; ở vùng cao những diện tích trồng lai được hỗ trợ lương thực, thay thế cho tập quán “phá rừng làm nương”. Đúng là cây lai là cây có lợi trông thấy, một cây trồng hợp với tập quán quảng canh của đồng bào vùng cao, lại có chính sách hỗ trợ giống và lương thực nên nó vào cuộc sống  ngay. Đến năm 1975, toàn huyện đã có trên ba ngàn hec-ta, đi đâu cũng thấy rừng lai xanh mướt mát!

Về chăn nuôi còn mở ra một kỳ vọng lớn hơn cây lai rất nhiều. Nông trường Quốc doanh Trâu sữa được thành lập để làm hình mẫu và bà đỡ cho kinh tế tập thể. Hợp tác xã nào cũng có trại trâu. Trâu của các hộ gia đình được góp cổ phần đưa vào trại. Trung ương cho nhập trâu Mura từ Ấn Độ về để cải tạo đàn trâu nội. Huyện thành lập Đội đồng cỏ với hàng trăm công nhân biên chế nhà nước. Đó là đội quân chủ lực giúp các hợp tác xã phát rừng làm đồng cỏ. Cỏ ngoại to như cây ngô, cây mía được nhập về trồng thay cho cỏ nội. Trại trâu của xã Vĩnh Yên trở thành điển hình của cả nước. Trâu biết nghe sự chỉ huy của trại trưởng! Chăn thả, về chuồng có giờ giấc và đều nghe theo hiệu trống. Sữa của Nông trường đã được chế thành sữa bánh, có phong bao như bánh khảo. Trên bàn tiếp khách của tỉnh, của huyện đã có “Sữa trâu Bảo Yên”. Đàn bò của xã Phố Ràng đã vắt được sữa. Cán bộ kỹ thuật của tỉnh, huyện được tăng cường về cơ sở chỉ đạo. Chuyên gia nước ngoài cũng đến Nông trường chuyển giao kỹ thuật phối giống trâu ngoại nhân tạo.

 

 

   Chăn nuôi đại gia súc - thế mạnh của Bảo Yên

Kinh tế phát triển, văn hóa- y tế- giáo dục cũng phát triển theo, một số nơi đã đường đi được xe đạp đến trung tâm xã. Vậy là bộ mặt nông thôn đã có đổi thay hơn trước rất nhiều. Một lần nữa, Bảo Yên lại trở thành huyện điểm của tỉnh. Nói đến Bảo Yên là nói đến huyện Trâu, huyện Lai, huyện Bồ Đề. Bảo Yên trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sỹ. Nào là “Tiếng hát người nuôi trâu đàn”;  nào là “Bồ đề ven sông Thao soi mình trên biển hồ” hay “Hoa lai bên hoa quế đua nở sáng rừng”. Trong Hội diễn văn nghệ quần chúng của huyên, cán bộ nông trường còn tự biên tự diễn khúc ca chèo “phối giống trâu ngoại”, trong đó có câu: “ Anh ơi!... Nhớ hôm nào anh cùng em phối giống ì i i”... Những dịp lễ, tết từ huyện đến cơ sở cứ sôi động như ngày hội.  

Cấp trên về thăm Bảo Yên khẳng định: “Đây chính là cơ sở vật chất của Chủ nghĩa Xã hội, là mô hình xây dựng nông thôn miền núi”...

