Những ngày đầu thành lập và hành trình vượt khó đi lên
Lượt xem: 513

Huyện Bảo Yên được thành lập theo Quyết định số 177-CP ngày 16/12/1964 của Hội đồng Chính phủ, ngày 03/3/1965 các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện chính thức đi vào hoạt động. Với hành trang ban đầu vẻn vẹn 17 chi bộ với 305 đảng viên, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, đến nay trải qua 47 năm xây dựng và phát triển với bao thăng trầm, biến cố của lịch sử, vượt qua mọi khó khăn và thử thách - Bảo Yên hôm nay đã có bước phát triển vượt bậc, trở thành điểm sáng của toàn tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là vị trí cửa ngõ của tỉnh Lào Cai.

Khi thành lập huyện Bảo Yên có tổng diện tích 82.791 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp 8.500 ha, đất lâm nghiệp 39.800 ha; dân số toàn huyện 15.424 người, gồm 6 dân tộc (Tày: 48,2%, Dao: 33%, Kinh: 16%, Nùng: 1,8%, Xá Phó: 0,7%, Mông: 0,3%); về địa lý hành chính, huyện Bảo Yên có 17 xã gồm 14 xã thượng huyện Lục Yên tách ra: Cộng Hòa, Quang Vinh, Minh Tân, Quyết Tiến, Hạnh Phúc, Long Khánh, Hòa Bình, Vĩnh Yên, Nghĩa Đô, Tân Tiến, Dân Chủ, Lương Sơn, Việt Tiến, Long Phúc và 03 xã tách ra từ huyện Văn Bàn: Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn. Đến ngày 03-4-1965, Bộ nội vụ ra Quyết định số 125/NV đổi tên 6 xã của huyện Bảo Yên: Cộng Hòa thành Điện Quan, Hạnh Phúc thành Phố Ràng, Hòa Bình thành Xuân Hòa, Quang Vinh thành Thượng Hà, Quyết Tiến thành Tân Dương, Dân Chủ thành Xuân Thượng. Ngày 11-01-1986, theo Quyết định số 03/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, thị trấn Phố Ràng - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của huyện được thành lập trên cơ sở một phần diện tích của xã Phố Ràng (các thôn: Ràng, Lự 1, Lự 2, Sài và các đội 2, 4, 6 của Nông trường Quốc doanh Bảo Yên) và khu vực Soi Bầu của xã Xuân Thượng. Phần còn lại của xã Phố Ràng thành lập xã mới là xã Yên Sơn. Như vậy huyện Bảo Yên ngày nay bao gồm 17 xã và 1 thị trấn.

Về cơ sở vật chất, qua 10 năm xây dựng CNXH (1954 - 1964), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Lục Yên và Văn Bàn, các xã thuộc huyện Bảo Yên mới đã đạt được một số kết quả bước đầu, tạo tiền đề cơ sở quan trọng để Bảo Yên bước vào giai đoạn phát triển mới với vai trò là một đơn vị hành chính độc lập. Khi thành lập, toàn huyện Bảo Yên có 50 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp với 2.030 hộ xã viên, chiếm 77,6% số hộ nông dân. Huyện được phân thành 2 vùng kinh tế: Vùng thấp gồm 32 HTX có nhiệm vụ tập trung thâm canh tăng năng suất lúa, tích cực khai hoang mở rộng diện tích, đẩy mạnh chăn nuôi, xây dựng cơ sở phục vụ thâm canh. Vùng cao gồm 18 HTX, phương hướng chủ yếu là vận động định canh, định cư, đẩy mạnh khai hoang ruộng bậc thang làm nương thâm canh, phát triển chăn nuôi gia súc và nghề rừng,... Mặc dù đã được định hướng, phân vùng, song nhìn chung sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn là độc canh cây lúa một vụ, sử dụng giống lúa địa phương, trình độ canh tác hạn chế nên năng suất, chất lượng và sản lượng đạt thấp, tình trạng thiếu đói lúc giáp hạt vẫn thường xuyên xảy ra. Các thế mạnh của kinh tế miền núi là nghề rừng, cây ăn quả, chăn nuôi chưa phát huy được hiệu quả. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, mới chỉ tập trung vào một số lĩnh vực như sản xuất gạch, ngói, vôi và một số loại nông cụ đơn giản phục vụ sản xuất nông nghiệp,... Lĩnh vực văn hóa - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, toàn huyện mới có một số trường, lớp cấp I, cấp II chưa có trường cấp III, gần 40% dân số trong huyện không biết chữ; công tác y tế còn nhiều bất cập, toàn huyện chưa có bác sĩ, một số xã có trạm xá, song cán bộ chủ yếu mới có trình độ sơ cấp hoặc qua tập huấn ngắn hạn, tình trạng nuôi gia súc dưới gầm sàn vẫn phổ biến nên còn nhiều loại dịch bệnh phát sinh ,...

 Khó khăn về kinh tế, xã hội là vậy, song những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện, trụ sở làm việc của bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể của huyện mới còn bức thiết hơn rất nhiều, tất cả chỉ là con số “không” tròn trĩnh. Cái mà các đồng chí lãnh đạo huyện có lúc bấy giờ chỉ là Quyết định thành lập huyện mới và quyết định phân công nhiệm vụ các đồng chí trong Ban cán sự. Theo lời kể của đồng chí Đặng Viết Hiếng[1]: “Ngày 03/3/1965, sau khi ăn cơm sáng xong, cuộc họp Huyện ủy đầu tiên được tổ chức ngay trên sạp nứa. Mọi người ngồi quây quần chăm chú nghe anh Hách đọc Quyết định thành lập huyện Bảo Yên gồm một số xã của huyện Văn Bàn và các xã vùng thượng huyện Lục Yên,... và công bố Quyết định phân công các đồng chí ủy viên Ban cán sự phụ trách các ngành, như: đồng chí Kiếu: Chính quyền; đồng chí Hỷ: Công an; đồng chí Nha: Huyện đội; đồng chí Hạt: Tổ chức; đồng chí Cận: Mặt trận; đồng chí Chính: Huyện Đoàn; và nữ đồng chí Chúc: Chủ tịch Hội phụ nữ huyện, đồng thời công bố danh sách phân công cán bộ về các cơ quan, các ngành của huyện. Tất cả lãnh đạo và cán bộ công nhân viên của huyện lúc đó chỉ có hơn 20 người[2].

Do chưa có trụ sở làm việc, nên các cơ quan của huyện phải liên hệ nhà dân, vừa làm nơi làm việc, vừa là nơi ở. “Trụ sở” làm việc của Huyện ủy được đóng tại nhà ông Tạ Doanh; Ủy ban nhân dân huyện đóng tại nhà ông Hát (nay là khu Bệnh viện đa khoa huyện); các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đóng tại các nhà dân xung quanh. Ở nhờ nhà dân một thời gian, các cán bộ (kể cả lãnh đạo) đã lên rừng khai thác vật liệu về làm nơi làm việc, khu đất được chọn là khu đồi sát bờ sông gần chân Đồn Phố Ràng. Gọi là “trụ sở làm việc” nhưng thực chất chỉ là những lán gồm 4 cột ngoãm lợp ranh, bàn làm việc được làm bằng nứa. Phòng làm việc đồng thời cũng là nơi ở của các đồng chí cán bộ.

Huyện mới đi vào hoạt động được vài tháng thì đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Các cơ quan của huyện vừa tạm thời ổn định lại phải di chuyển vào hang đá, hẻm núi dựng lán trại để ở và làm việc. Trong hoàn cảnh khó khăn chồng chất như vậy nhưng Huyện ủy vẫn tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và lập trận địa bắn máy bay địch. Hơn một vạn đồng bào các dân tộc trong huyện và gần 600 đảng viên đã kề vai sát cánh, chia ngọt xẻ bùi vượt qua mọi khó khăn để sản xuất, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chi viện sức người sức của cho miền Nam ruột thịt.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể huyện dân đi vào hoạt động ổn định. Nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là làm sao lo cho dân có đủ cái ăn, cái mặc. Nhưng với một huyện miền núi, thuần nông, xuất phát điểm thấp như Bảo Yên hướng đi nào là phù hợp khi mà những năm 1965 - 1968 mô hình: Nghề rừng, cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi với việc nuôi dê và trồng cây đỗ tương làm mũi nhọn đã không thành công, những năm 1969 - 1975 mô hình: Nghề rừng, cây công nghiệp dài ngày và chăn nuôi đại gia súc với việc nuôi trâu và trông cây lai làm đột phá đã thất bại cay đắng,... Huyện mới đã đi vào hoạt động được 10 năm nhưng bao nỗ lực, bao công sức của cấp ủy, chính quyền và người dân tổng kết lại vẫn không khác gì so với xuất phát điểm.

Trăn trở tìm cho mình một hướng đi phù hợp với đích đến là có đủ lương thực, thực phẩm, có sản phẩm hàng hóa ổn định để tăng thu nhập cải thiện cuộc sống nhân dân, có trường học, trạm xá, giao thông đi lại thuận tiện,... sau bao chuyến đi thăm quan học hỏi kinh nghiệm, bao mô hình trình diễn, bao cuộc họp Ban Chấp hành, Ban Thường vụ cuối cùng Bảo Yên đã xác định được cho mình một cơ cấu kinh tế thích hợp, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương đó là đa dạng hóa các loai hình kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp và thủ công nghiệp, trong đó tập trung  cho một số mặt hàng có khả năng xuất khẩu như dứa, tăm mành,... chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII (1982) xác định: đẩy mạnh sản xuất nông - lâm nghiệp, thủ công nghiệp. Đưa nông nghiệp tiến lên một bước theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Trọng tâm, cấp bách là sản xuất lương thực, thực phẩm, coi trọng sản xuất hàng xuất khẩu và hàng tiêu dùng, giải quyết vững chắc vấn đề ăn mặc, từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

Với quyết tâm thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo đồng loạt các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, các địa phương và cả hệ thống chính trị đồng loạt ra quân, biến quyết tâm thành hành động cách mạng. Cùng với việc thực hiện Chỉ thị 100, Nghị quyết 10 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới cơ chế quản lý trong nông nghiệp, đến năm 1990 Bảo Yên đã thực sự có bước chuyển mình quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Diện tích lúa nước tăng từ 700 ha lên 1.400 ha, hầu hết các xã đều đã có công trình thủy lợi, đảm bảo đáp ứng đủ nước tưới tiêu cho 70% diện tích; các cây trồng tạo nguồn hàng xuất khẩu như hoài sơn (củ mài), thầu dầu ve được đẩy mạnh mở rộng diện tích; vùng nguyên liệu cho Nhà máy Hoa quả hộp xuất khẩu được hình thành; các nghề phụ trong dân như: tăm mành, làm chổi chít, chưng cất tinh dầu thực vật,... đã góp phần đáng kể cải thiện và từng bước nâng cao thu nhập cho nhân dân; các xã đều đã có trường học, trạm xá, một số xã có đường ô tô đến trung tâm,...

Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đạt được trong thời kỳ này là tiền đề cơ sở, là động lực tạo nên sức mạnh để Bảo Yên vượt qua những khó khăn, thử thách trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX khi mà Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu sụp đổ kéo theo hệ lụy đối với Bảo Yên là Nhà máy hoa quả hộp xuất khẩu giải thể, một số mặt hàng xuất khẩu như tăm mành, chổi chít,... không còn nơi tiêu thụ. Không chịu khuất phục khó khăn, một lần nữa Đảng bộ huyện tiếp tục tập trung trí tuệ tập thể, phát huy tinh thần đoàn kết và những kinh nghiệm tích lũy được sau hơn 20 năm kể từ ngày thành lập để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công cuộc đổi mới ở địa phương. Với phương châm: Để người nông dân làm chủ mảnh đất của mình, chỉ trong một thời gian ngắn toàn bộ diện tích đất hoang hóa đã không còn, người dân tự chủ cây, con, tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Tình trạng thiếu đói đã cơ bản được giải quyết, các địa phương đều có sản phẩm hàng hóa đặc trưng của mình: mật mía, miến đao ở Bảo Hà, Kim Sơn, Cam Cọn; ngô ở Điện Quan, Thượng Hà; cam, hồng ở Việt Tiến, Long Khánh; trâu ở Vĩnh Yên, Thượng Hà, Điện Quan,...; ngoài “Điện - đường - trường - trạm” nhiều xã đã có nhà văn hóa, trạm thu phát sóng truyền thanh truyền hình; mô hình kinh tế hộ và kinh tế trang trại ngày càng được nhân rộng.      

Những thành quả đạt được sau gần nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành của huyện Bảo Yên, trong đó có hơn 20 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng là hết sức to lớn, thể hiện nỗ lực vượt khó đi lên của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên. Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XIX trình Đại hội lần thứ XX (năm 2010) khẳng định: Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song với sự đoàn kết thống nhất cao trong Đảng bộ, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, đúng đắn của Ban Chấp hành, trên cơ sở xác định đúng tiềm năng, thế mạnh, những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, Bảo Yên đã vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, tạo sự chuyển biến rõ nét trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 13,84 %/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 còn 13,38 %, đời sống của nhân dân các dân tộc trong huyện ngày càng được nâng cao về cả vật chất và tinh thần. Văn hoá - xã hội có bước phát triển mới, sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với phát triển văn hoá, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn được chú trọng.

Vượt qua những khó khăn, thử thách của những ngày đầu thành lập, qua cuộc hành trình gần 50 năm vượt khó đi lên với những thành công và cả những thất bại sẽ là những bài học quý để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên vận dụng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới, đặc biệt trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương hiện nay.

 

 



[1]               Nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Phó chủ tịch UBND huyện

[2]               Trích “Bảo Yên người và đất”, Xb năm 1999, trang 26.

Nguyên Bí thư Huyện uỷ Bảo Yên

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang