Bảo Yên thời kỳ là một bộ phận trực thuộc
Lượt xem: 208

Trong tiến trình lịch sử cách mạng huyện Bảo Yên, thời kỳ 1947 - 1965 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là chặng đường đầy gian lao, thử thách nhưng cũng rất vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của “Ban Huyện ủy” Lục Yên, sau này là Đảng bộ huyện Lục Yên - tiền thân của Đảng bộ huyện Bảo Yên ngày nay, nhân dân các dân tộc vùng thượng huyện Lục Yên (Bảo Yên ngày nay) đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống và tinh thần yêu nước làm nên những chiến công vang dội như chiến thắng Phố Ràng (1949), chiến thắng Nghĩa Đô (1950),... đồng thời thực hiện cuộc cải cách dân chủ gắn với xây dựng và củng cố các hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội tạo điền đề cơ sở vững chắc cho bước phát triển tiếp theo của huyện Bảo Yên với tư cách là một đơn vị hành chính độc lập.

Ngược dòng lịch sử, ngày 22-4-1947 Tỉnh uỷ Yên Bái ra Nghị quyết thành lập “Ban Huyện uỷ” Lục Yên gồm 3 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hữu Minh được Tỉnh uỷ Yên Bái giới thiệu làm Bí thư. Ban Huyện uỷ Lục Yên được thành lập đánh dấu bước trưởng thành, phát triển của tổ chức Đảng huyện Lục Yên nói chung, vùng thượng huyện (Bảo Yên ngày nay) nói riêng, từ đây nhân dân các dân tộc trong vùng đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau khi Ban Huyện ủy ra đời, công tác phát triển Đảng được đẩy mạnh khắp các vùng trong huyện, đến tháng 9-1948, toàn huyện Lục Yên đã có 27 chi bộ với 651 đảng viên, trong đó vùng thượng huyện có 101 đảng viên sinh hoạt ở 4 chi bộ, đó là các chi bộ: Điện Long, Xuân Kỳ, Cộng Hòa và Lương Khánh. Trải qua 18 năm với 6 kỳ Đại hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện Lục Yên đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân các dân tộc huyện Lục Yên nói chung, các xã vùng thượng huyện nói riêng đã có bước phát triển đáng kể. Do là những xã vùng cao của huyện, mặt bằng dân trí và đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, số lượng đảng viên ít, nhiều xã không có đảng viên nên trong các kỳ Đại hội, Đảng bộ huyện Lục Yên luôn xác định đối với các xã vùng thượng huyện bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội phải đặc biệt quan tâm tới việc bồi dưỡng, giáo dục quần chúng để phát triển đảng viên mới, thành lập các chi bộ mới để lãnh đạo phong trào cách mạng. Thông qua các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào tiễu Phỉ (1948 - 1954), cải cách dân chủ (1954 - 1960), xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp (1960 - 1965),… nhiều quần chúng ưu tú đã được phát hiện, bồi dưỡng, giáo dục để kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Đến năm 1965, khi huyện Bảo Yên được thành lập, toàn Đảng bộ đã có 305 đảng viên sinh hoạt ở 17 chi bộ xã (tính cả 3 xã Kim Sơn, Cam Cọn, Bảo Hà).

Sự ra đời của các chi bộ xã là cơ sở quan trọng, tạo động lực thúc đẩy hoạt động của chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, thu hút đông đảo quần chúng đoàn viên, hội viên, tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Về kinh tế, từ năm 1951, các xã vùng thượng huyện (Bảo Yên ngày nay) luôn là những địa phương dẫn đầu huyện, một số xã dẫn đầu tỉnh về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phong trào khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích canh tác, phong trào cấy lúa chiêm, áp dụng một số biện pháp mới như làm thủy lợi, bón phân hữu cơ,… Năm 1957 diện tích cây lương thực 14 xã thượng huyện đạt trên 1.500 ha, sản lượng đạt trên 3.000 tấn. Từ năm 1958, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về Cuộc vận động xây dựng hợp tác xã gắn với cải cách dân chủ, Đảng bộ huyện Lục Yên đã chỉ đạo chi bộ, UBHC các xã khẩn trương, tích cực triển khai với quan điểm chỉ đạo: nhẹ nhàng, đơn giản, sâu sắc, triệt để, đảm bảo đường lối giai cấp và chính sách đoàn kết các dân tộc. Thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBHC huyện Lục Yên, các xã vùng thượng huyện đã khẩn trương tiến hành triển khai điều tra nắm tình hình tư tưởng của nhân dân, nắm dân số, số ruộng đất, trâu và các tư liệu sản xuất khác nhằm lên phương án xây dựng các hợp tác xã ở địa phương. Kết quả đến năm 1960 tất cả các xã đều đã thành lập được từ 2 HTX trở lên (riêng xã Tân Tiến mới thành lập được 1 HTX), tỷ lệ hộ nhân dân tham gia hợp tác xã đạt gần 90%. Khi thành lập huyện Bảo Yên năm 1965, toàn huyện có 50 HTX nông nghiệp với trên 90% số hộ nông dân tham gia. Hợp tác hóa và con đường làm ăn tập thể đã đem lại một luồng sinh khí mới cho sản xuất nông nghiệp các địa phương, qua các năm sau ngày thành lập, năng suất, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên. Năm 1965, huyện mới Bảo Yên gieo cấy được 3742 ha cây lương thực, sản lượng đạt gần 6.000 tấn, góp phần từng bước cải thiện đời sống nhân dân, bình quân đầu người năm 1965 đạt 490 kg/người/năm. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ, toàn huyện có 18 lò vôi, 6 lò gạch, 64 sân phơi, 14 nhà làm phân bón; các hợp tác xã được trang bị 737 cày 51 và 58, 1.591 bừa sắt, 117  xe cải tiến, 127 quạt hòm,… năm 1965 huyện Bảo Yên sản xuất được 22 vạn viên gạch, 267 tấn vôi. Về lâm nghiệp, bình quân mỗi năm vùng thượng huyện Lục Yên khai thác hàng vạn m3 gỗ, gần 30 vạn cây tre, nứa,… 

Trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng lối sống mới, con người mới, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Lục Yên, chi bộ các xã vùng thượng huyện đã chỉ đạo chính quyền và các đoàn thể quần chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng nếp sống mới. Phân công các đảng viên, hội viên phụ trách thôn bản, xuống từng thôn xóm, hộ dân để tuyên truyền, vận động các hộ gia đình ăn ở hợp vệ sinh, kiên quyết bài trừ mê tín, dị đoan, các hủ tục lạc hậu không phù hợp với lối sống mới. Qua đó đã bước đầu hình thành những cơ sở đầu tiên của đời sống văn hóa xã hội chủ nghĩa ở địa phương, nhân dân đã tích cực hơn trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, hạn chế dần các hiện tượng mê tín, dị đoan. Một số xã đã thành lập đội văn nghệ cùng với Ban văn hóa xã chủ động xây dựng các hạt nhân văn nghệ từ các tổ, đội sản xuất để tổ chức các buổi biểu diễn phục vụ nhân dân trong những ngày lễ, tết,…

Trong công tác giáo dục, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBHC huyện Lục Yên, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể các xã vùng thượng huyện đã rất quan tâm đến lĩnh vực giáo dục. Do điều kiện kinh tế khó khăn, cơ sở vật chất trường lớp học còn thiếu thôn, các xã đã vận động, kêu gọi sự ủng hộ của các hợp tác xã về vật chất, ngày công để được tu sửa, làm mới trường, lớp học nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học của con em các dân tộc. Số lượng học sinh đi học và chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao. Từ chỗ chỉ có 2 lớp học của thời kỳ Pháp thuộc ở Nghĩa Đô và Việt Tiến, đến năm 1965, toàn huyện Bảo Yên đã có 6 trường cấp I và 01 trường cấp II, bên cạnh đó còn có một số lớp bổ túc văn hóa và xóa mù chữ. Đội ngũ giáo viên có trên 50 thầy, cô giáo, chủ yếu là giáo viên miền xuôi tình nguyện lên miền núi dạy học. Công tác bảo vệ và chăm lo sức khỏe cho người dân được cấp ủy, chính quyền các xã xác định là nghĩa vụ, đồng thời là mục tiêu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở địa phương. Cán bộ y tế cơ sở thường xuyên được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Trong điều kiện các loại thuốc tây còn thiếu thốn, trạm y tế cac xã phối hợp với chính quyền, các đoàn thể đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, tích cực phòng chống dịch bệnh, kết hợp tốt việc chữa bệnh bằng thuốc tây và các loại thuốc nam của đồng bào. Kiên quyết loại bỏ tình trạng mời thầy về cúng khi trong gia đình có người mắc bệnh.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, thời kỳ 1947 - 1965 là thời kỳ đầy biến động với những bước ngoặt quan trọng trong tiến trình lịch sử của vùng đất Bảo Yên. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, với sự giúp sức của quân Anh, thực dân Pháp quay trở lại tái chiếm nước ta, chỉ trong một thời gian ngắn chúng đã chiếm hầu hầu hết các tỉnh Nam Bộ. Từ cuối năm 1946 chúng mở rộng phạm vi chiếm đóng ra các tỉnh miền Bắc trong đó có các tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Ở vùng thượng huyện Lục Yên (Bảo Yên ngày nay), mặc dù du kích địa phương cùng với Trung đoàn Lao Hà (E165) đã chiến đấu kiên cường nhưng trước hỏa lực mạnh của địch ngày 27-2-1948 thực dân Pháp đã chiến được Đồn Nghĩa Đô, ngày 06-3-1948 chiếm Đồn Phố Ràng và một số vị trí xung yếu khác. Hưởng ứng lời kêu gọi “toàn quốc kháng chiến” của Trung ương Đảng, với truyền thống yêu nước chống ngoại xâm, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Lục Yên, nhân dân các dân tộc vùng đất Bảo Yên tiếp tục bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và làm nên những chiến công vang dội, tiêu biểu là chiến thắng Phố Ràng, chiến thắng Nghĩa Đô lịch sử, góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước giành thắng lợi quyết định trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.

18 năm là khoảng thời gian không dài so với lịch sử 65 năm xây dựng và phát triển của Đảng bộ huyện Bảo Yên, nhưng đây là khoảng thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tiền đề cơ sở, là động lực để Bảo Yên bước vào thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng và phát triển với tư cách là một đơn vị hành chính độc lập. Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Bảo Yên đạt được từ năm 1965 đến nay chính là sự kế thừa xuất sắc những giá trị mà các thế hệ cha anh dày cộng tạo dựng thời kỳ 1947 - 1965./.

 

Nguyên Bí thư Huyện uỷ Bảo Yên

Tin tức
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN BẢO YÊN TỈNH LÀO CAI

Chung nhan Tin Nhiem Mang