Nhưng!... Vâng! “Khổ quá nói mãi”! Sau sáu, bảy năm lăn lộn với phong trào, cấp ủy, chính quyền và dân bỏ ra bao công sức, Nhà nước đầu tư bao tiền của, nhưng cái đạt được so với cái giá phải trả thì không thể đong đếm được. Tài nguyên rừng bị khai thác cạn kiệt. Đến cây cơi, cây sung ven suối là thứ cây mà người miền núi bỏ đi nay cũng được khai thác để tính vào chỉ tiêu kế hoạch. Cây lai chỉ thấy hoa nở trắng rừng mà không có quả, cây cho quả thì lại không có hạt. Một hec-ta chỉ thu được vài chục cân quả. Dân ngấm ngầm chặt trộm những đồi lai khuất xa đường để trồng lúa nương. Sau này, mới được nghe các nhà khoa học nói: “Cây lai có cây đực cây cái. Muốn nó cho quả thì phải trồng bằng cây ghép”. Thế là hàng nghìn hec-ta lai  phải chặt bỏ. Thân nó xốp như bông, ngậm nước làm củi cũng chẳng được... Còn trâu thì sao? Số phận nó cũng chẳng hơn gì cây lai. Con trâu vốn là bạn nhà nông. Nhà nông nuôi trâu là để cày kéo. Nay đưa vào trại, trâu chỉ biết “ăn chơi”, thành ra “hư đốn”, trở thành trâu hoang không biết kéo cày, thấy người là lao vào húc! Ở trại, nó nghe theo hiệu trống chỉ huy, vì mỗi khi có tiếng trống, nó lao về trại để được ăn muối! Nhiều trại để trâu đói quanh năm, đàn trâu chỉ còn da bọc xương, phân trâu ngập ngụa đầy chuồng. Còn muốn lấy sữa của trâu, bò thì phải cho nó ăn thức ăn giàu đạm, như thân cây ngô non, thức ăn tinh, hạt đỗ tương..., những thứ đó ngày ấy đến người còn cho là xa xỉ nói gì đến cho trâu. Cuối cùng trại trâu của hợp tác xã phải giải thể để trả nó về làm bạn với nhà nông. Một số con trở thành trâu hoang, phải dùng súng mới tiêu diệt được... Trại trâu của Nông trường và đàn trâu ngoại cũng không thể cứ nuôi “báo cô” vắt sữa mà xem, vì vậy chúng phải “đội nón ra đi”!

Cuộc chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn lần này nếu  kiêng nói thất bại thì phải nói là một tổn thất quá lớn về sức người, sức của. Thời kỳ ấy, đất nước đang tập trung giải quyết vấn đề ở biên giới Tây Nam và phía Bắc, nên huyện, tỉnh không thấy tổng kết, vì vậy mà nó dần bị lãng quên. Tuy vậy, sau này huyện cũng tự rút ra cho mình một bài học thất bại, đó là: làm theo phong trào bất chấp mọi giá để trở thành điển hình; làm theo sự áp đặt của cấp trên; sự bao cấp quá lớn tạo ra sự ỷ lại của các cấp, của người dân vào Nhà nước; các điểm chỉ đạo thứ thì được tặng, thứ thì cho không, công của xã viên là công điểm, nên không thể hạch toán được; quan trọng hơn, trong nhận thức đã thấy được chế độ kinh tế tập thể mà hệ lụy của nó là “Cha chung không ai khóc” đó chính là nguyên nhân không thể khắc phục.

Cuộc chuyển đổi lần thứ Ba 1981-1990:

Những năm đầu của thập niên 80, tình hình biên giới phía Bắc và Tây Nam đã dần ổn định, đất nước đi vào thời kỳ phục hồi kinh tế sau chiến tranh, vì vậy huyện cũng có sự chuyển biến theo. Trên diễn đàn và trên các phương tiện thông tin đại chúng đã thấy xuất hiện các cụm từ: “Quay hộp đen”, rồi “Đổi mới tư duy” và quan trọng hơn là cấp trên đã nhắc tới những vấn đề như: “Cởi trói”, “Vượt rào”, “Trăm hoa đua nở”. Trong xây dựng nông thôn lại có chủ trương lập các “Công trường thủ công”. Tất cả những quan điểm trên đã mở ra một hướng đi mới cho cấp huyện và cơ sở. Huyện đã có “đoàn ra, đoàn vào” để bàn về liên doanh liên kết làm kinh tế. Từ đó Ban Chấp hành Huyện ủy đã có một tư duy mới trong việc xác định phương hướng.

Rút kinh nghiệm từ hai lần chuyển đổi trước, lần này cấp ủy kiên quyết không để dẫm vào “vết xe đổ”. Làm gì đều có tính tới đầu vào, đầu ra của sản phẩm. Lần đầu tiên trong kế hoạch của huyện có chỉ tiêu xuất khẩu và cũng được thể hiện ra “Rup”, ra “Đô”. “Liên minh công nông” trở thành hiện thực ngay trên địa bàn huyện và bằng việc làm cụ thể. Huyện có Nhà máy Hoa quả hộp xuất khẩu và Nhà máy Mộc xẻ, khép kín qui trình từ sản xuất đến chế biến nông, lâm sản.

Với người nông dân, cái đích đi tới là có đủ lương thực, có sản phẩm hàng hóa ổn định để tăng thu nhập, có công trình thủy lợi để khai hoang ruộng nước, có trường học, trạm xá, có đường đi lại thuận tiện... đã được qui hoạch đến từng thôn xã, vì vậy họ coi đây là một cuộc cách mạng thực sự để nhanh chóng đổi đời.

Khí thế cách mạng lên cao, cả huyện sôi động như một công trường. Các bãi soi có diện tích lớn như: Đồng Mòng, Dằm Qua, Hồng Bùn được máy cày, máy ủi từ tỉnh đưa về san phẳng, xới tung thành những cánh đồng rộng đáp ứng được yêu cầu của cơ giới hóa nông nghiệp. Các công trình thủy lợi lớn được huy động nhân công nơi khác về tham gia. Vài năm sau các cánh đồng lớn như Nghĩa Đô, Vĩnh Yên, Vàn A-B... đã chủ động nước tưới, tiêu hai vụ. Vùng cao hầu hết đã có công trình thủy lợi, nhiều xã đã có đủ ruộng nước, việc chấm dứt du canh phá rừng làm nương đã trở thành hiện thực. Các cây trồng tạo ra nguồn hàng xuất khẩu như hoài sơn (củ mài), thầu dầu ve được đẩy mạnh phát triển. Vùng nguyên liệu cho Nhà máy Hoa quả hộp được hình thành. Trong vòng ba năm, gần một nghìn hec-ta dứa được trồng. Nghề phụ trong dân được phát triển như: tăm mành, chổi chít, chưng cất tinh dầu màng tang và gù hương đã góp phần đáng kể tạo ra nguồn hàng xuất khẩu và nâng cao thu nhập cho người dân.

Có thể nói cuộc chuyển đổi lần này là một thành công lớn. Ruộng nước so với trước đã tăng gấp đôi, từ 700 lên 1400 hec-ta. Công trình thủy lợi phát triển, đáp ứng chủ động tưới tiêu cho trên 70% diện tích. Xã nào cũng có trường học, trạm xá, một số xã đã có đường ô tô đến trung tâm. Vùng nguyên liệu cho sản xuất công nghiệp được hình thành ổn định. Dân đã có nghề phụ để làm. Và cái đích quan trọng nhất là đời sống của nông dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn được thay da đổi thịt. Các đoàn đến thăm thường ví “Bảo Yên như một thiếu nữ kiều diễm!”...

Nhưng!... Vâng, lại “nhưng”! Cái “vết xe đổ” lần trước không bị dẫm lên, nhưng lại tạo ra một “vết xe đổ” mới. Khuyết điểm lớn nhất của lần này là “làm lấy được”. Muốn có cánh đồng đáp ứng yêu cầu cơ giới hóa nông nghiệp, đưa máy về san phẳng, trơ phần đất củ ra, không trồng cấy được cây gì. Muốn tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, phát động toàn dân trồng củ mài và thầu dầu ve. Nhưng không tính tới việc thâm canh, nên có làm mà chẳng có ăn. Rừng già trên đỉnh dãy Con Voi bị bóc lột kiệt quệ để lấy gỗ cho Nhà máy Mộc xẻ, thế là Nhà máy cũng kiệt quệ mà chết theo. 

 Khi Đông Âu sụp đổ, Liên Xô tan rã, mất bạn hàng truyền thống đã kéo theo nhiều hệ lụy. Nhà máy Hoa quả hộp xuất khẩu bị giải thể. Tăm mành, chổi chít họ “không ăn” nữa thế là nghề phụ trong dân cũng không còn. Mất nguồn viện trợ của nước ngoài, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp. Thiếu xăng dầu, phân bón... khiến cho năng suất cây trồng giảm. Hàng trăm héc-ta dứa, được mệnh danh là cây ăn quả “nữ hoàng”, nay đành để cho “nữ hoàng” nằm chung cùng cỏ dại!

Thế là kỳ vọng thành thất vọng! Thất vọng, bi quan bao trùm là cả nước đang ở đỉnh cao của thời kỳ “Khủng hoảng kinh tế xã hội trầm trọng nhất từ trước tới nay”. Kinh tế quốc doanh của huyện chỉ còn một Lâm trường. Kinh tế tập thể hoàn toàn tan rã, ở vùng thấp một số nơi còn, nhưng chỉ là cái vỏ. Trước đây thường nói “Muốn đưa nông nghiệp, nông thôn phát triển thì phải phá thế độc canh cây lúa”, nay sau ba lần chuyển đổi, nông nghiệp Bảo Yên lại về “mo” với điểm xuất phát là “Độc canh cây lúa”!

Phần hai

CÁNH ÉN MANG MÙA XUÂN TỚI

Thất bại của ba lần chuyển đổi trước không chỉ là nỗi đau mà còn là nỗi lo canh cánh của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. Chẳng nhẽ bao năm trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo với sự trả giá bằng bao công sức của người dân để có bộ mặt nông nghiệp – nông thôn thay đổi, nay lại vào ngõ cụt ?... Thế là cuộc chuyển đổi lần thứ tư lại bắt đầu...

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, một cán bộ trung ương về thăm tỉnh có nói “Xã nhìn lên huyện, huyện nhìn lên tỉnh, tỉnh nhìn lên trung ương, vậy chẳng nhẽ trung ương nhìn ra nước ngoài?”. Nghĩa là người dân và các cấp phải tự lo lấy, Việt Nam phải tự lực tự cường mà đi lên, cấp dưới không thể cứ mãi dựa vào cấp trên, nước ta không thể cứ trông chờ vào nguồn viện trợ. Rồi trên đài, trên báo lại đưa ra một quan điểm “Phải tự cứu mình trước khi trời cứu”.  Nhận thấy đây chính là quan điểm chỉ đạo của Trung ương. Đó là phương châm hành động mới mà Ban chấp hành Đảng bộ huyện vận dụng. Những năm đầu thập niên 90, đất nước đã dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Nhà nước có các chính sách mới về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn như “Giao đất, giao rừng”, “Khoán sản phẩm”, đặc biệt là Ngân hàng Người nghèo (nay là Ngân hàng Chính sách xã hội) ra đời, trở thành bà đỡ về vốn cho nông dân. Những quan điểm mới về vận hành nền kinh tế được thể hiện rõ dần trong các nghị quyết của Đảng. Chính phủ mở hội nghị tổng kết về quá trình đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn. Trong hội nghị này, quan điểm giúp người nông dân “cái cần câu” được làm rõ. Mọi người nhận ra: “Cái sai trước đây là Nhà nước giúp dân cần câu, lại cho cả mồi và cả cá!”, nghĩa là bao cấp mọi thứ. Nay chỉ cần cho nông dân cái cần câu, dạy họ cách câu!...

Quan điểm chỉ đạo và phương châm hành động soi cho Huyện ủy ra nghị quyết về phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn.

Bài học thất bại từ ba lần chuyển đổi trước được nêu lại để cùng quán triệt. Mọi người vỡ ra rằng mọi thất bại của các lần chuyển đổi trước không phải là tại thiên tai, dịch bệnh, tại cái này, cái kia... mà chính là “Duy ý chí”, tại ta cả! Huyện chủ trương không ép dân làm theo phong trào, làm theo sự áp đặt. Không thể đem dân ra làm “vật thí nghiệm” cho các mô hình như trước đây. Để người nông dân làm chủ mảnh đất của mình; để họ ra chợ, ra biên giới - cửa khẩu... thấy ở đấy thiếu gì, cái gì bán được thì về làm thứ ấy. Huyện chỉ định hướng, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ vốn, giống tốt và đầu ra cho sản phẩm. Ai đó từ thực tế cuộc sống đã nói: Khi còn chiến tranh thì “Ra ngõ gặp anh hùng”, nay xây dựng kinh tế thì “Ra ngõ gặp khuyến nông”. Những điều tưởng là đơn giản ấy, không “đao to, búa lớn”, không “tiền hô, hậu ủng”, thậm trí còn không có cả khẩu hiệu cổ súy ở bảng tin như trước đây thế mà kết quả thật khả quan. Đến năm 1996, hầu hết nông dân các vùng đều có sản phẩm hàng hóa như: Vùng Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn có mật mía, miến đao; Vùng Thượng Hà, Điện Quan có mía đồi - mật mía; vùng Việt Tiến có cam. Hầu như từ vùng thấp đến vùng cao nơi nào cũng có lúa và ngô hàng hóa. Con trâu từ khi trở về “làm bạn” với nhà nông tưởng là yên phận cày, kéo nay bỗng trở thành hàng hóa, thành thương hiệu vùng “Trâu giống Quốc gia”, mỗi năm xuất ra ngoài tỉnh hàng nghìn con. Nhà nào cũng có vài ba con, có nhà có đàn trâu tới gần trăm con. Do đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi tăng gấp nhiều lần so với trước. Kinh tế rừng phát triển bền vững. Rừng và đất rừng được giao cho dân, người nông dân có thu nhập từ rừng. Một cây vầu, cây nứa bán cho Nhà máy Giấy đế của huyện có giá trị tương đương một cây mía to. Tiêu chí để đánh giá một xã phát triển là “Điện - Đường - Trường - Trạm”. Nhiều xã còn vượt cả bốn tiêu chí này: có nhà văn hóa, có trạm thu phát lại sóng phát thanh truyền hình; có xã còn mua được cả ô tô tải làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ và kinh tế trang trại. Mô hình kinh tế này đã làm tăng thêm hàng trăm hec-ta ruộng nước, hàng trăm héc-ta ao hồ thả cá và hàng nghìn héc-ta rừng có chủ, được phủ xanh bằng những cây có giá trị kinh tế cao. Nhiều hộ đã mạnh dạn tạo ra mô hình kinh tế tổng hợp, khép kín qui trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Thành quả của đợt chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn lần này đã mang lại một hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt và vững chắc. Đời sống nông dân được nâng lên nhiều so với trước; cơ sở vật chất ở nông thôn được tăng cường làm cho bộ mặt nông thôn Bảo Yên hoàn toàn thay đổi. Và thành công lớn nhất là đã làm thay đổi được nhận thức của nông dân. Một bộ phận lớn nông dân là đồng bào dân thộc thiểu số, từ chỗ chỉ biết sản xuất tự túc, tự cấp nay biết sản xuất hàng hóa; thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền vững tin đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Sản xuất phát triển thì tự ty, mặc cảm trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm dần- người Dao ở xã Điện Quan thường nói “Người Dao mình bây giờ chẳng kém gì người Kinh ở xã Xuân Quang- Bảo Thắng, họ có mía đồi-mật mía thì mình cũng có mật mía-mía đồi, có đường thanh, mật giọt đưa lên biên giới bán”.

Vậy lần chuyển đổi toàn là thành tích? Không hẳn là như vậy. Lần chuyển đổi này tuy không dẫm lên “vết xe đổ” của ba lần trước, nhưng lại mắc phải tâm lý “bầy đàn” chi phối. Điển hình là việc trồng mơ. Dân thấy ở Phú Thọ, Yên Bái một số nhà trồng mơ có thu nhập cao, thế là làm theo. Cơ quan Khuyến nông, Định canh - Định cư cũng phải chạy theo cung cấp giống, vốn cho dân. Kết quả là mơ nhiều quá, không tiêu thụ được, chỉ mang “cái lợi” tặng cho “những thằng cha bán giống”! Cấp trên vẫn còn áp đặt cho Bảo Yên là vùng “Cà phê”, nhưng rất may là một tỉnh bạn đi trước đã thất bại vì đưa cây cà phê lên đồi nên Bảo Yên tránh được. Và một khuyết điểm thật là hy hữu, nay nói lại thấy buồn cười: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, có cả cán bộ chủ chốt của huyện sợ rằng cứ để dân phát triển kinh tế tự do như vậy là sai với đường lối, chủ trương chính sách của Đảng. Từ đó mà “Ngăn sông cấm chợ”- không cho nông sản ra khỏi huyện, níu kéo sự tồn tại của kinh tế tập thể và còn phê nhau là “đi theo con đường Tư bản Chủ nghĩa”.

Cuối năm 2000, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đánh giá: “Nông nghiệp, nông thôn Bảo Yên đã có bước phát triển bền vững và ổn định; đời sống nông dân được nâng lên rõ rệt; cơ sở hạ tầng nông thôn được xây dựng, làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi căn bản. Nguyên nhân là Nhà nước có chính sách và cơ chế hợp lòng dân; cấp ủy, chính quyền các cấp năng động sáng tạo; sức sản xuất được giải phóng, người nông dân được làm chủ tư liệu sản xuất của mình”.

Đồng chí Đỗ Đức Thịnh, Bí thư Huyện ủy khóa XX (đương nhiệm) khẳng định: “20 năm một chặng đường không phải là dài so với lịch sử một dân tộc, nhưng với huyện Bảo Yên đây là một chặng đường hết sức có ý nghĩa, tạo ra thế và lực mới để kế thừa và phát huy những thành quả đã đạt được xây dựng quê hương Bảo Yên ngày càng phồn vinh, giàu đẹp”.                                                     

 Thành quả của 20 năm đổi mới ở Bảo Yên là một thành công lớn, chắc chắn đó là một hướng đi đúng, là sự bù đắp, trả công cho bao lần trăn trở của các thế hệ để tìm một hướng đi, nó như bình minh của một ngày mới bắt đầu!... Nhưng với Bảo Yên trong thời gian tiếp theo chắc chắn là còn rất gian nan, vì chặng đường đầu tiên trên con đường xây dựng Nông thôn mới nhiều công việc bộn bề, nhiều khó khăn còn đang ở phía trước:

Thứ nhất: Qui hoạch là mấu chốt của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Nhưng hiện nay qui hoạch của cấp xã chưa hoàn thiện: một số xã mới chỉ có qui hoạch khu trung tâm; qui hoạch đất đai, qui hoạch khu dân cư, qui hoạch thiết chế văn hóa - xã hội hầu như chưa có. Vì vậy nếu không lường trước được thì rất dễ đầu tư chồng chéo không hiệu quả, rất dễ phá đi làm lại dẫn đến lãng phí vốn đầu tư của nhà nước cũng như công sức đóng góp của nhân dân.

Thứ hai: Cơ sở hạ tầng xuống cấp rất  nhanh, dẫn đến sẽ có tình trạng khi ta hoàn thành được các tiêu chí sau thì một số tiêu chí hoàn thành trước đây đã không còn phát huy tác dụng. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là chất lượng công trình thấp; cấp xây dựng công trình không đáp ứng, chẳng hạn như đường giao thông nông thôn, nhưng xe tải nặng cứ đi lại vô tư! Một mặt khác là người dân chỉ quan tâm đến sử dụng mà quên rằng muốn sử dụng được lâu dài thì phải tu bổ, bảo vệ nó.

Thứ ba: Quan hệ sản xuất ở nông thôn hiện nay, kinh tế hộ gia đình là chủ đạo, dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, năng xuất thấp, khối lượng hàng hóa ít và không đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Kinh tế trang trại là chủ đạo của nông thôn mới còn chưa nhiều. Việc tích tụ ruộng đất cho một nền sản xuất mới chưa hình thành, vì vậy cũng chưa thể đặt ra được mục tiêu cơ giới hóa trong nông nghiệp. Ngành nghề mới trong trong nông thôn như: sản xuất nông nghiệp theo phương pháp công nghiệp, ngành nghề thủ công và sản xuất công nghiệp còn rất ít. Đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của các thành phần kinh tế còn hạn chế. Kinh tế hợp tác, liên doanh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có thể nói là chưa có. Với một quan hệ sản xuất như vậy thì Bảo Yên có cố gắng đến mức cao nhất cũng chỉ đạt được mục tiêu “xóa nghèo bền vững”, còn làm giàu vẫn là bài toán đang tìm lời giải.

 

   Phong trào chung sức xây dựng Nông thôn mới xã Việt Tiến - Bảo Yên, năm 2011

Thứ tư: Trình độ cán bộ xã hiện nay mới chỉ đáp ứng được yêu cầu quản lý công việc hành chính, còn đáp ứng yêu cầu cao hơn như tin học hóa, sử dụng Iternet để khai thác thông tin phục vụ cho yêu cầu quản lý kinh- tế xã hội còn chưa cập với yêu cầu. Nguồn nhân lực ở nông thôn hiện nay rồi dào, nhưng chất lượng còn thấp, chưa qua đào tạo; tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn cao, thời gian nông nhàn còn dài dẫn đến thu nhập thấp; vì vậy rất cần có sự di chuyển lao động sang các ngành nghề khác.

Thứ năm: Một số tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số như: tâm lý “đủ ăn” là mãn nguyện, phương thức sản xuất quảng canh, tập tục thả rông gia súc, di dịch cư tự do, kết hôn cận huyết và tảo hôn v.v... là một cản trở rất lớn cho công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu: Bảo Yên hiện nay tuy không còn là một huyện nghèo, nhưng mặt bằng thu nhập của nông dân còn thấp, vì vậy việc huy động nguồn lực (vốn đối ứng) cho Chương trình xây dựng Nông thôn mới là rất khó khăn. Rồi cảnh quan môi trường, bảo tồn văn hóa dân tộc và tệ nạn xã hội đều là những vấn đề phải quan tâm.

Với 30 năm công tác tại Bảo Yên, tôi muốn lượm lặt, nêu những vấn đề trên, để có thể thấy rằng xây dựng Nông thôn mới ở một huyện miền núi, dân tộc như Bảo Yên không phải là con đường dễ đi, dễ đến. Cái khó hôm nay có khi còn gấp bội ngày xưa. Nhìn lại những việc làm cách đây ba, bốn mươi năm có thể cho là ấu trĩ. Nhưng dù vậy thì đấy là cái ấu trĩ đáng trân trọng, là bài học bổ ích cho hôm nay. Bởi những suy nghĩ, những bước đi, giải pháp của các thế hệ lãnh đạo tuy khác nhau nhưng mục đích chỉ có một, đó là vì một cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho người nông dân. Các thế hệ lãnh đạo của huyện qua các thời kỳ đều xuất phát từ cái tâm trong sáng vì nhân dân, không vụ lợi...; còn với người dân Bảo Yên, cái chí vươn lên để thoát khỏi đói nghèo, xây dựng cuộc sống mới chưa bao giờ tắt!... Có lẽ đây là vốn quí nhất, là hành trang để Bảo Yên vượt qua con đường gập ghềnh xây dựng nông thôn thôn mới.

Khi bài viết này vừa xong thì Nhâm Thìn đã đến! Bảo Yên đã triển khai chương trình Xây dựng Nông thôn mới  được gần hai năm. Đến nay, nhiều tiêu chí  đã hoàn thành. Đó là một tín hiệu vui, như cánh én mang mùa xuân đến, như cây đời nảy lộc vào xuân! Niềm tin vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, như hơi ấm của mùa xuân ùa đến mọi nhà!

                                           

                                                                   

 

Nguyên Bí thư Huyện uỷ Bảo Yên

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang